Từ thuở học sinh trường huyện tôi đã say mê Bài ca Chim Chơ rao của Thu Bồn. Bài thơ hơn 900 câu mà chú bé học lớp 9 như tôi hồi đó đọc đến thuộc lòng: Ngọn sóng qua đây thành lưỡi búa/ Ngọn gió qua đây thành mũi lao/Cánh chim qua đây thành con tuấn mã/ Tờ giấy qua đây thành trang sử đỏ… Sau này làm văn chương tôi mới nghiệm ra những câu thơ này đúng là chất thơ Thu Bồn. Thuở sinh viên ở Hà Nội, tôi đọc nằm lòng bài thơ Gửi lòng con đến cùng Cha trong những ngày Bác Hồ mất: Cho con núi rộng sông dài/ Cho con lưỡi kiếm đã mài ngàn năm… Thế rồi số phận xui tôi may mắn được gặp nhà thơ Thu Bồn mà mình ngưỡng mộ. Đó là dịp anh về Huế chơi đầu năm 1980. Lúc đó tôi là nhà thơ trẻ, ngồi chầu rìa ngắm Thu Bồn uống rượu cùng bạn bè là những nhà thơ nhà văn lừng danh, như: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ… Anh cao lớn, nói năng hào sảng. Đọc thơ hào sảng. Uống hào sảng… Dịp đó anh quen một cô gái làm nghề nhiếp ảnh trẻ đẹp tên là Châu. Cô Châu chở anh đi thăm lăng tẩm, đền đài Huế mấy ngày liền. Nhờ thế, mà khi xa Huế Thu Bồn có bài thơ về Huế cho Tạp chí Văn nghệ Bình Trị Thiên. Đó là bài Tạm biệt Huế nổi tiếng: Nón rất Huế mà đời không phải thế /mặt trời lên từ phía nón em nghiêng …/con sông dùng dằng con sông không chảy / sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu… / tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng / anh trở về hoá đá phía bên kia… Nhiều người nhận xét đây là một trong những bài thơ hay nhất viết về Huế. Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến cách “gây men thơ” rất hiệu quả của Thu Bồn! Yêu để có thơ như vậy thật đáng “đồng tiền bát gạo”. Mà Thu Bồn thì có đến mấy chục nàng thơ như thế…
Trang bìa cuốn sách tập hợp những bài viết về Thu Bồn, NXB Hội Nhà văn 2013
Năm 1989, lần đầu tiên tôi được dự Đại hội Nhà văn Việt Nam. Đây là Đại hội lần 4 của các nhà văn Việt Nam hiện đại. Chúng tôi họp ở Hội trường Ba Đình, còn nghỉ tại Nhà khách Trung ương ở phố Chu Văn An. Một buổi chiều họp xong, mặc mọi người đi xe đưa đón, anh Thu Bồn và tôi đi bộ thong thả từ hội trường về nhà khách. Anh Thu Bồn cao, tôi thì thấp, hai anh em đi bên nhau như người lớn đi với trẻ con. Thu Bồn kéo tôi vô cái quán trên phố Chu Văn An. Hai anh em ngồi, anh gọi xị rượu nhâm nhi vài chén. Anh hỏi tôi quê ở mô. Tôi bảo ở Ngư Thủy, Quảng Bình, mẹ tôi người Vĩnh Linh, Quảng Trị. Anh bảo mình có về Quảng Trị rồi. Đợt ấy về làng của anh hùng Trần Thị Tâm. Viết được tiểu thuyết Dưới đám mây màu cánh vạc. Không biết Ngô Minh đã đọc chưa? Tôi bảo em đọc rồi. Sau này đọc bài viết của nhà văn Ngô Thảo, tôi mới biết được biết rằng Thu Bồn hồi đó chỉ ghé lại Triệu Hải, quê anh hùng Trần Thị Tâm ít ngày. Vậy mà anh đã viết được cuốn tiểu thuyết dày, nối tiếng, được nhà xuất bản Thanh niên cho tái bản và dịch ra tiếng Nga. Thu Bồn bảo, mình chỉ kiếm được bản thành tích của Trần thị Tâm, có gặp mấy người thân của chị, thế mà viết được. Tôi nghĩ anh viết được vì anh có vốn sống phong phú trong bao năm chiến trường đất Quảng. Rồi anh lại hỏi tôi: “Ngô Minh hồi chiến tranh đi vô Miền Đông Nam Bộ hết mấy tháng”. Tôi bảo đi hết 100 ngày. Anh khen nhỏ con như cậu mà đi như thế là giỏi. Rồi anh kể chuyện anh cùng vợ và con đi bộ vượt Trường Sơn từ B3 ra Hà Nội, cũng gần hai tháng. Sau này tôi đọc ở đâu đó, có bài báo kể về chuyến vượt Trường Sơn này của Thu Bồn, rằng anh đi với người vợ đầu của mình, chị tên là Thanh Thu, bác sĩ, một đứa con trai dắt tay, cháu tên là Hùng, một đứa con trọng bụng mẹ. Sau này, cậu con trai thứ hai ra đời, Thu Bồn đặt tên là Băng Ngàn (Hà Băng Ngàn, vì anh tên là Hà Đức Trọng), chắc là để kỷ niệm chuyến đi lịch sử ấy của gia đình. Vì cháu Hùng lúc ấy còn bé, không thể đi bộ cả ngày được, nên Thu Bồn phải nghĩ ra cách khoét đáy ba lô thành hai lỗ, cho con ngồi vào, thò chân ra ngoài, rồi gùi như gùi gạo… Một điều anh không kể mà sau này bạn bè nói tôi biết là cháu bé Băng Ngàn ấy bị nhiễm chất độc da cam, nên sau này lớn lên bị tâm thần, chữa mãi không lành được. Hiện nay anh Hà Băng Ngàn đang sống cùng với mẹ ở Sài Gòn.
Đầu năm 1994, Phùng Quán “hành phương Nam” mấy tháng. Một buổi sáng, anh Quán mặc chiếc áo khoác bằng thao hay đũi màu lam sáng, sang lắm, khuy bấm kiểu Tàu đến dự ngày gặp gỡ đầu năm mới của Tạp chí Sông Hương ở gần cửa Thượng Tứ. Đến nơi, anh đưa bút dạ xanh đỏ bảo mọi người ký vào tấm áo anh đang mặc. Ký vào đâu cũng được. Tất cả văn nghệ sĩ Huế có mặt sáng đó như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Ý, Thái Ngọc San, Nguyễn Khắc Phê,Hà Khánh Linh v.v… đều ký. Tôi sán đến coi, đã có hàng chục chữ ký của anh em ở TP Hồ Chí Minh ở sau lưng, trước ngực. Trong đó có hai chữ ký gần nhau trên ngực áo là Thu Bồn và Lý Bạch Huệ (vợ sau của Thu Bồn). Tôi giành bút ký vào chỗ cổ áo phía trên ngực. Anh Quán kể, áo này là do vợ chồng Thu Bồn dẫn đi Chợ Lớn mua để anh em bạn bè ký kỷ niệm mừng ngày Phùng Quán trở lại với trường văn trận bút. Cái áo Thu Bồn may cho ấy theo Phùng Quán ra Hà Nội, xuống Thái Bình, Hải Phòng… với hàng ngàn chữ ký của anh em văn nghệ ba miền. Năm 1995, khi Phùng Quán mất, anh đã mặc chiếc áo ấy về cõi âm, để mãi mãi anh có bạn bè bên cạnh…
Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất Thu Bồn (17/6/2003-2013)
Một kỷ niệm với Thu Bồn mà tôi không bao giờ quên là việc tôi ứng tác thơ về anh. Hồi đó Hội nghị Nhà văn miền Trung họp ở Đà Nẵng, hình như là năm 1997. Họp xong anh em được Ban tổ chức cho đi thăm Trà Kiệu, di tích Mỹ Sơn. Xe ca 46 chỗ ngồi chở. Tôi ngồi ghế cạnh anh Thu Bồn. Khi đi thì ai cũng nói chuyện về Trà Kiệu, về cái Linga cao to hơn người. Có người nói cái Linga Trà Kiệu ấy cao hơn Ngô Minh, phải bằng nhà thơ Thu Bồn. Thu Bồn dang tay cười sảng khoái lắm. Sau đó tôi đọc thơ Xuân Sách “vẽ” chân dung một số nhà văn. Tôi đọc bài viết về Thu Bồn: Chim Chơ rao cất cánh ngang trời/ Tình như chớp trắng cháy liên hồi/ Đám mây cánh vạc tan thành nước/ Mà đất ba dan vẫn khát hoài… Có người bình, trong 100 bài thơ chân dung của Xuân Sách, chỉ vài ba người được ca ngợi, trong đó có Thu Bồn. Mọi người lại vỗ tay. Bỗng anh Thu Bồn quay sang tôi, bảo: “Ngô Minh biết làm thơ chân dung như Xuân Sách không, làm thử coi?”. Tôi cười bảo, em không dám, không dám! Nhưng với anh Thu Bồn, em xin ứng tác. Mọi người vỗ tay tán thưởng. Tôi nghĩ ngay đến sông Thu Bồn, đến câu ca dao Quảng Nam quê anh:Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Lòng ta thương nhớ bạn nước mắt và lộn cơm… liền đọc: Em là mây phủ Sơn Trà / Sóng dồn Cửa Đại, nước ra Thu Bồn”. Mọi người vỗ tay rầm rầm. Nhà thơ Thạch Quy reo nhảy lên, đầu bị đụng trần xe té ngã. Anh Thu Bồn quay sang ôm chặt lấy tôi khen: “Giỏi! Giỏi! Giỏi!”. Anh ôm chặt đến nỗi tôi tưởng như nghẹt thở…
Đại hội Nhà văn Việt Nam tháng 7-2015 ở Hà Nội, có một hàng sách ở cửa bán giá phục vụ đại biểu. Tôi mua một cuốn “Tuyển thơ Thu Bồn” mới ấn hành năm 2015 do Ngô Thảo, Trung Trung Đỉnh, Đoàn Ngọc Thu tuyển chọn. Cuốn sách dày tới 328 trang khổ lớn mà chỉ 75 .000 đồng. Đêm về phòng nghỉ, đọc thơ, lại nhớ Thu Bồn, nhớ cái chất thi sĩ, hiệp sĩ lãng tử ngang tàng của anh. Ta cũng là trăng luôn mắc lưới / vớt lên ướt hết nửa cuộc đời…
Ngô Minh – Vanvn.net