Nhớ đến Nguyễn Đình Lạp là chúng ta nhớ đến những nhà văn tài hoa đã sớm ngã xuống trong kháng chiến chống Pháp và hàng chục nhà văn hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Bài học từ cuộc đời và tác phẩm của họ hy vọng được thế hệ cầm bút trẻ hôm nay tiếp nhận bằng những sáng tạo mới, góp phần làm giàu đẹp không chỉ cho văn học nghệ thuật mà còn cho đất nước đang còn rất nhiều việc phải làm để xứng với xương máu bao nhiêu thế hệ hy sinh đặng có một nước Việt Nam độc lập trong hòa bình. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn NGUYỄN ĐÌNH LẠP (19/9/1913 – 19/9/2013), Báo điện tử Tổ Quốc xin gửi tới độc giả bài viết của nhà văn Ngô Thảo để tưởng nhớ đến ông.

NHỚ MỘT NHÀ VĂN NGƯỜI HÀ NỘI

Tự ngàn xưa, đại lượng thời gian đã có những thước đo không biến đổi làm nên thiên niên lịch. Nhưng cảm giác về thời gian lại thay đổi tùy không gian, hoàn cảnh sống, và nhất là tuổi tác. Khi còn trẻ, ai cũng thấy thời gian rất dài, nghĩa là trôi đi rất chậm. Cuộc kháng chiến chống Pháp có 9 năm, mà gọi là trường kỳ kháng chiến. Đến tuổi trung niên, thời gian có vẻ như ngừng lại. Cái cảm giác này làm cho nhiều người khi sắp nhận sổ hưu, phải rời ngôi vị ngỡ như vĩnh viễn thấy hẫng hụt, không ít người có những cách ứng xử kỳ cục đến khó ngờ. Vào tuổi già, thời gian lại như lao đi vùn vụt. Một cỗ xe xuống dốc không có phanh nào kìm giữ nổi, lại thấy trăm năm chỉ như thoáng chốc.

Ở tuổi ngoài 20, tôi biết đến ông khi làm luận văn tốt nghiệp năm thứ 3 Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp Hà Nội, lúc ấy ông mất mới có 10 năm, mà tôi ngỡ ông như một người thiên cổ. Mọi thông tin về ông là một con số không, ngoài chính cái tên. 50 năm sau, hôm nay, chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, tôi lại thấy ông là một người gần gũi, thân quen, gần như ruột thịt. Người đó là NGUYỄN ĐÌNH LẠP, một nhà văn Hà Nội với nguyên nghĩa đẹp nhất của từ này.

Nhà văn Nguyễn Đình Lạp sinh ngày 19 tháng 9 năm 1913 tại làng Bạch Mai huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông, nay là phố Bạch Mai thuộc Hà Nội. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. Ông nội ông là Cụ Nguyễn Đình Phác, một nhà nho yêu nước, một chí sĩ của Đông kinh nghĩa thục, từng bị đày 10 năm ở Côn Đảo vì tham gia vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội. Chú ruột là Nguyễn Phong Sắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách Xô viết Nghệ Tĩnh 1930. Bố mẹ mất sớm (mẹ mất lúc ông mới 4 tuổi), nên ông lớn lên trong sự bao bọc của ông và chú ruột. Ông từng học ở trường tư Gia Long. Nhưng ông nội đi tù, chú hoạt động thoát ly, gia đình sa sút, nên sớm phải tự lập. Năm 1930, bắt đầu tập tành viết báo. Ban đầu là những mẩu tin sinh hoạt đường phố mà báo chí Việt Nam buổi đầu luôn cần để cập nhật chuyện đời sống, rồi tiến tới những bài tường thuật các vụ việc tai nạn trong phố, ngoài làng. Đề tài không thiếu, bởi làng Bạch Mai, nơi ông ở là ngoại ô ao tù, bãi rác của Thủ đô. Đây là làng của những người nghèo khổ, sống bằng nghề làm thuê, ở mướn, buôn thúng, bán mẹt, và bán… thân. Họ làm đủ thứ nghề, nào phu xe, đồ tể, giò chả, lưu manh chuyên nghiệp, gái điếm có đăng ký và không đăng ký… Những gia đình thân quen, hàng xóm ấy sẽ đi vào hầu như toàn bộ sáng tác của ông, từ tin tức, tường thuật cho đến các phóng sự rồi tiểu thuyết. Để làm luận văn Yếu tố nhân đạo và hiện thực trong tác phẩm NguyễnĐình Lạp, do thầy Phan Cự Đệ hướng dẫn, tôi đã tìm ở Thư viện Quốc gia các báo, hầu hết là yểu mệnh vì sự kiểm duyệt, cấm đoán ngặt nghèo: Tân thiếu niên (do Trần Tấn Thọ làm Chủ nhiệm, Lê Tràng Kiều làm Chủ bút), Quốc gia (Chủ nhiệm là Lê Ngọc Thiều), Tiểu thuyết thứ năm (Chủ nhiệm: Lê Cường, Chủ bút: Bùi Huy Phồn), Ích Hữu (Chủ nhiệm: Lê Văn Trương) rồi Nhật tân, Tin mới… để đọc các phóng sự nhiều kỳ, ký các bút danh khác ngoài tên Nguyễn Đình Lạp: Yến Đình, Song Dực… Những năm 1936-1937, Nguyến Đình Lạp được chú ý qua một loạt phóng sự dài, đăng nhiều kỳ. Xu hướng chính trị các báo khác nhau, nhưng hầu như báo nào cũng phải câu khách bằng những bài báo tố cáo thực trạng bất công của xã hội đương thời. Đây chính là thời kỳ Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp nên chính sách với thuộc địa có những nới lỏng nhất định. Thanh niên trụy lạc (đăng Ích Hữu số cuối 1937 và đầu 1938) viết về sự tha hóa của cả một lớp thanh niên Hà Nội bị cuốn theo phong tràovui vẻ trẻ trung được chính quyền bảo hộ khuyến khích để xa rời những hoạt động yêu nước. Họ sớm rơi vào vòng trụy lạc, sống không lý tưởng, chỉ tôn thờ thần khoái lạc, đem đồng tiền đi mua quyền giày vò, hành hạ những đồng loại khác giới. Ở đó, những người nghèo khổ không có sức tự vệ, không có chút vốn nào để kinh doanh ngoài chính thân xác mình. Họ chưa hoàn toàn mất liêm sỉ, nên chút tình cảm đẹp còn le lói. càng làm họ day dứt, đau khổ thêm: Bây giờ thanh niên thờ một lý tưởng: khoái lạc, đuổi một mục đích: Tiền tài, dõi một ý muốn: Cười cợt. Thanh niên chỉ có một ý định thỏa mãn vật chất và giày xéo lên hết để đạt ý định ấy. Bây giờ, những danh từ thiêng liêng: Danh dự, Tổ quốc, Nhân loại, đối với họ chỉ là những làn khói tỏa, những tiếng cười xòa, những câu gọn thon lỏn: Ôi chao, ít cần… Thế mà, thưa các ngài, Hà Nội có tới 2 vạn thanh niên, 2 vạn cái đầu xanh. Đó, đội quân cảm tử thành phố Hà Nội, những binh lính lúc mới đăng dù khỏe mạnh, mập mạp đến đâu chỉ ít lâu sẽ gầy gò, yếu ớt, xanh xao, gớm chết. Thân cũng đẫm bùn mà hồn cũng đẫm bùn. Hai vạn thanh niên. Một consố kinh người. 5.000 gái mại dâm trong số mười tám vạn dân Hà Nội (Ích Hữu).

Phóng sự Những vụ án tình (Ích Hữu -1938, ký Yến Đình còn có tên Từ ái tình đến hôn nhân), kể về một hiện tượng phổ biến trong xã hội bấy giờ: Kẻ năm bảy vợ, người không vợ nào, mẹ ghẻ con chồng thương tâm, bi đát, và hậu quả là những đứa trẻ vô thừa nhận, sống lay lắt đầu đường xó chợ, một lực lượng dự trữ tiềm tàng của lưu manh, trộm cắp, cao bồi, đĩ điếm, anh chị giang hồ.

Đặc biệt, hai phóng sự Chợ phiên đưa tới đâu? (Tiểu thuyết thứ năm) và Cường hào (Quốc gia) thể hiện một thái độ phẫn nộ công khai trước những hiện tượng xã hội đương thời. Nếu Chợ phiên đưa tới đâu lộ rõ một chính sách xã hội khuyến khích ăn chơi, đưa lớp trẻ chạy theo lối sống vật chất vị kỷ, mất gốc, quên thân phận một người dân nô lệ, thì Cường hào trực diện vạch rõ những thủ đoạn, mánh lới hà hiếp, áp bức, làm tình làm tội người dân quê để vơ vét của cải, cướp đất ở đồng bằng Bắc Bộ với những số liệu thống kê, tài liệu cụ thể chính xác, đã gây tiếng vang lớn trong dư luận xã hội đương thời.

Sang những năm 1940, không khí xã hội cũng như văn nghệ đã đổi khác, cách mạng đang thoái trào. Sau này, có dịp nhìn lại, người trong cuộc là nhà văn Nguyễn Đình Thi có nhận định về thời kỳ này: Bọn thống trị rít chặt xiềng xích, tìm cách bóp chết những khuynh hướng cấp tiến không xu thời và chỉ để lại trên trường công khai một thứ văn hóa đã bị trói tay, bịt mắt, gắng gượng lần hồi. Chính trong thời kỳ này, Nguyễn Đình Lạp chuyển sang viết tiểu thuyết. Hai tiểu thuyết, thực ra là hai tập của một bộ tiểu thuyết đậm chất phóng sự: Ngoại ô (1941), Ngõ hẻm (1943) đều in ở Nhà xuất bản Hàn Thuyên. (Rồi ra cái tên Nhà xuất bản được coi là có khuynh hướng Trôxtkit này sẽ ảnh hưởng khá nhiều tới sự định giá tác phẩm và tác giả). Cho đến nay, hình như đây là hai tập tiểu thuyết ghi lại trung thực và cụ thể nhất hình ảnh ngoại ô Hà Nội một thời. Năm 1963, khi tìm tài liệu về tác giả, tôi đã được anh Nguyễn Phong Vinh, con trai ông Nguyễn Phong Sắc tiếp ở ngôi nhà cổ, bằng gỗ, ở trong làng Bạch Mai, là nhà của ông nội, nơi Nguyễn Đình Lạp từng sống. Tôi mới hiểu thêm, nhân vật và bối cảnh trong tiểu thuyết gần như có nguyên mẫu trong đời thực: Một làng ngoại ô có nghề làm giò chả mà quy trình công nghệ từ chọn lợn, cách giết thịt, quết giả giò, giờ giấc, âm thanh, không khí lao động được tác giả mô tả rất chi tiết. Nhân vật là mấy người hàng xóm: người làm giò chả, mấy nhà buôn thúng bán mẹt, mấy anh phu xe, mấy ả giang hồ. Đó là một thế giới tối tăm, bẩn thỉu, hôi hám, tù đọng với những cuộc đời cam phận, tủi nhục, một cuộc sống không hy vọng, không ánh sáng tương lai, chưa kịp trưởng thành đã tàn tạ vì đói nghèo, vì bệnh tật và nhất là vì các tệ nạn, cùng bao nhiêu lo lắng, đắng cay, triền miên và truyền kiếp. Giữ gìn cho họ là chút tình nhân ái của những người nghèo khổ, đùm bọc, che chở, đỡ đần nhau để duy trì cuộc sống, kéo dài một kiếp chịu đựng. Tình thương đối với tầng lớp lao động cùng khổ, nhìn thấy mặt thiên lương trong những người lao động hạ đẳng cùng với việc lên án những thủ đoạn, mánh khóe bọn quan lại, cường hào hà hiếp, bóc lột dân chúng là giá trị tích cực hai tập tiểu thuyết.

Trong đời sống văn nghệ trước cách mạng, Nguyễn Đình Lạp là một cái tên nhiều người biết trong giới cầm bút Hà Nội; văn chương ông không thuộc diện nổi bật, nhưng lối sống tài tử, ăn chơi cùng cánh với những Nguyễn Tuân, Bùi Huy Phồn… thường xuyên có mặt ở các tiệm cô đầu, ả đào, sòng bài, tiệm hút thuốc phiện. Đi thực tế cũng có, mà thưởng thức, chơi bời cũng là mục đích không che dấu. Lên án Thanh niên trụy lạc mà hình như không ít văn nghệ sĩ dạo ấy cũng nằm trong số đó. Hơn vợ đến 9 tuổi, vợ là một cô gái đẹp con nhà tử tế mà cũng không giữ nổi ông khỏi đi theo bạn bè, tụ bạ nhiều khi thâu đêm suốt sáng với đám bạn bè văn nghệ ở những nơi ánh đèn không được sáng tỏ. Cách sống phổ biến của lớp trí thức có lòng yêu nước mà bế tắc trước thời cuộc.

Nhưng, một vài năm trước Cách mạng, khi làm quen với một số nhà văn của Văn hóa Cứu quốc, trong đó có Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Lạp đã tích cực tham gia hoạt động. Bị lộ, nhiều lần bị truy lùng, ông đã phải ẩn trốn ở nhiều nơi. Và cách mạng với những nhà văn cùng thế hệ thực sự là một cuộc giải phóng khỏi một kiếp sống cũ, bế tắc và phần nào bệ rạc. Ngay từ đầu, ông đã hăng hái tham gia mọi hoạt động xã hội một cách tích cực. Gia đình sung sướng biết bao khi thấy một con người hoạt bát, hăng hái, xông xáo, bận rộn bao nhiêu công việc mà vẫn thanh thản, vui tươi, khác hẳn con người nghiện hút, vì luôn bị giày vò trong bế tắc ngày hôm qua.

Số báo Tiền phong đầu tiên, mùa thu năm 1945, mà bìa là một lá cờ đỏ sao vàng trùm kín là tác phẩm của nhà thơ-họa sĩ Thâm Tâm, đã có bài của Nguyễn Đình Lạp về niềm vui của người dân được độc lập. Khi giặc Pháp gây hấn ở Nam Bộ, ông có mặt trong đoàn văn nghệ sĩ đầu tiên Nam tiến. Đoàn vào đến Nam Trung bộ, thì phải trở ra, và chỉ kịp về Hà Nội một tuần trước ngày toàn quốc kháng chiến. Theo phân công, ông cùng gia đình tản cư vào Thanh Hóa. Làng Quần Tín là nơi tập họp đông đúc gia đình các văn nghệ sĩ. Theo sáng kiến ông Đặng Thai Mai, bấy giờ là Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Liên khu IV, các tổ chức văn nghệ kháng chiến được thành lập. Ông là một trong những văn nghệ sĩ đầu tiên gia nhập quân đội. Ông có tên trong Bộ biên tập mở rộng của báo Vệ quốc quân, mà hàng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu… Do thực tế là có nhiều văn nghệ sĩ đầu quân (có một lý do rất thực dụng là chỉ có vào bộ đội mới có gạo để sống!), từ tháng 1-1948, ở Quân khu IV, mà Thiếu tướng Nguyễn Sơn, một người văn võ song toàn làm chỉ huy, đã thành lập Ban Văn nghệ trong quân đội. Nhà văn Nguyễn Đình Lạp được giao Phụ trách Ban Văn nghệ đó. Ngoài việc tổ chức cho văn nghệ sĩ ổn định đời sống, đi thực tế các chiến trường để sáng tác và biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân, ông còn trực tiếp mở nhiều lớp bồi dưỡng lực lượng viết văn và viết báo cho các chiến sĩ và cán bộ có năng khiếu văn nghệ. Nhiều tên tuổi sáng giá trong văn nghệ hiện đại đã bắt đầu từ những lớp bồi dưỡng như thế. Với tri thức và thực tế lăn lộn gần 20 năm trong làng văn nghệ và báo chí, kinh nghiêm của một cây bút phóng sự thành công, ông đã biên soạn nhiều tài liệu cùng các đồng nghiệp khác tham gia giảng dạy các khóa học. Tập tài liệu Muốn làm phóng sự mà bằng một may mắn nào đó tôi đã giữ được và công bố trong tập sách tư liệu Dĩ vãng phía trước, là một bằng chứng về tính nghiêm túc của các lớp bồi dưỡng dạo đó. Tài liệu này được đưa ra Việt Bắc, và được nhà thơ Thâm Tâm lấy làm cơ sở để giảng dạy cho các khóa bồi dưỡng báo chí, văn nghệ ở Việt Bắc. Giữa năm 1949, ông cùng vợ chồng họa sĩ Phạm Văn Đôn, nhạc sĩ Phạm Văn Chừng đi công tác vào Quảng Bình, tới vùng chiến sự vừa diễn ra là làng Cảnh Dương, một xã miền biển nổi tiếng về thành tích chiến đấu. Tiếc là hai phóng sự đã viết xong là Thôn Lệ Sơn Làng Cảnh Dương chiến đấu chưa kịp in đã mất bản thảo. Trên báo Quân du kích số 6 tháng 8/1948 có in quảng cáo của Nhà xuất bảnQuân du kích là đã xuất bản Người lính, tiểu thuyết dài của Nguyễn Đình Lạp (cùng với Người dân của Bui Huy Phồn). Nhưng có lẽ đây mới là một dự định chưa được thực hiện. Trong kháng chiến, ông mới chỉ in được tập truyện ký Chiếc Valy, kể về chiến công đánh đắm thông báo hạm Amyot Denville ở ngoài khơi biển Sầm Sơn- Thanh Hóa, mà ông có tham gia. Đó là thời gian ông chuyển ra công tác ở Công an Hà Nội. Ông được kết nạp Đảng ngày 7/3/1950. Cũng năm 1950, khi Chi hội Văn nghệ Hà Nội được thành lập, theo yêu cầu Khu ủy Khu III, ông được điều ra phụ trách Chi hội Văn nghệ Hà Nội. Cuốn sổ công tác và nhật ký của ông ghi cho đến những ngày cuối cùng giữ lại nhiều kỷ niệm về những ngày kháng chiến khó quên và những công tác văn nghệ Hà Nội đã làm trong những năm 1951-1952. Đặc biệt ta gặp lại những tên tuổi các nhà văn Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư… Tháng 4/1952, ông được gọi về chiến khu Ngọc Trạo- Thạch Thành- Thanh Hóa để dự một lớp chỉnh huấn. Lớp chưa bắt đầu thì ông bị một trận sốt ác tính. Trong cuốn sổ ghi chép, ở trang đề ngày 19/4, còn dòng chữ cuối cùng ngả nghiêng, run rẩy: Đời có vui và tin tưởng. Ông mất ngày 24/4/1952 lúc mới 39 tuổi.

Trong Hội nghị Tuyên truyền toàn quốc lần thứ ba tổ chức vào các ngày từ 19-22/6/1948, thay mặt đại biểu văn nghệ quân đội Liên khu IV, Nguyễn Đình Lạp đã phát biểu về văn nghệ và tuyên truyền (Thâm Tâm có báo cáo về Văn Thơ bộ đội). Trong bài nói khá dài đó, lần đầu tiên ông đã nêu khái niệm Văn nghệ quân đội để góp ý kiến vào việc đề cao hoạt động văn học nghệ thuật trong bộ đội, từ thực tế là đã có nhiều văn nhân, nghệ sĩ mặc áo lính và nhiều người lính tham gia sáng tác. Thực ra mà nói, các văn nhân, nghệ sĩ tự nguyện nhập ngũ là có ý đi tìm lối thoát cho chính bản thân họ, tâm hồn họ. Họ đi tìm một nhân loại linh động nhất, hi sinh nhất, tích cực tranh đấu nhất để mong rũ khỏi cái bế tắc ngột ngạt của sự sáng tác trong bấy lâu nay. Quả là một bầu trời mới. Họ bắt đầu nhận thấy những tia nắng hồng, những ngọn gió mát. Lồng ngực họ đã thở đều đặn. Họ đã sống lại. Và nhiều tác phẩm nho nhỏ đã thấy xuất hiện với những tình cảm đằm thắm. Hai hiện tượng ấy tỏ ra rằng nguồn văn nghệ bộ đội đã manh nha. Cái mầm ấy tuy mới nhú lên, nhưng hạt giống là hạt giống tốt. Tương lai đây, thân cây ấy ắt sẽ lớn khỏe, thẳng vút lên khoảng trời mây (Vệ quốc quân số 26 ngày 15-7-1948). Dự báo tiên tri ấy từ lâu đã biến thành hiện thực. Tiếc thay. Ngày nay những người có trách nhiệm và kế tục đã không mấy người còn nhớ và nhắc đến đóng góp của những bậc tiên khu đáng kính đó.

Trên tinh thần ấy, tôi cám ơn Hội Nhà văn đã tổ chức trọng thể và ấm cúng lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Đình Lạp, một nhà văn bằng tác phẩm của mình đã luôn đứng về phía dân chúng lao khổ, không chỉ miêu tả chân thực cuộc sống của họ mà còn cùng họ tự nhận ra những cái hay dở, tốt xấu của mình để quyết đi tìm một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Khi đất nước bị xâm lược đã tự nguyện xông lên tuyến đầu, bằng cây bút của mình để cổ vũ tinh thần yêu nước, và làm mọi nhiệm vụ được phân công.

Nhớ đến Nguyễn Đình Lạp là chúng ta nhớ đến những nhà văn tài hoa đã sớm ngã xuống trong kháng chiến chống Pháp: Trần Mai Ninh, Trần Đăng- người văn nghệ binh đầu tiên ngã xuống ở chiến trường, như lời văn trong cáo phó, rồi Thâm Tâm, Thúc Tề, Hồng Nguyên, Hoàng Lộc, Thôi Hữu… và hàng chục nhà văn hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, mà mới có ba nhà văn được tuyên dương Anh hùng: Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi, Trần Tiến – Chu Cẩm Phong, Ca Lê Hiến – Lê Anh Xuân. Bài học từ cuộc đời và tác phẩm của họ hy vọng được thế hệ cầm bút trẻ hôm nay tiếp nhận bằng những sáng tạo mới, góp phần làm giàu đẹp không chỉ cho văn học nghệ thuật mà còn cho đất nước đang còn rất nhiều việc phải làm để xứng với xương máu bao nhiêu thế hệ hy sinh đặng có một nước Việt Nam độc lập trong hòa bình.

Nguồn: vanhocquenha.vn

Exit mobile version