Nhà văn Bùi Bình Thi đã trút hơi thở cuối cùng vào 4 giờ sáng ngày 22 -6-2016 tại bệnh viện Bạch Mai, hưởng thọ 77 tuổi. Xin chia sẻ nỗi đau thương này với người vợ hiền của ông – Hoạ sĩ Nguyễn Thị Mỹ, và các con ông – Đạo diễn Điện ảnh Bùi Thạc Chuyên, Nghệ sĩ Ưu tú Tố Anh cùng toàn thể gia đình, bạn bè đồng nghiệp và bạn đọc yêu mến ông suốt mấy chục năm nay. Nhà văn Bùi Bình Thi mất đi là một tổn thất không gì bù đắp được.

Nhà văn Bùi Bình Thi (nguồn: Internet)

Tôi “biết” Bùi Bình Thi cách đây cũng đã trên nửa thế kỷ rồi. Ông nổi tiếng từ khi tôi còn… chưa ra đời. Năm 1965, tôi bắt đầu lẫm chẫm đến trường phổ thông. Ngày Sơ kết học kỳ I, tôi là một trong 5 học sinh giỏi được thầy giáo trao phần thưởng. Phần thưởng là cuốn vở kẻ ca rô 24 trang, đằng sau bìa vở có in Bảng Cửu chương và một cuốn sách của Nhà Xuất bản Kim Đồng. Cuốn sách đã cũ, chắc là thầy lấy từ tủ sách gia đình. Đấy là tập truyện “Con bò mộng của tôi” của nhà văn Bùi Bình Thi. Cuốn sách xuất bản từ năm 1962, đã sờn mép, chắc qua tay rất nhiều người đọc. Thầy bọc lại bằng một tờ báo mới cứng. Những năm ấy còn mù mịt bom đạn. Cả nước nghèo xơ xác. Nhà trường cũng nghèo nên thầy cô phải “tự túc” phần thưởng cho các con. Nhà có cái gì thì thầy tặng các con cái đó. Vì thế phần thưởng tổng kết năm học có khi chỉ là mấy… củ khoai lang, hay tấm áo của con thầy. Tôi được cuốn sách của nhà văn Bùi Bình Thi. Chẳng khác gì vớ được thỏi vàng ròng. Tôi đọc và rất thích. Cuốn sách quả thật đã cuốn hút tôi. Tôi đọc đi đọc lại và cứ nghĩ cái ông nhà văn có cái tên là Thi này chắc phải là một lão thợ cày ở quê, hoặc nếu không thì cũng là một lão già chuyên …đánh xe bò. Bởi chỉ có ông đánh xe bò thì mới hiểu người quê, cảnh quê và đặc biệt là chú bò mộng rất có cá tính.

Mãi sau này, tôi mới biết “ông bố đẻ” của …chú bò mộng ấy. Không phải tôi tìm đến ông mà chính ông tự tìm đến tôi. Một ông già bảy mươi, vạm vỡ như đô vật. Ông leo 5 tầng gác, đến căn hộ cao chon von như một cái tổ chim của tôi ở phố Lý Nam Đế: “Tớ đang biên tập cho tờ báo Sức khỏe & Đời sống. Tờ báo này rất hay. Nó là cẩm nang chăm lo, tư vấn sức khỏe cho mỗi gia đình, là tiếng nói của Bộ Y tế. Tòa soạn vừa quyết định mở một chuyên mục mới và muốn mời cậu giữ mục”…  “Nhưng em có biết gì về thuốc thang đâu”. “Việc thuốc thang là chuyện của bác sĩ. Bác sĩ suốt ngày thuốc thang, mổ xẻ, cũng mệt óc lắm, nên muốn mở một cánh cửa để nhìn ra bên ngoài cánh cổng bệnh viện xem cuộc sống ra sao. Cậu thấy có chuyện gì hay thì kể. Mà kể ngắn thôi. Kể chuyện gì cũng được. Vì đây là mục “Dạ đàm”. Nghĩa là lời bàn trong đêm khuya. Có gì thì nói nhỏ vào lỗ tai nhau. Nhưng mà phải ngắn. Không quá 500 chữ!”.

Biết kể gì với bạn đọc khi chỉ có 500 chữ? Một đòi hỏi rất nghiệt ngã. Nhưng nhờ thế, tôi có cuốn tạp văn “Người thường gặp”, lần đầu đã in hai vạn bản. Rồi sau mấy ngày lại nối bản. Nhưng đó là chuyện sau này. Còn lúc ấy, tôi chỉ biết đứng ngây ra mà ngắm “ông bố đẻ” của Chú Bò mộng, mà tôi vốn đã yêu từ thuở ấu thơ. Hoá ra Bùi Bình Thi chả nông dân tí nào. Một người đàn ông bệ vệ, to béo, đi đứng kềnh càng. Trông ông như một lão quan huyện. Mà ở thời trước, không khéo ông là quan huyện thật. Bùi Bình Thi thẳng thắn và bộc trực. Người đàn ông vạm vỡ ấy hoá ra lại rất mềm yếu và đơn giản. Ông không phải là một người có cơ mưu. Bụng nghĩ sao thì miệng nói vậy. Nghĩ thẳng và nói cũng rất thẳng. Cảm giác như Bùi Bình Thi chẳng có cái gì để được ở trong bụng. Bao ruột gan, tim phổi, ông kéo hết ra ngoài, phơi ra giữa giời đất và đi đứng rất hiên ngang vì ông rất tin ở sức mạnh của mình. Ông biết mình là một người trung thực. Thiên hạ yêu ông vì thế và không ít người ghét ông cũng vì thế.

II

Ngắm con người Bùi Bình Thi và đọc văn chương Bùi Bình Thi, ta biết Tạo hoá cũng là một ông già rất đỗi thật thà và nhất quán. Văn Bùi Bình Thi cũng như con người ông. Đó là một dạng văn bộc trực, thẳng thắn, không uốn éo cầu kỳ. Lối văn ấy ở trong tập truyện Kiếp người mà tôi được đọc quả đã phát huy được hết sức mạnh của nó. Tập sách dày ngót bốn trăm trang, gồm 5 truyện: Tiền của ông, Nụ tầm xuân, Hồi, Người lính đảo ngũ ấy Kiếp người. Bùi Bình Thi gọi là Truyện vừa, có lẽ vì nó không dài như tiểu thuyết và cũng không ngắn như truyện ngắn. Cái truyện có dung lượng ít nhất trong tập sách này cũng có độ dài trên ba nươi trang. Nhưng đọc kỹ ông, tìm hiểu vấn đề mà ông đề cập ở mỗi truyện, tôi lại có cảm giác hình như đây chỉ là truyện ngắn. Nhưng không phải là lát cắt, cũng không chỉ một tình huống như  những quan niệm quen thuộc của rất nhiều người về loại hình nghệ thuật này. Truyện ngắn Bùi Bình Thi là truyện ngắn viết dài. Mỗi truyện đề cập đến số phận của một nhân vật. Bùi Bình Thi không dựng truyện mà anh kể chuyện. Một lối kể khá tỉ mỉ, kỹ lưỡng, nhẩn nha. Tốc độ truyện cũng chậm. Bùi Bình Thi đã đưa các nhân vật đương đại và đời sống hiện đại của chúng ta vào cái khuôn văn cổ xưa của thế kỷ 19. Và vì là một dạng truyện kể, nên Bùi Bình Thi đã chọn một lối văn mộc, không hoa hoè hoa sói, không cầu kỳ uốn éo. Đọc ông, người ta bị hút vào câu chuyện, vào số phận không hề bình lặng của mỗi một “kiếp người”. Và như thế, người đọc đã thực sự nhập cuộc, không còn biết là mình đang đọc văn nữa. Trang giấy và con chữ dường như đã biến hết. Đây là một cố gắng rất đáng ghi nhận của Bùi Bình Thi. Người đọc thấy câu chuyện rất thật. Ngay cả những tình tiết đã trở thành quen thuộc, thậm chí quen thuộc đến mức nhàm chán trong văn chương, như cái chuyện báo tử nhầm trong chiến tranh, người lính trở về, vợ đã lấy chồng khác, đã có con với người khác, ta đã gặp khá nhiều trong văn chương nghệ thuật trước đó, ấy là khi ta đã thoát ra khỏi trang sách Bùi Bình Thi, đã tỉnh táo so đo, cân đong đo đếm từng chi tiết trong văn chương nghệ thụât, còn khi đang lặn ngụp trong trang sách của ông thì ta chỉ thấy thật. Thật như chính đời sống. Đời sống nó đúng như thế. Cũng trong cái truyện “Nụ tầm xuân” này, có một chi tiết, nếu không có đời sống trận mạc, ta có thể nghi ngờ, vì nó có gì như sự phi lý. Ấy là khi người lính bị thương nặng, anh ngất đi, ngỡ đã chết thực sự. Chiến trường vội vã, bề bộn, còn phải tốc lên phía trước. Đồng đội đinh ninh anh đã hy sinh nên gói anh vào tấm tăng, chôn vội anh rồi tiếp tục xuất kích. Thế rồi, không thể ngờ, người lính đã tỉnh lại. Thoạt tiên, trong ý nghĩ hỗn mang, anh tưởng mình vừa qua một giấc ngủ mộng mỵ, rồi linh cảm mình đã nằm ở dưới huyệt. Anh cựa quậy lựa thế, rồi chống tay, chống chân, lấy lưng dồn hết sức lực đội đất ngoi lên. Khi nhô lên được mặt đất, anh còn bới đất moi cứu chiếc võng bạt từ dưới đáy huyệt. Đối với người lính trận, chiếc võng bạt là căn nhà, là công sự che chắn, là tất cả sự sống của người lính chiến trường. Không có võng thì coi như “xong” đời rồi. Bây giờ, trong đời sống hoà bình, rất xa với trận mạc, bạn đọc, nhất là ở lứa tuổi sinh ra sau chiến tranh, có thể khó mà hình dung được, sẽ nghĩ nhà văn đã bịa đặt, hoặc ông không có vốn sống trực tiếp của người lính (Bùi Bình Thi là nhà văn đi thực tế mặt trận theo người lính, chứ ông không phải người lính), nên đưa ra cái chi tiết phi lý. Một người lính đã bị thương nặng, lại nằm ở dưới huyệt, đồng đội đã chôn cất rồi, sao còn vục dậy được, sức mạnh ở đâu mà có thể đội huyệt nhô lên? Nghe vô lý lắm. Nhưng thực tế, có những chuyện tưởng như rất phi lý, nhưng lại là chuyện thật, thật một trăm phần trăm. Tôi đã từng nghe nhiều người lính trận kể rằng, có những đồng đội của họ hy sinh, đã an táng rồi, sau trận mưa rừng, xác lại phơi ra trên mặt đất. Rồi cả những người đã nằm dưới huyệt mà cũng đâu đã được yên. Chó sói, thú rừng lại bới đất lôi lên. Huyệt chôn vội giữa chừng trận đánh. Chiến tranh mà. Mọi chuyện đều có thể xảy ra cả. Bởi thế, đọc chi tiết này của Bùi Bình Thi, tôi cứ bị ám ảnh, không sao quên được. Mới hay, chiến tranh khủng khiếp quá, dữ dội quá. Cũng trong cái truyện rất ít người để ý này, còn có một trạng huống mà tôi cũng thấy rất ngùi ngẫm. Ấy là khi người lính từ cõi chết trở về, cả nhà đều mừng, đều khóc vì sung sướng. Vậy mà rồi khi có người đáng được yêu thương nhất ấy ở ngay trong nhà mình thì lại khó chịu, bắt đầu là bà chị dâu. Bởi cuộc sống quen thuộc từ bao nhiêu năm đã bị đảo lộn vì một người khác. Đến nỗi anh phải dọn ra cái lò gạch để trú ngụ. Và khi đảy anh ra ngoài đường rồi thì bà chị lại thương, cả nhà đều thương, thương như khi nghe tin anh chết. Thế rồi bà chị dâu lại đến chăm chút, cả nhà đều thương yêu anh một cách tận tình. Người ta thường chỉ “hết lòng” yêu thương người khác, khi tình thương yêu ấy không ảnh hưởng tổn hại đến đời sống riêng của mình và gia đình mình. Chi tiết này rất thật, mặc dù nó chẳng “phải đạo” chút nào cả, cũng chẳng giống như những trang văn ấm áp mà người ta vẫn thường nói xưa nay. Bùi Bình Thi thấy đời sống sao thì anh cứ thật thà kể vậy, không tô vẽ, không uốn éo văn hoa, một lối kể khách quan thật đến mức lạnh lùng. Tuy vậy đọc lại thấy ấm áp. Nhân vật của Bùi Bình Thi  đều là những con người chân thật, chân thật đúng như những con người ta vẫn gặp trong đời sống. Ngay cả những nhân vật không đẹp cũng có những tư chất làm cho ta thấy mến thương.

Trong “Kiếp người”, “Tiền của ông” là một truyện độc đáo. Ông Giản, nhân vật chính của truyện là một dạng người đặc biệt nhưng không xa lạ. Ông liêm khiết, ke bo, tính toán chi li đến mức bủn xỉn. Khi về hưu, ông bắt con cái phải đóng tiền nuôi cha và hàng tháng, ông đi rảo khắp lượt con cái thu tiền như tróc nã những con nợ. Người đọc lúc đầu thấy khó chịu vì một con người kỳ quặc tưởng như mất hết nhân tính. Nhưng rồi cuối cùng, mới biết ông xả thân hết vì cháu con. Bao nhiêu tiền “đóng góp” của các con, cùng với tiền của mình tằn tiện trong suốt bao nhiêu năm trời, ông không tiêu một xu mà chia hết cho con cháu. Không đứa nào không có phần. Mà đâu phải ít. Việc bắt con đóng góp tiền nuôi bố là bài học ông dạy cháu con về lòng hiếu thảo và trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ và những người ruột thịt thân thiết trong gia đình. Ông già kỳ quặc ấy đẹp biết bao nhiêu. Nếu không có tấm lòng yêu thương con người, yêu thương cuộc đời, Bùi Bình Thi khó mà tạo dựng được những nhân vật như thế và những trang văn thô mộc như chĩnh cuộc sống. Nâng trang văn lên soi, hay nhìn ngắm ở bất cứ góc độ nào, cũng chỉ thấy đời sống ngồn ngộn, mà chẳng nhìn thấy văn chương đâu. Đấy là nét riêng của Bùi Bình Thi, cũng là một đóng góp rất đáng ghi nhận của ông trong nền văn xuôi đương đại.

Tất nhiên, Bùi Bình Thi không phải chỉ có “Kiếp người”. Ông còn có hàng loạt tiểu thuyết: Hành lang phía đông, Đường về Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng mù sương

Hôm mới đây, gặp tôi ở Hội Nhà văn, ông bảo ông vẫn còn đang viết. Ông phải viết chục cuốn sách nữa rồi ông mới chịu “chui vào hòm”.

Nói rồi, ông cười rất sảng khoái. Trông ông vẫn lực lưỡng như một đô vật. Nghĩa là ông sẽ còn sáng tạo. Ông nói thế và tôi cũng tin thế!

Nào ngờ…

Đau xót quá, bác Thi ơi!

 

 

Nguồn Vanvn

Exit mobile version