Có cái để đọc, để suy ngẫm và để tiếc… đó là tâm trạng khi đọc lại những tác phẩm đoạt giải của cuộc thi truyện ngắn năm 2011-2012 trên tờ báo văn chương lớn của cả nước.
Nhiều tác phẩm đáng đọc
Cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ được phát động từ năm 2011 đến 2012 đã kết thúc với 18 tác giả đoạt giải từ cao đến thấp.
Từ con số hơn 3000 tác phẩm tham dự một lần nữa cho thấy văn chương vẫn có sức hút rất lớn và cuộc thi truyện ngắn của một tờ báo văn chương cả nước để giành thứ hạng cao thấp vẫn là mối quan tâm của nhiều người.
Nhìn một cách tổng thể vào kết quả cuộc thi thấy có nhiều điểm đáng mừng.
Đầu tiên, đó là sự xuất hiện một số cây bút mới. Lê Thanh Kỳ cũng giống như trường hợp Ngô Phan Lưu ở cuộc thi truyện ngắn lần trước. Cả hai đều làm một nghề không liên quan đến văn chương nhưng lại có duyên nợ với văn chương và cùng được giải cao nhất trong một cuộc thi truyện ngắn.
Không chỉ quán quân là một cây bút mới, ở các giải còn lại cũng xuất hiện những tên tuổi mới như Phạm Thanh Thuý, rồi Nguyễn Đức Lợi, Uông Triều, Chu Thuỳ Anh, Chu Thị Minh Huệ, thậm chí còn rất trẻ như Vũ Thị Thanh Huyền – giải nhì khi đang là sinh viên viết văn.
Nếu như mỗi miền của đất nước có những đặc điểm riêng, đủ cấu thành cảm hứng và đề tài vừa khác biệt, vừa sinh động cho từng người cầm bút thì “hộ khẩu” của mỗi tác giả được giải đã chứng minh điều này không sai. Về mặt không gian địa lý được trải dài ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam, đồng bằng – miền núi, thành thị – nông thôn… Có lẽ vì vậy đề tài các tác phẩm được giải cũng khá đa dạng, từ lịch sử đến những vấn đề thời sự nổi cộm, những vấn đề quốc gia như biên cương, chiến tranh, đô thị hoá, công nghiệp hoá, khiếu kiện đất đai, cái tốt và cái xấu trong bản thể con người… đều được đề cập sinh động. Thời gian đi từ quá khứ đến hiện tại. Không gian vừa co kéo các vùng miền, vừa đi từ thực đến ảo…
Có thể nhận ra bức tranh văn học mùa giải truyện ngắn năm nay khá đa diện về nội dung và tác giả. Con người vẫn là trung tâm được đề cập đến trong các mối quan hệ của cuộc sống. Họ là những người yêu nước, dù phải đánh đổi nhưng vẫn giữ lập trường để bảo vệ chủ quyền đất nước như trong Bạn khách – Lê Thanh Kỳ, Đất tụ long – Nam Ninh… Là những con người trở về sau cuộc chiến với lòng vị tha, khát khao cuộc sống bình yên, muốn gây dựng hạnh phúc trong Ma núi rắn – Nguyễn Đức Lợi, Đêm dài qua – Nguyễn Tiến Bình… Con người phải đối diện và trả giá lỗi lầm mình gây ra như thuyết nhân – quả trong Gia phả mùi rơm rạ – Thu Trân, Lá bùa Bỉ Ngạn hoa – Vũ Thị Thanh Huyền… Hay bản chất của từng lớp người bị phơi trần một cách kín đáo, tế nhị ở một đám tang như Trong đám tang của mình – Uông Triều… Sự cô đơn, biệt lập của con người có phải là một tất yếu được sinh ra từ đời sống đô thị ồn ã và hối hả? Câu trả lời độc giả có thể tìm thấy trong Hàng xóm của Chu Thuỳ Anh… Con người đi tìm công lý, lẽ phải để giành lại đất đai vô cùng gian nan, nhiều hệ luỵ trong Chị Mỵ làng Minh Quang của Văn Chinh… Con người đang bị cuốn theo chu trình của công nghiệp, như một cái máy lập trình cứng nhắc cả những vấn đề sinh học đầy vô lý và xót xa trong Mồng chín tháng Tám – Lê Thanh Kỳ.
Truyện ngắn Mồng chín tháng Tám của tác giả Lê Thanh Kỳ khá thuyết phục với giải nhất. Mới nghe tên tác phẩm cứ tưởng đó là một truyện liên quan đến lịch sử. Nhưng thực tế lại viết về những người nữ công nhân may trong khu công nghiệp. Họ được quy định đi vệ sinh trong thời gian một phút rưỡi. Từ đó nhiều bi hài kịch nối tiếp nhau xảy ra. Người tìm cách đối phó, người bị trừ lương đếm âm chỉ vì đi vệ sinh quá giờ. Không chỉ vậy còn cả chuyện ăn cơm, bệnh do bụi vải, mọi thủ đoạn của lãnh đạo để bóc lột, tăng năng xuất… Tất cả hành động đó như dồn, như chèn ép người lao động vào chân tường mà không thể tự giải thoát. Họ cần có một công việc để làm, để nuôi sống bản thân, gia đình nhưng không ai bảo vệ họ. Cuối cùng họ tự cứu lấy mình bằng những cuộc biểu tình. Và ngày thoả hiệp được quyền lợi đó như là ngày lịch sử, như đi vào lịch sử. Sự chân thực đến đau xót của truyện ngắn sẽ là hồi chuông báo động để chúng ta nhìn lại thực trạng đời sống con người trong khu công nghiệp ở nhiều phương diện. Trong số chùm truyện được giải cao nhất có thể nhiều người đồng tình Mồng chín tháng Tám chính là cái đỉnh của cuộc thi.
Cuộc sống luôn chứa trong mình mọi dòng chảy. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay với nhiều bất ổn, biến động, cần phải có những phản ánh, rồi đến những thông điệp, những cảnh báo của giới cầm bút. Báo chí luôn nhanh nhạy đã đi tiên phong. Với đặc thù riêng của mình, văn chương có lẽ cũng chỉ kém báo chí về mặt thời gian nhưng với độ lùi nhất định cộng với chất liệu nghệ thuật đã tạo dựng những điểm nhấn cần thiết, đáp ứng mối quan tâm chung của đông đảo độc giả.
Các tác giả lên nhận giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tuần báo Văn nghệ 2011-2012
Vẫn còn những vấn đề cần bàn
Tuy nhiên, bên cạnh những ghi nhận đóng góp vẫn còn nhiều vấn đề văn chương cần phải bàn ở cuộc thi truyện ngắn này.
Trước hết, đó chính là sức sống của tính thời sự trong văn chương. Vấn đề thời sự nào có thể chịu được thử thách khắc nghiệt của thời gian?, có thể để cho nhiều thế hệ cùng đọc, cùng suy ngẫm mà không bị cũ?. Đương nhiên, cái này phần nhiều ở tài năng của người cầm bút khi lựa chọn “vấn đề” – tức là viết về cái gì, đồng thời cùng giải quyết câu hỏi “viết như thế nào?”. Nếu không, tác phẩm văn chương chỉ đáp ứng bạn đọc ở thời điểm hiện tại và khi thời sự, thời thế thay đổi nó không còn giá trị và chẳng khác những bài báo cũ bắt buộc phải nhường chỗ cho bài báo mới. Hoặc giả, những tác phẩm đó sẽ nhanh chóng trở thành “văn học sử” để khi nghiên cứu, tìm hiểu về một giai đoạn đã qua thì đó là một bằng chứng.
Cuộc thi vừa mới kết thúc, kết quả vừa mới công bố… mọi thứ vẫn còn mới nên khó quy kết hay cho rằng tác phẩm này hay tác phẩm kia đã vượt qua tính thời sự và không bao giờ cũ. Hãy cứ để cho mọi thứ diễn ra theo quy luật xưa nay và giao trọng trách giám khảo cho người thứ hai và sau cùng, công bằng nhất – ấy là thời gian.
Điều đáng phải bàn tiếp là sự “khiên cưỡng” chi tiết và chi tiết theo “mô típ cũ”. Ở tác phẩm được giải nhì – Lá bùa Bỉ Ngạn hoa của Vũ Thị Thanh Huyền, khi mới đọc độc giả vô cùng tò mò muốn biết loại hoa tên Bỉ Ngạn là hoa gì. Và ngay những dòng đầu tác giả đã không làm cho độc giả sốt ruột với những thông tin như: là tên một loại hoa chốn hoàng tuyền “hương hoa có ma lực, có thể gọi về kí ức lúc còn sống của người chết. Trên con đường Hoàng Tuyền nở rất nhiều loài hoa này, như một tấm thảm phủ đầy máu, đây cũng là loài hoa duy nhất mọc trên đường về cõi chết. Khi linh hồn đi qua, liền bước theo sự chỉ dẫn của loài hoa này mà hướng đến địa ngục của u linh. Lúc hoa Bỉ Ngạn nở thì không thấy lá, khi có lá thì không thấy hoa, cùng một cành nhưng không bao giờ gặp gỡ, đời đời lỡ dở ”. Tóm lại, đó là một loài hoa của truyền thuyết gắn liền với sự chết chóc chia lìa. Tên loại hoa này đã hé lộ nội dung cốt truyện, bởi độc giả dễ dàng liên tưởng đến những nhân vật có tên hoặc thích những loài hoa gắn liền với số phận trắc trở kiểu như hoa Tigôn… Mô típ này đã được sử dụng quá nhiều trong văn học. Chưa hết, cái tên Bỉ Ngạn đầy ám chỉ nặng nề như thế mà người cha lại đặt tên cho cô con gái thì thật là khiên cưỡng và có phần hơi… ác! Thử hỏi có người cha người mẹ nào lại muốn con gái mình bị chết chóc chia lìa lỡ dở vận vào đời mình? Trong khi một đứa con chào đời là niềm hạnh phúc hân hoan và mong chờ của cha mẹ. Cha mẹ phải dành nhiều thời gian và tâm lực để chọn cho con một cái tên ý nghĩa, sâu xa cũng như gửi gắm mong ước về sau của mình.
Cũng trường hợp đặt tên nhân vật gần giống như trên là tên cô gái Hận trong Gia phả mùi rơm rạ của Thu Trân. Cô gái là kết quả của cuộc hôn nhân loạn luân (nhưng thực ra không phải). Mẹ cô gái là người biết rõ đứa con không phải được sinh ra trong loạn luân. Mọi căm hận đều là do người chồng ác độc, tham lam. Đứa con không có tội. Một người mẹ có căm hận đến mấy, thì sau chín tháng dài mang thai vẫn còn trút lên đứa trẻ liệu có tàn nhẫn. Rồi người đàn ông tàn độc Phạm Văn Sọc vô sinh được tác giả lý giải là “vì đau quai bị nhiều lần hồi nhỏ”. Được biết, quai bị là một bệnh chỉ bị duy nhất một lần trong đời. Bị hai lần là hãn hữu, còn nhiều lần thì hơi khó tin. Chi tiết bệnh tật này có thể bỏ qua mà không cần nói lý do vì sao nhân vật bị vô sinh. Vì đó chính là hậu quả mà nhân vật phải gánh chịu từ dòng họ…
Lâu nay, báo chí tốn không biết bao nhiêu giấy mực để đặt câu hỏi, làm thế nào để xuất khẩu văn chương, làm thế nào để văn học Việt Nam hội ngập với thế giới, rồi cao hơn là khi nào nhà văn Việt Nam được giải Nobel… Đem câu hỏi này phỏng vấn tác giả được giải cao nhất, cùng với một giả định nho nhỏ “Giả sử chúng ta có một dự án lớn xuất khẩu văn học sang một số nước châu Á, và có thể một số truyện đoạt giải của anh bị từ chối vì đề cập khá trực tiếp đến nước họ, anh có tiếc không và tại sao anh không sử dụng cách viết ẩn dụ hơn, kín đáo hơn?”. Tác giả quán quân Lê Thanh Kỳ trả lời: “Câu hỏi này thật khó, chắc dành cho các nhà quản lý. Nhưng thú thực nếu tôi còn trẻ, tôi sẽ đi học tiếng Anh, tiếng Pháp… và biết sử dụng máy tính thuần thục như tôi cầm cái kìm hàn. Tôi sẽ sáng tác thẳng ra tiếng nước ngoài. Sao không? Tôi thấy thế giới đã được ăn cơm của Việt nam, đã được ăn cá do ta nuôi. Tại sao lại không được đọc các tác phẩm do người Việt sáng tác? Chắc chắn các bạn trẻ sẽ làm được điều này. Còn các tác phẩm của tôi bị từ chối xuất khẩu có lẽ không phải mục tiêu của tôi. Điều này nếu có xảy ra thì tôi không tiếc cho mình mà chỉ tiếc cho văn chương thôi”.
Nếu chúng ta sáng tác trực tiếp bằng ngôn ngữ khác – điều hoàn toàn có thể. Nhưng quan trọng hơn sau đó là những người tiếp nhận được ngôn ngữ khác đó có chủ động tìm đọc không?
Thử nhìn ngược lại thị trường sách ngoại văn trong nước, những tác phẩm của các tác giả Trung Quốc, Mỹ, Pháp… chiếm không nhỏ, trong khi tác phẩm của Việt Nam lại vô cùng khiêm tốn hiện diện ở các nước đó.
Đọc tác phẩm văn học Việt Nam để biết cuộc sống và con người Việt Nam. Những tác phẩm phản ánh chân thực và sinh động được độc giả trong nước đón nhận chưa chắc độc giả nước ngoài có cùng tâm thế tiếp nhận. Vấn đề liên quan đến quốc gia dân tộc như ở truyện Bạn khách, Đất tụ long… độc giả sát bên kia bên giới khó chấp nhận.
Tác phẩm viết về cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ lại khác. Đó là cuộc chiến đã phân thắng bại, đã được lịch sử, công luận thế giới công nhận, có văn bản giá trị quốc tế xác thực nên tác phẩm văn chương được nói trực tiếp, chân thực… Độc giả thế giới quan tâm bởi họ muốn lý giải, muốn cắt nghĩa vì sao một đất nước nhỏ bé lại chiến thắng một đế quốc hùng mạnh. Còn những vấn đề nhạy cảm hiện nay, cần phải lựa chọn cách viết hợp lý để con đường hội nhập văn học Việt Nam có sức thuyết phục hơn.
Để văn học Việt Nam hội nhập thế giới, thiết nghĩ các tác phẩm cũng cần phải có cách viết “mới” hơn. Cảm giác ban chung khảo cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 2011-2012 khá dè dặt với những tác phẩm mang tính đổi mới cách viết. Ngoài truyện giải nhất Mồng chín tháng Tám – Lê Thanh Kỳ không sử dụng đối thoại từ đầu đến cuối và Trong đám tang của mình – Uông Triều có nhiều tìm tòi mới lạ, còn lại những tác phẩm đoạt giải chưa có thật nhiều sự đổi mới cách viết.
Với kết quả cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2011-2012 có thể sẽ nhiều người hài lòng hoặc chưa. Đó là quyền của độc giả khi cuộc thi đã khép lại. Tuy nhiên cuộc thi chỉ diễn ra trong thời gian nhất định, còn để đánh giá một người cầm bút cần nhiều thời gian hơn thế. Mong rằng, trở về sau cuộc thi này, văn học Việt Nam sẽ có thêm nhiều cây bút đóng góp cho văn chương nước nhà.
Nguồn: Vanhocquenha