Giải thưởng của UBTQ Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam (Gọi tắt là Hội Liên hiệp) vừa trao với gần 70 giải thưởng lớn nhỏ vừa diễn ra thì mới đây giải thưởng caủa Hội Nhà văn Việt Nam – một giải thưởng nghề nghiệp được đánh giá cao nhất cũng vừa được công bố. Nhìn hai thưởng này trong lĩnh vực văn học có không ít băn khoăn để có thể kết luận văn học năm đã qua – 2015 như thế nào.

Từ giải thưởng… đến giải thưởng

Nếu như trong mảng văn học, giải thưởng của Hội Liên hiệp VHNT toàn quốc giải thưởng không được xum xuê thì giải thưởng Hội Nhà văn 2015 lại “được mùa” với tất cả các lĩnh vực. Giải thưởng của UBTQ Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam được trao cho tác phẩm: Các lý thuyết nghiên cứu văn học ảnh hưởng và tiếp nhận từ ngày đổi mới đến nay của nhà lý luận phê bình Nguyễn Văn Dân và tập thơ Tiếng chim cao nguyên của nhà thơ Pờ Sảo Mìn – Giải thưởng cho tác phẩm của các Hội VHNT chuyên ngành trung ương. Giải thưởng cho Hội viên các Hội VHNT địa phương gồm giải A cho tác phẩm: Phan Duy Nhân –Thơ và đời của nhiều tác giả. Giải B được trao cho tập thơ Mảnh vỡ không lời của Trần Nhã My và tập thơ Những chiều tam giác mạch của Hoàng Anh Tuấn và tập phê bình tiểu luận Văn chương Hải Dương đương đại của Nguyễn Thị Lan.

Như vậy, từ kết quả của Hội Liên hiệp thì cùng một cuốn sách của nhà lý luận phê bình đã được hai giải thưởng cao nhất của Hội Liên hiệp và Hội Nhà văn Việt Nam.

Riêng mảng văn xuôi thì không được đánh giá cao, không có giải A, B, chỉ có giải C. Đáng chú ý, tác giả trẻ đến từ Ninh Thuận từng ẵm cú đúp giải thưởng – giải cao nhất từ cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Quỹ hỗ trợ sáng tác văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch, với tập truyện ngắn Đỉnh khói, trong đó có chùm truyện từng được giải nhất cuộc thi truyện ngắn cũng chỉ được giải C của Hội Liên hiệp VHNT.

Đánh giá về văn xuôi cũng như nêu lý do vì sao văn xuôi năm 2015 của Hội Liên hiệp không có giải A và B, ban tổ chức cho biết: “do chất lượng truyện ngắn ở một số tác giả chưa đều tay, một số tập truyện viết khá nhuần nhuyễn, giàu vốn sống… nhưng lại lọt đề tài hoặc chi tiết nên năm nay văn xuôi không có các giải cao”.

Nếu căn cứ vào kết quả từ Hội Liên hiệp thì rất dễ có kết luận rằng: Thơ và Lý luận phê bình nổi trội hơn văn xuôi.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhà thơ Hữu Thỉnh (đánh giá này đã được đăng tải trên một số báo chính thống thì: “Điều đặc biệt là có 1/3 số tác giả đoạt giải thưởng… năm nay không phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ví dụ, tác phẩm lý luận phê bình là Hồ Ngọc Quang – Nghệ An (Không biết nhà thơ Hữu Thỉnh, hoặc quý báo đăng lại có nhầm tên với tác giả Lê Hồ Quang không, hay có thể đây là bút danh của cùng một tác giả. Vì tác giả này vừa được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam – PV). Tác giả này chưa vào Hội Nhà văn nhưng đã giành một giải ngang với một nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp. Một tác giả khác là anh Trần Thanh Cảnh – Bắc Giang, cũng gây ngỡ ngàng cho hội đồng chấm giải. Tác phẩm của tác giả này được gửi tới hội một cách rất khách quan theo đường bưu điện nhưng quả thực, tập truyện ngắn của anh đã được dư luận chú ý. Điều này cho thấy tính chuyên nghiệp của hoạt động chuyên ngành và địa phương được chú ý đúng mức.

Thế nhưng với việc cùng một tác giả văn xuôi khi tham dự giải của Hội Liên hiệp không đạt giải A và B lại được giải chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam đã khiến không ít độc giả đặt câu hỏi: Phải chăng giải thưởng của Hội Liên hiệp “cao hơn” giải của Hội nghề nghiệp chăng?. Nếu điều này đúng thì sẽ dễ dàng xóa bỏ đánh giá ngầm trước nay trong giới văn chương rằng giải của Hội Liên hiệp chủ yếu là giải phong trào và khó oách bằng giải Hội nhà văn Việt Nam – giải thưởng chuyên môn.

Rõ ràng, nhìn vào kết quả giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam ở hạng mục văn xuôi thì không những một mà có đến hai tác phẩm được giải là tập truyện ngắn Kỳ nhân làng Ngọc và tiểu thuyết Thông reo Ngàn Hống của Nguyễn Thế Quang và khó có thể kết luận văn xuôi 2015 “lép vế” hơn so với thơ và lý luận phê bình. Nhìn tổng thể hơn về giải thưởng văn học năm 2015 của Hội Nhà văn Việt Nam thì chỉ thấy mỗi văn học dịch lép vế hơn khi chỉ có một tác phẩm được giải. Và nhìn chung thì có thể coi là “được mùa” giải thưởng văn học 2015.


Các tác phẩm được giải của Hội Nhà văn Việt Nam 2015

Giải thưởng có phải “nhiệt kế” văn chương?

Nhìn vào giải thưởng khó có thể biết chính xác bức tranh văn học. Bởi không phải tất cả giải thưởng có cùng một tiêu chí đánh giá, cùng một ban chấm giải. Nhưng cũng không thể phủ nhận nhìn vào giải thưởng độc giả phần nào hình dung sự vận động của văn học đương đại, “gu” của những người cầm cân nảy mực, xu hướng đề tài của người cầm bút…

Trong quy chế xét giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cũng như của Hội Liên hiệp chỉ yêu cầu là tác phẩm đã được in thành sách tại Việt Nam, cùng năm với năm xét giải, được in mới lần đầu, không chấp nhận tác phẩm tuyển chọn, tuyển tập. Quy chế cũng không đưa ra yêu cầu bắt buộc tác phẩm đã gửi dự thi giải này rồi thì không được dự xét giải văn học khác nữa. Vì vậy một cuốn sách có thể gửi xét giải ở nhiều nơi mà không phạm quy.

Việc một tác phẩm cùng tham gia xét giải và cùng được giải tương xứng với nhau như trường hợp tác phẩm Các lý thuyết nghiên cứu văn học ảnh hưởng và tiếp nhận từ ngày đổi mới đến nay của Nguyễn Văn Dân cho thấy sự đồng thuận cao từ phía ban chấm giải.

Nhưng cũng cùng một tác phẩm dự xét giải mà có khi không theo một logic nào, có khi được giải không cao chỗ này mà lại được giải cao chỗ khác cũng không phải là hiếm gặp. Chả thế mà có chuyện, có nhà văn ở địa phương đoạt giải của Hội Nhà văn Việt Nam hẳn hoi, ai cũng nghĩ thế thì chắc chắn mang tác phẩm ấy về địa phương sẽ được giải. Nhưng… chưa chắc, không hiếm trường hợp tác phẩm được giải trung ương mà về địa phương lại không có giải, hoặc ngược lại. Tất nhiên trường hợp này ít hơn so với được giải ở địa phương thì chưa chắc được giải trung ương. Thế nên nhiều khi mới có sự hài hước cho rằng địa phương khắt khe hơn trung ương, địa phương yêu cầu cao hơn trung ương… và cũng có khi còn chứa đựng cả nhiều lý do khác, ngoài văn chương, sự quen biết, nể nang… để đôn nhau lên và hạ nhau xuống.

Trước nay đã có tác giả vừa được giải của Hội Liên hiệp lại vừa được giải của Hội Nhà văn. Giải thưởng vừa là sự ghi nhận, vừa là sự khích lệ kịp thời đối với người cầm bút. Thiết nghĩ, một tác phẩm khi đã được in thành sách, qua sự thẩm định của độc giả sau một thời gian thì không cần thiết phải đưa ra quy chế mang tính “bản quyền” rằng đã gửi xét giải ở nơi này thì không được gửi xét giải nơi khác. Và cũng khó thống kê với giải thưởng này có tác giả, tác phẩm nào tham dự, giải thưởng kia thì tác phẩm nào dự xét giải. Vì thế có sự “chênh” thứ bậc giải thưởng cao thấp ở cùng một tác phẩm khi tham dự xét giải ở hai hệ thống giải thưởng khác nhau.

Vì thế, để nhìn lại một năm văn học, nếu chỉ căn cứ vào giải thưởng thì sẽ có những nhìn nhận khác nhau. Phải chăng bởi thước đo giải thưởng, mà cụ thể là thẩm mĩ nghệ thuật hiện nay có những quy chuẩn chưa đồng nhất?.

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2015 được trao cho các tác phẩm:

Văn xuôi: Kỳ nhân làng Ngọc – Truyện ngắn của Trần Thanh Cảnh; Thông reo Ngàn Hống – Tiểu thuyết của Nguyễn Thế Quang

Thơ: Long Mạch – Trường ca của Hoàng Trần Cương; Vườn khuya – Thơ của Trần Hùng

Lý luận phê bình: Các lý thuyết nghiên cứu văn học Ảnh hưởng và tiếp nhận từ ngày đổi mới đến nay – Nghiên cứu Lý luận của Nguyễn Văn Dân; Âm thanh của tưởng tượng – Lý luận phê bình của Lê Hồ Quang

Văn học dịch: Người đàn ông đến từ Bắc Kinh – Henning Mankell do Nguyễn Minh Châu dịch.

Như vậy, trong 4 lĩnh vực của văn học chỉ có văn học dịch là có một tác phẩm được giải thưởng, các lĩnh vực còn lại đều có hai tác phẩm được trao giải thưởng.

Mùa giải thưởng năm 2015 do các Hội đồng và Ban chấp hành khóa IX lựa chọn và chấm giải. Lễ trao giải được tiến hành cùng lễ tổng kết văn học 2015, trao giải tiểu thuyết và kết nạp Hội viên vào sáng 2/2 tại Bảo tàng văn học Việt Nam.

Theo Hiền Nguyễn – Báo Tổ quốc