Cuốn “Mein Kampf” (Cuộc chiến của tôi) do trùm Phát-xít Hitler viết đã bị cấm ở Đức kể từ khi chủ nghĩa Phát-xít sụp đổ. Tuy vậy, “cuốn sách nguy hiểm nhất thế giới” này sẽ xuất hiện trở lại tại các hiệu sách Đức vào đầu năm 2016 tới.

Cuốn “Mein Kampf” (Cuộc chiến của tôi) do trùm Phát-xít Hitler viết đã bị cấm ở Đức kể từ khi chủ nghĩa Phát-xít sụp đổ. Tuy vậy, “cuốn sách nguy hiểm nhất thế giới” này sẽ xuất hiện trở lại tại các hiệu sáchĐức vào đầu năm 2016 tới.

Dù có những ý kiến trái chiều về việc cho phép cuốn sách này xuất hiện trở lại thị trường xuất bản Đức, bởi nó có thể trở thành công cụ phục vụ cho những kẻ mang tư tưởng “tân Phát-xít”, nhưng cuối cùng cuốn “Mein Kampf” vẫn sẽ được xuất bản tại Đức kể từ giữa tháng 1/2016 tới, sau khi thời hạn bản quyền của cuốn sách hết vào ngày 31/12 này.

Việc quản lý cuốn sách nguy hiểm này không được phép có phút nào lơ là. Bởi khi những sự việc kinh hoàng nhất trong lịch sử hiện đại của loài người đã lùi xa, người ta có thể sẽ đánh giá thấp sự nguy hiểm của những câu chữ viết trong cuốn sách.

Việc đọc cuốn sách này đòi hỏi phải có những hiểu biết sâu sắc về lịch sử để lịch sử không bị bóp méo qua một lăng kính sai lệch, để những sự kiện chính trị không bị tách rời và xuyên tạc theo ý hiểu của riêng một cá nhân.

Việc xuất bản trở lại cuốn “Mein Kampf” đã vừa được tuyên bố tại thủ đô Berlin, Đức, trong tuần qua bởi Giáo sư Andreas Wirsching và Tiến sĩ Christian Hartmann, hai đại diện đến từ Viện Lịch sử Đương đại Munich (Đức).

Hai chuyên gia nghiên cứu lịch sử cho rằng: “Chúng ta cần phải thoát ra khỏi những nỗi lo sợ về cuốn sách và dũng cảm kể lại sự thật”. Dự kiến cuốn sách sẽ được bán ra thị trường với giá tương đương 1,3 triệu đồng/cuốn tại thị trường Đức và sẽ không có phiên bản sách “online”.

Cuốn “Mein Kampf” của Hitler đã bị cấm lưu hành ở Đức kể từ khi chủ nghĩa Phát-xít sụp đổ. Tuy vậy, cuốn sách sẽ trở lại các hiệu sách Đức vào đầu năm tới.

Thực tế, cuốn “Mein Kampf” vẫn được xuất bản ở nhiều nước trên thế giới như một tài liệu lịch sử phục vụ cho nghiên cứu, nhưng riêng ở Đức, từ hàng thập kỷ nay, cuốn sách này đã bị cấm triệt để.

Trùm Phát-xít Hitler từng viết cuốn sách này hồi thập niên 1920, “Mein Kampf” là cuốn sách chứa đầy hận thù và chủ nghĩa bài Do Thái. Cuốn sách sau này đã được Hitler sử dụng phục vụ cho những mục đích chính trị đen tối, đặc biệt là trong cuộc diệt chủng người Do Thái.

Hitler bắt đầu viết cuốn “Mein Kampf” khi còn ở trong tù sau khi tiến hành một cuộc đảo chính thất bại vào năm 1923. Cuốn sách này đưa ra những quan điểm phân biệt chủng tộc và bài Do Thái. Sau khi Hitler giành được quyền lực vào một thập kỷ sau, cuốn sách trở thành một “luận cương” quan trọng của chủ nghĩa Phát-xít, với 12 triệu ấn bản được in ấn và phát hành rộng rãi.

Cuốn sách thậm chí đã có thời được Nhà nước Đức tặng cho những cặp đôi mới cưới làm quà. Những ấn bản dát vàng được đem trưng bày trong phòng khách ở vị trí trang trọng nhất trong nhà của những nhân viên phục vụ cho Nhà nước Đức Quốc xã.

Cuốn “Mein Kampf” đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới nhưng không được phép lưu hành tại Đức trong suốt những thập kỷ qua, kể từ năm 1945.

Thời chủ nghĩa Phát-xít thống trị ở Đức, cuốn “Mein Kampf” được phát hành rộng rãi tới từng người dân, chính quyền Phát-xít muốn sử dụng cuốn sách này để “tẩy não” người dân, biến những luận điểm được nêu ra trong đó trở thành kim chỉ nam dẫn đường cho cả nước Đức. “Mein Kampf” đã từng đóng vai trò trung tâm trong hệ tư tưởng Đức Quốc xã.

Khi “Mein Kampf” hết thời hạn bảo vệ bản quyền, về lý thuyết, nhà xuất bản nào của Đức cũng có quyền xuất bản cuốn sách này tại Đức.

Khi kết thúc Thế chiến II, nhà xuất bản Eher Verlag chuyên in sách phục vụ Đức Quốc xã đã bị mất quyền xuất bản cuốn “Mein Kampf”. Quyền này được chuyển giao cho chính quyền tiếp quản. Từ đó, cuốn sách chỉ được in ấn ở Đức trong những trường hợp thật đặc biệt, chẳng hạn phục vụ cho nghiên cứu.

Chính quyền mới tuyệt đối không cho cuốn sách này xuất hiện trên thị trường xuất bản Đức. Tuy vậy, khi tới đây thời hạn bản quyền của cuốn sách kết thúc, chính quyền bang Bavaria không còn quyền phong tỏa đối với “cuốn sách nguy hiểm nhất thế giới” này nữa.

Trước đây, Chính phủ Đức thường sử dụng luật bản quyền để kiểm soát vấn đề tái bản cuốn “Mein Kampf”. Trên thế giới hiện nay, người ta thấy manh nha xuất hiện những nhóm theo chủ nghĩa tân Phát-xít, vì vậy, việc xuất bản cuốn sách trở lại có thể khiến những người đọc không có hiểu biết đầy đủ về lịch sử bị tác động lệch lạc về tư tưởng.

Trong lần xuất hiện trở lại này, cuốn “Mein Kampf” sẽ được những chuyên gia nghiên cứu lịch sử của Đức biên tập lại kỳ công, họ sẽ thêm vào những chú giải cần thiết để độc giả hiểu được những luận điệu sai trái, bóp méo sự thật của Hitler, từ đó có cái nhìn đúng đắn về lịch sử.

Đại diện Viện Lịch sử Đương đại Munich cho biết hai tập của cuốn “Mein Kampf” sắp xuất bản có tổng cộng 2.000 trang. Những câu chữ của Hitler sẽ là ít ỏi so với những chú giải chi tiết được các sử gia thực hiện kỳ công, để từ đó người đọc sẽ nhìn ra đầy đủ những tư tưởng nguy hại cho sự phát triển và tiến bộ của loài người ẩn sau những tuyên bố của Hitler.

Đại diện Viện Lịch sử Đương đại Munich cho biết: “Cuốn sách mà chúng tôi sắp xuất bản thực tế là cuốn sách vạch trần Hitler”.

Bất kể những ý kiến lo ngại, phản đối, các sử gia tham gia kế hoạch tái bản sách cho rằng việc tuyệt đối cấm lưu hành cuốn sách không phải là phương pháp tối ưu, bởi việc để giới trẻ hiểu về chủ nghĩa Phát-xít và những điều khủng khiếp mà nó gây ra, từ đó có ý thức phản biện trước những luồng tư tưởng sai lệch, để không “mù mờ” trước một vết đen của lịch sử loài người, để chống lại một hệ tư tưởng nguy hiểm, phản nhân loại… là điều vô cùng quan trọng.

Những điều này chỉ có thể có được nếu người ta công khai những hiểu biết lịch sử về chủ nghĩa Phát-xít, thay vì giữ những “vết đen” nằm trong bóng tối, biến những sử liệu trở thành tài liệu cấm, và cố gắng kiểm soát những thứ gần như không thể kiểm soát.

Theo Bích Ngọc (Dân trí)