Bù lại việc không có hồ sơ “ứng thí” trong năm 2012, Việt Nam đã đề ra hẳn một chiến lược bài bản và liên tục để đề nghị UNESCO xét tặng các danh hiệu Di sản tư liệu thế giới trong các năm tới, kể từ 2013.

Thuộc chương trình Ký ức thế giới, danh hiệu Di sản tư liệu được UNESCO đều đặn xét tặng hằng năm, bao gồm danh hiệu cấp thế giới (năm lẻ) và cấp khu vực (năm chẵn). Trước mắt, tháng 9/2013 là hạn cuối để chúng ta nộp hồ sơ cho đợt xét tặng danh hiệu này ở cấp độ khu vực châu Á – Thái Bình Dương (kết quả sẽ có trong năm 2014).

Quốc gia” trước, “thế giới” sau?

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này (Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước tổ chức vào 8/1) cũng là dịp để Bộ Nội vụ chính thức công bố quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về chương trình Ký ức thế giới. Trước đó, VN chỉ có một Ban điều phối cho chương trình này, với đầu mối đặt tại Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước.

Thực tế, cùng với 2 hạng mục Di sản vật thể và phi vật thể, Di sản tư liệu (DSTL) là một trong 3 “đấu trường” chính để chúng ta nhận về các danh hiệu cấp thế giới từ UNESCO trong những năm qua. Tuy nhiên, trong khi việc đề cử 2 loại hình di sản đầu tiên lên UNESCO đã được “luật hóa” hết sức chặt chẽ bằng văn bản, việc tổ chức đề cử cho danh hiệu DSTL lại chưa có một quy chế cụ thể. Thông thường, danh hiệu này đến từ nỗ lực tìm kiếm của Ủy ban UNESCO Việt Nam, cũng như từ đề xuất của các địa phương. Kết quả: sau 4 năm liên tục có danh hiệu, chuỗi thành tích về DSTL của VN sẽ tạm ngừng trong năm 2013 này – khi không có địa phương nào đăng kí lập hồ sơ vào năm ngoái.


Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm tham gia chương trình Ký ức thế giới của UNESCO

“Với việc thành lập ủy ban này, chúng tôi sẽ sớm xây dựng tiếp các quy chế đề cử DSTL”. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng thư kí Ủy ban UNESCO Việt Nam, cho biết. Theo lời ông Thắng, tương ứng với các tiêu chí xét duyệt do UNESCO đưa ra, quy chế đề cử DSTL của VN có vai trò lựa chọn những di sản có khả năng chiến thắng cao nhất để đưa đi “ứng thí”. Ngoài ra, một Hội đồng xét duyệt hồ sơ cũng sẽ sớm được xây dựng, quy tụ đủ những chuyên gia về di sản, cũng như đại diện những cơ quan có vai trò liên quan tới chương trình này.

Hiện nay tại VN, hai loại hình Di sản vật thể và phi vật thể đều đã có hệ thống xếp hạng danh hiệu cấp quốc gia. Thông thường, từ hệ thống cấp quốc gia này, những di sản có tiềm năng nhất sẽ tiếp tục được lựa chọn và đầu tư để xây dựng hồ sơ xin danh hiệu cấp thế giới. Theo ông Thắng, trong thời gian ngắn nhất, hệ thống DSTL quốc gia của VN cũng sẽ sớm được xây dựng để trở thành cơ sở cho việc “ứng thí” trước UNESCO mỗi năm.

“Chúng tôi đang động viên các địa phương gửi hồ sơ xin xét duyệt danh hiệu này. Ông Thắng nói thêm. “Nếu mọi chuyện thuận lợi, hi vọng trong ngay năm nay, chúng ta sẽ có ít nhất là mười DSTL được công nhận ở cấp quốc gia. Từ đó, Hội đồng thẩm định sẽ xem xét và lựa chọn ứng cử viên cho những đợt đề cử lên UNESCO một cách liên tục và bài bản”.

Lựa chọn nào cho năm 2013?

Theo thông tin từ UNESCO, đợt đệ trình vào tháng 9/2013 tới không hạn chế về số bộ hồ sơ của mỗi quốc gia (trái với quy định tối đa 2 hồ sơ/quốc gia cho các đợt xét danh hiệu cấp độ thế giới). Tuy nhiên, ông Thắng tỏ ra khá thận trọng: “Rất khó nói trước rằng chúng ta nên đệ trình bao nhiêu di sản trong đợt này. Bởi, việc nhận danh hiệu phụ thuộc rất nhiều vào khâu chuẩn bị hồ sơ một cách chính xác, khoa học và gần nhất với các tiêu chí do UNESCO đưa ra…”.


Mộc bản Vĩnh Nghiêm – trường hợp rút ra nhiều bài học quan trọng về việc chuẩn bị hồ sơ xin danh hiệu DSTL thế giới

Bản thân, việc lập hồ sơ của 3 DSTL thế giới tại VN cũng đã được phân tích khá nhiều tại hội thảo. Điển hình, sau thất bại lần đầu vào năm 2011, hồ sơ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được viết lại và bổ sung rất nhiều để có thể “đạt chuẩn” và nhận danh hiệu cấp khu vực vào năm 2012 được đưa ra. Kinh nghiệm xương máu của người trong cuộc được đưa ra: không phải cứ “nhét” tất cả những giá trị của di sản vào hồ sơ là thành công. Ngược lại, sự khoa học, súc tích, bám chặt những tiêu chí mà UNESCO đòi hỏi mới là điều quan trọng nhất.

Thực tế, một số di sản tư liệu “tiềm năng” đã được nhắc tới tại Hội thảo như những ứng cử viên cho danh mục DSTL cấp quốc gia (và tiếp đó, có thể được lựa chọn để đệ trình lên UNESCO): Châu bản triều Nguyễn, Ngự phê triều Nguyễn, Bản đồ hành chính VN trong thời kì triều Nguyễn hay thậm chí là bản thu âm Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chủ tịch vào năm 1945. Đặc biệt, các chuyên gia nghiên cứu văn hóa Chăm cho biết: tại Ma Lâm (Bình Thuận), một gia đình người Chăm đã hiến tặng cho bảo tàng một bộ “tư liệu” của Hoàng gia Chăm với hàng chục vạn trang bút tích bằng chữ Chăm về lịch sử, ngôn ngữ, lời ca, phong tục cúng tế…

“Với tiềm năng hiện có, tôi tin VN trong tương lai sẽ sớm nâng cao hơn số DSTL của mình” TS Ray Edmondson, Chủ tịch Ủy ban chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương của UNESCO nhận xét.

Nguồn: Thể thao & Văn hóa

Exit mobile version