NGUYỄN CÔNG LÝ


Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Cư Pui gặp hoàn cảnh khó khăn do sinh đông con.

NDĐT – Sau một thời gian tạm lắng, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đác Lắc, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa gần đây lại tái diễn tình trạng trẻ em bị dụ dỗ bỏ học đi lao động tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện năm trẻ em ở xã Ea Đah, huyện Krông Năng bị dụ dỗ đi lao động ở các tỉnh, thành phố phía nam. Hiện lại tiếp tục phát hiện thêm hàng chục em ở xã vùng sâu Cư Pui, huyện Krông Bông cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Điều đáng nói là do cuộc sống khó khăn cho nên các bậc phụ huynh đã đồng ý cho con em mình đi lao động xa để kiếm tiền phụ giúp gia đình, gây nhiều khó khăn cho chính quyền và các ngành chức năng địa phương trong việc ngăn chặn tình trạng này.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Cư Pui, huyện Krông Bông, trên địa bàn xã hiện có 11 trẻ em từ 12 đến 17 tuổi bị dụ dỗ bỏ học đi lao động ở TP Hồ Chí Minh, trong đó có sáu em là học sinh THCS và năm em là học sinh tiểu học. Đa số các em này là con em của đồng bào dân tộc thiểu số ở phía bắc di cư vào sinh sống ở các thôn vùng sâu, vùng xa của xã, đời sống còn gặp nhiều khó khăn.

Cháu Mua Thị Mo (SN 2004), con gái ông Mua Nõ Po ở thôn Ea Uôl, xã Cư Pui đang học lớp ba thì bị người lạ đến dụ đi làm thợ may ở TP Hồ Chí Minh. Gia đình ông Po thuộc diện hộ nghèo trong thôn, ông đã vay ngân hàng 40 triệu đồng để đào ao và trồng cà-phê nhưng đến nay vẫn chưa trả được nợ. Trong lúc gia đình túng quẫn thì dịp Tết Nguyên đán vừa qua, sau một thời gian làm thuê ở TP Hồ Chí Minh, cháu Mo được chủ lao động trả cho 15 triệu đồng mang về phụ giúp gia đình. Vì vậy, ngay sau những ngày nghỉ Tết, gia đình ông Po lại tiếp tục cho cháu Mo vào TP Hồ Chí Minh làm việc để kiếm tiền giúp gia đình trang trải nợ nần và lo cho các em đi học.

Mặc dù con nghỉ học và đi lao động ở độ tuổi vị thành niên, nhưng ông Po cho rằng, cháu Mo còn nhỏ, học lại kém, ở nhà cũng không làm được việc gì, trong khi gia đình lại đông con, thiếu đất sản xuất, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Thế nhưng khi được hỏi, gia đình có biết cháu làm ở đâu và điều kiện sinh hoạt như thế nào không thì ông Po chỉ lắc đầu nói không biết.

Cũng ở thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, cháu Sùng Thị Mỵ (SN 2004), con gái lớn của anh Sùng Mí Sính đang học lớp 4 thì nghe lời dụ dỗ của các đối tượng môi giới lao động bỏ học vào TP Hồ Chí Minh làm thợ may từ năm 2017. Hoàn cảnh gia đình anh Sính cũng hết sức khó khăn, mặc dù di cư tự do vào đây sinh sống hơn 10 năm nay nhưng chỉ có vài sào đất trồng mì nên quanh năm thiếu ăn, mọi chi phí của gia đình đều trông chờ vào tiền làm thuê của anh Sính. Sau khi xem xét hoàn cảnh của gia đình anh, chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình anh xây nhà theo Chương trình 167 nhưng mấy năm trôi qua mà anh vẫn chưa trả được 10 triệu đồng tiền vay ngân hàng. Vì vậy, khi có người đến nhà nói cho cháu nghỉ học đi làm, anh Sính vội vàng đồng ý.

Theo lời anh Sính, trong dịp về nhà nghỉ Tết vừa qua, cháu Mỵ kể, mỗi ngày cháu phải làm việc ba ca từ 10-12 giờ; ăn uống thiếu thốn, sinh hoạt lại gò bó, không được đi ra ngoài. Do phải làm việc vất vả cả ngày cho nên lúc nào cháu cũng cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Tuy nhiên, Tết vừa rồi cháu được chủ cơ sở may trả tiền công 15 triệu đồng mang về giúp gia đình. Năm nay, chủ cơ sở hứa làm đến cuối năm sẽ trả 35 triệu đồng tiền công, vì vậy sau mấy ngày nghỉ Tết, cháu đã quay lại TP Hồ Chí Minh để làm việc kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Sính chia sẻ: “Vợ chồng anh rất thương con, tuổi còn nhỏ đã sống xa gia đình và lao động vất vả, nhưng hoàn cảnh quá khó khăn buộc anh phải cho con đi lao động. Nhiều đêm nghe con gọi điện về than thở mình chỉ biết khóc và động viên con chứ không biết phải làm sao”.

Toàn thôn Ea Uôl hiện có 21 người đi lao động ở tỉnh khác, trong đó có nhiều trẻ em là học sinh THCS và tiểu học. Tình trạng trẻ em ở xã Cư Pui nói riêng và trên địa bàn huyện Krông Bông nói chung bị dụ dỗ bỏ học đi lao động xảy ra nhiều năm nay. Mặc dù các ban, ngành, đoàn thể của huyện phối hợp chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích, thậm chí xử lý những sai phạm về pháp luật trong tuyển dụng lao động trẻ em nhưng vẫn không ngăn chặn được tình trạng này.

Chủ tịch UBND xã Cư Pui, ông Nguyễn Văn Tâm cho biết, UBND xã đã chỉ đạo các thôn, buôn rà soát, tổng hợp số lượng từng đối tượng trên địa bàn đi làm ăn ngoài tỉnh để báo cáo cấp trên có giải pháp cụ thể. Các tổ chức, đoàn thể, trường học của xã, thôn, buôn đang tiếp tục tuyên truyền, đến từng nhà gặp gỡ những gia đình có con em đi làm xa và những em có nguy cơ bỏ học để động viên các em tiếp tục đến trường. Nhờ những biện pháp này, trong những em đi lao động năm 2017 về nghỉ Tết thì có bốn em không đi làm nữa. Tuy nhiên, sau Tết đến nay, toàn xã lại có thêm sáu em khác bị lôi kéo, rủ rê đi lao động ở TP Hồ Chí Minh.

Ông Tâm trăn trở: “Chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn người dân cho con em nghỉ học để đi lao động ở địa phương khác. Nhưng cái khó là đa số bà con là đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, thiếu đất sản xuất, đông con và trình độ dân trí thấp cho nên việc vận động rất khó khăn. Họ thường thấy cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến chuyện chủ lao động bóc lột sức lao động của con em mình và hậu quả đối với các em sau này.

Do đó, thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an xã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng lạ mặt đến địa phương dụ dỗ và tuyển dụng lao động trái phép, nhất là lao động trẻ em. Ngoài ra, UBND xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể của xã phối hợp chặt chẽ với ban tự quản các thôn, buôn và trường học trên địa bàn đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhằm giảm tối đa tình trạng trẻ em bỏ học đi lao động sớm.

Nguồn Báo Nhân Dân

Dương Thanh đăng bài

Exit mobile version