Tôi không nhớ đã đọc tập “Sự Mất Ngủ Của Lửa” (SMNCL) thi phẩm Nguyễn Quang Thiều bao nhiêu lần? (1) Đó là một trong rất ít những tập thơ buộc tôi phải đọc lại!


Tôi chỉ nhớ mỗi lần đọc SMNCL, là một lần thơ Nguyễn Quang Thiều cho tôi một ngữ-cảnh, với những khám phá khác về ngôn từ, hình ảnh, nhất là lãnh vực Liên-tưởng (Thought- Connection) – Từ đó, trong tôi cảm xúc tựa lần đầu được đắm mình trong cõi-giới thi ca mới, lạ được gặp lần đầu này. Tựa như nhiều câu thơ của Nguyễn là một kính-vạn-hoa.

Tôi nghĩ, tôi không sợ bị coi là quá lời khi quả quyết, bất cứ bài thơ nào trong SMNCL, cũng cho tôi ít nhất một câu thơ như kính-vạn-hoa.

Tôi không biết do Nguyễn Quang Thiều chọn bước đi cho thơ của mình trên lộ trình siêu thực (ngay từ tựa đề thi phẩm), đã đem đến cho Nguyễn những câu thơ như những nhát chém dữ dội xuống thân cây cổ thụ ngôn ngữ Việt? Hay, tính siêu thực với cách nhìn khác, đã đem lại cho SMNCL những câu thơ bập bùng, thao thức lửa ngọn của tài năng và trí tuệ của Nguyễn?

Nhưng trường hợp nào thì, Nguyễn Quang Thiều qua thi phẩm SMNCL cũng đã đem lại cho ông, cho thơ Việt Nam, những câu thơ mới, đẹp, tới bất ngờ, như:

– Cơn mơ vang tiếng quẫy tuột câu như một tiếng nấc

 

– Dưới vành nón của người cất lên trầm trầm giọng hát

Như tiếng thóc khô chảy vào trong cót

 

– Những ngọn ban mai mơn mởn rướn mình

 

– Tiếng gà buồn mổ rỗ mặt hoàng hôn

 

– Đêm chín rũ một mùa khóc

Đến nơi khô quắt một mùa cười

 

– Nơi bầu vú ăn vào sỏi đá

 

– Cứ nâu dần sau mỗi tiếng u…u

 

– Dưới những nhát búa cùn

Từng khúc xoan tươi toác ra tiếng cười của lửa

 

– Ta khắc khoải hình dung khuôn mặt em mà không sao nhớ nổi

Chỉ mang cá thở dồn làm ngực ta tắc nghẹn

Chỉ đuôi cá mềm quẫy tung nước làm bỏng rát mặt ta

 

– Thính cứ ném xuống đời ta không ngủ

 

– John Baca đã bóp cò 20 năm về trước

Đạn vẫn bay đến bây giờ

 

– Em nằm nghiêng trong đêm

Như con thuyền cô đơn nép mình bên bến cát

Tôi cởi áo mình ra căng một cánh buồn

 

–  Nhóm u uất trong những vòm tháp cổ

Người suốt đời hoảng hốt với hư vô (Tr. 67)

 

– Các cô gái đẹp mặc váy cưỡi xe máy phóng qua

như dao sắc phất vào tôi tứa máu

 

– Một cơn sốt ngồi ôm một cơn sốt

Những tiếng ho bình đẳng vỡ làm đôi

 

Tôi nghĩ, không nên có một nhận định riêng nào của mình. Vì, như đã nói, mỗi câu thơ của Nguyễn Quang Thiều như một kính vạn hoa. Mỗi độc giả, tùy cảm thức, trình độ, kinh nghiệm sống sẽ có được cho mình một hay, nhiều rung cảm khác nhau, qua mỗi lần đọc.

 

Tôi chỉ xin được chú thích rằng, Nguyễn Quang Thiều có những câu thơ xóa bỏ / triệt tiêu hẳn các liên tự: “Như”, “tựa”, “giống như”… để liên-tưởng trực tiếp hiện ra, không qua một cầu nối nào –  Đó là kỹ thuật ảnh trực tiếp gọi ảnh, hình trực tiếp tìm hình…

 

Tôi thí dụ câu thơ

 

– Từng khúc xoan tươi toác ra tiếng cười của lửa

 

Nếu là một thi sĩ khác, có thể sẽ viết:

 

Từng khúc xoan tươi toác ra (như / tựa) tiếng cười của lửa.

 

Hoặc:

 

– Tôi cởi áo mình ra căng một cánh buồn

 

Nếu là một thi sĩ khác, có thể sẽ viết:

 

– Tôi cởi áo mình ra (như / tựa) căng một cánh buồn” v.v…

 

Trong SMNCL, Nguyễn Quang Thiều cũng đề cập tới bản chất thay đổi của nhân loại thời hội nhập, qua những câu thơ như:

 

“Bầy chó gầy, bẩn thỉu, ốm đau / Ngày lùng sục kiếm ăn / Liếm cả lưỡi vào dao sắc ngọt / Lưỡi bị cứa máu trào ra ở đó / Con đến sau lại liếm máu bầy mình”.

 

Và, dĩ nhiên Nguyễn Quang Thiều, trong SMNCL không quên đề cập tới những hậu quả khốc liệt, hay những vết thương khôn khép miệng,  dù thời gian trải qua bao lâu!

 

Ở lãnh vực này, ông cũng rất kiệm lời khi viết:

 

– John Baca đã bóp cò 20 năm về trước

Đạn vẫn bay đến bây giờ

 

Tuy nhiên, với tôi, các con chữ, hình ảnh trong bài “Những ví dụ” , mới cho thấy rõ trái tim mở vào / ở với nhân loại của Nguyễn.

 

Bằng cách nhìn riêng của một thi sĩ mà, tài năng và trí tuệ đã được khẳng định, Nguyễn Quang Thiều không buông mình theo xu hướng thường tình là kết án chiến tranh, kẻ thù…Ông chọn tiêu chí nhân bản để nói về “Những người đàn bà góa bụa làng tôi” – – Nhưng đó lại là những dòng thơ xuôi, khiến người đọc có thể chảy nước mắt. Vì chiến tranh ở đâu, lúc nào, phía nào, cũng để lại sau lưng nó, những người phụ nữ trẻ, góa bụa!.! Họ buộc phải sống tiếp, phải gánh gồng một-đời-sống-chết trên đôi vai xương xẩu bất lực và, định mệnh bất khả chuyển cho tới khi thực sự chấm dứt đời họ:

 

“…Bầu vú họ mệt mỏi nằm ngoẹo đầu và trở nên ngễnh ngãng, không còn nghe được tiếng gọi đàn ông nồng mùi thuốc lào và ruộng bùn ngai ngái, trong những đêm gió từng đôi quấn nhau qua vườn hổn hển. Chỉ tiếng chuột nhắt cắn thóc trong những chiếc áo quan gỗ gạo đóng sẵn làm họ thức giấc. Và họ nằm âu lo trong tiếng mọt cắn gỗ vọng ra từ cỗ áo quan. Thời gian cứ lặng lẽ chảy vào chiếc bình gốm cổ khổng lồ. Những người đàn bà góa bụa làng tôi như những con cào cào áo nâu cứ khuất dần…khuất dần sau cỏ. Tôi như kẻ mắc bệnh tâm thần đứng khóc. Tôi khóc vì những ví dụ đã vĩnh viễn ra đi…”

 

Tôi rất muốn ghi thêm nhiều “chú thích” khác nữa về cõi-giới thi ca Nguyễn Quang Thiều. Nhưng cảm thụ cái đẹp của thi ca, vốn là độc quyền, ân sủng của mỗi người yêu thơ.

 

Dưới đây là một “Cái đẹp” khác – – Một trong những cái đẹp của thơ Nguyễn, vượt ngoài những cái đẹp vốn đã bị cliché trong thơ của chúng ta từ nhiều chục năm trước:

 

“Trên con đường gồ ghề

Gió lạnh gào thét

Con bò cắm mặt bước

Kéo chiếc xe nặng nề

Người đàn ông chân đất

Cúi rạp đẩy xe

Và trên đống đá thùng xe

Người đàn bà ngồi im lặng

Chiếc khăn trùm đầu

Bọc một gương mặt đẹp

.

Gió lạnh lồng lộng bốn phía chân trời

Con bò nguyền rủa con đường quá dài

Người đàn ông nguyền rủa con bò đi quá chậm

Người đàn bà lặng lẽ quàng lại khăn

Che bớt gương mặt.”

 

Sau nhiều lần đọc SMNCL, tôi không chút ngạc nhiên khi được biết thơ (cũng như văn) Nguyễn Quang Thiều đã được xuất bản, phổ biến rộng rãi ở nước ngoài, qua hai ngôn ngữ chính: Anh và, Pháp.

Và, những đóng góp của Nguyễn Quang Thiều cho văn chương Việt Nam, tôi trộm nghĩ,  là điều chúng ta không thể không ghi nhận.

 

(Calif. Jan. 2016)

 

Theo Du Tử Lê – Hội Nhà văn Việt Nam

Exit mobile version