Không yên ổn bởi tác phẩm mới của Lê Minh Khuê mang cái nhìn dữ dội, tàn khốc về những sang chấn trong tâm hồn những người đi qua chiến tranh.

Lê Minh Khuê, nữ nhà văn gốc Thanh Hóa sinh năm 1949 là một trong những cây bút truyện ngắn hàng đầu thành danh với những tác phẩm về đề tài hậu chiến. Sau ”Cao điểm mùa hạ”, ”Bi kịch nhỏ”, ”Trong làn gió heo may”… Lê Minh Khuê tiếp tục trình làng tập sách gồm 11 truyện ngắn và một truyện vừa ”Nhiệt đới gió mùa”. Truyện vừa này cũng chính là linh hồn của cuốn sách.

Buổi tọa đàm ra mắt sách hôm 19/12 do nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên dẫn chương trình, với sự tham gia của nhà văn Tạ Duy Anh, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái cùng tác giả Lê Minh Khuê. Các diễn giả dành nhiều thời gian để nói về tác phẩm “linh hồn”. Với một cái nhìn trực diện, trong “Nhiệt đới gió mùa”, Lê Minh Khuê khai thác chiến tranh ở góc độ đau đớn, tàn khốc nhất, khi không chỉ là câu chuyện đầu rơi máu đổ từ hai chiến tuyến mà là sự chia cắt từ một phía. Và đặc biệt, lần đầu tiên, nhà văn nhìn chiến tranh qua cuộc chiến đau thương trong một gia đình.

”Nhiệt đới gió mùa” xới dậy bi kịch trong gia đình một người đàn ông sống chung với  vợ cả và vợ lẽ. Mỗi người đều có một cậu con trai. Mối ghen tuông, thù hận giữa hai người đàn bà dẫn tới một lần, sau trận cãi vã, người vợ lẽ chạy ra khỏi cửa và vấp phải đinh thợ mộc. Chiếc đinh cắm vào một bên mắt khiến người vợ lẽ vĩnh viễn mất đi con mắt. Sau tai nạn, cảm thấy bị ghẻ lạnh, hắt hủi, hai mẹ con người vợ lẽ bỏ đi biệt tích. Một thời gian sau, người anh con vợ cả trở thành một chiến sĩ cộng sản. Người em theo mẹ vào Nam giờ là một sĩ quan cao cấp trong hàng ngũ lính ngụy. Họ gặp lại nhau khi ở hai chiến tuyến, trong tình cảnh người anh bị bắt và chiến tranh là cơ hội để người em đòi “món nợ” năm xưa cho mẹ bằng cách móc một con mắt người anh. Lê Minh Khuê viết: ”Mỗi bên chỉ còn một con mắt nhìn nhau qua sự hận thù”. Những câu văn lạnh lùng, tàn nhẫn, trúc trắc khiến người đọc cảm nhận tận cùng sự tàn khốc giữa người với người trong cuộc chiến, khi chính lòng hận thù chứ không phải điều nào khác khiến con người sống tàn ác với nhau. Chiến tranh, khi đó, chỉ là ngọn lửa bên ngoài, làm cho lửa hận thù bên trong mỗi con người bùng cháy.


Nhà văn Lê Minh Khuê và cuốn sách “Nhiệt đới gió mùa”.

Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét, Lê Minh Khuê có cách giải quyết chiến tranh khiến người đọc rơi nước mắt. Viết về chiến tranh mà nhà văn cho người đọc thấy ngay trong một gia đình, giữa những con người chung huyết thống, chiến tuyến rạch đôi tại đây và người ta nhìn nhau qua con mắt nhuốm màu máu cũng ở đây. Và như thế, theo Nguyễn Thị Minh Thái, Lê Minh Khuê đã thấu thị bản chất của chiến tranh, đi xuyên thấu cuộc chiến mà bi kịch để lại trong mỗi gia đình, mỗi con người – điều mà trước đây rất ít nhà văn đề cập tới.

Nhà giáo Bùi Việt Thắng nói, đọc “Nhiệt đới gió mùa” khiến ông “rã rời” – bởi thế hệ ông cũng bước ra từ chiến tranh, từ những đau thương, mất mát, tàn khốc, dữ dội đó. Và Lê Minh Khuê đã đi thẳng “tim đen” mọi chuyện, khuấy lên sự không yên ổn trong tâm hồn mỗi con người mà thường ngày họ dường như quen với việc quá yên ổn. Và đó là điều cần thiết, để người ta nhìn nhận lại cuộc sống đúng bản chất, để sống nhân văn hơn. Theo Nguyễn Việt Thắng, có thể nhiều người sẽ nhận xét văn của Lê Minh Khuê lạnh lùng, tàn nhẫn như Nguyễn Huy Thiệp, nhưng ông đồ rằng, lúc viết “Nhiệt đới gió mùa”, nữ nhà văn vừa viết vừa lén lau nước mắt.

Lê Minh Khuê không nói chuyện hận thù để xới lại hận thù hay khuyến khích con người ta sống với nó. Kết thúc chiến tranh, người anh bị móc mắt trả thù lại em bằng cách đày người này lên một vùng sơn cước không người trong suốt 6 năm. Tuy nhiên, người ta không thể tiếp tục trả thù nhau mãi. Cuối tác phẩm, nhà văn đã tìm cách giải quyết câu chuyện theo hướng hòa giải. Khi nhận ra rằng, cuộc đời còn nhiều bi kịch hơn thế, đau đớn hơn thế, thì họ tha thứ cho nhau. Đằng sau những con chữ sắc lạnh của Lê Minh Khuê là một tâm hồn, một tấm lòng bao dung, đôn hậu – theo Nguyễn Thị Minh Thái.

Nhà văn Tạ Duy Anh nhận định, Lê Minh Khuê là một tay bút lão luyện, tay nghề cao khi khiến người đọc không nhận ra đâu là hư cấu và đời thật. 100 trang “Nhiệt đới gió mùa” là cả lịch sử mấy mươi năm đau thương, dữ dội, là số phận của cả dân tộc. Tạ Duy Anh tin rằng, công chúng sẽ đón nhận tác phẩm không chỉ bằng sự trân trọng với một nhà văn và văn chương mà còn bằng trách nhiệm với dân tộc.

Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, cái tên ”Nhiệt đới gió mùa” dễ khiến người đọc liên tưởng đến những thứ nhẹ nhàng, lãng mạn nhưng bên trong lòng tác phẩm lại là cả một câu chuyện âm ỉ, sục sôi. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trích dẫn một đoạn trong tác phẩm, xem như một cách nhà văn Lê Minh Khuê cắt nghĩa tiêu đề “Nhiệt đới gió mùa”: ”Vùng nhiệt đới gió mùa mang theo hơi ẩm từ biển vào luôn gây ra cho con người ta những cơn bức bối khó chịu không biết trút vào đâu người ta hay trút vào nhau. Dải đất hẹp trần trụi chạy dọc biển Đông nhiều khi nhìn trên bản đồ thấy mong manh như làn khói gió biển thổi mạnh là có thể cuốn phăng, con người lại không biết sự mong manh đó cứ cố sống cố chết chạy theo thù hận. Thù hận làm đời ta ngắn lại”. Bản thân tác giả lên tiếng, cô chỉ muốn sau tất cả là hòa bình, là tha thứ, là con người yêu thương nhau hơn.

Ngoài truyện vừa “Nhiệt đới gió mùa”, 11 truyện ngắn khác mang dáng dấp khác nhau là những lát cắt sắc lẹm tinh tế về cuộc sống hiện đại. Không còn viết về chiến tranh nhưng các tác phẩm là sự nối dài những dư chấn của chiến tranh, của bạo lực, của những chấn thương tâm lý còn tiếp diễn trong cuộc sống hiện đại. Tác phẩm “Rap việt” được các diễn giả đưa ra luận bàn. Một tác phẩm đầy yếu tố bạo lực được viết một cách lạnh lùng nhất về việc đôi thanh niên trẻ yêu nhau, giết nhau man rợ – câu chuyện hiện tồn và khiến cả xã hội choáng váng mỗi ngày trên các mặt báo – được Lê Minh Khuê viết ra một cách thản nhiên. Tác phẩm có thể gây nhiều tranh cãi, nhưng Lê Minh Khuê cho biết, cô không ngại điều đó. Cô muốn đụng đến bạo lực một cách không đắn đo, tự nhiên như nó đang xảy ra để như một sự báo động. Chiến tranh là bạo lực đầu rơi máu chảy còn bây giờ con người ta bạo lực với nhau bởi sự nhẫn tâm, mất nhân tính, trơ cạn của tâm hồn. Nhà văn Tạ Duy Anh cho biết, cách viết của Lê Minh Khuê trước những vấn đề của cuộc sống hiện đại vẫn sắc lạnh nhưng nó chứa đựng sự cảm thông của nhà văn trước những người trẻ đang hoang mang về tương lai của chính mình. Bởi thế, văn chương của Lê Minh Khuê sẽ phần nào định hướng lại cách sống và tâm hồn họ.

Nguồn: Vnexpress

Exit mobile version