Về truyện ngắn NHỆN của Quỳnh Phạm:
Trên facebook, với tên thật là Phạm Thị Thúy Quỳnh, cô bé viết: “Với tôi, mình là điều kỳ diệu”.
Tôi thích những ý tưởng độc đáo và mạnh mẽ. Giật mình khi biết cô bé còn quá ít tuổi mà đã viết được những câu chuyện như truyện ngắn này. Tựa như bất chợt ngang qua một khu vườn, nghe thoang thoảng khúc ly ca màu sương khói buổi chiều tà.
Già quá. Nhưng mà văn chương đâu phân biệt tuổi tác. Cái chính là sự trải nghiệm trong tâm hồn.
Hay cô bé là hiện thân kiếp sau của một tao nhân mạc khách cõi ngàn trùng?
(Nhưng, vẫn còn sớm lắm để nói gì với nghiệp văn Quỳnh Phạm…)
– Nhà văn Võ Thị Xuân Hà –
QUỲNH PHẠM
NHỆN
Truyện ngắn
Tò vò mà nuôi con nhện,
Đến khi nó lớn nó quên nhau đi.
Tò vò ngồi khóc tỉ ti,
Nhện ơi nhện hỡi nhện đi đằng nào?
(Ca dao)
Hồ sen gợn sóng, hương sen thơm ngát, vòm không tràn ngập hơi sương. Nhện lim dim đôi mắt, bám chặt lấy sợi tơ lòng, thiêm thiếp mê đi. Trong mơ, nó tìm được kiếp cũ – kiếp người. Nhưng nó là ai? Là một văn sĩ, là một thiếu nữ nơi thôn ổ hay là một nhà chính trị? Nó không hề nhớ, nó chỉ biết mình từng là người. Nhện thấy sao mà đau đầu quá, tìm lại mình sao mà khó khăn.
Dưới vòm cây, bỗng có tiếng chân người sẽ sàng bước đến ven hồ, chàng vô tình chạm phải chiếc mạng mới giăng, đánh động giấc mơ của Nhện, làm nó phải vội vàng trèo lên cao ẩn nấp. Nhện còn nhớ ngày ấy nó cũng ngủ quên như thế, không hề phòng bị, suýt nữa thì bị thằng bé sống ở đầu phố tóm được để làm mồi cho chim. Thấy không, con người đáng sợ lắm, ngay từ khi còn bé họ đã là những ác quỷ tí hon. Nhện giương đôi mắt ngái ngủ nhìn kẻ nọ, bỗng thấy những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của chàng.
Mùa sen năm ngoái, chàng trai này đã đưa người yêu đến đây, họ ngồi nghỉ chân dưới cội cây và ngắm hoa nở. Chàng đọc cho nàng nghe những bài thơ về tình yêu, về lẽ sống, về hoài bão tuổi trẻ và chốn an bình trong tâm linh của nhân loại. Chàng ca ngợi vẻ đẹp của nàng, đàn cho nàng và ngắm nhìn nàng.
“Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ đẹp có muôn hình muôn thể.
Mượn lấy bút nàng Ly tao, tôi vẽ,
Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca”*
Cô gái là một thiếu nữ được nuôi dạy tử tế, sống trong sự bao bọc của gia đình, luôn mở đôi mắt to tròn ra lắng nghe, thi thoảng trên khóe môi lại nở một nụ cười rạng rỡ khoe đôi má lúm phớt màu thanh xuân.
– Anh ơi, xin hãy đọc nữa đi – Cô gái thôi thúc, ngả đầu vào vai nhà thơ.
Chàng thấy trái tim mình như đang ca hát và cất lời ngâm những lời thơ lấp lánh trang kim.
“Với Nàng Thơ tôi có đàn muôn điệu,
Với Nàng Thơ tôi có bút muôn màu;”**
(Ảnh minh họa)
Thời gian như nước trôi, sen năm trước tàn rồi, nàng thơ năm ấy đã đi đâu để riêng mình người lẻ bóng? Sao người lại tiều tụy thế kia? Lòng người lẽ nào lại mỏng đến vậy sao? Nhện rón rén bò xuống gần hơn, giơ sợi tơ lên ngắm nghía. Chàng trai sẽ không trở lại nữa, thi sĩ đã biến mất trên đời, trả lại tuổi tráng niên nhiệt huyết. Đáy hồ sen đã giam cầm vô số linh hồn tự nghìn xưa, những kẻ ấy chỉ mong được kết duyên với Phật, khi tái sinh sẽ được ngồi trên bồ đoàn. Nhện bật cười, họ nào hay rằng niết bàn kia nào có trên đời, họ cũng không biết rằng tất thảy đều hèn nhát trốn tránh thế gian.
Nhện cười khanh khách, bò vòng quanh rút hết tơ lòng. Chữ nghĩa làm con người điên loạn, những kẻ vướng phải nó là những kẻ đáng thương, sao phải đày đọa thế. Hở đời? Nhện nom thấy cô gái của mùa hoa thập thò nấp sau rặng liễu, vẫn đôi mắt cũ trong ngần ngân ngấn sầu bi. Những người phụ nữ có đôi mắt như thế thường khổ, bạc mệnh. Nàng chạy tới, ánh nhìn vuốt ve khuôn mặt bình thản đang chìm dần về miên viễn của người yêu, cười nụ và thì thầm:
– Xin anh, xin anh hãy chết để lòng em được sống.
Nhện vò đầu bứt tai. Tại sao cứ phải làm khổ nhau đến thế! Cô gái đã bỏ đi từ lâu, đi với vết thương chẳng bao giờ khép miệng. Rồi một mai, khi trái gió giở giời, nó sẽ làm loạn lên, hành hạ nàng đến chết đi sống lại, đó là thứ độc không thể giải – Độc tình.
Nước dềnh lên cuốn phăng đàn kiến đương chạy lụt, bao gia đình tan cửa nát nhà, li tán khắp nơi. Chúng bám được vào lá sen, ngơ ngác nhìn nhau, chúng đang ở đâu? Nhà ở đâu?
Tiếng thanh la, chũm chọe, kèn tây, kèn tàu vang lên inh tai ở phía bên kia hồ. Ếch cụ ngồi trên lá sen, nheo nheo cặp mắt híp, phồng miệng ồm ồm bảo:
– Thế là “ông cụ” đi rồi.
Nhện rút thêm một sợi tơ, thả mình xuống sát mặt hồ, lồm ngồm bò lên trên đầu Ếch cụ, nó đau đáu:
– Nhanh thật, không quá ba hôm để chui vào quan tài.
– Ông ấy chết đói – Ếch cụ nói – Đám con cháu để ông già chết đói, khốn nạn thật.
– Ông ấy chưa tìm được quê… – Nhện mơ màng nghĩ về ngày xa.
Ông lão là một kẻ tha hương, mất gốc theo đúng nghĩa của nó. Quê ông ở đâu? Ông là ai? Ngoại trừ con sông khắc sâu vào lòng từ khi còn là một đứa trẻ non nớt thì ông còn nhớ được gì? Chiến tranh, chiến tranh đã cày nát biết bao mảnh đời như thế.
“Nhện ơi, tao còn nhớ con sông Trà Lý chảy xiết, năm nào cũng có xác người trôi về đấy, nó đã dìm chết bao nhiêu kiếp người, bao nhiêu ký ức” – Vẫn thấp thoáng vị rượu tràn ly đêm trăng cũ. Người tri âm đã đi, rút tơ lòng làm chi?
“Tao già rồi, vô dụng rồi. Con cháu tao sẽ đánh thuốc cho tao chết như đánh bả một con chó. Nhưng cũng không trách được, con chó sống còn có ích chứ lão già này sống chỉ tổ chật đất chật đai, tốn cơm tốn gạo” – Ông lão ngoẹo đầu, bưng mặt khóc hu hu – “Nhện ơi, rồi thì ông với mày, trên đời này chỉ ông với mày thôi”
Sông Trà Lý còn chảy không? – Nhện lơ đãng nghĩ.
– Đời buồn – Ếch nói.
Nhện gật đầu:
– Buồn mà đẹp, buồn mới đẹp.
Tò Vò bay qua, hỏi:
– Đời cơ bản là buồn, phải thế không? Hả Nhện?
Nhện ngồi thu lu, mặt buồn thỉu buồn thiu:
– Trăm năm xương nát thành tro…
Nhện nói xong và khóc. Ai nghe được ta? Ai hiểu lòng ta? Nhện ngồi tỉ ti. Nào, trút hết nước mắt đi. Con Nhện hát vang, buồn ru lòng mình. Nhện nhớ ra, nó từng là một văn sĩ, nó từng được đi chu du khắp thế gian. Trăm năm, ai người tri âm?
Tò Vò thủ thỉ thù thì:
– Nhện ơi, tìm kiếp trước mà chi. Làm người nhục, khổ lắm. Thân Nhện đã đắng cay, đã biết về đâu mà còn mong làm người?
Ai nghe được ta?
Ai hiểu lòng ta?
Ta khóc cho mình, ta hát cho mình,
Ta viết riêng mình, thế thôi.
Trấn Thiên – Hiên Đà Giang 9/6/2015.
* & **: Trích “Cây đàn muôn điệu” của Thế Lữ.