Tính từ năm 1996 cho đến nay, Phong Điệp đã thử nghiệm trên nhiều thể loại và thu được nhiều thành quả đáng nể: truyện ngắn, truyện dài, tản mạn văn học, tiểu thuyết, tản văn. Mỗi thể loại, chị đều để lại những ấn tượng nhất định. Nhật ký nhân viên văn phòng, tập truyện ngắn mới xuất bản trong năm 2012, minh chứng cho lao động miệt mài, không ngừng nỗ lực của chị. Tập truyện thêm một lần nữa khẳng định bản lĩnh của chị khi tiếp tục dấn thân vào đời sống thị thành. ở đó, chị đã thể hiện cách cảm, cách nghĩ của mình về cuộc sống và con người thành thị qua ngòi bút sắc lạnh nhưng tinh tế.


Bìa cuốn Nhật ký nhân viên văn phòng

Nhật ký nhân viên văn phòng thiên về phản ánh đời sống thành thị. Để thâu tóm, bộc lộ những trạng thái tâm lí của con người đô thị, chị đan cài hai kiểu không gian: kiểu không gian hẹp (không gian căn phòng, không gian nhà trọ, không gian nhà ở); kiểu không gian rộng (không gian khu tập thể, không gian phố phường, không gian làng quê). Trong chiều kích của không gian ấy, nhân vật bộc lộ rõ tính cách, quan niệm sống, cách ứng xử…

Không gian căn phòng thường là nơi diễn ra những trải-nghiệm-sống-thực của mỗi người. Đó là căn phòng – nơi nhân vật “anh” tự vấn lương tâm (Tình trạng không phủ sóng); nơi diễn ra những hạnh phúc và khổ đau trong cuộc sống hôn nhân (Phố núi); nơi hiện tồn sự vô tâm, vô trách nhiệm của người bố, tình trạng ly thân, sự chóng vánh của cuộc tình vụng trộm… (Delete); nơi manh nha thói quan liêu, thiếu trách nhiệm… của một bộ phận trong xã hội (Từ độ cao tầng 18); nơi ì èo những cuộc cãi vã, sự ganh đua, đố kị (Cơm trưa văn phòng, Nhật ký nhân viên văn phòng)… Không gian căn phòng trở thành không gian xã hội.

Truyện ngắn Tình trạng không phủ sóng chỉ là những dòng tự chất vấn của nhân vật “anh” về chiếc điện thoại của một cô gái “Màu hồng đào. Vết sẹo mờ nơi gò má” bỏ quên ở góc chéo cạnh bàn. Người đọc cứ miên man theo những suy luận của nhân vật và tham dự vào mê lộ của sự tưởng tượng. Cô gái là ai? Tại sao sự xuất hiện của cô gái chỉ mình anh ta biết, còn mọi người thì không biết? Chiếc điện thoại nhấp nháy, có âm thanh nhưng lại là sim trắng, các thư mục của điện thoại đều trống rỗng và biến mất khi anh lục tìm nó. Câu chuyện thực thực hư hư diễn ra ngay trong căn phòng làm việc của anh. Ngày này sang ngày khác, anh ta cứ mê man đi tìm lời giải đáp nhưng càng tìm càng thấy “mọi thứ rối tinh rối mù hơn”. Trong căn phòng độc nhất chỉ mình anh ta, anh ta không thoát ra được câu chuyện về cô gái và chiếc điện thoại. Câu chuyện ấy cứ ám ảnh anh. Vậy chọn không gian này, Phong Điệp muốn nói điều gì? Phải chăng căn phòng ấy là nơi ẩn chứa áp lực của công việc, ẩn chứa sự tức giận, coi trọng lợi nhuận từ các hợp đồng hàng trăm triệu đồng hơn là sự xuất hiện của một ai đó. Hậu quả của hành động ấy là sự ăn năn, hối hận không dứt đối với anh ta. Anh ta làm việc nhưng không thoát ra được sự căng thẳng, sự ảo giác về cô gái và chiếc điện thoại. Không gian căn phòng ở đây như là cái án, cái dây thòng lọng đang chực chờ, đeo đuổi anh, khiến anh không thể làm gì ngoài việc quẩn quanh suy nghĩ về những hành động mà mình gây nên.

Từ độ cao tầng 18 chỉ là chuyện một cánh cửa sổ bị hỏng, chủ nhà đề nghị mấy lần nhưng viên tổ trưởng, người quản lí khu chung cư, không hề có động tĩnh gì với một lí do đơn giản: “Tại sao không ai kêu, có mỗi nhà anh là kêu ca”. Cánh cửa rơi. May mắn là không gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người. Nhưng sự may mắn đó càng làm cho người ta càng chủ quan, lơ là hơn. Thói quan liêu, tắc trách hiển nhiên tồn tại. Phải chăng chỉ khi nào có thiệt hại về người và của thì người ta mới bận tâm. Còn không thì tất cả cứ tiếp tục xuôi chèo mát mái.

Khai thác không gian căn phòng, Phong Điệp còn sử dụng thủ thuật đối lập, so sánh: chị thường di chuyển không gian, từ căn phòng này sang căn phòng khác. Trong tác phẩm Phố núi, không gian lặp đi lặp lại là cái quán nhỏ nhưng được đặt ở hai vị trí khác nhau: ở Nam Định và ở Si. Cùng không gian chật hẹp, nhưng ở đó diễn ra hai sự đối lập hoàn toàn. Nếu cái quán nhỏ ở ngã sáu Năng Tĩnh – cửa hàng gần chợ đem đến cho Sa nhiều niềm vui từ công việc cắt tóc gội đầu, được các bà các cô “cưng”, hay dúi cho Sa một ít quà, đem đến cho Sa tình yêu mãnh liệt, bất chấp sự tức giận, phản đối của bố mẹ, sẵn sàng đi theo tiếng gọi của tình yêu thì không gian nhà trọ (vừa là chỗ ở của Sa vừa là cửa hàng gội đầu) ở Si, niềm vui ngắn ngủi, Dương bỏ Sa, Sa vò võ một mình, đơn chiếc. Nơi gian nhà trọ này, Sa biết uống rượu, biết cam chịu, chấp nhận sống cuộc đời của người đàn bà “lạnh lẽo” và cũng là nơi khiến Sa cứng cáp hơn để từ chối sự trở về của Dương.

Truyện Delete được trình bày thành 7 khúc với hình thức nhật ký. Mỗi khúc định hướng cho người đọc ngắn gọn về danh phận của “cô”, “anh” và cuộc gặp gỡ giữa hai người. Truyện Delete cũng có sự luân chuyển không gian từ không gian nhà ở đến không gian trụ sở và đến không gian ngoại ô. Không gian trụ sở Tòa án được nhắc lướt qua, bởi nơi ấy chỉ là không gian để cô và anh kĩ sư trẻ chấm dứt mọi liên hệ, dù họ đã có chung một đứa con. Tất cả diễn ra một cách nhẹ nhàng, không chút bận tâm. Không gian nhà ở – nơi chứa đựng nhiều kỉ niệm giữa họ liên tục diễn ra nhiều cuộc cãi vã nảy lửa. Căn phòng tái hiện hình ảnh người bố vô trách nhiệm đồng thời cũng tái hiện sự rạn nứt, đỗ vỡ đang ngấm ngầm diễn ra, kiểu “trong héo ngoài tươi”. Thế là, căn nhà mặt phố đón nhận hoàn cảnh mới: ly thân.

ở khúc ba, Phong Điệp khai thác không gian nhà nghỉ ngoại ô. Nơi đây không được tiện nghi, nó ẩm mốc, nhơ nhớp. Và một câu chuyện tình cũng nhơ nhớp như chính không gian ấy. Anh và cô làm tình chóng vánh “theo kiểu đói ăn lâu ngày, lúc đến bữa thì ăn vội, chóng no”. Cô “hẫng hụt”, “bẽ bàng”, chán ngắt trước hành động và những câu chuyện về vợ của anh. Ngỡ anh là “giá trị tinh thần” của cô nhưng không phải. Cuối cùng, họ delete nhau. Các không gian ở truyện này cùng với kiểu ngôn ngữ chat, blog, nhanh, gọn, đều vận động cùng chung một mẫu số: ẩn chứa, bắt đầu, bi kịch và đỗ vỡ gia đình.

Lạc phố cũng sử dụng thủ pháp đối lập, tương phản. Phong Điệp đối lập, di chuyển giữa hai không gian: không gian làng quê, không gian đô thị. Nếu không gian “xứ đồng rừng” hiện lên với những con người đầy chân chất, mộc mạc, thắm thiết tình thì không gian ở phố đối nghịch hoàn toàn. Bạn ở quê tiếp đãi nồng hậu với bạn ở phố bao nhiêu, thì bây giờ ra Hà Nội, bạn ở phố tiếp đón nhạt nhẽo bấy nhiêu. Bạn ở quê phải cuốc bộ lang thang khắp các con phố mà chẳng biết mình đi đâu về đâu. Bạn ở phố lại đối diện với tình huống khó nói, khó giải quyết: “… con vợ tôi nó giãy nảy lên khi bảo có khách xa về chơi mấy ngày. Cái giống đàn bà phố nông cạn và ích kỉ, nói làm sao đây”… Vậy, bạn ở quê lạc phố hay bạn ở phố lạc phố? Bạn ở phố tự dằn vặt, tự xỉ vả hành động giả dối mình nhưng cũng không làm gì được. Sự đối lập giữa hai không gian, giữa hai người bạn không gay gắt mà hết sức nhẹ nhàng, sâu sắc.

Những không gian hẹp hay rộng đều được Phong Điệp khai thác một cách tự nhiên. Qua không gian ấy, chị bàn nhiều đến chuyện thế sự, đến những vấn đề nhưng nhức trong cuộc sống hiện nay. Vì mang tính chất thế sự nhiều, cho nên, hầu hết các không gian mà Phong Điệp khai thác đều thể hiện những bi kịch gia đình, toan tính mưu sinh, toan tính trong tình yêu của con người, ít có không gian của hạnh phúc.

Sự di chuyển các không gian khác nhau mà Phong Điệp sử dụng vừa giúp chị định hình một cách rõ nét bộ mặt của cuộc sống vừa để nhân vật tự mình bơi lội, kiếm tìm bản thể trong hành-trình-đời đầy thử thách và gian nan. ở chốn ấy, con người luôn trăn trở không nguôi về chính bản thân mình: “Tôi là ai? Tôi không biết nữa… Tôi đi học dựa vào đứa bạn ngồi bên cho chép bài. Lớn lên đi làm dựa vào ông chú nhà vợ. Tiền tiêu xài, tôi dựa vào vợ, tiền lương của tôi đủ bao cô bồ nồng nàn nhất quyết không chịu lấy chồng. Tôi là ai? Tôi không biết”.

Người kể chuyện trong tập truyện Nhật ký nhân viên văn phòng khá đa dạng, vừa có dạng người kể chuyện dị sự (Dốc gió, Phố núi, Thị trấn Chân Mây, Lạc phố, Thời gian tối đa…) vừa có dạng người kể chuyện đồng sự (Bạn cũ, Thùng rác, Sau cánh gà, Bức chân dung duy nhất). Chiếm số lượng lớn vẫn là người kể chuyện dị sự. ở dạng này, việc đánh giá, đề cập các vấn đề nổi cộm trong cuộc sống hiện nay được thực hiện một cách khách quan. Người kể chuyện không tham dự vào câu chuyện mà đa phần để cho nhân vật tự bộc lộ, tự thể hiện. Chị ít sử dụng kiểu câu dài, miên man theo dòng ý thức của nhân vật mà thường sử dụng nhiều kiểu câu ngắn, vừa thúc đẩy nhanh các sự kiện, biến cố, vừa tăng thêm tính khốc liệt của hiện thực cuộc sống. Câu văn ngắn, cộc lốc, có vẻ lạnh lùng nhưng tác giả không hề giễu nhại, mỉa mai mà ở đó vẫn là sắc thái của chất giọng đầy tình cảm. Người đọc vẫn nhận ra sự nhẹ nhàng, tinh tế, đầy nữ tính trong cách viết của chị – một tấm lòng cảm thông, thấu hiểu.

Trong cuộc sống xô bồ, con người tồn tại, song hành với nhiều mưu mô, danh vọng như thế, lấy đâu ra những lời ngọt ngào, thân thiện. Vì thế, những kiểu đối thoại mang tính khẩu ngữ được Phong Điệp đưa vào trong các tác phẩm khá nhiều. Nó tô đậm thêm tính cách của từng nhân vật. Trong truyện Nhật ký nhân viên văn phòng, Delete, đối thoại mang tính khẩu ngữ được lồng trong hình thức nhật kí. Hình thức trần thuật theo kiểu viết nhật kí này giúp chị tự do trong việc chuyển tải tư tưởng. Kiểu kết cấu nhật ký dễ dàng phô bày tự nhiên những điều sâu kín, riêng tư cũng như việc đánh giá khách quan các vấn nạn của cuộc sống….

Tập truyện Nhật ký nhân viên văn phòng đa phần trần thuật theo hình thức “đảo thuật”. Do đó, trật tự tuyến tính của thời gian bị đảo lộn. Có truyện kéo dài thời gian, có truyện trần thuật nhanh. Truyện Thị trấn Chân Mây, Thời gian tối đa thiên về kiểu kéo dài thời gian, trong khi thời gian sự kiện lại ngắn. Trong truyện Thời gian tối đa, Phong Điệp ghi lại khoảnh khắc đón con của Phan. Sự việc diễn ra lúc hơn năm giờ chiều. Phong Điệp không sắp xếp sự việc theo tiến triển của thời gian như: 5h20’, 5h25’… mà chị lại đếm ngược thời gian: 20 phút, 15 phút, 10 phút, 5 phút. Cách đếm ngược chuỗi thời gian này giúp chị thể hiện được tình cảm cháy bỏng, hết sức lo lắng cho con của Phan… Thời gian trần thuật được người kể chuyện thuật một cách chậm rãi, chi tiết, vì thế, giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật có độ chênh/lệch rõ rệt, thâu tóm được tâm trạng lo lắng, ngóng trông rất thực tế.

Có thể xem Nhật ký nhân viên văn phòng là nhật ký về thế-trận-đời. ở đó, chị bàn đến nhiều vấn đề mà đôi khi chúng ta hành động như một thói quen bản năng chứ chưa có sự trăn trở, suy ngẫm. Chị lôi tất thảy những chuyện sau cánh gà: chuyện gia đình, chuyện làng xóm, chuyện công ty, chuyện cá nhân,… cho vào một giỏ. Chị phơi bày tất cả ra trên bề mặt của cuộc sống hiện tại. Nó rung lên hồi chuông cảnh tỉnh, báo động sự biến chất của con người đương đại.

Văn nghệ số 28/2012

Nguồn: Vanvn.net