Đầu thế kỷ XX, quá trình hiện đại hóa văn học được đánh dấu bằng việc xuất hiện nhiều thể loại mới, những mô hình mô phỏng phương Tây như tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch.


Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội)

Âm thầm với tư cách một thể loại truyền thống, thể ký cũng có bước tiến mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu. Nổi lên như một thể loại tiên phong, ký tự làm giàu khả năng phản ánh bằng một hệ thống tiểu loại phong phú, bắt kịp tốc độ hiện đại hóa. Trong sự vận động này, nó đã góp cho nền văn học một tiểu loại ký mới mẻ, được du nhập từ văn học phương Tây: đó là thể nhật ký.

“Nhật ký cá nhân thông thường được coi như một thể tài ngoài văn học hay cận văn học, là loại văn ghi chép của cá nhân trong đời sống hàng ngày. Do vậy, nhật ký thường công nhiên trong phát ngôn; bao giờ cũng chỉ ghi lại những gì đã diễn ra, đã nếm trải, đã thử nghiệm” (1). Như thế, nhật ký vốn là nhu cầu cá nhân đối với những sự kiện hàng ngày khi người viết muốn được bộc bạch, tự giãi bày những điều trải nghiệm. Nó chỉ xuất hiện với những cái tôi có nhu cầu thổ lộ lớn, muốn soi vào thế giới nội tâm. Nhu cầu này dễ có sự tương hợp vào thời điểm văn học chuyển mình, thoát khỏi phạm trù phi ngã từ đầu thế kỷ XX. Bước ngoặt diễn ra là lúc con người nhận thấy“đời chúng ta nằm trong vòng cái tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu…”(2). Đọc lại những trang nhật kyd ghi chép hàng ngày của Hoài Thanh, Nguyễn Huy Tưởng, ta dễ nhận ra sự thôi thúc thuần túy cá nhân này. Những đoạn nhật ký này đều không được công bố lúc tác giả sinh thời. Nó chỉ được tập hợp sau này, nhằm mục đích soi rõ chân dung nhà văn.

Tự nhận mình không có khiếu ăn nói, Nguyễn Huy Tưởng dùng nhật ký để “tập nghĩ luôn, và tập viết luôn để ghi chép lấy sự nghĩ của ta, sự nghĩ ấy càng nhớn nó càng dồi dào minh bạch” (3). Vì thế, với hơn ba tập nhật ký, chuyện đời, chuyện nhà, chuyện công việc sáng tác đều được ghi lại trong biên niên hàng ngày của Nguyễn Huy Tưởng. Rất dễ nhận thấy, con người của sự kiện, của đời thường ở đây:“19-11-1933. Chiều hôm qua, tôi đi xem đám cưới. Đám cưới sang quá. Đó là đám cưới đôi lứa An và Khiêm…3-12-1933. Mấy hôm trước, đức Bảo Đại ra, tôi náo nức đi xem” (4). Trong Di cảo Hoài Thanh, nhiều trang nhật ký lưu giữ nhiều ghi chép bản thân và những sự kiện liên quan: “Huế, 23 tháng 1, 1936,  hồi 10.30. Đêm giao thừa…Thật ra chính chúng ta sẽ tạo nên nó và chúng ta sẽ làm cho nó đẹp, em yêu dấu!… 31 tháng 5 năm 1936, hồi 9 giờ kém 10 phút (ngày 11 tháng tư năm Bính Tý) – đó là, hỡi con, giờ mà con ra đời trong một căn phòng rộng khô khan của nhà bảo sanh nhỏ ở Tam Kỳ” (5).

Nhu cầu này dẫn đến việc con người luôn phải đối diện và soi ngắm cái Tôi của mình. Càng đi sâu, họ có dịp quan sát sự trưởng thành trong từng suy nghĩ, lối cảm và tư tưởng nhân sinh. Thực ra, nhu cầu này cũng xuất hiện ở nhiều cây bút đương thời như Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan. Vì chỉ tồn tại như một sở hữu cá nhân nên nhật ký chưa xuất hiện thành dòng riêng so với các tiểu loại ký khác như ký sự, du ký, phóng sự, tùy bút… Tuy nhiên, sự chuẩn bị lặng lẽ này có ý nghĩa quan trọng trong tư duy nghệ thuật các nhà văn, hướng họ tới quan sát và suy ngẫm về chính cuộc đời sôi nổi, đổi thay trước mắt, điều mà nhà báo Phan Khôi từng băn khoăn: “Người ta có nhìn rõ sự sống của mình có giá trị thế nào, có biết quý cái ngày tháng mình sống ở đời, tóm lại là cái nhân sinh quan vững chắc sáng suốt thì mới lấy làm trịnh trọng mà chép lại mình đã trải qua hoặc nghe lấy suy nghĩ mà để lại về sau. Nhật ký phổ thông sản xuất ra vì lẽ đó. Người Việt Nam ta chưa có ai chép nhật ký phổ thông hết, hoặc giả là chúng ta chưa có nhân sinh quan đến bậc ấy chăng ?”(6).

Với nhiều lí do về truyền thống, thói quen văn học, nhật ký khó có thể trở thành mối quan tâm trong sáng tác nhiều nhà văn đầu thời kỳ hiện đại hóa. Đặc biệt, nhằm phơi trải “cái tôi chân thật” mà lại làm cho người đọc thú vị vị về cái Tôi hay học hỏi được ít nhiều, quả thực là việc khó khăn. Bằng một sự cần mẫn đáng khâm phục, với những ghi chép sự kiện theo ngày tháng, Nguyễn Huy Tưởng là người đầu tiên có ý thức bộc lộ thành thực cái Tôi đó. Là một nhà văn, ông đã biến việc giãi bày không chỉ là kể lể mà thực sự là công cuộc đào sâu vào bản thể, truy vấn tâm hồn mình một cách mãnh liệt.

Vơi tư cách một thể văn còn rất mới mẻ, nhật ký Nguyễn Huy Tưởng thể hiện một cái Tôi tự khám phá bản thân mình hàng ngày. Những vui, buồn, lo âu, trăn trở đều được ghi lại rất tự nhiên. Điều quan trọng, tác giả được đối diện với nhân cách tư tưởng thật của mình: “Tôi quá ư là một kẻ chóng chán, chỉ hừng hực một độ rồi lại bỏ bẵng cả công việc ngay… Thi sĩ ơi! Ngươi có bớt mộng mơ… hỡi thi sĩ lai tỉnh”(7).Nhưng sâu sắc và thành thực hơn, luôn có một cái Tôi phản bác, tranh biện với chính mình: “Ngươi giận dữ mà làm gì ? Ngươi xin lỗi nó đi cho xong chuyện ? Kiêu ngạo mà làm gì ?”(8). Nhiều cuộc đấu tranh nội tâm quyết liệt khiến cả cái Tôi thể xác cũng biến đổi và giày vò: “Sáng hôm  nay, tôi qua một cơn khủng hoảng. Bảo ở với tôi, cất cravat của hắn vào tủ, không dùng dao cạo của tôi, không đi guốc của tôi, tức như hắn nói vào mặt tôi một cách lặng lẽ: “Của mày mày dùng, của tao, tao dùng. Tao không nhờ vả gì mày cả”. Cái cử chỉ ấy khích động lòng tự ái của tôi” (9). Sự chân thành của những dòng chữ này không chỉ soi sáng cái Tôi nhạy cảm của tác giả mà chính người đọc cũng thức tỉnh. Hóa ra, đằng sau sự bực dọc gần như vô cớ ấy, hiển hiện một nhân cách, một cái Tôi sẵn sàng vì người khác.

Không chỉ khám phá con người cá nhân, nhật ký Nguyễn Huy Tưởng còn khắc họa một cái Tôi nghệ sĩ, giàu đam mê sáng tác. Nhiều vở kịch được tác giả ghi lại những ý tưởng của từng trang bản thảo (Vở Đống Đa). Tất cả đều được kết cấu như một cuộc dò tìm giá trị nghệ thuật chân chính, có mò mẫm, thất bại nhưng thú vị. Ngôn ngữ, văn phong càng về sau càng thể hiện tinh tế hơn con người tác giả. Những biến động hàng ngày trở thành cuộc thử lửa nhỏ trong tâm hồn nhà văn nhờ chất liệu  “ngôn từ” giàu cảm xúc, ý nhị:

-Con chim sẻ kia ơi! Sao nhà ngươi sướng làm vậy, sao nhà ngươi được tự  do làm vậy: nhà ngươi bay nhảy, nhà ngươi kêu hót chẳng ai cấm đoán nhà ngươi; còn như ta thì nói chẳng được, nói chẳng được làm: khổ thay cho ta.

-Ông ghen cái đời tôi ư? Ai ngờ cái đời tôi mà cũng có người ghen ư ?Ôi tôi đang bay nhảy bây giờ, mà chẳng mấy chốc không biết chừng nào tôi sẽ bị hòn đạn vô tình! Ông muốn tự do, ông hãy bảo loài người các ông biết kính cái tự do của chúng tôi đã (10).

Nghệ thuật khắc họa những đấu tranh nội tâm của nhật ký ở đây mang tính đối thoại rất rõ. Dằn vặt về tự do, về những trói buộc cá nhân trong một thời đại mới, hẳn cũng là tâm trạng của nhiều thanh niên bấy giờ. Nguyễn Huy Tưởng với những trang độc thoại như thế đã đem nhật ký đến biên giới của nghệ thuật viết văn như Thạch Lam từng viết: ““về vấn đề gì thì viết, nhà văn cốt nhất phải đào sâu vào tâm hồn mình, tìm những tính tình và cảm giác thành thực: tìm thấy tâm hồn của mọi người thông qua tâm hồn của mình, đi đến chỗ bất tử mà không ai biết” (11).

2. Thâm nhập sang các thể loại văn học khác

a.  Xâm lấn vào hồi ký, tự truyện

Tuy không định hình thành thể loại riêng nhưng dễ thấy sự có mặt của nhật ký trong các thể loại văn học khác. Nhật ký có sự tương tác với các tiểu loại ký tương cận như hồi ký và góp thêm tư liệu cho lối kể của tự truyện. Với tính biên niên trực tiếp những điều mình nếm trải, nhật ký thuận lợi khi ăn nhập vào các tiểu loại trên. Cả hồi ký, tự truyện đều là thể tài dành cho cái Tôi, viết về quãng thời gian quá khứ khi con người cá nhân có sự trưởng thành muốn suy ngẫm, chiêm nghiệm.

Hồi ký là một lãnh địa hiếm hoi của các nhà văn đương thời vì nói về mình, phơi ra cái Tôi của mình luôn là một thử thách. Nguyên Hồng, bằng sự nhạy cảm thành thực đã vận dụng nhật ký để làm sáng tỏ hơn nhiều vùng ký ức trong hồi ký Những ngày thơ ấu. Trước hết, vị trí của nhật ký trong toàn mạch kết cấu cuốn tự truyện này có ý nghĩa đặc biệt. Sau khi bố mất, mẹ bỏ đi tha hương, phải ở nhờ nhà cô, cậu bé Hồng cô độc nằm trên chiếc con cạnh bếp, trong màn sương đông giá buốt. Trong những suy nghĩ, những giấc mơ hỗn độn, có cả khoảng riêng nhân vật dành để xem lại nhiều dòng nhật ký biên vội sau tờ lịch cũ. Nhật ký là khoảng dừng cho nhân vật chiêm nghiệm quãng đường đời đã qua, ký ức được sống dậy lần hai trực tiếp hơn, đau đớn hơn: “Phải nhớ cái tát và câu rủa xả này cho đến chết. “Hồng ơi! Bố mày có chết đi, nhưng còn có mẹ mày nó dạy mày. Cầm bằng mẹ mày đánh đĩ theo giai, bỏ mày lêu lổng thì đã có chúng tao”(12).

Nhật ký là suy tư cá nhân trước hiện thực hàng ngày. Khi vào hồi ký, tự truyện, nhật ký đem đến tiếng nói nội tâm trực tiếp nhất đối với sự kiện. Nhà văn được phép bỏ qua khâu tái hiện khoảng không gian, bối cảnh để trực tiếp phô bày thế giới nội tâm của mình. Đây là cậu bé Hồng vài năm trước khi sa ngã: “Giá ai cho tôi một xu nhỉ ? Chỉ một xu thôi! Để tôi mua xôi hay bánh khúc. Giời rét thế này đi học một mình, vừa đi vừa cắn ngon biết bao ?

Không! Không ai cho tôi cả. Vì người ta có phải là mẹ tôi đâu (13). Như thế, chỉ chiếm khoảng hai trang hồi ký, nhưng hiệu ứng của nhật ký rất mạnh. Kết cấu nới rộng, nhân vật đẩy sâu vào phát triển tâm trạng. Dường như có một dòng chảy đau buồn, tủi hờn như thấm sâu vào từng vi mạch sự kiện, lý giải đời sống bằng quy luật riêng của tâm hồn.

Với tự truyện, do có nhiều tương đồng thể loại nên nhật ký xâm nhập dễ dàng hơn. Có nhiều tranh luận duy danh thể loại tác phẩm Cai của Vũ Bằng. Nhưng so sánh với hồi ký Những ngày thơ ấu, tính tự thuật của Cai rõ rệt hơn.

Cũng lấy khoảng thời gian quá khứ làm hành trình phát triển cái Tôi nhưng lựa chọn phương thức của hai tác giả khác nhau. Ở Nguyên Hồng, mục đích tại hiện cả khoảng “thơ ấu” được ưu tiên hơn, cái Tôi chỉ là tiêu điểm. Còn ở tác phẩm của Vũ Bằng, cái Tôi hiển lộ, xuyên suốt, chủ đạo trong tổ chức sự kiện. Tác giả chủ định tách hẳn chương XXIII đặt tên là “Nhật ký” viết về một tháng hai ngày cai nghiện ở nhà thương. Cũng biên niên theo ngày nhưng những đoạn nhật ký này không nặng sự kiện mà nhấn mạnh những biến chuyển của tâm hồn. Đặt trong mạch tự truyện Cai, có thể xem chúng là những thước phim thức tỉnh nhân vật. Từng hình ảnh người tàn phế, đau đớn, bản thân hằng đêm đấu tranh với cơn nghiện giày vò đều được nếm trải trong mồ hôi, nước mắt “thịt nhão ra.

Xương lỏng ra. Mắt trong ra. Những cơn sốt liên tiếp hành hạ tôi dữ quá. Ruột buốt như cá rỉa” (14). Vẫn cảm giác ấy trong lần cai trước, khi còn ở ngoài, với nhân vật Tôi không ý nghĩa nhiều lắm. Giờ đặt vào thời khắc của sinh tử, dấu ấn thời gian từng ngày hiển hiện rất rõ ý thức về sự sống, về quyền được sống khỏe. Nhiều trang nhật ký chân thực, xúc động vì những đổi thay rất “người”: Tôi bắt đầu biết sống thực. ít ra tôi cũng đã có lý tưởng nhỏ nhoi trong đầu là muốn sống được trên đời, cần phải khỏe. Khỏe thì không yếu đuối. Tôi bám chặt vào ý nghĩa đó và tôi nuôi một sự mong muốn là mỗi ngày cần được khỏe hơn. Bởi thế, những cơn vật vã của thuốc phiện mấy đêm, tuy vẫn còn dữ lắm, mà tôi nghiến răng lại coi thường tất cả (15).

Như thế, nhật ký ở đây giúp kết cấu tự truyện chặt chẽ và thuyết phục. Nó góp phần phơi bày quá trình đấu tranh nội tâm cụ thể, sinh động, tạo bước ngoặt cho cuộc đời nhân vật. Với một thể văn coi trọng tính tự thuật, riêng tư, việc tác giả lồng ghép nhật ký tỏ ra khá hiệu quả. Độc giả không còn là người  quan sát mà trực tiếp được nếm trải cảm xúc, suy nghĩ thực của nhân vật tự truyện. Rõ ràng, xâm lấn vào hồi ký và tự truyện, nhật ký góp phần biến đổi mạnh mẽ quá trình cái Tôi bộc lộ. Nó xóa nhòa ranh giới ký ức, quá khứ bằng những ghi chép trực tiếp, cảm xúc chân thực. Từ đó, nó trở thành điểm nối kết quan trọng trong việc hình thành tư tưởng, tính cách của nhân vật.

b.  Hóa thân vào tiểu thuyết

Điều bất ngờ, ngay cuốn tiểu thuyết đầu tiên của văn xuôi quốc ngữ Tố Tâm Tâm của Hoàng Ngọc Phách ra đời năm 1925, nhật ký đã xâm nhập như một phương thức phi hư cấu. Tiểu thuyết kể về cuộc tình éo le, ngang trái của Tố Tâm và Đạm Thủy. Bên cạnh nhiều chi tiết, sự kiện hư cấu về sự lỡ dở của đôi trai gái, cách tiếp cận một vấn đề nhân sinh đời thường của tác giả đã cho thấy đóng góp không nhỏ của nhật ký vào việc xây dựng cuốn tiểu thuyết. Chủ định kể một chuyện, tác giả đã lồng vào đó những trang nhật ký lưu dấu ấn rất rõ của cái “đương diễn ra”.

Trước hết, vài trang nhật ký Tố Tâm viết cho Đạm Thủy trước khi mất đã làm thay đổi quan điểm trần thuật truyền thống. Nhận những di bút còn lại của người yêu, Đạm Thủy đã diễn ra nhiều vận động nội tâm mãnh liệt. Mạch tự sự lúc này quay trở lại ngày Tố Tâm còn sống, gợi lại bao kỷ niệm buồn. Nhật ký đã tạo điểm dừng sự kiện trong cốt truyện để phát triển mạch tâm lý cho nhân vật. Đảo lộn thời gian tạo điểm xoáy hồi tưởng là một đóng góp mới của Hoàng Ngọc Phách trên nền tự sự vốn quen nhịp tuần tự. Cũng chính vì bệ đỡ tâm lý này (những trang nhật ký), ngay sau khi đọc xong, Đạm Thủy còn rơi vào trạng thái tinh thần giày vò, đau đớn, tuyệt vọng hơn. Bởi lẽ, Đạm Thủy thấy được tiếng nói chân tình, tấm lòng trực tiếp của người con gái mình từng nghi ngờ, hiểu nhầm:
“Chiều hôm nay em tiếp được thư anh, thật là bức thư xé ruột, em đọc đi đọc lại nát cả thư. Anh ơi tính anh đằm thắm làm gì, văn chương anh réo rắt làm gì để xóa tâm can anh đến vậy ?”(16).Quan trọng hơn, những dòng tâm tình này hóa giải những hiểu lầm của chàng dành cho Tố Tâm. Dù lấy chồng nhưng trong sâu thẳm, nàng vẫn nhớ và mong được gặp Đạm Thủy trước khi mất: “..em tưởng tượng ra như chết rồi vẫn còn vơ vẩn trên không. Em coi chết là thường lắm, em không sợ chút nào, em điềm nhiên mà chịu được chết, dửng dưng nhắm hai con mắt lại, ôm lấy cái khổ não bên mình. Em không cần than khóc lấy nửa tiếng, và em muốn tưởng tượng ra là chết vẫn không tan để còn có hy vọng một ngày kia được gặp lại anh, và để cho cái chết có chút ý vị”(17). Không còn cách kể tuần tự theo sự kiện, thời gian mà nổi rõ tâm lý nhân vật. Nhật ký đã khắc phục tính quá khứ bằng việc đồng hiện sự kiện như nó đang diễn ra. Do đó, kết cấu truyện được nới rộng, đẩy sâu theo chiều kích của tâm tư, không bị giới hạn bởi không gian –thời gian vật chất, hữu hạn.

Ý nghĩa về một hiện tại đương diễn ra, những dang dở của đời thường rất tự nhiên sau này đã trở thành đặc trưng của chất tiểu thuyết.

Kết luận

Từ việc xuất hiện tản mạn, ghi chép rời rạc đến hình thành một thể văn mới, đan xen vào các thể văn xuôi tự sự khác, nhật ký trở thành một phân nhánh năng động của thể ký. Tiếp tục khơi gợi từ chính cuộc sống, sự kiện đương diễn ra, nhật ký góp vào một cái Tôi không ngừng khám phá, đổi mới. Một cái Tôi khi thì đấu tranh, phản biện với chính mình, khi lại đối thoại với chính thế sự, thời cuộc. Ở góc nhìn chủ quan nhất, nhật ký là cuộc tôi luyện cần thiết cho những cây bút buổi đầu muốn hướng tới ghi chép trung thực và thành thực nhất. Bởi chỉ có trung thực với chính mình, với suy nghĩ và xúc cảm đời thường, người ta mới dám đặt ra trách nhiệm với những điều được kể lại.

Sự hình thành và phát triển của nhật ký là một hiện tượng văn học rất đáng chú ý bởi dấu ấn trực tiếp của nó trong nhiều thể văn khác. Nó cũng là sự tiến triển tất yếu của nền văn học trong xu hướng hiện đại hóa, hướng tới tiếng nói cá nhân, đến đời sống thực. Nghiên cứu sự tương tác, vận động của nhật ký với các thể loại tự sự quốc ngữ buổi đầu (thể ký, tiểu thuyết) có thể thấy rõ hơn bước đi của từng thể loại. Sự chồng lấn, giao thoa của nhật ký sang nhiều thể tài khác đã góp phần tăng cường chất liệu thực tại, thể hiện cảm xúc với sự kiện thường ngày và cũng nhờ thế, giúp định hình tư duy ký và tiểu thuyết. Đồng thời, nó trở thành một mắt xích trong tiến trình hiện đại hóa văn học khi minh chứng cho quy luật văn học tất yếu của thời đại:“ngôn ngữ sinh hoạt gia đình, đời sống riêng tư, ngôn ngữ của các tầng lớp, nhóm phái xã hội luôn tồn tại, nhưng vào những giai đoạn nhất định nó tìm được cho mình những chức năng văn học” (17).
———————————————————

Chú thích
(1)    Lại Nguyên Ân biên soạn (2003), 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 253-254.    
(2)    Hoài Thanh, Hoài Chân (2008), Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học.
(3)    Nguyễn Huy Tưởng (2006), Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, NXB Thanh niên, tr 74.
(4)    ,  như (3), tr 117 – 118.
(5)    Hoài Thanh (1993), Di bút và di cảo, NXB Văn học, Hà Nội, tr 69.
(6)    Phan Khôi, Về lối văn nhật ký, Phụ nữ tân văn , số 150 ra ngày 23/6/1932.
(7),(8), (9), (10) Như (3)
(11) Thạch Lam, Theo giòng, NXB Đời nay, 1941.
(12). Nguyên Hồng (2010), Những ngày thơ ấu, Bỉ vỏ, NXB Văn học, tr 221.
(13). Như (12), tr 222.
(14,15). Nhiều tác giả (2007), Văn học Việt Nam thế kỷ XX (Tạp văn và các thể ký Việt Nam 1900-1945), NXB Văn học, tr 914, tr 927.
(16, (17)).Nguyễn Huệ Chi (1996), Hoàng Ngọc Phách, Đường đời và đường văn, NXB Văn học, tr 268.
(18).Lộc Phương Thủy (chủ biên) (2007), Lý luận – phê bình văn học thế giới thế kỷ XX (tập 1), NXB Giáo dục, tr 120.

 

Nguyễn Thị Thúy Hồng

Nguồn: Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam