Sau chấn song sắt của nhà tù Tưởng Giới Thạch, bầu trời tự do bất chợt hiện lên rộng rãi trong đêm lạnh lẽo xứ người. Bài thơ thứ 118 của Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) đã được Hồ Chí Minh viết ra trong nỗi thao thức của một đêm không ngủ.
Phiên âm:
Bất miên dạ
Mang mang trường dạ bất năng miên,
Ngã tố tù thi bách kỷ thiên;
Tố liễu nhất thiên thường các bút,
Tòng lung môn vọng tự do thiên.
Dịch nghĩa:
Đêm không ngủ
Đêm dài mênh mang không ngủ được,
Ta làm thơ tù đã hơn trăm bài;
Làm xong mỗi bài thường gác bút,
Trông qua cửa tù, ngóng trời tự do.
Dịch thơ:
Năm canh thao thức không nằm,
Thơ tù ta viết hơn trăm bài rồi;
Xong bài, gác bút nghỉ ngơi
Nhòm qua cửa ngục, ngóng trời tự do
(Nam Trân dịch)
Bầu trời tự do ấy, trước hết đó là ước mong của một tù nhân yêu Nước cũng là khát khao mãnh liệt của dân tộc mình, đồng bào mình. Vì muốn đem lại độc lập tự do hạnh phúc cho Đất nước và Nhân dân mà những người như Hồ Chí Minh đã không quản gian khổ hy sinh trên con đường cách mạng. Điều ấy đã được minh chứng hùng hồn qua cả cuộc đời vì nước vì dân của Người. Bài thơ có ý nghĩa rộng lớn hơn rất nhiều lần nếu không muốn nói nó nằm ngoài câu chuyện không ngủ được trong một đêm tù. Không gian thơ cũng vậy, nó vượt qua những bức tường và chấn song sắt đen đúa của nhà tù để mở ra bao la với hình tượng bầu trời tự do. Từ ô cửa ngục, vút bay lên một ánh nhìn bát ngát, chạm tới bao la thiên hà. Tự do chưa thành hiện thực, cho mình và dân tộc mình nhưng đã là vầng sáng vẫy gọi tha thiết những số kiếp lầm than, bị áp bức vươn tới. Cũng muốn nói thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên nhà cách mạng- nhà thơ Hồ Chí Minh Tòng lung môn vọng tự do thiên. Hướng tới nền tự do cho Tổ quốc và Nhân dân, đương nhiên có cả tự do của mình là điều khắc sâu trong tâm trí Người. Trong lao tù, khát vọng tự do càng bùng lên mãnh liệt và tinh thần ấy tràn đầy trong nhiều bài thơ của Hồ Chí Minh.
Trước đây, cũng trong nhà tù, Bác đã trải qua cảnh:Một canh …hai canh…lại ba canh / Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành / Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt / Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh. Nguyên do làm cho Người thao thức đâu chỉ là chuyện riêng tư mà chủ yếu là lo về việc Nước, việc Dân. Biểu tượng của một Việt Nam mới: Sao vàng năm cánh hiện lên trong giấc mộng của Bác. Tổ quốc, Nhân dân luôn ở trong trái tim Người. Sau này, ở chiến khu Việt Bắc vào những năm kháng chiến chống thực dân Pháp quyết liệt, Bác cũng đã có những đêm không ngủ được như Người đã viết trong bài thơ “Cảnh khuya”: Tiếng suối trong như tiếng hát xa / Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa / Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ / Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà. Tấm lòng sâu nặng với Nước với Dân cứ trở đi trở lại nhiều lần trong thơ Hồ Chí Minh như thế. Hoàn cảnh khác nhau nhưng tình cảm yêu Nước thương Dân của Bác thì bao giờ cũng vậy, đầy đặn, sâu lắng. Đó là tình cảm trong sáng của một con người vĩ đại như nhà thơ Tố Hữu đã cảm nhận sau này: Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau / Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu / Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ / Cho hôm nay và cho mai sau…(Bác ơi!)
Đọc lại Nhật ký trong tù, tôi thấy tinh thần tự do xuyên suốt trong tập thơ của Bác. Tinh thần tự do cao cả thể hiện trong thái độ, khí phách, cách ứng xử, lối sống…của Người. Gông cùm, song sắt không trói buộc, khóa cột lại được tự do. Đây là một tuyên ngôn về tự do được viết bằng thơ của Hồ Chí Minh: Thân thể ở trong lao / Tinh thần ở ngoài lao / Muốn nên sự nghiệp lớn /Tinh thần cần phải cao.
Tinh thần tự do vừa là khát vọng, vừa là nội lực trong con người Hồ Chí Minh. Đó là khí phách, tâm hồn của một người luôn làm chủ được mình trong mọi tình thế. Rất nhiều bài thơ ở Nhật ký trong tù nói lên được điều này một cách nghệ thuật. Hồ Chí Minh quên mình để được hòa đồng vào những cái rộng lớn hơn như thiên nhiên, Đất nước và Nhân dân. Nhân dân nên hiểu ở nghĩa rộng lớn hơn là đồng bào mình và tất cả những người lao động bị áp bức, đói khổ, đày ải trên thế gian này. Qua thơ, Hồ Chí Minh có những cảm thông, chia sẻ rất nhân ái với những người cùng khổ, những số phận hẩm hiu. Đấy là những tiếng kêu xót xa, thương cảm của một trái tim nhân hậu với những kiếp lầm than trong cõi người khốn khó, đầy rẫy bất công, áp bức. Với người làm đường, Bác viết: Dải nắng dầm mưa chẳng nghỉ ngơi / Phu đường vất vả lắm ai ơi / Ngựa xe hành khách thường qua lại / Biết cảm ơn anh có mấy người . Thiết nghĩ, chẳng còn gì gần hơn thế, thật hơn thế sự đồng cảm của con người với nhau. Hồ Chí Minh nghe được trong tiếng khóc của em bé theo mẹ vào tù bởi bố trốn lính những nỗi oan khuất tức tưởi của nhân gian: Oa…oa…oa…/ Cha trốn không đi lính nước nhà / Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi / Phải theo mẹ đến ở nhà pha. Những câu thơ xé lòng như thế dẫu viết ra từ các năm 42-43 của thế kỷ trước vẫn làm cho ta vô cùng xúc động. Sự tàn bạo ngự trị khắp mọi nơi, nỗi thống khổ oan khuất của dân lành đâu đâu cũng có, thi ca không thể vô tâm thảnh thơi ngâm vịnh thù tạc được. Với Bác, thơ là cuộc sống, là tấm lòng, là sự nâng dìu, an ủi những con người đau khổ. Bài thơ Bạn tù thổi sáo là một trong những thi phẩm hay của Hồ Chí Minh: Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu / Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu / Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi / Lên lầu ai đó ngóng trông nhau. Tiếng sáo vi vu mang giai điệu quê hương thân quen tha thiết ở trong cảnh tù tội, chia cách cũng phải chuyển điệu sầu thê lương. Ở nơi xa, người vợ hình như đã nghe được điệu sầu ấy, buồn bã bước lên thêm một bậc cao nữa để ngóng trông về người chồng yêu dấu của mình. Quả là một thi ảnh đầy ám ảnh, ấn tượng. Đọc câu thơ này, bỗng dưng tôi bồi hồi nhớ tới dáng những hòn Vọng phu ở Việt Nam, một Đất nước trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt và nhiều lắm những cách xa, ngóng trông, chờ đợi.
Hồ Chí Minh, thật đúng như Feli Pita Rodriguez, nhà thơ Cu Ba ca ngợi: Bởi vì Người đã đói mọi cơn đói ngày xưa / Vì Người đã chết hai triệu lần năm đói bốn năm khủng khiếp / Bởi vì Người đã mặc lên mọi tấm áo xác xơ / Đã đi chân đất với mỗi đôi chân trần của người dân đất nước/ Bởi vì Người đã chứa chất nỗi tủi nhục của mọi người cùng cực / Bởi vì Người đã từng chịu đau nỗi roi vọt đánh vào dân tộc…Tôi nghĩ rằng, khi ở trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, Hồ Chí Minh khôn nguôi nhớ tới Đất nước, Nhân dân mình. Nhân vật củ thể của những bài thơ trong Ngục trung nhật ký của Bác chủ yếu là người Trung Hoa (cô em xóm núi xay ngô tối, bạn tù thổi sáo, phu làm đường, em bé theo mẹ đến nhà pha…) nhưng trong đó có hình bóng của những người dân Việt Nam nô lệ lầm than đau khổ. Đó là hình ảnh những nông dân, công nhân, binh sĩ, phụ nữ, trẻ em Việt Nam được Hồ Chí Minh đưa vào thơ trước đó và sau này. Những con người bị áp bức bóc lột cần được giải phóng, phải được giải phóng. Họ cần tự do như cần cơm ăn nước uống; họ vì tự do của dân tộc và của mình mà đã thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, họ đã thề rằng hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi như những lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.
Khí thơ trong Nhật ký trong tù thấm sâu tinh thần tự do cao cả. Tự do chắp cánh cho thơ Hồ Chí Minh vượt thoát ra khỏi tù ngục, dây trói, xiềng xích. Ung dung, tự tại chính đó là biểu hiện của tự do. Tự do, làm cho Người bay đến với thiên nhiên, hòa vào nước non, trăng sao, cây cỏ muôn trùng.Tình yêu thiên nhiên trong thơ Bác chính là thông điệp của tự do. Trong một lần chuyển nhà tù, đêm hôm khuya khoắt, cất bước trên đường xa, gió thu từng cơn, từng cơn lạnh lẽo thổi như táp vào mặt, Hồ Chí Minh vẫn trải lòng mình với tiếng gà gáy canh một Nhất thứ kê đề dạ vị lan, vẫn ngước mắt nhìn chòm sao nâng vầng trăng lên đỉnh núi mùa thu Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san và dự cảm được bình minh (cả nghĩa đen: ban sớm lẫn nghĩa bóng: sự thành công của cách mạng) đang đến rất gần: Phương đông màu trắng chuyển sang hồng / Bóng tối đêm tàn, sớm sạch không; / Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,/ Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng. Sự rung động ấy, không nghi ngờ gì nữa, chính là sự rung động đầy nhạy cảm của thi nhân. Lẽ ra, khi bị xiềng xích trói buộc, bị giải đi hết nhà tù này đến nhà tù khác, người ta không nghĩ ngợi được gì hơn ngoài thân phận tù đày của mình. Con người bị đày ải khó thấy nỗi cơ cực nào lớn hơn nỗi cơ cực của mình đang mang vác và đâu dễ để tâm hồn dành cho thiên nhiên những cung bậc thân thiện yêu thương. Hồ Chí Minh lại khác, Người tìm thấy trong thiên nhiên tiếng hát tự do bát ngát của mình; sông núi trăng sao hoa cỏ là bạn bầu tri âm và thật diệu kỳ những trói buộc, phiến toái đã bị vô hiệu hết. Bởi thế, sợi dây gai trói tù nhân thành Rồng uốn quanh chân với tay / Trông như quan võ cuốn tua vai và ghẻ lở mọc đầy thân thì trông như hoa gấm...
Tôi muốn dừng lại lâu hơn một chút ở bài thơ Vọng nguyệt (Ngắm trăng) trong tập “Nhật ký trong tù”: Ngục trung vô tửu diệc vô hoa / Đối thử lương tiêu nại nhược hà?/ Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,/ Nguyệt tòng song khích khán thi gia. Bài thơ mang vẻ đẹp trong sáng tinh khiết vô cùng. Trong tù không rượu cũng không hoa, đấy là hoàn cảnh thực. Mà xưa nay, thì rượu và hoa vẫn là những thứ tạo men, gây hứng cho thi nhân làm thơ vào những đêm trăng đẹp. Bởi thế, nhà thơ Hồ Chí Minh mới đặt một câu hỏi: Trước cảnh đẹp đêm nay biết làm thế nào? Cứ tưởng rằng, cứ ngỡ rằng chẳng có gì cả. Người trong lao tù tối tăm, trăng trên bầu trời vằng vặc cứ thế vời vợi xa nhau. Không! Tiếng hát tự do đã vút bay lên, thế mới có cảnh tượng rất đẹp này: Người hướng ra trước song ngắm trăng sáng và Từ ngoài khe cửa, trăng ngắm nhà thơ. Người với trăng-trăng với người bất chấp hoàn cảnh đã tìm về nhau, xích lại gần nhau trong mối đồng cảm tri âm không tả hết. Người hướng về trăng, trăng ngắm người – một nhà thơ, đó là mối quan hệ bầu bạn đầy thấu hiểu, thông tỏ. Không còn một rào cản, ngăn cách nào nữa giữa hai đối tượng. Tâm hồn nhà thơ đã được giải phóng hoàn toàn, tự do tỏa ánh sáng dịu dàng cả trong và ngoài lao ngục.
Đọc Hồ Chí Minh càng rõ thêm điều này, tinh thần tự do không bao giờ mất đi. Đó là cái cao quý nhất của một con người và của một dân tộc. Yêu tự do, chiến đấu cho tự do là lẽ sống của những con người chân chính. Và, suốt cuộc đời mình, từ thời thiếu niên, thanh niên cho đến lúc trở thành lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Bác sống như trời đất của ta / Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa / Tự do cho mỗi đời nô lệ / Sữa để em thơ lụa tặng già như nhà thơ Tố Hữu đã ngợi ca.
Bài 132 trong Ngục trung nhật ký mang tên Khán “Thiên gia thi” hữu cảm (Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”) là một quan niệm về nghệ thuật của Hồ Chí Minh: Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ, / Sơn thủy yên hoa tuyết nguyệt phong; / Hiện đại thi trung ưng hữu thiết, / Thi gia dã yếu hội xung phong. Đây là một quan niệm về thơ đáng để cho chúng ta suy ngẫm dù Người viết đã từ lâu và đời sống thơ ca bây giờ khác lạ và phức tạp hơn rất nhiều. Thơ xưa nghiêng về yêu cảnh thiên nhiên,/ Núi, sông, khói, hoa, tuyết, trăng, gió;/ Trong thơ thời nay nên có thép,/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong. Muốn thơ có chất thép, muốn nhà thơ trở thành chiến sĩ không có nghĩa Hồ Chí Minh muốn triệt tiêu thơ thiên ái thiên nhiên mỹ. Sau này, trong những thi phẩm như Cảnh khuya hay Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) Hồ Chí Minh đã có những vần thơ tả cảnh rất giỏi như Tiếng suối trong như tiếng hát xa / Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa hay Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên / Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên / Yên ba thâm xứ đàm quân sự / Dạ bán qui lai nguyệt mãn thuyền ( Rằm xuân lồng lộng trăng soi / Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân / Giữa dòng bàn bạc việc quân / Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền – Xuân Thủy dịch). Muôn năm, thơ cần hướng tới Cái Đẹp và cả Cái Cao cả. Với Hồ Chí Minh, thơ còn cần phải gắn với Đất nước, với Dân tộc, với Nhân dân và Nhân loại trên con đường đấu tranh cho tự do độc lập và hạnh phúc của con người. Thơ đề cao cực đoan cái Tôi, đứng ngoài đời sống Đất nước, Nhân dân khó có chỗ đứng vững chải lâu bền trong công chúng.
Ý chí là điều kiện quan trọng để con người hướng tới và phấn đấu cho tự do. Trong Ngục trung nhật ký, Hồ Chí Minh đề cập nhiều tới vấn đề này. Không có cái gì, điều gì tự nhiên đến cả khi con người không đổ mồ hôi, sôi nước mắt vì nó. Với tự do, thì nó còn phải đổi bằng máu, rất nhiều máu của dân tộc. Người thường hay nhấn mạnh đến sự rèn luyện của con người như ở các bài thơ Tự miễn (Tự khuyên mình) bài 37; Văn thung mễ thanh (Nghe tiếng giã gạo) bài 72; Tứ cá nguyệt liễu (Bốn tháng rồi) bài 103…Trong bài Văn thung mễ thanh (Nghe tiếng giã gạo), Bác viết: Mễ bị thung thì, hẩn thống khổ,/ Ký thung chi hậu, bạch như miên; / Nhân sinh tại thế dã giá dạng,/ Khốn nạn thị nhĩ ngọc thành thiên. Đó là một bài học cụ thể và sâu sắc về nhân sinh quan từ thơ Hồ Chí Minh: Gạo lúc đang giã, rất đau đớn,/ Lúc giã xong rồi, trắng tựa bông; / Người sống trên đời cũng như vậy,/ Gian nan là dịp rèn giũa mình thành ngọc.
Bảy mươi năm rồi kể từ khi Hồ Chí Minh viết Ngục trung nhật ký trong lao tù của Tưởng Giới Thạch (từ ngày 29 tháng 8 năm 1942 đến 10 tháng 9 năm 1943). Hơn 130 bài thơ viết bằng chữ Hán của Người trong cuốn sổ nhỏ màu xanh bìa có vẻ đôi tay bị xiềng đã trở thành tác phẩm văn học nổi tiếng và hiện vật lịch sử quý giá của Đất nước Việt Nam. Không ai, không gì có thể phủ nhận được giá trị tư tưởng và nghệ thuật của Nhật ký trong tù. Tác phẩm ấy cùng nhiều bài thơ khác của Người đã minh chứng Hồ Chí Minh là nhà thơ lớn của dân tộc. Tôi vẫn tin rằng, không những bây giờ mà rất lâu sau, những bài thơ trong Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh vẫn bay trên đôi cánh tự do.
Mùa thu năm 2013
Nguồn: vannghequandoi.com.vn