1.
Có một dạo, Y rất năng đi lễ nhà thờ, mặc dù như lời hắn nói thì hắn và gia đình không hề theo đạo. Mỗi sáng chủ nhật, Y dậy sớm, ăn mặc chải chuốt và đạp xe lên nhà thờ Phủ Cam. Nhìn Y không có vẻ gì bỡn cợt hay báng bổ như thói quen của hắn. Tôi thắc mắc lắm, đôi lần hỏi dọ, tôi đoán là hắn quen em gái nào đó theo đạo, nhưng Y lắc đầu rất nghiêm túc.

– Không hề.

– Vậy thì tại sao?

– Có nói mày cũng không hiểu đâu. Mày cứ yên tâm lo cuộc đời của mày đi, đừng chõ mũi vào cuộc đời kẻ khác.

Y nhìn tôi, rít thuốc, lên giọng trịch thượng. Tôi chỉ muốn đấm một cái cho vỡ toác cái vẻ kẻ cả đó.
– Hay là mày định cải đạo? À, mà mày có theo đạo nào đâu. Cái thứ như mày, chả Chúa hay Phật hay Thánh Allah nào dung được.

Tôi cay cú trả đũa. Y cười nhạt.
– Cái này mày nói đúng. Nhưng, Z ạ, mày có một nhầm lẫn rất lớn. Tao cho rằng cái sự nhầm lẫn của mày đáng để trao giải Nobel đấy.

– Gì? Tôi nổi khùng.
Y vẫn vẻ khinh khỉnh, tiếp tục rít thuốc. Mùi thuốc lá Khánh Hội, thứ thuốc rẻ tiền dành cho người lao động và lũ sinh viên nghèo xộc vào mũi  khiến tôi càng thêm cáu.

– Chúa hay Phật hay Allah… Allah hay Aladin? À, Allah. Z ạ, cả ba tên ấy chẳng cứu chuộc được bất kì ai đâu.

– Mày đứng có báng bổ.

– Không, tao hoàn toàn nghiêm túc đấy. Xin mày, Z ạ, mày cũng lớn rồi, tập suy nghĩ cho nó nghiêm túc đi, đừng hùa theo lịch sử và đám đông xuẩn ngốc. Không ai có thể cứu chuộc cuộc đời kẻ khác. Cái điều đơn giản ấy rất nhiều người hiểu. Nhưng cũng có vô số kẻ không hiểu hoặc khiến người khác không hiểu, từ đó đẻ ra tôn giáo và những câu chuyện vừa nghiêm trọng vừa trẻ con vừa rẻ tiền của kinh sách.

Tôi không muốn sa vào cuộc tranh luận này. Mỗi lần tranh luận với Y, tôi luôn đuối lí, mặc dù biết nó đang tung ra những lí lẽ hết sức mơ hồ và hắc ám.

– Vậy thì bình thường mày tụng kinh Kim Cang và cả chuyện đi lễ nhà thờ nữa, để làm gì?

– Ừm, khó nói nhỉ. Đối với tao, nó cũng như một món thể dục tinh thần thôi. Không có gì ghê gớm cả. Mày đừng nghĩ tao sùng đạo, tội nghiệp tao.

Y nhìn tôi chế giễu. Có lẽ lúc đó hắn mới thấy tôi đang nổi cáu nên hắn xuống nước:
– Đùa thế thôi. Đi café nào.

2.
Y và tôi trọ trong một ngõ hẻm trên đường Điện Biên Phủ. Đầu con hẻm có một ngôi chùa. Thường ngày đi qua, mỗi buổi sớm, có một nữ tu rất trẻ hay quét sân. Thế nào tôi cũng phải liếc qua người ấy.
Đẹp và buồn.

3.
– Không hiểu sao mỗi khi đi lễ nhà thờ, tao thấy mình đàng hoàng hơn. Tao nói thật đấy. Tao không tin chuyện Mẹ Maria đẻ ra Jesus mà vẫn còn trinh, cũng không tin cái chuyện ông ta phục sinh và vô khối chuyện hoang đường khác. Nhưng mỗi khi vào đó, cảm nhận đầy đủ cái không khí nghiêm cẩn của thánh đường, tao cảm giác mình sạch sẽ hơn. Mày cũng nên đi một lần cho biết.

IMG 7355 copy
Minh họa: Thành Chương

Tôi nhìn Y nghi hoặc.
– Mày không ăn bánh thánh đó chớ?

– Không. Cái này mày yên tâm. Tao sợ đau bụng lắm. Mày biết mà, dạ dày tao rất yếu.

Cuối cùng, vào một buổi sáng chủ nhật đầu tháng tư, tôi theo Y đi lễ nhà thờ. Buổi sáng sớm, Huế sạch và yên tĩnh như thiền đường. Những cánh bằng lăng rụng sau cơn giông đêm qua trải lên mặt đường một nỗi buồn tím ngát. Tôi ngồi sau xe đạp, không hiểu mình làm cái quái gì mà phải đi nhà thờ.

Buổi lễ đó cũng chả khiến tôi ấn tượng mấy, kể cả bài thánh ca trong trẻo mà tôi nghe chả hiểu được gì. Nhưng có một cái được, thậm chí rất được, là tôi đã quen một người, trong buổi lễ ấy.
Đó là chú Dịu.

Hai thằng tôi ngồi ở dãy ghế cuối cùng, vì sẽ ít người để ý đến hai kẻ ngoại đạo, cứ câm như thóc khi mọi người xung quanh đang đọc thuộc lòng những câu kinh, câu nguyện. Một lát sau thì chú vào. Nhẹ nhàng và thành kính. Ngồi ngay cạnh tôi. Tôi có một cảm giác rất lạ lùng. Cứ như đang ngồi bên một mặt hồ mênh mông mát lạnh.
Sau buổi lễ, đang đứng chờ Y dắt xe ra thì chú đến bên cạnh tôi:
– Lần đầu cháu đi lễ hả?

Giọng Huế nhẹ bẫng.
Tôi cười.

– Chú là Dịu.

– Dạ, cháu là Z.

– Z?

Tôi lại cười.
Thấy Y đã dắt xe ra, tôi chào:
– Cháu về chú nhé.

Chú Dịu cười gật đầu, rồi hỏi với theo:
– Khi nào rảnh gặp chú nhé. Cháu đã sưu tầm trăng chưa?

4.
– Sưu tầm trăng à?

Y ngớ người nhìn tôi khi tôi kể lại việc chú Dịu bắt chuyện.

– Ừ.

Y lắc đầu quầy quậy.

– Tao nghi lắm. Dạo này rất nhiều kẻ có vấn đề về giới tính. Tao nghi lắm. Mà thằng cha đó thẩm mĩ kém thật, mày có gì để thích? Con gái thấy mày cũng ngán, thằng cha đó thích gì ở mày?

Tôi không nói gì. Bình thường thế nào tôi cũng cự lại mấy câu khiêu khích đó của Y, nhưng hôm nay thì không. Cái chuyện sưu tầm trăng mà chú Dịu nói khiến tôi nghĩ mãi.

Sưu tầm trăng. Là sao? Mà tại sao lại là tôi?

Việc gặp gỡ và câu hỏi của chú Dịu khiến tôi có cảm giác như mình được lựa chọn để tham gia vào một câu chuyện lạ lùng nào đó, mà dù muốn hay không thì tôi cũng không thể chối từ.

Sáng chủ nhật kế tiếp, tôi lại cùng Y đi lễ. Chủ yếu là để gặp lại chú Dịu, và giải quyết mớ bòng bong trong tôi về chuyện sưu tầm trăng. Nhưng hôm đó chú Dịu không đến nhà thờ.

Lần thứ ba tôi đi lễ, chú Dịu vẫn vắng mặt. Cứ như một trò trêu ngươi. Lần thứ tư, lần thứ năm cũng thế. Mất nguyên cả một tháng trời, chú Dịu vẫn bặt tăm, như bốc hơi khỏi Huế.

Cho đến một chiều thứ sáu, khi tôi ở giảng đường về đến nhà trọ, thì thấy chú Dịu đang ngồi trước hiên nhà. Chú cười:
– Tối nay Z rảnh không?

Tôi ngơ ngác nhìn, chưa kịp hỏi vì sao chú biết nơi tôi trọ, thì chú đã nói tiếp:
– Đi sưu tầm trăng.

Hôm đó là ngày rằm.

5.
Chú Dịu ở trong một xóm nhỏ bên sông Ngự Hà. Nhà cửa thưa thớt. Xung quanh còn lau lách um tùm. Căn nhà thấp lè tè, tối om. Khi chú Dịu bật điện, tôi nhìn lên bàn thờ. Một tấm hình phụ nữ trẻ đẹp.

– Đó là vợ chú.

– Dạ. Cô bệnh gì mà mất sớm vậy chú.

– Không bệnh. Cô chết đuối.

Tôi im lặng. Chuyện này không nên nói nữa. Nhưng chú Dịu vẫn tiếp:
– Cô mất mấy tháng sau khi cưới. Chưa kịp có con. Hôm đó rằm. Cô đòi chú lấy thuyền chở cô đi ngắm trăng. Chú ngồi đầu này chèo, cô ngồi mũi thuyền ngắm trăng. Cứ nhẩn nha chèo đến khuya. Đêm đó trăng thanh lắm. Gió rười rượi. Đến khuya thì chú neo thuyền lại giữa dòng, nằm ra ngắm trăng. Cô vẫn ngồi ở mũi thuyền. Hát. Cô hát hay lắm. Đang hát thì cô dừng lại.

– Anh ơi.

– Gì em?

– Trăng rơi kìa.

Chú ừ hử. Thi thoảng cô vẫn vậy, rất trẻ con.

– Em vớt trăng nhé. Thấy rơi thương quá.

Chú cười.

– Anh nằm một tí rồi về nhé. Khuya rồi.

Không nghe cô nói gì, chú làm thinh, nhìn trăng.

– Em à.

Vẫn không nghe cô nói gì.

– Em?

Chú ngồi dậy. Cô không còn trên thuyền nữa. Chú kêu cứu rồi nhảy xuống dòng. Một lát sau mấy thuyền nữa bơi ra, mấy thanh niên cùng xuống lặn. Nhưng cả đêm đó không tìm thấy. Sáng hôm sau người ta vớt được cô ở cửa sông Đông Ba.

Chú Dịu ngồi lặng nhìn ảnh vợ. Tôi không biết nói gì. Một cảm giác khó chịu tràn ngập cơ thể.

– Rồi từ đó…

– Chú sưu tầm trăng?

– Ừ.

– Ở đâu? Làm thế nào mà sưu tầm được?

– Mọi nơi. Rồi cháu sẽ thấy.

6.
Cơm tối xong, chú Dịu bảo tôi lên thuyền. Chú cứ thả đò xuôi lững thững dòng Ngự Hà. Tôi ngồi trên đò, uống trà đến khàn cả giọng mà vẫn không thấy chú đả động gì đến việc sưu tầm trăng. Tôi ngờ mình bị lừa. Có khi chú bị bệnh hoang tưởng cũng nên. Cuối cùng, sốt ruột quá, tôi lên tiếng:
– Chú…

Không để tôi kịp nói, chú Dịu tỏ dấu im lặng, rồi bảo:
– Đến lúc rồi.

Chú nhìn chăm chăm xuống đáy sông, rồi cầm một cái lọ, nhảy ùm xuống. Tôi hoảng đến mức ngồi thừ cả ra. Một lát sau, chú Dịu lóp ngóp ngoi lên, cười lấp lánh:
– Được rồi.

Chú trèo lên, đưa cái lọ cho tôi xem. Thật kì lạ, tôi sởn cả gai ốc, không tin vào mắt mình: bên trong lọ nước là một mảnh ánh sáng dập dềnh.
– Gì vậy chú?

– Trăng đó. Hai tháng rồi mới sưu tầm được.

Chú Dịu nhìn tôi tỏ vẻ thích thú.
– Cháu tin rồi chứ?

Rồi hai chú cháu chèo thuyền về. Đến nhà, chú Dịu dẫn tôi ra sau hè, có một ao nước. Chú đổ lọ nước sông xuống ao. Trước ánh mắt dò hỏi của tôi, chú bảo:
– Phải sưu tầm rất lâu mới đủ một vầng trăng. Đến giờ chú mới được bảy mảnh.

Tôi nhìn mãi xuống ao, ngoài mặt nước đang phản chiếu vầng trăng trên trời, chả thấy thêm được gì.
– Giờ cháu chưa thấy được đâu. Chỉ khi nào sưu tầm kha khá mới thành hình, cũng như trăng trên trời vậy mà. Thôi, vào nhà.

Chú Dịu đi thay đồ, rồi soạn rượu và thức nhắm ra ngoài sân. Hai chú cháu ngồi dưới thứ ánh sáng huyễn hoặc của vầng trăng khuya. Một con chó ở đâu sủa ma ăng ẳng. Một cánh chim bay qua thảng thốt.

– Làm sao chú có thể vớt ánh sáng của trăng được?

Tôi phá tan im lặng. Nói như thế có đúng không nhỉ? Vớt ánh sáng của trăng, nghe cứ như chuyện trẻ con.

– Chú không biết. Nhưng nó có từ sau ngày giỗ đầu của cô. Đêm đó mơ thấy cô, cô bảo anh đi vớt trăng giùm em, thấy trăng rơi, thương lắm.

– Có ai biết chuyện này không?
– Không. Cháu là người duy nhất.

– Nhưng tại sao lại là cháu?
– Chú cũng không hiểu. Nhưng chú đoan chắc là sau này chú phải nhờ cháu giải quyết tất cả những chuyện này.
– Giải quyết? Tất cả?

– Ừ. Thôi uống đi. Giờ còn quá sớm để nói về mọi chuyện. Dần dà cháu sẽ rõ.

Đêm đó về phòng trọ, tôi không tài nào chợp mắt được. Thằng Y thấy vậy, bảo tôi:
– Ngủ đi. Đời còn nhiều thứ kì lạ lắm. Mày mà cứ như thế thì sao sống được hả con?

Tôi chẳng thèm đôi co với hắn, vẫn nằm thừ nhìn trần nhà. Hình ảnh lọ nước đựng ánh trăng chập chờn ma mị.

Y thở dài:
– Mày đã nhúng vào chuyện đó thì sau này chính mày phải giải quyết. Ngủ đi, đừng suy nghĩ nữa.

Tôi định hỏi Y hắn nói vậy có ý gì, nhưng rồi lại lười, không muốn nói. Giấc ngủ đêm ấy như con thuyền trên sóng, cứ chòng chành mãi.

7.
Người nữ tu đó vẫn vậy, sáng nào cũng lặng lẽ ra quét sân chùa, như không hề biết đến việc tôi luôn nhìn nàng.
Tim tôi thắt lại mỗi lần như thế. Y không nói gì, chỉ thở dài.

8.
Cạnh phòng trọ của tôi và Y là phòng của một cậu sinh viên Đại học Khoa học, tên Khôi. Cao ráo, trắng trẻo, đẹp kiểu thư sinh, ăn nói từ tốn. Ở chung dãy trọ, cùng nhậu nhẹt chơi nhởi thành ra thân. Khôi là người xứ đạo ở Nghệ An, nghe Khôi nói là cậu đã được xứ đạo quy hoạch là cha xứ, học xong đại học sẽ đi học thần học thánh học gì đó. Tôi nghe rất ngạc nhiên, tôn giáo cũng có chuyện quy hoạch à? Khôi bảo em được chọn từ nhỏ, gia đình, xứ đạo và nhà thờ giáo xứ đều kì vọng. Vì vậy ngay từ khi biết cảm xúc trước con gái, Khôi phải luôn tiết chế tình cảm, tuyệt đối không có mối quan hệ nào với con gái mà để ảnh hưởng tới chuyện quy hoạch đó. Tôi cười:
– Vậy là kính Chúa thì không được yêu con gái à?

Khôi cười hiền từ:
– Chỉ những người như em thôi.

Tôi ừ. Tự hỏi vì sao mình nói một câu có vẻ cay nghiệt như vậy.
– Vậy đến giờ Khôi vẫn không có bạn gái?

Tôi không tin vào điều này. Một gã trai như Khôi, con gái không rung động thì một là không có trái tim, hai là đồng tính. Khôi cười hiền lành:
– Em có. Học cùng lớp. Đồng hương.

Rồi Khôi im lặng lúc lâu:
– Em không biết phải làm sao, anh ạ. Chọn theo Chúa hay chọn theo mình? Nàng thương em lắm. Nếu tụi em chia tay, em nghĩ nàng sẽ không sống được nữa.

Một bữa trăng sáng, Y đạp xe đi đâu không rõ, Khôi qua phòng gọi tôi:
– Anh Z ơi, nhậu nhé. Em mới nhận tiền nhà.

Hai anh em trải chiếu ra ngồi trước sân dãy phòng trọ. Xóm đêm yên ắng lạ. Câu chuyện vẫn xoay quanh đạo Chúa và chuyện quy hoạch của Khôi. Tôi muốn hỏi nhiều vì không biết lắm về cái đạo lớn nhất nhì nước này. Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ như in câu nói của Khôi đêm đó:
– Đạo của Chúa cũng như mặt trăng, khi mờ khi tỏ, khi khuyết khi tròn, khi vằng vặc giữa trời, khi bị bóng mây bóng mưa làm chìm khuất. Nhưng em biết đạo của Chúa luôn có, luôn ở đó.

9.
Đó cũng là dạo Y vẽ một loạt tranh bằng bút chì, kiểu như một thử nghiệm cho giai đoạn mới của hắn. Những bức tranh nhỏ trên giấy khổ A4, đủ đề tài, được đóng lại thành tập hoặc vứt lung tung cả phòng hoặc bị vứt vào sọt rác. Rất nhiều bức không hiểu ý tứ của hắn là gì, thậm chí tôi còn cho rằng Y bị tẩu hỏa nhập ma, cách nói sang chảnh của từ “điên”. Bức vẽ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đeo headphone, khuôn mặt cau có. Bức vẽ một vị thánh Thiên Chúa giáo vật tay với Bồ Đề Đạt Ma, hai vị mồ hôi đầm đìa. Bức vẽ một ông tăng cởi trần mặc quần đùi, nằm ngoáy lỗ mũi, khuôn mặt lim dim thỏa mãn. Bức vẽ một loạt nữ tu khỏa thân chạy trên bờ sông, thả diều. Đại khái là không nuốt trôi những bức tranh báng bổ đó. Đặc biệt có một bức làm tôi lạnh cả người, Y đặt tên hẳn hoi, theo tên một cuốn tiểu thuyết: Khiêu vũ giữa bầy sói. Cũng là tranh chì trên giấy khổ A4. Bối cảnh là một gian phòng lớn, đông nghịt người, nhìn vào là thấy rất nhiều người tu hành. Họ đứng quây thành một vòng tròn, phía ngoài, trên những chiếc ghế cao, nhiều kẻ tò mò trèo lên nhìn vào vòng tròn ấy, vỗ tay hoặc reo hò. Bên trong vòng tròn, một con chó sói cụp đuôi, cong lưng, đầu gằm xuống đất.

Tôi hỏi, Y nhìn vẻ ngơ ngác.

– Sao?

– Mày không nên vẽ như thế.

Y nhìn tôi như thể sinh vật lạ.

– Tao không hiểu ý mày.

– Thì những bức tranh tôn giáo đó, mày đừng vẽ như thế nữa, mang tội lắm, Y ạ.

– Ơ, thằng này hay nhỉ. Mày ấm đầu à. Tôn giáo nào?

– Thì Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, vị thánh Thiên Chúa, Bồ Đề Đạt Ma… Không phải tôn giáo thì là gì?
Y cười phá lên:
– Ra thế.

Rồi hắn châm thuốc, nói trong hơi khói:
– Ai bảo mày đó là Quán Thế Âm Bồ Tát, vị thánh Thiên Chúa, Bồ Đề Đạt Ma…? Tất cả chỉ là những đường nét bút chì của tao, tạo ra những hình dạng bất kì. Tao có ghi tên cho hình dạng nào đâu?

– Nhưng nhìn thì ai cũng biết.

– Mày nhầm. Bảo đảm tranh của tao khi đưa cho một thổ dân da đỏ thì họ sẽ thấy không vấn đề gì. Còn mày, và những kẻ đầu óc chứa đầy kiến thức hỗn tạp như mày, sẽ thấy tranh có vấn đề.

Tôi muốn cãi, Y cắt lời:
– Z ạ, chúng ta nhìn thế giới theo cách chúng ta nghĩ, như cách chúng ta muốn. Thực ra không phải thể. Tao không vẽ về tôn giáo, chỉ do mày nhạy cảm với vấn đề đó nên mày suy luận ra vậy. Ai bảo với mày đó là Đức Quán Thế Âm Bồ Tát hay Bồ Đề Đạt Ma hay… Mày gặp họ rồi à?

Tôi đuối lí.

– Mày chỉ phóng tác hình ảnh của họ trong tâm trí mày khi mày đọc các sách tôn giáo. Chẳng ai chứng minh được các vị đó hình dạng như thế. Mày không nhớ câu nói của thằng cha triết gia nào đó à, nếu con vật biết vẽ thì chúa của nó chắc cũng sẽ là loài vật đó.

Tôi không biết nói gì, đành quay qua vặn bức cuối:
– Thế còn Khiêu vũ giữa bầy sói, rõ ràng…

Không để tôi nói tiếp, Y cắt lời:
– Cũng vẫn là khái niệm. Suốt đời mày bị cầm tù trong những khái niệm do kẻ khác tạo ra. Mày có dám chắc “bầy” là số nhiều hay số ít không? Mày có dám chắc loài sói gọi chúng ta là “người” không?

Y lại rít thuốc, vẻ mặt chán nản:
– Mà thôi. Nói chuyện đó làm gì. Tranh tao tao vẽ, đời mày mày vẽ. Chẳng ai can thiệp được sao mày lại vẽ đời mày như thế.

10.

Cứ đến tuần trăng là chú Dịu lại rủ tôi đi sưu tầm. Nhưng không phải lúc nào cũng được. Suốt cả mấy tháng sau đó, tôi và chú không thêm được một mảnh nào. Nhưng chú Dịu không hề sốt ruột hay nản chí. Chú nhìn khuôn mặt thất vọng của tôi, cười nhẹ:
– Không dễ gì tìm đủ một vầng trăng đâu, Z ạ. Có khi đến cuối đời chú cũng chưa được.

– Vậy…

Tôi bỏ lửng câu hỏi, mơ hồ nghĩ đến lý do mình tham dự câu chuyện này. Chú Dịu nhìn tôi, ánh mắt rất lạ.

– Có thể, chú sẽ phải nhờ cháu tiếp tục.

Tôi không nói gì, lặng lẽ châm thuốc. Bỗng dưng có cảm giác cuộc đời mình là sự phi lí không thể nào thoát được.

Một đêm, tôi ở lại với chú Dịu đến khuya. Hai chú cháu ngồi uống rượu bên ao. Trong nhà, chú Dịu mở một đĩa nhạc, giọng ca sĩ Lệ Thu hư hư thực thực: “Ai ngắt đóa quỳnh hương dưới trăng. Đêm lắng mơ hồ tai gió nghe dạt về, tiếng mưa buồn rơi có khi tình cờ giữa dòng trí nhớ…”

Rượu, trăng và bài hát khiến tôi tưởng mình đang trôi bập bềnh cuối bến xa nào đó. Nhìn qua, thấy chú Dịu khóc. Những giọt nước mắt lấp lánh trong đêm rằm.

11.
Một buổi chiều, tôi đi học về thì thấy Y và Khôi đang ngồi uống rượu trong phòng. Nhìn nét mặt của cả hai là biết có chuyện không vui. Tối đó tôi lại có hẹn với mấy đứa bạn cùng lớp nên không muốn sà vào cuộc rượu. Nhưng Y bảo:
– Uống với Khôi một li đi mày. Nó buồn.

Tôi ngồi xuống, nhìn Khôi dò hỏi. Khôi im lặng.

Y rót rượu cho tôi, bảo:
– Nó mới chia tay con bé.

Tôi im lặng, chạm li với Khôi. Khôi vẫn cúi mặt, như đang cố không khóc. Cả ba im lặng uống rượu. Chừng nửa tiếng sau, không chịu nổi nữa, tôi lên tiếng:
– Mày và Khôi uống đi. Tao có hẹn với lớp, đi thăm cô chủ nhiệm bị ốm nặng. Lát về tính sau.

Xong việc, tôi đạp xe lang thang bên Thành Nội, chưa muốn về phòng trọ, sợ không khí u ám buồn của câu chuyện Khôi. Đến khuya tôi mới về. Y vẫn còn chong điện vẽ. Tôi hỏi Khôi sao rồi. Y bảo nó say quá dìu về phòng rồi. Tôi ừ hử. Y lại bảo, con bé kia chắc không sống nổi đâu. Mà nó chết thì thằng Khôi lại thêm lí do để đi tu. Tôi thở dài. Tình yêu là gì mà khiến nhân loại khổ sở đến vậy hả trời?

Y dọn dẹp giá vẽ, nhìn tôi:
– Rồi mày cũng khổ vì đàn bà mà thôi.

Tôi nằm im lặng, nghĩ đến người nữ tu đó. Trong lòng cồn lên nỗi nhớ đến mức đau đớn. Đêm nay, trong chiêm bao, nàng mơ những gì? Có bao giờ giấc ngủ đạo hạnh của nàng bị vẩn đục bởi hình bóng trần tục của tôi?

11.
Suốt mấy ngày sau đó, tôi tìm cách dọ hỏi về cô bạn gái của Khôi. Khôi bảo điện về nhà của bạn gái thì ba mẹ cô ta bảo cô ta không muốn gặp ai. Tôi thở phào, vậy là cô gái ấy còn sống. Mọi việc cũng không quá bi đát.

Một buổi chiều, tôi rủ Khôi đạp xe đi lang thang cho khuây khỏa. Hai thằng ghé mua ít thức nhắm và rượu. Đạp loanh quanh mãi rồi lên đàn Nam Giao, xuống đồi thông ngồi uống rượu. Khôi vẫn chưa hết sốc vì cuộc chia tay. Tôi cố tìm chuyện để nói, Khôi vẫn không vui lên tí nào. Lúc nắng chiều sắp tàn, đang nâng li lên thì Khôi làm rơi, mặt Khôi tái mét, miệng méo xệch đi. Tôi hoảng, sợ Khôi trúng gió.

– Sao vậy. Đau chỗ nào.
Khôi chỉ lắc đầu. Mãi một lúc sau mới nói được, từng tiếng một, đau đớn:
– Nàng chết rồi, anh Z ơi.

12.

Hôm sau, ba thằng đón xe đò ra Nghệ An. Quê Khôi ở một huyện miền núi. Buồn và nghèo.

Đám tang đầy nước mắt. Khôi ngất lên ngất xuống. Nghe kể phải lặn mấy ngày mới vớt được xác cô gái. Tự trầm mình trên sông Lam.

Suốt hai ngày ở đám tang, tôi để ý thấy một vị cha xứ, cứ ngồi trầm ngâm, ra dấu thánh liên tục.

Trước khi chúng tôi đón xe vào lại Huế, vị cha xứ có nói chuyện gì đó với Khôi. Tôi và Y không được nghe, chỉ thấy Khôi im lặng và gật đầu liên tục.

Trên chuyến xe Khôi không mở miệng một lời. Và cũng không khóc nữa. Chỉ thấy ánh mắt Khôi rất khác, như thể được chiếu vào một thứ ánh sáng nào đó mà tôi chưa từng biết, không thể biết.

13.

Sau đám tang người yêu Khôi, bẵng đi một đợt lâu chú Dịu không hề liên lạc với tôi. Không thấy đi lễ nhà thờ. Tôi lên nhà cũng không gặp. Nghe hàng xóm bảo thấy chú mang hành lí đi đâu đó, cả tháng rồi chưa về. Tôi đoán là chú đi sưu tầm trăng ở một phương trời khác.

Lúc đó gần cuối hè. Bằng lăng đã qua mùa, chỉ sót lại vài cây lưa thưa, buồn lẻ loi như những lời kinh rụng.
Khôi trở thành một người khác hẳn. Ít nói ít cười. Đêm về chong điện đọc sách. Thi thoảng lắm mới uống rượu cùng hai thằng tôi, nhưng không chuyện trò như trước.

Có nhiều buổi chiều, Y rủ tôi đạp xe ra sông Hương, đoạn gần cầu Bạch Hổ. Hai thằng ngồi trên bãi cỏ, nhìn ráng chiều nhuộm tím góc trời tây. Dòng Hương trôi mệt nhoài như hơi thở dài. Tôi thường cố lắng nghe vài tiếng ve cuối mùa, ngân lên đâu đó trong những tán lá, báo hiệu sự hấp hối của khung trời hạ. Nhiều lúc nhìn qua Y, thấy thằng bạn mình cách xa vời vợi, như thể hai tiểu hành tinh trên cùng một thiên hà đang đến kì giãn nở cực đại, mỗi lần ngoái lại là một biệt li hàng ngàn năm ánh sáng.

14.


Tôi dừng xe trước cổng chùa. Nàng nhìn. Ánh mắt đốt tôi cháy vụn. Trong bộ áo lam, nàng mỏng như vệt khói. Tôi run run tiến đến gần, và lấy hết sự can đảm tích trữ bấy lâu nay, tôi nắm tay nàng. Nàng vẫn nhìn tôi, như hóa đá. Bàn tay nàng mềm ấm. Chợt như nhận thức được điều đang xảy ra, nàng lắc đầu sợ hãi và đau đớn:
– Không được, không được, Z ơi.

Nàng vội thu lại bàn tay, quay người vào chùa, đi như bay. Tôi sững ra một lát, rồi chạy theo. Đến khi tôi chạm vào được vạt áo nàng, thì nàng bay lên, biến thành vệt khói, tan giữa không gian. Đúng lúc đó, tiếng chuông chùa ngân vang kì dị. Tôi ngã sấp xuống mặt đất, khóc òa như con trẻ.

– Gì vậy, Z?

Tôi choàng tỉnh. Thằng Y đang ngồi bên cạnh, nhìn tôi đầy xót xa. Tôi không biết nói gì, chỉ biết đưa tay lên lau nước mắt. Cơn mộng này không biết bao giờ mới xong.

15.
Vào lại năm học được chừng hai tuần thì chú Dịu tìm tôi. Đúng như tôi đoán, chú đi rất xa để sưu tầm trăng.
Đêm đó hai chú cháu lại uống rượu ở sân nhà chú. Chú Dịu bảo đã thêm được hai mảnh nữa. Nhìn chú rất vui. Cuộc rượu và kết quả chuyến đi của chú khiến tôi khuây khỏa được nhiều.

Đến khuya, chú Dịu nhìn tôi một lúc lâu, như định nói điều gì nhưng không nói được. Tôi sốt ruột:
– Có chuyện gì hả chú?

Chú Dịu gật đầu, rồi lại im lặng nhấp rượu. Tôi ngồi chờ. Mãi chú mới khẽ khàng bảo:
– Chú vừa biết một điều.

Tôi cũng nhấp chén rượu, tôi biết điều chú sắp nói có ý nghĩa gì đó rất quan trọng. Bỗng dưng tim đập thình thịch, tay chân bủn rủn.

– Chú sẽ là mảnh cuối cùng, Z ạ.

Ngụm rượu nghẹn lại trong cổ. Tôi bỏ li xuống, nhìn chú trân trối.

– Đúng vậy, Z ạ. Sau chuyến đi dài vừa rồi, chú mới biết rằng chú phải là mảnh cuối cùng cần phải sưu tầm để hoàn chỉnh vầng trăng đó. Chỉ có điều chú chưa biết đến lúc nào.

Tôi muốn hỏi chú vậy thì tôi có ý nghĩa gì trong câu chuyện này, nhưng lại thôi. Tôi lặng lẽ châm thuốc. Chú Dịu cũng châm thuốc, rồi nhìn tôi:

– Rồi sẽ đến lúc cháu hiểu, cháu tham gia vào câu chuyện này để làm gì.

16.
Đợt vừa rồi tôi có chuyến công tác ra Nghệ An. Xong việc, tôi đón xe lên quê Khôi, mong tìm lại người bạn cũ. Quê Khôi vẫn vậy, hầu như không có nhiều thay đổi sau ngần ấy năm. Vẫn buồn và nghèo.

Loanh quanh cả buổi chiều vẫn không biết được nhiều gì về Khôi. Chỉ biết sau khi tốt nghiệp đại học, Khôi về quê rồi cùng cả gia đình di cư vào Nam. Có người bảo vào Sài Gòn, có người bảo ở Biên Hòa, lại có người nói đi định cư ở nước ngoài. Có người bảo Khôi vào học thần học rồi ra tận huyện biên giới phía Bắc để tu. Có người lại khẳng định Khôi đã có vợ con đề huề, hiện đang kinh doanh ở miền Nam. Đại khái là thông tin loạn cả lên, chẳng biết nghe ai.

Cuối chiều, tôi tìm đến mộ bạn gái Khôi để thắp nén nhang. Trong bóng tối nhập nhoạng, tấm chân dung cô gái trên bia mộ cứ nhìn tôi khắc khoải. Vì sao vậy anh Z? Tất cả những chuyện này, vì sao?

Xong, tôi lững thững ra sông Lam. Ngồi một mình giữa những bãi ngô xào xạc gió, nhìn nước sông Lam chảy miết, tôi tự hỏi, tất cả họ, những người đi qua đời tôi trong thời hoang vắng ấy, giờ trôi về đâu?

17.
Đó là một buổi sáng chủ nhật. Dạo đó thằng Y đã thôi đi lễ nhà thờ và không vẽ tranh báng bổ (như tôi nghĩ) nữa. Hai thằng đang ở phòng trọ thì có một người chạy xe máy đến, báo tin chú Dịu đã mất.

Tôi nghe tin ấy, vừa bàng hoàng, vừa thanh thản. Một cảm giác rất kì lạ.

Hai thằng đạp xe qua nhà chú Dịu. Lúc đó đã khâm liệm rồi.

Sáng đó, người ta vớt được chú dưới ao.

Đám tang chú Dịu xong, người ta đưa tôi một bọc vải, ngoài ghi “Gửi cháu Z”. Tôi và Y ra về. Suốt đám tang cho đến lúc đó, thằng Y không hỏi một lời. Chỉ đến lúc trên đường về hắn mới mở miệng:
– Mày nghĩ vầng trăng đó đã hoàn chỉnh chưa?

Tôi không dám chắc. Nhưng theo những gì chú Dịu nói thì tôi mong là đã hoàn chỉnh. Không biết bây giờ, ở một phương trời nào, có một vầng trăng nào đang tỏa sáng?

Chú Dịu để lại cho tôi một tập ghi chép, bên ngoài đề “Nhật ký người sưu tầm trăng”. Nét chữ vô cùng thanh thoát.
Tháng 6/2016
Hạo Nguyên – VNQĐ
Exit mobile version