Alfred Rosenberg chắc chắn là một trong những thủ lĩnh Quốc xã ít được biết đến nhất. Thế nhưng, ông ta lại là nhà tư tưởng của chế độ đó. Cuốn nhật ký của Alfred Rosenberg là tập tư liệu thô sơ nhưng chân thực nhất về sự vận hành của Đệ tam đế chế, về những cuộc đấu đá nội bộ và về những lời tuyên bố loạn xạ của các lý thuyết gia mang tư tưởng hận thù rất đặc trưng của chủ nghĩa phát xít.

Alfred Rosenberg sinh năm 1893 tại Tallinn, thủ đô của nước Cộng hòa Estonia (vào thời đó là thành phố của Nga mang tên Reval) trong một gia đình người Đức. A. Rosenberg theo học ngành kiến trúc tại Riga (thủ đô của Latvia) và tại Moscow, rồi sang Đức định cư vào cuối năm 1918.

 

Sau khi đảng Quốc xã ra đời vào năm 1920, Alfred Rosenberg nắm quyền lãnh đạo nhóm biên tập của cơ quan tuyên truyền là tờ báo Volkischer Beobachter. Trong quyển sách nặng mùi lý luận “Huyền thoại của thế kỷ XX” (năm 1930), Alfred Rosenberg đưa ra cái nhìn về một thế giới mơ hồ, được tạo ra qua sự đối đầu giữa “các chủng tộc”. Cũng là người say mê chính trị kỳ lạ, ông ta đinh ninh rằng, nước Nga là kẻ thù số 1 của nước Đức, và chỉ có một liên minh như Berlin-London mới dập tắt được ý chí bá chủ của Moscow.

Cho dù có mối liên hệ mật thiết với Hitler, Rosenberg vẫn không được đứng vào hàng ngũ quyền lực, trong khi đó, ảnh hưởng của các sĩ quan cao cấp khác như Goring, Ribbentrop hoặc  Goebbels ngày càng lớn mạnh, là những kẻ ông ta căm ghét cũng như họ căm ghét ông ta.

Cuốn “Nhật ký 1934-1944 của Alfred Rosenberg” do nhà xuất bản Flammarion ấn hành ngày 30-9-2015.

Tuy thế, vào lúc tuyên chiến, Alfred Rosenberg được giao một nhiệm vụ quan trọng: vơ vét tất cả tác phẩm nghệ thuật và các tủ sách của những gia đình Do Thái nổi tiếng. Năm 1941, ông ta được bổ nhiệm “đặc trách về các vấn đề của vùng Đông Âu”, nói cụ thể là Bộ trưởng của các vùng đất bị chiếm đóng ở phía đông. Với chức vụ này, ông ta phải đảm bảo vấn đề tiếp tế và khai thác một “khu thuộc địa hóa”. Trong khi thực tế thì Rosenberg thi hành chính sách cướp bóc, “bình định” và “Đức hóa” với cái giá là hàng triệu mạng sống dân thường.

Theo quan điểm đó, ít có thủ lĩnh Quốc xã nào sánh ngang ông ta về danh hiệu “tội phạm cuồng tín”, như lời khẳng định của hai sử gia Jurgen Matthaus và Frank Bajohr. Có lẽ vì vậy mà “nhà tư tưởng hàng đầu của đảng Quốc xã  được “Quốc trưởng” Hitler gọi là “giáo phụ của Quốc xã”.

Năm 1938 tại Munich, Hitler cùng với các sĩ quan cao cấp của Quốc xã, trong đó có Thống chế Tư lệnh không quân Goring (đứng ngoài cùng hàng dưới bên trái).

Dưới đây là các đoạn trích dẫn trong cuốn “Nhật ký 1934-1944 của Alfred Rosenberg”:

Ngày 21-8-1936

Hôm nay tôi mới hiểu được lý do tại sao đại úy Furstner lại là nạn nhân của một “tai nạn”, sau khi đã hoàn tất công trình tổ chức làng thế vận hội tại Berlin. Chắc là có một lúc nào đó anh ta bị phát hiện mang dòng máu Do Thái, do đó anh ta bị giáng chức. Sau khi thi hành nhiệm vụ cho đến ngày kết thúc thế vận hội, anh ta bị trầm cảm và tự sát. Chắc chắn là anh ta bị chọn lọc, theo luật chọn lọc tự nhiên của Mendel, theo hướng có lợi cho dòng giống người Đức.

Ngày 29-9-1939

Cuộc tiến chiếm Ba Lan của quân đội Đức bắt đầu vào ngày 1-9 lúc bình minh. Quốc trưởng nói cho tôi nghe về chiến dịch Ba Lan suốt một tiếng đồng hồ. Người Ba Lan hôm nay là một tầng lớp mỏng manh của dòng giống Đức, còn kém hơn cả loại vật liệu rẻ mạt. Còn bọn Do Thái, là thứ ghê tởm nhất mà người ta có thể tưởng tượng được. Nếu Ba Lan còn tồn tại thêm vài chục năm nữa trên những phần đất xưa của Đức Quốc xã, thì tất cả sẽ nghèo đói và điêu tàn, từ nay tại đây, chỉ có một bàn tay chúa tể duy nhất có thể cai trị thần dân của mình. A. Rosenberg dự tính phân chia lãnh thổ Ba Lan thành 3 nhóm: 1. Giữa sông Vistule và sông Bug gồm những người theo đạo Do Thái, kể cả những người gốc Đức. 2. Dọc theo biên giới phía trong Ba Lan là một vành đai Đức hóa và thuộc địa hóa. A. Rosenberg bảo, tại đó có một “sứ mạng vĩ đại”, dành cho toàn dân, đó là tạo ra một kho lúa mì của người Đức, một vùng dân quê vững mạnh gồm những người Đức tinh hoa đến từ khắp thế giới. 3. Giữa 2 nhóm đó là một thực thể Nhà nước Ba Lan.

Ngày 2-2-1941

Thế là Quốc trưởng quay về Berlin sau một thời gian dài. Tôi cũng lại đến đó để ăn trưa, 2 lần, vào cuối tháng 1. Ngày 29-1, chuyện chính trị không được đề cập tới tại bàn ăn, nhưng Quốc trưởng đã nói khá nhiều  về những người ăn chay và những người ăn thịt, hoặc “những người ăn xác chết”, theo cách gọi của ông ta. Ông ta cho rằng, những người ăn chay là những kẻ có sức bền nhất đời, loài ăn thịt như sư tử thì có một sức mạnh dữ dội bùng phát một lúc, nhưng không kéo dài lâu được; các loài voi, bò tót, lạc đà, trâu là những ví dụ hùng hồn về sức bền. Ông ta bảo rằng, thảo mộc mới là những thứ thích hợp cho con người. Vào thời Trung cổ, giới thượng lưu hầu như chỉ ăn thịt nên chết sớm. Ông ta cho rằng, nếu người ta hiểu rõ lý thuyết về các loại sinh tố và từ đó rút ra những hệ quả thì con người sẽ sống tới 250 tuổi. Quốc trưởng dặm thêm vào câu chuyện cách nói hài hước làm cho chúng tôi vừa nghe vừa cười vang. Sau bữa ăn, mọi người đều nhất trí rằng, những bữa ăn no gồm thức ăn tươi sống thường làm mệt dạ dày, vì lượng thức ăn mà ta buộc phải nuốt.

Ngày 9-4-1941

Thời gian sau này, ngày nào tôi cũng tới ăn trưa ở chỗ Quốc trưởng. Ngày mồng 7, có những tin tức đầu tiên từ mặt trận phía Đông-Nam đưa đến: Những trận đánh đang diễn ra ác liệt. Quốc trưởng nói rằng, việc đó khiến ông ta khổ sở vì phải đối đầu với người Hy Lạp, vì dẫu sao ông ta cũng mường tượng tới nền văn minh Hy Lạp cổ đại. Không bao giờ được thả một quả bom nào xuống Athènes! Sau khi bày tỏ nhận định của mình về cuộc trình diễn vĩ đại mà người ta dành cho Hoàng đế Auguste tại La Mã, Quốc trưởng nói về đế quốc La Mã cổ đại với lòng ngưỡng mộ. Ngay cả khi bị sụp đổ, La Mã vẫn vĩ đại, và người ta có thể hiểu việc thanh niên Đức bị chinh phục bởi quang cảnh mà La Mã mang lại. Và để kết thúc, ông ta nói rằng, mỗi thời đại đều mang lại cho vị thần của mình những nét tương đồng với đặc tính của mình. Cần phải thấy cái đầu cao cả của thần Zeus-Jupiter, rồi cái đầu bị dày vò của Đức Kito để đo lường sự khác biệt. Vì thời Cổ đại tỏ ra tự do và vui vẻ bên cạnh tòa án dị giáo, các giàn hỏa thiêu dành cho bọn phù thủy và bọn lạc giáo.

Ngày 4-8-1943

Đồng minh dội bom xuống Hambourg, thành phố lớn thứ 2 của nước Đức từ ngày 25-7 đến ngày 3-8-1943, đã làm cho hơn 40.000 người chết và gần bằng chừng ấy người bị thương. Nhưng thái độ của dân chúng rất gương mẫu. Tất cả cùng đồng thanh hô vang: “Trả thù!”. Khi thấy cảnh bị phá hủy hoàn toàn của những thành phố lớn đó, tôi thấy đây là cơ hội chưa từng có để hướng về việc tái xây dựng vùng nông thôn. Chúng ta phải hiểu đây là dấu hiệu của số phận và không bao giờ còn cho phép xây dựng những thành phố lớn như thế trên thế giới. Trong mọi trường hợp, tôi sẽ dùng hết sức mình để vận động người ta đừng xây những thành phố lớn như thế với vô số sân sau. Vũ khí của những chiếc máy bay ném bom buộc chúng ta phải trở lại với miền quê, và không có những tòa nhà cao tầng. Hambourg sẽ tái sinh đẹp hơn trước đó.

Ngày 29-7-1944

Trên mặt trận phía Đông, những cuộc lui quân diễn ra không ngừng. Rõ ràng là nhiều sĩ quan cao cấp không hiểu yếu tố cách mạng của chiến tranh, vì cứ giữ khư khư nếp cũ của kỹ thuật quân sự. Có nhiều kẻ phản động được làm sĩ quan. Nhiều đại tướng, nhiều thống chế! Khuynh hướng chính trị mới không hợp với họ. Thể chế sĩ quan cao cấp của Quốc xã đã đến quá muộn!…

Sau khi bị người Mỹ bắt giữ và bị Tòa án Quân sự Quốc tế kết án, Alfred Rosenberg bị kết án tử hình và bị treo cổ ngày 16-10-1946.

Theo Minh Thu – Công an nhân dân (dịch từ L’Express)