Đỗ Trung Lai

Theo ý kiến chúng tôi, trong việc này có hai vấn đề cần bàn: Thứ nhất, “Văn học quan hệ với sử học ra sao và người làm văn học (dẫu là “văn xuôi nghệ thuật – văn học hư cấu”) nên xử lý những yếu tố lịch sử như thế nào?”. Thứ hai, “Người phê bình nên có thái độ ra sao trong công việc của mình?”. Để cho gọn, trong bài này, từ “văn học” chỉ được dùng để gọi thể văn học đề tài lịch sử.

1. Vấn đề thứ nhất, chúng tôi nghĩ rằng, với nhà làm sử, yêu cầu cao nhất là chính xác khi mô tả, khách quan khi bình phẩm, nhận định (mặc dù chắc là không có được cái “khách quan cho mọi thời đại”).

Các số liệu, các sự kiện, thời gian và không gian xảy ra chúng, các nhân vật can dự vào sự kiện; dung mạo, hành vi, lời nói điển hình của họ; “vai trò” của nhân vật và sự kiện đối với thời đại họ và ánh xạ của nó trong thời đại sử gia đang sống và viết.

Đó là yêu cầu căn bản đối với sử học. Nhưng sử gia, với tư cách là nhà khoa học, không thể và không cần là một nhà văn (dù rằng nhiều người trong họ có tư chất nghệ sĩ và nhiêu trang sử thấm đầy văn chương). Năm tháng trôi đi, ngay cả những pho sử tốt nhất, cũng mờ dần trước con mắt hậu thế. Và, văn học có thể làm gì ở đây?

Ta sang vấn đề thứ hai. Văn học đề tài lịch sử giúp phục hiện, phủi bụi cho lịch sử, làm cho những sự kiện xa xưa trở nên như đang diễn ra dưới con mắt lớp sinh sau; làm cho các nhân vật lịch sử như đang đi lại, nói năng, buồn vui, “thật” hơn cả sử học, khiến người đọc dường như có thể tiếp kiến, bá vai hoặc ôm hôn họ, biết và suy nghĩ về tính cách, số phận của họ…

Cao hơn nữa, không chỉ phục hiện, phủi bụi, văn học còn phán xét cả lịch sử, “chưng cất lại” lịch sử, cãi ngầm với sử học về nhân sinh, thế sự… để giúp nhận thức thêm, nhận thức lại lịch sử và số phận con người; để tô đậm và khám phá sự bí hiểm của “cái máy huyền vi”.

Những truyện lịch sử giàu yếu tố lịch sử như: Pi-e đệ nhất, Chiến tranh và hòa bình, Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Ai-van-hô, Ba người lính ngự lâm, Hoàng Lê nhất thống chí… đều thế cả. Ngay cả truyện ngắn cũng không ra ngoài nguyên tắc ấy, như những truyện của Pu-skin chẳng hạn.

2. Để được như vậy, nhà văn có quyền hư cấu, nhiều ít là tùy người. Và văn học, trên từng từ, thể hiện khả năng và cách xử lý các yếu tố lịch sử của các tác giả. Ở đây, theo chúng tôi, trước hết nhà văn nên nghĩ rằng, những yếu tố lịch sử mà mình sử dụng không chỉ là “tài sản – nguyên liệu” của riêng mình. Nó còn là “vốn liếng” của cả một cộng đồng, đặc biệt là những thời đại, sự kiện và nhân vật lịch sử tiêu biểu.

Vì thế, dù rất nên độc đáo và táo bạo, vẫn phải được cân bằng lại bởi sự cẩn trọng (sự cẩn trọng thực sự, thực ra không cần đạo mạo lắm đâu – ai dám bảo Cu-tu-dốp của L.Tôn-xtôi, Pi-e đệ nhất của A.Tôn-xtôi, Ri-sơ-li-ơ của A.Đuy-ma, Tào Tháo của La Quán Trung, Quang Trung và Nguyễn Hữu Chỉnh của Ngô gia văn phái v.v… là thiếu sắc sảo, độc đáo, là đạo mạo lịch sử?).

Nê-rông của “Quo Vadis” không “trùng khít” với Nê-rông của “Nê-rông, nhà thơ bạo chúa” và chắc càng không “trùng khít” với Nê-rông của lịch sử cổ đại La-mã. Tuy nhiên, không ai nhầm là có 3 Nê-rông trong lịch sử cả. Bao lời nói, hành vi của các nhân vật lịch sử đã được nhà văn “bịa” ra. Nhưng tính cách căn bản của nhân vật đâu có vì thế mà bị méo mó đi?

Cho nên dù hư cấu thế nào, cũng không nên có tình trạng, nhân vật lịch sử thì hai mắt sáng như sao, trong văn học lại chột! Và, lịch sử thì dường như được làm ra bởi toàn bọn ăn chặn, lừa đảo, bất lương, du thủ du thực – bởi cái ác, cái xấu (thậm chí, ngay cả khi nhà văn không định làm thế, thì cũng không nên để độc giả có ấn tượng như thế). Chẳng lẽ đó lại là cách tốt nhất để đi tìm sự thật “tự nó” hay sao?

Cũng không nên nói rằng, ở đâu đó, “Về các sự thật bề mặt và bề sâu của những thời kỳ sùng bái cá nhân hoặc trí tuệ, thì sự ghi nhận, phản ánh, phát hiện, báo động do nhiều tác phẩm văn học thực hiện lại đáng kể hơn so với hoạt động của ngành sử học”, để tìm thêm thế mạnh cho văn học.

Thứ hai, do đặc thù của mỗi ngành, cách bộc lộ hiện thực là khác nhau, điều kiện “xé rào” cũng khác nhau. Sử gia cũng có người, thà ba đời chịu chém mà không nỡ viết sai sự thực, kia mà? Đâu phải văn học “dũng cảm” hơn sử học? So sánh văn và sử ở cùng một chức năng, e rằng chưa phải, nhất là khi đã nói, “văn học không phải là sử học” và “đọc văn phải khác với đọc sử”.

Cũng có người nói rằng, họ thích ai dám coi lịch sử như cái ấm, cái chén vậy, thích thế nào thì dùng thế (!). Ta thử đặt câu hỏi, hãy coi gia phả (lịch sử) của chính nhà mình, họ mình mấy chục năm như cái ấm cái chén xem sao? Chẳng lẽ chỉ vì Gia Long và Quang Trung xa ta, không phải cha ông trong họ mình, mà có thể tùy tiện được ư?
Theo chúng tôi, khi chúng ta đã nói: “Tự do sáng tác đi đôi với tự do phê bình”, thì không có nghĩa là nói cho sướng miệng đã đành, mà những ý kiến phê bình cũng chỉ nên coi là ý kiến cá nhân, không nên nhân danh Đổi mới, nhân danh lịch sử, nhân danh nhân dân… để tăng sức thuyết phục cho ý kiến của mình (chúng ta đã biết quá nhiều trường hợp nhân danh rồi), vì đã nhân danh ghê thế, thì làm gì còn tự do nữa?

Nhà phê bình, với tư cách là nhà khoa học, lại còn phải có rất nhiều phẩm chất nghệ sĩ và phẩm chất của nhà hoạt động xã hội. Không để chân lý bị che khuất và cái hay cái đẹp bị lãng quên, nhưng cũng không thể dùng phê bình để xả cái nỗi mặc cảm, tức giận của riêng mình được.

3. Cái thời “nói nước đôi đã là cấp tiến” qua rồi. Nếu muốn đề xuất sáng kiến về kinh tế – chính trị chẳng hạn, thì cứ đưa ra phương án của mình. Còn nếu dùng văn học và phê bình văn học để làm việc ấy một cách bóng gió, thì kết quả chẳng đáng bao nhiêu – chẳng khác gì có thời nhà văn định “hướng dẫn” nhà nước làm công nghiệp, nông nghiệp vậy – mà lại sợ rằng, sẽ làm hạn hẹp văn chương đi lắm! Ý nghĩa – giá trị nhân văn của văn học mới là cứu cánh của văn học.

Sáng tác đã thay đổi về căn bản – không chỉ còn là “công cụ” hoặc “phương tiện” của chính trị nữa – thì phê bình cũng phải thay đổi hẳn. Không phải cứ đổi người “gác cửa”, đi “gác cửa” chỗ khác hoặc chuyển sang làm ngược vai trò của người “gác cửa” cũ, thì gọi là Đổi mới. Đổi mới là giải tán việc “gác cửa”, mỗi tác giả phải tự “gác cửa” nhà mình, sao cho chỉ nhân văn, nhân đạo, nhân quyền mới đi qua được.

“Khách” qua cửa càng nhiều, càng sang, càng “thực”, ta càng đến gần nhân loại. Cuối cùng, bạn đọc đông đảo là người “gác cửa” tốt nhất – hay thì cho qua cửa và đọc mãi, dở thì ở lại hoặc quay về… Triều Khúc!

 

Lao động Cuối tuần

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version