Từ sau 1975, văn học nói chung và văn xuôi nói riêng đang đi vào chiều sâu của đời sống. Sống như thế nào trong mối tương quan giữa con người và hoàn cảnh là vấn đề cần thiết, luôn đặt ra cho mỗi thế hệ. Việc xây dựng loại hình nhân vật tự nhận thức là một cách nhà văn tự thức nhận và lý giải vấn đề trên theo quan niệm riêng của mình. Có thể xem đây là loại nhân vật tập trung thể hiện một tư tưởng, một ý thức tồn tại trong đời sống tinh thần xã hội. Khác với nhân vật tính cách được chú trọng bồi đắp đầy đặn về mặt cá tính, nhân vật tự nhận thức thường đưa ra một cách nhìn, cách hiểu, cách đánh giá đời sống mang đậm chính kiến và suy ngẫm cá nhân. Nhân vật tự ý thức là sản phẩm của cảm hứng nghiên cứu, của tinh thần đi sâu nghiền ngẫm, khám phá các vấn đề đặt ra trong đời sống hiện thực và đời sống cá nhân con người. Hay nói một cách khác, nhân vật tự nhận thức là kiểu nhân vật tự phán xét hành động của mình, tự đối thoại, lục vấn và cảnh tỉnh chính mình với những xung động của nội tâm trước sự dồn đẩy âm thầm mà quyết liệt của lương tâm, của nhân cách con người.
Theo quan niệm của Nguyễn Minh Châu, sáng tác văn học thực ra là “sự săn đuổi nhân cách của chính mình”, là thể hiện “sự săn đuổi nhân cách con người”. Với khát vọng hướng con người vươn tới sự hoàn thiện nhân cách, bảo vệ cái thiện, cái đẹp, chế ngự cái ác, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng những nhân vật tự nhìn nhận, phán xử hành động của mình. Khi con người đã tự phản tỉnh, soi xét, tự nộp mình trước “tòa án lương tâm” để nhận thức về mình, ý thức được tội lỗi mà mình đã mắc với ai đó thì chí ít anh ta cũng thấy rằng mình chưa hoàn thiện và mong muốn vươn tới sự hoàn thiện. Truyện ngắn Bức tranh đi sâu khám phá diễn biến quá trình tự nhận thức của nhân vật họa sĩ. Tác phẩm được thể hiện như một “tự thú” của nhân vật sau một quá trình tự lộn trái, tự phán xét mình trước lỗi lầm trong quá khứ. Vấn đề mà Nguyễn Minh Châu đặt ra là con người cần phải trung thực với chính mình, nhìn thẳng vào lương tâm mình, nhận thức được những giới hạn để vươn lên tự hoàn thiện nhân cách. Cũng như nhân vật họa sĩ trong Bức tranh, hành động tự thú của Lực trước linh hồn Phi trong thiên truyện Cỏ lau là sự chiến thắng của lương tri, là bằng chứng của sự “vượt ngã” đầy tính nhân văn khi con người tự soi chiếu, đối diện với cái tôi của chính mình. Đây là biểu hiện của nhân cách làm người, là kết quả của sự trăn trở, ăn năn, thể hiện sự mẫn cảm, đầy niềm tin vào phẩm giá con người của Nguyễn Minh Châu. Trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu thường xuất hiện những nhân vật luôn tự đấu tranh với phần khuất tối của mình, đối diện với chính mình để tự ý thức về bản thân trong sự chân thực của bản ngã. Đó là nét đẹp của con người muốn vượt lên chính mình cũng là muốn trở về với chính mình, với “con người bên trong con người” trong Dấu vết nghề nghiệp, Bến quê. Nếu như kiểu nhân vật tự nhận thức của Nguyễn Minh Châu luôn sống trong day dứt, dằn vặt hay tự thú về lỗi lầm hay một quan niệm, một lối nghĩ, với những khắc khoải nội tâm thì nhân vật tự nhận thức của Nguyễn Khải lại nghiêng về các “trạng thái ý thức” của con người trước các “trạng thái đời sống”, là những con người đang trong quá trình vận động tư tưởng, kiếm tìm chân lý để tự hoàn thiện mình. Nhà văn thường đặt nhân vật vào những tình huống có vấn đề, gay cấn khiến nó không thể sống yên ổn mà phải suy tư, tìm hiểu, phải đối thoại, tranh luận nhằm cọ xát các ý thức, lập trường của nhân vật khác, của tác giả hoặc của chính nó trong sự phân thân để nhận ra chân lý, sự thật. Linh mục Thư trong Cha và con và…, các nhân vật thuộc các lập trường, chiến tuyến khác nhau trong Gặp gỡ cuối năm, Tần (Đổi đời), Tú (Một thời gió bụi), ông Trắc (Lạc thời), Tư Tốn (Điều tra về một cái chết), các nhân vật trong Thời gian của người, nhân vật Chính và bọ Vũ (Một cõi nhân gian bé tí) đều là những con người nếm trải, đã có một quá trình tự nghiệm, khám phá đời sống, khám phá chính mình trước khi đi đến một quyết định phù hợp hay một xác tín cho riêng mình. Trong cuộc “đấu tranh” và chọn lựa con đường mà mình theo đuổi, có người đạt tới “đỉnh cao” nhưng có người về “vực sâu” và tất cả đều cảm nhận đến tận cùng cái giá phải trả cho sự lựa chọn và xác quyết của mình. Nếu như nhân vật tự nhận thức của Nguyễn Minh Châu đi sâu vào bản thể, luôn độc thoại nội tâm thì nhân vật tự nhận thức của Nguyễn Khải có một đặc trưng riêng là ý thức đối thoại. Đối thoại để nhận thức hiện thực đời sống, đối thoại để khám phá chính mình và đối thoại để lựa chọn đường đi nước bước cho mình. Ý thức đối thoại của nhân vật đã trở thành sở trường của ngòi bút Nguyễn Khải. Trong sáng tác của ông, quan hệ đối thoại chi phối cả bề nổi và bề chìm của ý thức nhân vật. Ở bề nổi của ý thức, nhân vật đối thoại trực diện với người khác, còn ở bề chìm, nhân vật có thể đối thoại ngầm với một ý thức khác hoặc đối thoại với cái tôi của chính mình.
Đối thoại của nhân vật tự nhận thức trong văn xuôi Nguyễn Khải chủ yếu là đối thoại tư tưởng nhằm thể hiện một cách nhìn, cách nghĩ hoặc thái độ của nhân vật trước đời sống. Nhu cầu đối thoại là nhu cầu tự nhiên và cũng là tự thân của nhân vật. Có thể do nhu cầu này mà nhân vật của Nguyễn Khải thường hay lý lẽ, thích diễn ngôn. Và hoạt động nổi bật của nhân vật tự ý thức của Nguyễn Khải là giao tiếp lời nói. Đây là một trong những khía cạnh thể hiện ý thức cá nhân trước đời sống. Ý thức cá nhân càng cao thì nhu cầu đối thoại càng lớn. Điều đáng nói ở đây là những nhân vật tự nhận thức trong tác phẩm của Nguyễn Khải không chỉ là những “nhà tư tưởng” quan tâm đến các vấn đề to lớn của cộng đồng, của lịch sử, của dân tộc mà còn là con người đời thường với những trăn trở, băn khoăn về các khía cạnh tưởng như nhỏ nhặt lại có ý nghĩa chi phối mọi mối quan hệ của con người trong cuộc sống.
Ý thức đối thoại trong các nhân vật của Nguyễn Khải nổi bật ở lời thoại tranh biện, giàu tính triết lý nhằm cọ xát các quan điểm, ý kiến cá nhân giữa nhiều chủ thể đối thoại. Nguyễn Khải thường lấy con người làm đối tượng nghiên cứu, trên cơ sở đó phân tích diện mạo tinh thần, tư tưởng chứ không phải các sự kiện, hành động bên ngoài, qua đó bộc lộ quan niệm nhân văn đối với con người (Ông cháu, Nắng chiều, Một người Hà Nội, Nếp nhà…).
Cũng như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, với sự đổi mới tư duy nghệ thuật, cuộc sống thời bình với bao vấn đề phức tạp xuất hiện trên từng trang viết của Ma Văn Kháng. Ý thức được điều đó nên trong các sáng tác, nhà văn thường đặt nhân vật vào cuộc sống đời thường, trong những tình huống tưởng như vặt vãnh, tầm thường để bộc lộ quan điểm tư tưởng. Nhân vật tư tưởng hay nhân vật tự nhận thức của Ma Văn Kháng thường được miêu tả, soi chiếu ở đời sống tinh thần phong phú, luôn hướng tới cái thanh tao, với tâm lý dưỡng thiện, khẳng định nhân cách, tài năng trong mọi hoàn cảnh. Trong truyện ngắn Trăng soi sân nhỏ, nhân vật nhà văn Nam đã ý thức một cách sâu sắc và nghiêm túc về đạo đức, về danh dự nghề nghiệp, danh dự bản thân. Nam không vụ lợi, không bao giờ muốn gây phiền hà cho người khác nhưng rồi chính sự rụt rè cả nể cùng vẻ ngờ nghệch của anh lại bị kẻ khác lợi dụng để kiếm chác, trục lợi. Cái đau đớn, dày vò lương tâm anh chính là sự đơn độc của một người trí thức trọng danh dự, không tự đánh mất mình. Các nhân vật người thầy trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng như thầy K. Tình (Thầy K. Tình, Ông Smith và cụ già hàng xóm), thầy Tụng (Thầy của chúng em) là những nhà giáo tâm huyết với nghề, khảng khái, có khí phách. Dù có những lúc bị cái xấu ngáng trở nhưng họ vẫn giữ vững tư cách của một người thầy có lương tâm và trách nhiệm.
Nếu kiểu nhân vật tự nhận thức của Nguyễn Minh Châu thường dằn vặt, day dứt trong mặc cảm tội lỗi, nhân vật của Nguyễn Khải ham lý lẽ, đối thoại để đưa ra một thái độ, một nhận thức thì nhân vật của Ma Văn Kháng lại là những người chịu nạn, chịu oan trái của cuộc đời. Và dù bị mắc nạn họ vẫn hướng thượng, tự tìm cho mình niềm an ủi để chịu đựng và vượt qua. Ông Thại trong Tóc huyền màu bạc trắng đã biết tự rèn luyện ý chí để “biết cách sống trong những hoàn cảnh khủng khiếp nhất” và có thể “ở trên những buồn phiền, lo âu, ở ngoài những nhọc nhằn đau đớn”. Trong Chợ hoa phiên áp Tết, ông Huỳnh vốn là một chuyên gia đầu ngành, có uy tín về học thuật và đức độ, vậy mà chỉ vì một chút sơ sẩy đã trở thành kẻ thất cơ lỡ vận. Nhưng bằng nghị lực và bản lĩnh của mình, ông quyết không để cho những kẻ hại mình đắc chí. Ông đã sống an nhiên, thanh thản với chậu hoa, cây cảnh và tình cảm bạn bè.
Kiểu nhân vật tư tưởng trong sáng tác của Ma Văn Kháng thường rơi vào môi trường đầy sự tráo trở, bất công. Ở đó, con người phải tự ý thức vượt qua những rào cản vô lý của cái xấu, của vận hạn để hướng tới những căn cốt, nền tảng của đạo lý, văn hóa làm nên cốt cách đầy giá trị nhân bản.
Trong văn xuôi từ sau 1975 còn có thể nhận ra kiểu nhân vật tự nhận thức trong sáng tác của Chu Lai, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà, Y Ban, Trần Thùy Mai,… Đây là một trong các kiểu nhân vật gắn với sự đổi mới tư duy nghệ thuật của nhà văn trong thời kỳ mới. Nó được thể hiện dưới các dạng thái khác nhau tùy thuộc vào cách nghĩ và cách viết của từng nhà văn.
Trong sáng tác của mình, Chu Lai thường đặt nhân vật vào các tình huống ngặt nghèo buộc nhân vật bộc lộ hết phẩm chất của chính mình. Đó không chỉ là những tình huống xung đột trực tiếp tạo không khí căng thẳng, dồn dập mà còn là những tình huống xung đột bên trong, xung đột nội tâm mang đến không khí ngột ngạt, bức bối cho tác phẩm, như xung đột giữa nhân tính và phi nhân tính, giữa bản năng và lý trí (A n mày dĩ vãng, Ba lần và một lần), xung đột giữa trách nhiệm với gia đình và nghĩa vụ với Tổ quốc (Sông xa). Khi đặt nhân vật vào đời sống thời bình, một lần nữa Chu Lai khám phá chiều sâu nhân cách của con người dưới sự tác động và thử thách ghê gớm của thời kinh tế thị trường. Các nhân vật Linh (Vòng tròn bội bạc), Nam, Lãm (Phố), Sáu Nguyện (Cuộc đời dài lắm), Vũ Nguyên (Ba lần và một lần) khi trở về với cuộc sống đời thường đều chật vật đến chóng mặt trước những vòng xoáy của cơ chế thị trường. Hàng ngày họ phải đối diện với cái xấu và lúc nào cũng có nguy cơ bị cái xấu mua chuộc, chi phối. Nhưng họ đã vượt qua những thử thách và giữ được phẩm chất kiên trung, phong độ của người lính: “Một thời cầm súng không thỏa hiệp với kẻ thù thì bây giờ càng không thể nhân nhượng với cái xấu được”. Các nhân vật kể trên của Chu Lai thường là những con người có ý thức về mình và nhận thức được điều đó, họ đã giữ được nhân cách và tự hoàn thiện nhân cách.
Các nhân vật trong Cơ hội của chúa của Nguyễn Việt Hà như Hoàng, Tâm, Nhã là những trí thức trẻ trưởng thành trong cơ chế kinh tế thị trường. Trong quá trình nhập thế, họ luôn phải loay hoay lựa chọn, tự vấn về ý nghĩa của tồn tại, người thì chấp nhận cuộc sống bạc bẽo, vô lý chồng chất để rơi vào tâm trạng hoài nghi, bi quan; người vật lộn để tự khẳng định, người lầm lạc vấp ngã. Các nhân vật trẻ trong tiểu thuyết này đều là những người có bản lĩnh, có khả năng tự ý thức. Hoàng vốn là một sinh viên giỏi, có hoài bão nhưng bị thực tế khắc nghiệt của cuộc sống làm cho bạc nhược, luôn tự nhấn chìm trong rượu và sự hoài nghi. Sâu thẳm trong con người Hoàng vẫn có một lương tâm trong sáng giúp anh nhận thức được những phù phiếm của đời sống, ý thức được về mình: “Tôi là một kẻ bình thường đang tha hóa thành tầm thường”. Tâm, em trai của Hoàng lại là một con người hành động, luôn ý thức được phải cân bằng giá trị vật chất và tinh thần, luôn khao khát làm giàu và anh đã tự nhận thức được: “Tôi có thể làm ăn chân chính bằng trí thông minh và bản lĩnh của mình”. Qua các nhân vật này, Cơ hội của chúa đã đặt một vấn đề nghiêm túc về cứu cánh của sự sống mà mỗi người trung thực, hướng thiện hôm nay đang phải hàng ngày đặt ra cho bản thân mình nếu “không muốn bị trôi tuột trong địa ngục hư vô”. Các nhân vật Tâm, Bình, Nhã trong cuốn tiểu thuyết đã góp phần đa dạng mẫu nhân vật trong văn xuôi Việt Nam sau 1975: nhân vật lập nghiệp. Đó là kiểu nhân vật tự nhận thức về mình, về thế hệ mình với những phẩm chất thông minh, trung thực và táo bạo muốn lập nghiệp bằng con đường làm giàu chân chính, bằng chất xám và nội lực của chính mình.
Cũng đề cập tới kiểu nhân vật tự nhận thức song dưới ngòi bút Tạ Duy Anh, kiểu nhân vật này được khai thác ở khía cạnh chiêm nghiệm lại, nhận thức lại. Ý thức tự vấn trở thành nỗi ám ảnh nghệ thuật trong sáng tác của Tạ Duy Anh khiến người đọc không thể thờ ơ trước những vấn đề về con người, về cõi nhân sinh. Trên hành trình nhân vật đi tìm chính mình, nhận thức lại là một quá trình để hoàn thiện nhân cách. Nhân vật “tôi” trong Đi tìm nhân vật đã mắc hàng loạt sai lầm, vì thế anh ta đã không thôi dằn vặt, tự vấn, sám hối và từ đó mà tránh được những tội lỗi tiếp theo. Nhân tính gục ngã hay đứng dậy là nhờ những thời khắc con người tự thức tỉnh, tự cân bằng được giữa lương tâm và trách nhiệm, giữa xấu xa tội lỗi và thiện tâm cao thượng của mỗi người. Khát vọng hoàn lương hướng thiện của con người trong các tác phẩm Thiên thần sám hối và Giã biệt bóng tối đã cho thấy quá trình tự ý thức là một con đường đầy đau khổ, gian nan để tự hối cải, hóa giải nhằm vun đắp và bảo vệ tính người, thắp sáng lòng nhân trong mỗi con người trên cõi nhân gian.
Bên cạnh các cây bút nam giới, nhân vật tự nhận thức cũng xuất hiện khá nhiều trong sáng tác của các nhà văn nữ: Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Trần Thùy Mai, Thùy Dương, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy… Kiểu nhân vật tự nhận thức trong sáng tác của các cây bút nữ mang những nét đặc trưng của giới nữ nói riêng và của con người nói chung đã thu hút sự chú ý của người đọc. Điều đáng ghi nhận ở đây là càng ngày các cây bút nữ càng ý thức được những vấn đề của giới, của văn học nữ quyền. Sự xuất hiện của ý thức nữ quyền có thể được xem là bước phát triển thực sự dân chủ, hiện đại của nền văn học dân tộc. Thành công của các nhà văn nữ đã và đang tạo những dấu ấn phái tính riêng, từng bước xác lập vị thế của phái nữ, góp phần tạo nên cái nhìn đầy công bằng, thiện cảm đối với tài năng và sự đóng góp của phái nữ cho nền văn học Việt Nam đương đại. Màu sắc nữ quyền trong văn học đương đại không chỉ dừng lại ở sự quyết liệt, mạnh bạo giành giữ tình yêu, ở việc khai thác các đề tài nhạy cảm hay ca ngợi vẻ đẹp nữ tính mà còn được thể hiện ở nhiều phương diện khác. Ngôn ngữ văn chương không chỉ mềm mại, giàu cảm xúc mà còn góc cạnh, đầy cá tính. Bản thân nữ giới dám đứng lên đòi quyền sống, quyền dân chủ của mình bằng thứ ngôn ngữ quyết liệt, thậm chí có ý thức “gây hấn” với cách nhìn truyền thống. Họ dám công khai xem xét lại cả những chuẩn mực của nghệ thuật bằng cái nhìn chủ quan, công khai chống lại sự lệ thuộc, sự áp đặt trong văn chương…
Điều dễ nhận thấy trong sáng tác của các nhà văn nữ là nhân vật nữ chiếm số đông với sự phong phú của những số phận, cảnh đời. Tình yêu với các dạng thái và cung bậc của nó, từ những rung động ban đầu cho đến tình yêu mang màu sắc nhục thể đều hiện lên trên những trang viết vừa tinh tế, gợi cảm, vừa táo bạo, quyết liệt, vừa nồng nàn, đằm thắm của các cây bút nữ.
Trong sáng tác của họ xuất hiện những người phụ nữ mạnh mẽ, khát khao một tình yêu đích thực. Ý thức cá nhân, yếu tố riêng tư bắt đầu cựa quậy để thoát khỏi những ràng buộc gia đình, xã hội. Nhân vật nữ hiện lên đầy bản lĩnh, quyết đoán, dám đối diện với chính mình, khác hẳn với mẫu người đàn bà cam chịu luôn chấp nhận, phục tùng “chữ nhẫn” như trước đây. Họ thẳng thắn bộc lộ thái độ, quan niệm: “Thời của tôi khác thời của chị rồi. Tôi muốn tự do và sung sướng. Tôi muốn làm bà chủ” (Thiếu phụ không chồng – Nguyễn Thị Thu Huệ). Trong truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh, họ là những cô gái dám làm, dám chịu cốt sao được sống là chính mình: “Tôi thích mọi thứ không phải nhà mình… thích hơn bởi vì nó lạ và tôi chỉ cần lạ”. Là sự bộc bạch của thế hệ sau với thế hệ trước: “Thế hệ chúng con khác thế hệ e dè của mẹ, chúng con đi đến tận cùng nên nhiều khi tàn nhẫn” (Vũ điệu địa ngục – Võ Thị Hảo). Là sự mong muốn được vượt thoát khỏi cuộc sống gia đình bị vây bọc trong bốn bức tường lạnh lẽo dù phải trả giá: “Tôi sẽ chịu bỏng, chịu cháy, để được đau đớn, được yêu thương. Tôi muốn chịu đựng mọi thứ trên đời, ngoại trừ sự tẻ lạnh” (Cánh cửa thứ chín – Trần Thùy Mai). Phải là những con người từng trải, giàu vốn sống mới tự ý thức, mới cảm nhận được: “Trong tình yêu hạnh phúc thật ngọt ngào mà khổ đau cũng đầy thi vị. Chỉ có sự trống rỗng chán chường của kẻ không yêu mới thật sự là khủng khiếp” (Gió thiên đường – Trần Thùy Mai). Dưới ngòi bút của các nhà văn nữ, không chỉ những người đàn bà bình thường mà những cô gái bị khiếm khuyết về ngoại hình như Nấm trong tác phẩm Đàn bà xấu thì không có quà (Y Ban) cũng luôn mơ ước “Một tình yêu, tình dục, một chồng vợ, một mái ấm gia đình và những đứa con”.
Nhưng khao khát tình yêu là một chuyện mà thực tế lại là một chuyện. Trong cuộc sống và trên hành trình đi tìm hạnh phúc của người phụ nữ hiện đại, không phải lúc nào cũng toại ý. Nhiều trang viết của các tác giả nữ đề cập đến bi kịch tình yêu. Song nhiều khi, nguyên nhân lại khởi phát từ chính người phụ nữ. Bởi họ quá khát khao, thậm chí lý tưởng hóa tình yêu và hạnh phúc thành ra lẻ loi, cô độc. Họ tha thiết hy sinh và càng hy sinh càng phải trả giá. Khám phá sâu vào đời sống tâm hồn, chia sẻ, đồng cảm với những nỗi khắc khoải, trăn trở cùng nhân vật trên con đường kiếm tìm hạnh phúc, các cây bút nữ đã thể hiện sự tinh tế, mẫn cảm và qua đó phần nào bộc bạch phái tính của mình. Trong những trường hợp này, các nhà văn đã để cho nhân vật tự đối thoại, tự đẩy mình đến tận cùng cảm xúc, để tự thức tỉnh và tiết chế hành vi của chính mình sao cho có sự cân bằng, hài hòa giữa tình cảm và lý trí. Như vậy để biểu hiện sự tự ý thức của nhân vật, các nhà văn nữ đã chú ý đến việc xây dựng tình huống và miêu tả những biến động trong thế giới nội cảm của nhân vật. Khắc họa nhân vật trong trạng thái đột biến của nhận thức, các cây bút nữ đã mở rộng biên độ khám phá con người ở chiều sâu cảm thức. Mỗi con người đều có một thân phận, một tính nết riêng, một cuộc đời biệt lập, chịu sự tác động khác nhau của môi trường, hoàn cảnh nhưng tự ý thức vẫn luôn là điều cần thiết để giảm thiểu những lỡ lầm, trật khất, những sai sót, tai biến cho cuộc đời của mỗi người tốt đẹp hơn, an nhiên tự tại hơn.
Trong thế giới nhân vật phong phú của văn xuôi thời kỳ đổi mới, nhân vật tự nhận thức là một trong số các kiểu nhân vật nổi bật, cho thấy tính phức điệu và đa diện trong mỗi cá nhân con người, được thể hiện ở các dạng thái và màu sắc khác nhau. Từ sau 1975, với sự đổi mới tư duy nghệ thuật, các nhà văn đã xây dựng khá thành công nhân vật tự nhận thức – một kiểu nhân vật biết vươn lên chính mình với mong muốn tự hoàn thiện nhân cách trong đời sống vốn sinh động và đầy thách thức hôm nay.
Nguồn: vannghequandoi