PGS.TS Hoàng Kim Ngọc

Yếu tố dân gian và yếu tố đương đại luôn song hành với nhau trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn có Tranh dân gian đương đại, Dòng nhạc dân gian đương đại, Vũ điệu dân gian hiện đại, Nghệ thuật đương đại trong lễ hội dân gian, Trò chơi dân gian trong không gian đương đại, Truyện cười dân gian đương đại…Bên cạnh đó, những nhân vật dân gian cũng đã tạo được những ấn tượng sâu sắc đối với các nhà văn nhà thơ, nhà nghiên cứu hiện đại. Từ chất liệu dân gian, họ đã thể hiện cách đánh giá đồng thuận  hoặc bất đồng khi nhìn nhận lại những nhân vật mà từ lâu đã trở thành biểu tượng cho một tính cách, cho một lối nghĩ  bằng cảm quan và tư duy mới, cách nhìn khác.

Từ điểm tựa là hình tượng nhân vật trong truyện cổ dân gian truyền thống, trên cơ sở đó, tác giả hiện đại, bằng nhận thức và tình cảm cá nhân, sẽ có sự lựa chọn hoặc đối lập với truyền thống để có sự kế thừa hay sáng tạo, bổ sung cho phù hợp với cảm thụ nghệ thuật của độc giả. Tiếng nói, quan điểm thẩm mĩ của tác giả trong các tác phẩm mượn nhân vật trong truyện cổ dân gian thường thẳng thắn, tường minh hơn. Tuy nhiên điểm chung mà người đọc dễ nhận thấy là sự độc đáo trong điểm nhìn nghệ thuật đã giúp các tác giả đương đại nêu bật lên những vấn đề vĩnh cửu về cái thiện và cái ác, về quan điểm cá nhân, về tình yêu, về số phận, những bi kịch … đang dằn vặt con người hiện đại.

Trong bài này, chúng tôi xin đề cập đến một số nhân vật trong truyện cổ dân gian được tái hiện dưới cái nhìn của tác giả văn chương hiện đại như nhân vật Sơn Tinh, Thuỷ Tinh; An Dương Vương, Trọng Thuỷ, Mỵ Châu; Tấm, Cám; Trương Chi; nàng Tô Thị, Rùa và Thỏ…(Trong bài viết lần sau chúng tôi sẽ nói đến một số nhân vật trong các tích chèo cổ)

 

1. Sơn Tinh – Thuỷ Tinh

Trong bài thơ dài “Sơn Tinh – Thuỷ Tinh”, dưới con mắt của Nguyễn Nhược Pháp, hành động hàng năm Thuỷ Tinh dâng nước lên để đòi lại Mỵ Nương cũng chính là thể hiện một tình yêu mãnh liệt khác thường của một vị thần biển: Thuỷ Tinh năm năm dâng nước bể/ Đục nước hò reo đòi Mỵ Nương/ Trần gian đâu có người dai thế/ Cũng bởi thần yêu nên khác thường.

Nhưng phải đến tác phẩm “Sự tích một ngày đẹp trời”, nhà văn Hoà Vang mới thực sự trả lại cho người đời một cái nhìn đẹp đẽ về Thuỷ Tinh, hiểu thêm về một mối tình thầm kín của Mỵ Nương. Ông cho rằng Sơn Tinh chỉ là một người trọng việc chứ đâu có ham tình, cuộc trăm năm của một Sơn thần không phải xuất phát từ trái tim mà bị chi phối bởi bộ óc toan tính chi li và tỉnh táo: “Người thần mà lấy con vua, thực là một việc hợp lẽ”, vua Hùng là người thiên vị khi thách voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao toàn là sản vật của núi rừng. Với Hoà Vang, lần đầu tiên trong văn học Việt Nam có cuộc bào chữa ngoạn mục cho một hiện tượng lịch sử. Thuỷ Tinh không phải là giặc. Dâng nước phá mùa màng của dân lành là cơn đau đớn của bọn thuồng luồng, ba ba, cá ngựa phải hoá xác thành voi, ngựa, gà trống, những vật hiến đã thành vô nghĩa… Chúng ta hãy nghe Thuỷ Tinh tâm sự qua trang văn của Hoà Vang: “Tôi biết Sơn Tinh có thể khiến nước dâng đến đâu núi cao đến đấy. Nhưng đấy chỉ là sức nước do sức các loài thuỷ thần, thuỷ quái dưới tôi. Trời ơi, nếu quả thật có một phút tôi điên cuồng triển hết sức mình biển động, thì, Mị Nương ơi, cơn đại hồng thuỷ ấy sẽ biến tức khắc tất cả núi Tản, nơi đây, Phong Châu nữa thành lãnh địa của tôi, nghìn trùng sóng vỗ mãi mãi. Nhưng như thế để làm gì? Tôi sẽ mất em, nỗi nhớ em, lòng mong muốn luôn hướng về em, mất hết, mất vĩnh viễn”.  Điều đó chứng tỏ rằng cách đánh giá nhân vật là tuỳ thuộc vào điểm nhìn của tác giả, tâm thế thời đại.

 

2. Tấm – Cám

Truyện “Tấm Cám” đã thực sự ám ảnh các học giả và các nhà văn. Nhân vật Tấm được đánh giá nhìn nhận ở hai góc độ trái ngược nhau. Tấm có thể là biểu tượng về những cô gái đẹp, hiền lành, thơm thảo.

Nhà thơ Vũ Quần Phương trong bài “Nói với bé” đã viết:

                   (…)Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện

                   Sẽ được nhìn thấy các bà tiên

                   Thấy chú bé đi hài vạn dặm

                   Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền

Về bài thơ “Đêm sông Cầu”, Đỗ Trung Lai tâm sự: “Bài thơ tôi viết cho người yêu và là vợ tôi bây giờ. Cô ấy là người Bắc Ninh, vì vậy mà cô ấy mang đậm nét văn hoá của người con gái Kinh Bắc xưa”. Cô gái ấy đã được nhà thơ  vô cùng yêu quí và ví như cô Tấm:

Em là cô Tấm thảo hiền

Đến giữa đời anh trẩy hội

Tình đã trao nhau êm đềm

Mà mắt vẫn nhìn bối rối…

Nhưng Tấm lại cũng có thể là biểu tượng của cô gái ác độc, dã man, đáng ghê sợ.

Về cách kết thúc của truyện cổ tích Tấm Cám đã có nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh nhân vật Tấm: Tấm giết Cám là đúng hay không đúng, là ác hay không ác?

Một ý kiến của một học giả người Pháp là A. Leclère trong một bài viết đăng trên tờ tạp chí Những truyền thống dân gian (Revue des traditions populaires) số ra ngày 6- 8- 1898 cho rằng chi tiết Tấm dội nước sôi giết em đã khiến cô có tính chất phạm tội ác. So sánh với truyện “Neang Kantoc” của Campuchia, ông cho rằng truyện này hay hơn truyện Tấm Cám của Việt Nam vì Kantoc đã không có hành động trừng phạt như cô Tấm đã làm (Khi thấy Katoc sống lại, con gái mụ dì ghẻ là Chong Angkaat sợ quá chạy vào rừng. Vua bảo lính đừng đuổi nữa. Từ đó người ta thấy mất hút Angkaat). Cuối cùng vị học giả người Pháp này kết luận: “Người Việt Nam là dã man, cần phải khai hoá văn minh”.

Hoàng Ngọc Hiến có bàn về đoạn kết thúc truyện “Tấm Cám” trong bài  “Sức mạnh văn hoá và sự phát triển của văn minh”  như sau:

“Truyện cổ tích Tấm – Cám từ rất lâu đời được tích hợp trong kí ức người Việt – là một truyện mang cảm hứng nhân văn nhưng kết thúc của truyện chưa thoát ra được  tinh thần của thời dã man: để trả thù cho hả, Tấm đã giết chết Cám (em cùng cha khác mẹ) một cách hèn hạ và man rợ, cho ướp xác của Cám làm mắm, lại còn đem dọn món mắm này cho mẹ Cám ăn. Có áp bức thì có căm thù. Nhưng thiếu ánh sáng của tư tưởng khai hoá văn minh, sự căm thù dễ bùng lên thành sự trả thù “không văn minh”. Nên hiểu truyện Tấm Cám như một bài học để mỗi chúng ta cảnh giác với sự lại giống (atavisme) ở chính mình, kể cả những người hiền lành nhất (Tấm vốn là người tốt, người hiền lành). Văn hoá dân gian của ta còn có câu tục ngữ: “No mất ngon, giận mất khôn”. Giận còn có thể “mất khôn”, huống chi “căm thù”.”

Nguyễn Xuân Kính cho rằng: “Việc Tấm trả thù và tiêu diệt mẹ con Cám là tất yếu”. Ông còn cho rằng hành động đó “không có gì xa lạ với cách nghĩ và tâm lí dân tộc”. Song ông cũng tỏ ra dè dặt khi nói thêm: “Ở thời điểm hiện tại, có thể chúng ta chưa tán thành với cách thức trả thù của Tấm, nhưng việc Tấm trả thù là cần thiết và chính đáng”.

Theo Đinh Gia Khánh, “trong truyện Việt Nam phải để cô Tấm trừng phạt Cám như vậy thì mới được chân thực”. Bởi vì “trong cuộc đấu tranh dai dẳng và quyết liệt, cô Tấm nhất định phải rút ra được kinh nghiệm xương máu là nếu mụ dì ghẻ và Cám còn sống thì chúng sẽ không để cho cô sống. Giữa hai cách xử sự sau đây, phải chọn lấy một: để cho chúng sống rồi giết mình lần thứ năm hay là giết chúng đi để có thể sống yên lành. Cô Tấm buộc phải chọn cách thứ hai. Việc Tấm giết Cám không hề làm giảm đạo đức của cô, làm giảm cái đẹp của hình tượng nhân vật” . Nhưng sau đó ông lại viết: “Tuy vậy, cô Tấm sẽ còn đẹp hơn nữa nếu cô không dùng những  hình thức tàn khốc (giết bằng nước sôi, làm mắm con cho mẹ ăn) để trừng trị bọn tội phạm…”

Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Cái thiện thắng, cái ác phải bị trừng trị. Đây là qui luật đấu tranh khi sự sống của bên này nghĩa là cái chết của bên kia và ngược lại… Tinh thần của truyện là như thế. Còn hành động của Tấm giết Cám làm mắm cho mẹ ăn chỉ là cái thể hiện, nói theo ngôn ngữ học, là cái biểu đạt, không nên hiểu nó theo nghĩa đen cụ thể. Hành động đó không phải là man rợ, nó chỉ nhằm thể hiện tư tưởng “ác giả ác báo” mà thôi… Hành động trả thù đó là điều không có thật… sự báo thù của Tấm là một biểu trưng, nó mang ý nghĩa cảnh tỉnh cái ác.” Theo tác giả “Truyện Tấm Cám dạy trong nhà trường không nên cắt đoạn báo thù và cũng không nên lảng tránh điều đó… Thầy cô giáo phải giúp các em hiểu rõ tinh thần của sự trả thù của Tấm”

Bùi Văn Tiếng lại đánh giá hành động của Tấm (lấy xác Cám làm mắm gửi vào chĩnh rồi gửi vào cho mẹ Cám), ông cho rằng “đây là chỗ thiếu nhân văn nhất trong cách ứng xử nhân sinh của Tấm nhưng lại là chỗ nhân văn hơn cả trong cách ứng xử nghệ thuật độc đáo của tác giả Tấm Cám. Thì ra một người hiền dịu đến như Tấm vẫn có thể trở thành cực kì độc ác, vì thế muốn tự hoàn thiện nhân cách, con người phải hết sức cảnh giác với nguy cơ tha hoá do những tác động của hoàn cảnh khách quan. Phải chăng đây là bức thông điệp mà người nghệ sĩ dân gian xưa, thông qua cách ứng xử nghệ thuật độc đáo của Cám, muốn gửi tới thế hệ mai sau?”

Nói chung, các học giả đều chú ý tới hành động trả thù của Tấm, đó là một hành động ám ảnh độc giả. Chính vì thế mà nó khiến các nhà văn đương đại khai thác yếu tố này trong các “truyện cũ viết lại” theo hướng khai thác nội tâm nhân vật. Nhân vật trong cổ tích dân gian thường không có sự hồi tưởng nhưng truyện cổ văn học đương đại bao giờ tác giả cũng xoáy sâu vào tâm trạng nhận vật. Hồi tưởng thường mang gắn với hành vi tự nhận thức lại của nhân vật. Trong truyện ngắn: “Ngày xưa, cô Tấm …” (viết năm 2000) của nhà văn nữ Lê Minh Hà, Tấm đã dằn vặt tâm hồn sau khi giết em. Sau cái chết rùng rợn của Cám, Tấm thường sống trong mặc cảm tội lỗi với những đêm dài mất ngủ gặm nhấm nỗi cô đơn khủng khiếp, bởi hơn ai hết, Tấm thấy rõ rằng “nàng đã giết người mà còn buộc người phải làm cái việc đến cầm thú cũng không làm”. Trong những cơn mơ của Tấm, Cám thường hiện về chất vấn Tấm: “Chị Tấm! Chị thử nghĩ mà xem! Tôi có ác thì tôi cũng đâu có tự tay giết chị. Tôi lấy mất của chị giỏ cá. Tôi gièm chị với mẹ tôi. Tôi làm cho chị phải ăn roi vọt. Nhưng tôi không giết chị. Tội của mẹ tôi, tôi phải gánh (…). Tôi giết vàng anh. Tôi chặt xoan đào. Tôi đốt khung cửi. Nghĩ cho cùng cũng chỉ là xua đuổi tà ma. Chị lúc ấy là ma. Ma làm sao ở được với người. Chị Tấm! Tôi chưa bao giờ giết chị!”. Từ khi, nhà vua biết Tấm giết em, bỗng trở nên ghê sợ nàng: “Tấm chua xót nhận ra ánh mắt bơ vơ của nhà vua lúc dõi nhìn bông hoa súng đã tàn trên đầm nước nhuốm đầy vẻ khinh bỉ và ghê sợ khi chạm phải cái nhìn của nàng. Phải! Đúng vậy! Ghê sợ!”.

Rồi Lãng Thanh[1] – nhà thơ tài hoa mệnh yểu trong tập thơ “Hoa” (2002) của anh có bài “Ghi chép nhỏ” và hồi ức về truyện cổ dân gian được hiện lên với màu sắc ấn tượng chính là nhân vật Tấm:

Trăng đầu làng chênh chếch đàn trâu lá đa

 – Tấm ơi! Chị mò cua tay mọc đầy hoa chị là yêu tinh

 Quả thị dựng tóc. Ây dà miệng nhỏ xinh xinh

Ba cô nón trắng qua đình. Tình là tình…

Như vậy, Tấm vẫn sống với biết bao sự yêu thương lẫn cả sự chưa hài lòng trong cảm nhận của con người hiện đại. Nhưng có lẽ thời gian trước Tấm được nhìn nhận ở khía cạnh tốt đẹp nhiều hơn. Còn càng về sau con người càng hiện đại, càng văn minh thì có lẽ càng phê phán Tấm nhiều hơn.

 

3. An Dương Vương, Mỵ Châu, Trọng Thuỷ

Trong truyền thuyết An Dương Vương có 3 nhân vật ấn tượng đó là An Dương Vương, Mỵ Châu và Trọng Thuỷ. An Dương Vương rơi vào bi kịch nước mất nhà tan, nhà vua thua vì mất cảnh giác với giặc, phải chạy trốn và lâm vào bước đường cùng, phía sau lưng là giặc, phía trước mặt là biển mênh mông, không lối thoát; tự tay ông phải chém đầu đứa con gái yêu và kết thúc cuộc đời mình. Đó là một hành động trừng phạt nghiêm khắc, đích đáng, đau đớn, đầy bi kịch. Nhà văn Lê Minh Hà đã tái hiện nhân vật lịch sử này dưới truyện ngắn “An Dương Vương”, chị đã cho ông vua này tự dày vò bản thân hàng ngàn năm vì tội làm mất nước, về hành động giết đứa con gái yêu yếu đuối và quá ngây thơ trong trò chơi chính trị của ông qua sự đối đáp với Rùa thần: Người đời kể tội con ta làm lộ bí mật nỏ thần. Nó biết gì! Phải! Đâu chỉ Triệu Đà. Chính ta, ta cũng muốn mượn tay Trọng Thuỷ… Con ta phận gái làm sao hiểu được mưu đồ của bọn đế vương. Mà có biết, nó có thể làm được gì! Nó dịu dàng thế, ngây thơ thế! Nó làm sao hoá giải được tình yêu của nó. Nó làm sao đối phó được với bản lĩnh của kẻ dám khuất thân qua ải vì mệnh nước. Mà ta, ta cũng ngỡ rằng bản lĩnh của Trọng Thuỷ sẽ bị bào mòn trong chiều chuộng và mơn trớn. Rút lại, tội chỉ còn mình ta. Ôi sao trời cao đất dày không cho ta chết cùng đám quần thần giữa cuộc giao tranh! Sao trời cao đất dày bắt ta phải tự tay chém đầu đứa con gái ta yêu nhất! Phải! Rùa thần nói phải! Ta không còn con đường nào khác. Nhưng Rùa làm sao thấu hết… Lưỡi gươm ta bổ xuống là lưỡi gươm của một bậc quân vương trị tội quần thần bất trung. Là lưỡi gươm của người cha trừng trị đứa con bất hiếu. Nhưng ta giết con ta là còn để cứu nó…

Về nhân vật Mỵ Châu, hậu quả của sự ngây thơ, thiếu ý thức trách nhiệm, nàng bị kết tội là giặc, tình yêu niềm tin tan vỡ, bị vua cha chặt đầu. Đây là sự trừng phạt nghiêm khắc của lịch sử. Mỵ Châu phải trả giá đắt cho tội lỗi của mình. Nhà thơ Tố Hữu trước đó cũng đã có những câu thơ phê phán sự thiếu cảnh giác của nàng:

                    Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu

                   Trái tim lầm chỗ để trên đầu

                   Nỏ thần sơ ý trao tay giặc

                   Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu

(“Tâm sự”)

         

Trong truyền thuyết, thái độ của nhân dân với Mỵ Châu là: một mặt đưa ra bản án nghiêm khắc, đích đáng trừng trị tội lỗi nàng. Một mặt thương cho nàng, bao dung cho nàng vì nàng có tâm hồn trong sáng, phạm tội do vô tình chứ không cố ý. Thế nên, nhân dân đã sáng tạo ra lời khấn linh nghiệm của Mỵ Châu: máu biến thành ngọc trai, xác biến thành ngọc thạch. Bao đời nay nhân dân vẫn rất độ lượng với Mỵ Châu. Nhà thơ Trần Đăng Khoa khi đứng trước bức tượng đá hình cô gái cụt đầu được thờ ở Đền Cổ Loa[2] đã  xúc động viết:

                    Người dân nào đưa em về đây

                   Cho em gặp bố

                   Người bố mất nỏ thần, giận em, ruồng bỏ

                   Nhưng nhân dân mình không nỡ bỏ em…

(“Trước đá Mỵ Châu”)

Từ bao đời nay, nhân dân mình vẫn đứng về phía Mị Châu, cho rằng cái chết của nàng là chết oan ức. Nhà thơ Hà Nhật trong bài “Đền Cuông” cho rằng:

Nghe nói khi bị chém

Máu Mỵ Châu không tan

Bắt biến hoá thành ngọc

Để nghìn thu kêu oan

Nhà thơ Vương Trọng cũng thiết tha nhắn nhủ:

Mấy ngàn năm dâu bể, lở bồi

Lúc yên bình và cả khi giặc giã

Xin đừng trách Mỵ Châu thêm nữa

Yêu chân thành thật có tội gì đâu.     

(“Mỵ Châu”)

Bức tượng Mỵ Châu cụt đầu thực sự ám ảnh, làm day dứt tâm hồn thi sĩ đương thời:(…)

Tôi đứng bên người của nghìn xưa

Nghe nỗi đau thét gào trong gió bụi

Mỵ Châu hỡi không đầu – vết thương còn chảy máu!

Một khắc lầm huyền thoại mãi còn đau.

(“Bên tượng Mỵ Châu”- Lâm Thị Mỹ Dạ)

 

Tuy nhiên, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng vẫn không quên cái giá mà nhân dân phải trả quá đắt do lầm lỗi của nàng:

                   Có những lỗi lầm phải trả bằng cả một kiếp người

                   Nhưng lỗi lầm em lại phải trả bằng máu toàn dân tộc

                   Máu vẫn thấm qua từng trang tập đọc

                   Vó ngựa Triệu Đà còn đau đến hôm nay

                                                                   (“Trước đá Mỵ Châu”)

Mối tình bi kịch Mỵ Châu – Trọng Thuỷ còn là biểu tượng cho những mối tình có sự lỡ làng, trớ trêu, oái oăm, cách trở. Nữ thi sĩ Đoàn Thị Lam Luyến trong bài “Chồng chị chồng em” – một trong những bài thơ hay nhất của chị cũng đã thể hiện điều này:

                   Cái giần vục phải cái sàng

                   Xui cho hai đứa nhỡ nhàng gặp nhau

                   Lá bùa từ thuở Mỵ Châu

                   Lá bài Trọng Thuỷ còn đau đến giờ

                   Tình yêu một mất mười ngờ

                   Khiến cho biển cứ khuất bờ trong nhau

Về nhân vật An Dương Vương, Lê Minh Hà trong truyện ngắn “An Dương Vương” cũng đồng tình với cách giải quyết của tác giả dân gian, chị đã cho ông vua này giải thích về hành động giết con của mình với Rùa thần như sau:

 “Ra thế! Vậy là Rùa cũng biết ta không ngần ngừ lâu trước lúc chém đầu nó. Con ta không chết lúc đó thì có nghĩa là nó sẽ không chết được. Nó không chết thì Trọng Thuỷ cũng không chết. Hai kẻ từng yêu nhau sẽ sống tiếp ra sao? Lúc ta rút lưỡi gươm, mọi nhẽ ta chưa cạn. Nhưng bây giờ khi nỗi đau nỗi nhục đã hoá thạch trong lòng, ta hiểu rằng nếu ta không giết con ta thì sẽ không có cái kết đó trong câu chuyện người đời kể về nó. Ta không mong gì lưu danh hậu thế, nhưng ta biết rằng những kẻ như ta không thể tránh khỏi huyền sử của thế nhân. Thế nhân đã muốn ta bất diệt, nhưng lại muốn ta tự tay xử trảm con mình. Biết làm sao! Thôi thì đã không cứu được nó khỏi miệng tiếng người đời, ta cũng cho con ta chết được hoá thân thành ngọc.”

Tuy nhiên về nhân vật An Dương Vương cũng có những ý kiến trái chiều: hành động giết con là tàn nhẫn. Nhà thơ Hà Nhật viết:

                  Cha dẫu nghiêm đến mấy

                  Lẽ nào cha vung gươm

                               (“Đền Cuông”)

Còn Vương Trọng lại lên án hành động của An Dương Vương là hành động thiếu sáng suốt, hành động trong cơn điên loạn, sợ hãi và bất lực trước thất bại thảm hại:

                  Khi quay lại chém con sau yên ngựa

                 An Dương Vương, người đã nghĩ suy gì

                 Hay cùng đường, ai cũng là giặc giã

                 Và nghe lời mách bảo của Kim Quy?

                 Kẻ thù sau lưng! – Dù lời thần đi nữa

                 Người phải trông bằng chính mắt của mình

(…)

                 Đã là vua, lại có thần mách bảo

                 Tưởng sáng suốt hai lần và công lí gấp đôi

                Mà người chết không hiểu sao mình chết

                Thì hồn oan còn đập cửa muôn đời

(“Mỵ Châu”)

Nhân vật Trọng Thuỷ là một nhân vật khá phức tạp, có nhiều mâu thuẫn. Trong thời kì đầu, Trọng Thuỷ đóng vai trò gián điệp, theo lệnh vua cha sang dò la bí mật quốc gia của Âu Lạc, đánh cắp nỏ thần. Trong quá trình chung sống với Mỵ Châu, có thể Trọng Thuỷ đã yêu nàng thực sự. Câu nói trước lúc chia tay Mỵ Châu về nước phần nào thể hiện chân tình, sự lo lắng của Trọng Thuỷ về tan vỡ của hạnh phúc. Khi Mỵ Châu chết, Trọng Thuỷ ôm xác vợ khóc lóc, sau đó thì  tự tử. Cái chết của Trọng Thuỷ: cho thấy sự bế tắc, sự ân hận muộn màng của hắn. Trọng Thuỷ vừa là kẻ thù của nhân dân Âu Lạc, vừa là nạn nhân trong tham vọng bá quyền của Triệu Đà. Trọng Thuỷ bị kẹt giữa hai nhân vật quyền lực và hạnh phúc lứa đôi. Hai tham vọng đó không dung hoà được với nhau, tạo nên mâu thuẫn không thể giải quyết trong chính con người Trọng Thuỷ, do đó hắn chỉ còn cách kết liễu cuộc đời vì bế tắc. Thái độ của nhân dân đối với Trọng Thuỷ: một mặt nhân dân ta vẫn kết tội cướp nước của Trọng Thuỷ, cái chết vì mâu thuẫn giằng xé là cái giá hắn phải trả, mặt khác nhân dân ta vẫn bao dung vì dù sao Trọng Thuỷ cũng đã hối lỗi và phải trả giá, nên đã sáng tạo ra chi tiết ngọc trai biển Đông nơi Mỵ Châu chết sẽ sáng hơn nếu đem rửa nước giếng nơi Trọng Thuỷ tự vẫn, đó coi như sự tha thứ của Mỵ Châu cho hắn.

Mối tình Mỵ Châu và Trọng Thuỷ là một mối tình đầy bi kịch, nó vừa đẹp đẽ, vừa đau đớn và ám ảnh không chỉ các văn sĩ mà còn cả các thi sĩ đời sau. Tôn trọng thái độ của nhân dân đối với các nhân vật trong truyền thuyết này nhưng Nguyễn Nhược Pháp trong bài thơ “Giếng Trọng Thuỷ” đã để tên gián điệp cổ đại tự vẫn trong một bối cảnh dữ dội, ma quái – cái chết đáng đời của một kẻ cướp nước, kẻ rất tàn nhẫn với ý thức nhiệm vụ phi nghĩa nhưng lại có tình yêu chân thực và có chút lương tâm, cảm nhận được lương tâm đang day dứt:

                              Đêm khuya, gió lốc, mây đen vần

                             Cỏ lướt gieo mình vực giếng thâm

                             Trọng Thuỷ nằm trên làn nước sủi

                             Tiếng mõ cầm canh xa âm thầm

                             Phơn phớt hồn ma đóm lập loè

                              Cú rúc. Đàn dơi bay tứ bề

                              Răng rắc kêu như tiếng xương động

                              Gió rền, quỷ khóc, lay cành tre

Còn trong bài thơ “Mỵ Châu”, ông đã để cho nàng được ngậm cười nơi chín suối khi cảm nhận được tình yêu của Trọng Thuỷ, biết được nỗi khổ đau dằn vặt của chàng:

                              Bơ vơ Trọng Thuỷ lạc rừng hoang

                             Vời theo lông ngỗng rơi bên đàng

                              Đau lòng mắt nặng rùng đêm lạnh

                             Thoảng tiếng trăng thưa chen lá vàng

                                                                    (…)

                              Bơ vơ ngày cũ tưởng càng đau

                             Tìm bóng phương nào hỡi Mỵ Châu?

                             Lông ngỗng cầm tay nhoà ánh lệ

                             Chàng đi man mác buồn đêm thâu

                                                                    

                             Thiêm thiếp ai bên đường hỡi ôi

                            Chàng ôm khóc nghẹn chẳng ra lời

                            Đầu non mây bạc êm đềm phủ

                            Phơn phớt hồn em bay, ngậm cười…

Hoàng Nhuận Cầm ít nhất đã nhắc đến nhân vật Mỵ Châu – Trọng Thuỷ trong hai bài thơ:

(…)Đất nước đau buồn chưa hết Mỵ Châu ơi

                             Lông ngỗng bay như số phận giữa trời

                              Trọng Thuỷ đứng suốt đời không hết lạ

                              Vệt lông ngỗng con đường tình trắng xoá

                              Có ai hay thăm thẳm giếng khôn cùng

(“Viên xúc xắc mùa thu”)

 

(…)Thức lại quanh tôi những truyện cổ xa xôi

                             Tà áo xanh đung đưa trong quả thị

                             Nghe lập cập ngựa Mỵ Châu – Trọng Thuỷ

                             Đầu voi chín ngà… và ngựa chín hồng mao

(“Những câu thơ viết đợi mặt trời”)

Thời gian gần đây, có một đề văn mở như sau: Hãy tưởng tượng cuộc gặp gỡ của Mỵ Châu và Trọng Thuỷ ở dưới thuỷ cung. Nhiều học sinh đã viết là hai người vô cùng mừng rỡ khi gặp được nhau, họ vẫn yêu nhau tha thiết và sống hạnh phúc đến suốt đời. Nhưng những bài văn được tưởng tượng như thế đều bị cô giáo phê và cho điểm kém khiến các học sinh rất bất bình… Có lẽ không nên áp đặt sự tưởng tượng, hãy để cho trí tưởng tượng được bay bổng tự do, hai nhân vật dân gian này cần được phóng chiếu nhiều chiều ở những lăng kính khác nhau.

 

4. Trương Chi

Hình ảnh Trương Chi xấu trai nhưng có giọng hát tuyệt vời và mối tình tuyệt vọng của chàng đã được khá nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ phản ánh vào tác phẩm của mình. Chúng ta có “Trương Chi” của cố thi sĩ lão thành Hoàng Cầm, “Khối tình Trương Chi” của nhạc sĩ Phạm Duy; vở kịch thơ “Trương Chi” của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, “Khúc hát Trương Chi” của Đặng Hữu Phúc, truyện ngắn “Trương Chi” của Nguyễn Huy Thiệp, truyện ngắn “Nàng và Trương Chi” của Vũ Giang, bài hát “Chuyện tình Trương Chi”, “Mỵ Nương” của Anh Bằng…

Chúng ta luôn nhớ tới nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao với nhạc phẩm “Trương Chi” – bản tình ca bất hủ. Ông đã để lại một chân dung Trương Chi được thêu bằng lời thơ gấm vóc. Văn Cao đã dùng thang âm ngũ cung cho mưa rơi trên cung đàn của Mỵ Nương bên song cửa, nốt nhạc trầm vút với tiếng gió, nghe như tiếng lòng nức nở … làm bao tiếng cầm ca rung ánh sao mờ…

Trong bài viết “Triết lí văn chương trên trang viết của Nguyễn Huy Thiệp”, Võ Thị Thu Hằng nhận thấy ở truyện ngắn “Trương Chi”: Nguyễn Huy Thiệp đã không để Mỵ Nương hiện lên như trong truyện cổ. Mỵ Nương và đám tuỳ tùng quan lại chính là biểu tượng của tiếng nói chính trị. Ba lần viên quan trưởng bảo Trương Chi hát:

                                   Lần thứ nhất “Viên quan trưởng bảo:

                                  – Hát ca ngợi công danh đi!”

                                  Lần thứ hai: “Viên quan trưởng bảo:

                                  – Nên hát về sự nhẫn nhục”.

                                  Lần thứ ba: “Viên quan trưởng bảo:

                                  – Hát ca ngợi tiền bạc đi!”

Làm sao Trương Chi có thể hát thật hay để ngợi ca về những vấn đề như công danh, tiền bạc vốn dĩ vô cùng xa lạ với môi trường sống trong sạch và tinh khiết của chàng. Cho nên chàng không thể hát hay: Chưa bao giờ chàng hát với một bài hát thô bỉ như thế. Bài hát chỉ toàn “ầy a” với “huầy dô”… Có chỗ còn bắt chước tiếng chó sủa, tiếng gà cục tác và tiếng dế kêu nữa. Bài hát đông người. “Đông người” thường ồn ào và náo nhiệt. Đông người thường là phong trào, là bắt chước. Văn chương đánh mất mình trong đám đông. Với văn chương đánh mất mình còn đáng sợ hơn cả cái chết. Chàng chỉ sợ chính bản thân chàng lâm vào tình thế phải tự hạ nhục bản tính của mình, thế là mất hết, không còn tiếng hát, không còn Trương Chi. Nguyễn Huy Thiệp lại đề cập đến cái vấn đề muôn thuở của văn chương. Bản tính. Nhưng xã hội không ngừng đặt ra những yêu cầu, những nhiệm vụ khắt khe của văn chương .

Nguyễn Huy Thiệp để cho Trương Chi hát về tình yêu – là hát về cái phần của cá nhân, riêng tư nhất của mỗi con người – điều mà văn học trước đây coi là cá nhân chủ nghĩa. Nhưng chính cái phần cá nhân chủ nghĩa này, văn học mới thực sự có ý nghĩa đối với con người. Văn chương cảm hoá được tất cả – cảm hoá cả chính trị, bằng tình yêu: Những giọt nước mắt long lanh trên mắt Mỵ Nương. Nàng chưa từng được nghe ai hát như thế này. Bọn hoạn quan, những gã đồng cô, những tên hề lùn, bọn bói toán, tướng số, lang băm… đứng dạt cả ra. Những giọt nước mắt ấy chính là  ý nghĩa đích thực của văn chương. Văn chương không còn là một thuyết giáo về đạo đức. Những lời thuyết giáo chỉ làm cho người ta sợ chứ không làm cho người ta phục. Nguyễn Huy Thiệp ghét cái kết thúc truyền thống của truyện cổ. Nó nhân văn quá, đẹp đẽ quá mà thành ra dối đời. Sự nhân văn phải đạo ấy, loài người thuở sơ khai có thể chấp nhận được. Nhưng con người hiện đại bây giờ thì không!

                                Mỵ Nương sống suốt đời sung sướng và hạnh phúc.

                               Điều ấy vừa tàn nhẫn, vừa phi lí.

                               Lẽ đời là thế.

Và văn chương phải dám đối mặt, dám nhìn thẳng với cái lẽ đời – vừa tàn nhẫn, vừa phi lí ấy.

Mượn nhân vật Trương Chi, Mỵ Nương, Nguyễn Huy Thiệp đã thể hiện gián tiếp quan niệm của mình về văn chương.

Trong bài thơ “Cổ tích giữa trang”, cái éo le muôn thuở của tình yêu qua mối tình của Trương Chi, Mị Nương cũng được soi qua hồn buồn của nhà thơ Phạm Công Trứ, nỗi buồn của đời tư và thế sự:

                                Tiếng ai như tiếng Trương Chi

                               Chết rồi tình vẫn hiện về vấn vương

                                Mắt ai như mắt Mỵ Nương

                               Chỉ mê tiếng hát không thương mặt người

                                Bạch đàn là bạch đàn ơi!

Một tác giả khác cũng đưa nhân vật Trương Chi và Mỵ Nương vào trong một cuốn tiểu thuyết của Pháp đó là Trần Huy Ngọc Minh[3]. Chị đã lồng những yếu tố lấy từ cổ tích về công chúa Mỵ Nương và chàng Trương Chi của Việt Nam vào tiểu thuyết đầu tay Nàng công chúa và chàng đánh cá kể về mối tình của một cô gái Việt lai Pháp với một chàng trai thuần Việt. Theo chị, đó là cách giúp thể hiện bản sắc tâm hồn văn hoá Việt Nam của mình một cách rõ ràng nhất. Năm 2008, tác phẩm này đã được trao giải văn học Goronde của Pháp dành cho cây bút mới  với nhận xét: Đã đạt tới sự tinh tế trong việc hoà quyện thực tại với tưởng tượng, sự nhạy cảm của văn phong buồn man mác.

Trong buổi nói chuyện ở Trung tâm Văn hoá Pháp tại Hà Nội ngày 17/ 9/ 2009, Trần Huy Ngọc Minh cho biết, vì quá thú vị với các yếu tố dân gian Việt Nam qua tác phẩm của chị, nhà xuất bản đã đề nghị chị viết riêng một cuốn sách khác, kể lại truyền thuyết Việt Nam theo cách của mình. Và thế là cuốn sách thứ hai, Chiếc hồ xuất hiện sau một đêm và những truyền thuyết khác của Việt Nam ra đời liên quan đến Sự tích Hồ Hoàn Kiếm, Sự tích trầu cau, Sự tích cây nêu ngày tết, Sự tích Hòn Vọng Phu…

Đọc tiểu thuyết của Ngọc Minh, độc giả đã nhận thấy hai điều: Sự quan tâm rất sâu sắc của nhà văn tới truyện cổ tích và vấn đề bản sắc dân tộc Việt Nam. Ngọc Minh coi truyện cổ tích có giá trị như một cuốn sách chính thống đề cập tới văn hoá của một quốc gia, giúp mọi người hiểu luôn về quốc gia đó. Vì vậy, yếu tố nội tâm, hồn dân tộc trong tác phẩm được lồng ghép một cách khéo léo sâu sắc.

Nhân vật Trương Chi, Mỵ Nương thực sự đã sống mãi trong kí ức và tâm thức dân tộc Việt.

 

5. Nàng Vọng Phu, nàng Tô Thị

Ở Việt Nam, những tảng đá có hình người con gái thường có nhiều, trải dài theo chiều dài đất nước. Phải đâu chỉ có một Vọng Phu ở Lạng Sơn mà Vọng Phu còn có cả ở Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh, xứ Quảng, Khánh Hoà, Đắc Lắc, Bình Định… “Đồng Đăng có phố Kì Lừa/ Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh”; “Bình Định có núi Vọng Phu/ Có đầm Thị Nại, có cù lao Xanh”. Đất nước mình trải qua nhiều binh đao chiến trận, có những người chồng đi mãi không về, nhân dân mình từ xa xưa đã tưởng tượng ra nhân vật thiếu phụ chờ chồng mòn mỏi mà hoá đá. Dù truyện cổ tích ở địa phương nào, dị bản nào, cũng đều có một chủ đề thống nhất: ca ngợi đức tính thuỷ chung, kiên trung của người vợ, một yêu cầu đạo đức của mọi thời.

Vọng phu đã là biểu tượng của sự thuỷ chung:

                                   Không chỉ quê tôi núi đợi chồng

                                   Còn nhiều nơi khác cảnh chờ mong

                                   Bắc Nam đâu cũng niềm son sắt

                                   Tạc giữa trời cao dáng thuỷ chung

                                                      (“Núi Vọng Phu”- Hồ Dzếnh)

                                   Đầu nước đá ôm con, cuối nước đá đợi chồng

                                  Đâu chẳng sông Thương đâu chẳng Kì Cùng

                                  Là tượng đá của bao thời binh lửa

                                  Nàng Vọng Phu đầu sông hơn gì nàng Tô Thị cuối sông

(“Vọng Phu” –  Chế Lan Viên)

Hòn Vọng Phu đã trở thành nguồn cảm hứng cho bao thi phẩm, văn phẩm, nhạc phẩm… từ xa xưa cho đến tận bây giờ. Ngoài hình tượng nàng Vọng Phu đã từng xuất hiện trong ca dao, trong các tác phẩm của các tác giả cổ điển như “Vọng Phu thạch” của Nguyễn Du, Phan Châu Trinh hay những nhạc phẩm cũ nhưng nổi tiếng một thời như “Vọng Phu I, II, III”, “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Lê Thương… chúng ta còn có thể dẫn ra hàng loạt những tác phẩm liên quan đến Vọng Phu của các tác giả tên tuổi: “Vọng Phu I, Vọng Phu II” (Chế Lan Viên), Kịch “Linh hồn hoá đá” của Lưu Quang Vũ, “Về thôi nàng Vọng Phu” (Vương Trọng),  “Núi Vọng Phu” (Hàn Mặc Tử), “Núi Vọng Phu” (Hồ Dzếnh), “Nói với nàng Tô Thị” (Nguyễn Hữu Quý), “Sự tích hoá đá” (Lâm Thị Mỹ Dạ), “Thơ tặng vợ nhà” (Hoàng Lộc), “Khúc tình yêu”, “Bài không tên” (Nguyễn Đức Mậu), “Em về thăm thẳm núi non” (Du Tử Lê), “Gửi anh” (Thu Nguyệt), “Vọng Phu sau mùa bão” (Phạm Thu Yến), “Thăm nàng Tô Thị” (Thái Hoà), Truyện ngắn “Bồng con hoá đá” (Đỗ Trí Dũng in trong Văn mới 2009) v.v và v.v..

Hình tượng nàng Vọng Phu đã được Nguyễn Đức Mậu soi chiếu ở nhiều lăng kính khác nhau. Ông ca ngợi tình yêu của nàng Tô Thị trên một bình diện lớn – bình diện đất nước:

                                    Tình yêu trên núi chon von

                                   Thương ai hoá đá làm hòn vọng phu

(“Khúc tình yêu”)

Cái cô đơn sừng sững của nàng Tô Thị đã phần nào an ủi được sự cô đơn của những người vợ lính.

Nhưng khi cuộc chiến tranh đi qua, Nguyễn Đức Mậu lại có nhưng câu nhắc về nàng Tô Thị mà ý tưởng hoàn toàn khác trước, rất thấm thía:

                                  Xưa nàng Tô Thị lên non

                                 Xa chồng những đã có con để bồng

                                 Bây giờ người ấy tay không

                                 Con thuyền goá bụa trên dòng sông sâu

(“Bài không tên”)

Cái “Xa chồng nhưng đã có con để bồng” của nàng Tô Thị, một điều mà ít người để ý ấy lại chính là niềm ao ước, là chỗ trống không gì bù đắp nổi của những người đàn bà goá bụa. Đây có thể coi là một phát hiện của Nguyễn Đức Mậu. Nhà thơ đã đồng cảm sâu sắc với nỗi đau của người phụ nữ. Qua đó, bộ mặt chiến tranh đã hiện lên một cách cụ thể và khốc liệt.

Vẫn nương theo điển mẫu người đàn bà hoá đá, Nguyễn Đức Mậu lại có những câu thơ tài hoa vừa tiêu biểu cho khí thế của cả một thời kì, lại vừa thể hiện tâm tư ước nguyện của từng con người riêng biêt:

                                     Người hoá đá trọn đời nhan sắc

                                      Anh lại về cho đá lại là em

(“Trường ca sư đoàn”)

Thời thế buộc con người phải thế. Bởi vì, sắc đẹp hoá đá thường là “lạnh” lắm (đành rằng cái “lạnh” ấy là rất cần thiết khi mà người chồng còn đang ở chiến trường xa). Ẩn mãi trong cái vẻ đẹp “sắt đá” ấy cũng thật cực lòng. Cho nên cái ý nguyện của người lính lúc ấy không gì ngoài một điều: Anh lại về cho đá lại là em. Và dĩ nhiên, đó cũng là mong ước vào ngày chiến thắng.

Cảm nhận hình ảnh nàng Vọng Phu sâu sắc nhất có lẽ không ai hơn chính là những người lính, người vợ lính đợi chồng. Nhà thơ khoác áo lính Vương Trọng hình như đã cảm nhận sâu sắc thân phận bi kịch của những người vợ đợi chồng đến tuyệt vọng. Trong tập thơ Về thôi nàng Vọng Phu, Vương Trọng đã hoá thân mà trò chuyện với các nàng Vọng Phu thời nay.

Vọng Phu đã trở thành biểu tượng chờ chồng của người phụ nữ không chỉ trong thời chiến mà ngay trong cả thời bình. Người đàn bà làng chài ước mình được bồng con hoá đá sau những mất mát quá lớn, đớn đau quá sức chịu đựng khi người chồng đi biển gặp trận bão và vĩnh viễn không về. Nhà giáo – nhà thơ Phạm Thu Yến đã thấu hiểu nỗi lòng của những người đàn bà vọng phu sau cơn bão ở Hậu Lộc – Thanh Hoá:

                    Vợ khóc chồng khô nước mắt

                    Mẹ khóc con đã kiệt hơi

                    Giá được bồng con hoá đá

                    Trái tim băng giá giữa trời

 

                    Nhưng mẹ già ai nương tựa

                    Con thơ côi cút giữa đời

                    Vọng phu vá chài hong nắng

                    Ngày mai khăn trắng ra khơi

                                                (“Vọng Phu sau mùa bão”)

 

Không thể kể hết những sáng tác hiện đại liên quan đến hình tượng đá trông chồng, nàng Vọng Phu, nàng Tô Thị. Đất nước nhiều giông bão chiến chinh, nhiều giông bão tự nhiên, có biết bao người phụ nữ mất chồng, biết bao nhiêu mong ngóng đợi chờ? Mượn hình ảnh nàng Tô Thị để xót thương chia sẻ với người phụ nữ Việt Nam, dù cách diễn đạt có khác nhau nhưng các tác giả đều thống nhất ở chủ đề hình tượng đó là những thiếu phụ thuỷ chung, đợi chờ mòn mỏi, tuyệt vọng. Sự tích Hòn Vọng Phu được mọi người mọi thời yêu thích bởi nó ẩn chứa một triết lí nhân sinh và một tình thương sâu sắc.

 

6. Thỏ, Rùa

Có hai câu chuyện ngụ ngôn khác nhau về Thỏ và Rùa chạy thi. Một truyện nói về Thỏ chủ quan, coi thường Rùa nên vừa chạy vừa hái hoa bắt bướm còn Rùa biết mình chậm chạp nên kiên trì chạy không nghỉ và cuối cùng đã về đích trước Thỏ. Một truyện kể rằng Rùa láu cá, cho họ hàng nhà mình nấp ở các bụi cây trên đường đua, khi Thỏ hỏi: Rùa đang ở đâu? thì con Rùa ở bụi cây đằng trước đáp: Rùa đang ở đây! thế là Thỏ lại cắm đầu chạy nhưng vẫn thua vì con Rùa cuối cùng nấp ở đường đua đã bò về đích trước. Con người đương đại đã rút ra khá nhiều bài học dưới những góc độ khác nhau từ hai câu chuyện trên.

Thỏ giật mình tỉnh giấc và nhận ra mình bị thua Rùa tại thói chủ quan coi thường đối phương. Bài học của câu chuyện trên là: chậm và ổn định đã chiến thắng cuộc đua.

Nhưng  câu chuyện ngụ ngôn Thỏ và Rùa lại được tiếp tục phát triển và tân trang thêm:

Thỏ vô cùng thất vọng, nhận ra rằng nó bị thua chỉ vì quá tự tin và thiếu kỉ luật. Vì thế nó quyết định thách thức một cuộc đua mới. Rùa đồng ý. Lần này, Thỏ chạy một mạch với tất cả sức lực và về đích. Nó bỏ xa Rùa đến mấy dặm đường. Bài học của câu chuyện này là: Nhanh và vững chắc sẽ chiến thắng chậm và ổn định. Nếu có hai người trong công ty của bạn: một người chậm, nguyên tắc và đáng tin cậy, một người khác nhanh và vẫn đáng tin cậy ở những việc anh ta làm. Người nhanh và đáng tin cậy chắc chắn sẽ được thăng chức nhanh hơn. Chậm và chắc là điều tốt, nhưng nhanh và tin cậy là điều tốt hơn.

Nhưng câu chuyện cũng không dừng lại ở đây. Rùa đã suy ngẫm kết quả và nhận ra rằng: nó không có cách nào chiến thắng được Thỏ trên đường đua vừa rồi. Nó suy nghĩ và thách Thỏ một cuộc đua khác, nhưng có một chút thay đổi về đường đua. Thỏ đồng ý. Chúng bắt đầu cuộc đua. Thỏ bắt đầu chạy với tốc độ cao nhất cho tới bờ sông. Vạch đích còn đến vài dặm nữa ở bên kia sông. Thỏ đành ngồi xuống và không biết làm cách nào để sang sông. Trong lúc đó Rùa đã đến nơi, lội xuống sông và bơi sang bờ bên kia, tiếp tục chạy và kết thúc đường đua. Ý nghĩa từ câu chuyện này là: Trước tiên, cần phải xác định ưu thế của mình và sau đó là biết chọn sân chơi cho phù hợp.

Câu chuyện Thỏ và Rùa vẫn tiếp tục được tân trang.

Thỏ và Rùa đã trở thành đôi bạn thân thiết và cùng nhau suy ngẫm. Cả hai nhận ra rằng cuộc đua sau cùng có lẽ sẽ có kết quả tốt hơn. Vì thế, chúng quyết định chạy chung một đội. Cuộc đua bắt đầu, Thỏ cõng Rùa chạy đến bên bờ sông, Rùa lội xuống sông và cõng Thỏ bơi qua bên bờ sông. Lên đến bờ Thỏ lại cõng Rùa và cả hai cùng về đích sớm hơn rất nhiều so với các cuộc đua trước. Bài học của câu chuyện này là gì? Hãy làm việc theo nhóm, mỗi người trong nhóm sẽ có cơ hội thể hiện những ưu thế của mình. Phải chọn được người trưởng nhóm trong những trường hợp cụ thể. Phải chọn được người có ưu thế về lĩnh vực mà họ làm trưởng nhóm.

Còn nhiều bài học nữa từ câu chuyện này. Lưu ý rằng cả Thỏ và Rùa đều không hề đầu hàng hay thất bại. Thỏ quyết tâm làm việc hăng hơn và cố gắng nhiều hơn. Rùa phải thay đổi chiến lược vì nó đã cố gắng làm việc hết sức. Thỏ và Rùa cũng đã học thêm được bài học để đời khác: thay vì chống đối (hay cạnh tranh) với nhau, chúng đã cùng hợp tác để giải quyết tình huống và kết quả công việc tốt hơn nhiều.

Lại có một truyện ngụ ngôn tân trang khác nữa về chuyện Thỏ chạy thi với Rùa. Hai nhân vật lịch sử này mở cuộc tái đấu, hẹn trước đường đua từ A tới B. Bổn cũ soạn lại, họ nhà Rùa tối ấy gà gật phục sẵn suốt dọc A – B, sáng ra ban tổ chức đổi đường đua A – C không liên quan gì đến B cả. Thỏ vọt chạy, loáng cái tới C, Rùa mới nhễ nhại bò khỏi A một đoạn. Câu kết của chuyện là: Thời đại của mẹo vặt đã hết, muốn bứt lên phải có thực lực.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà phần phụ lục của tiểu thuyết “Đi tìm nhân vật”, Tạ Duy Anh đã tóm lược 4 truyện cổ tích Việt Nam trong đó có  truyện Rùa chạy thi với Thỏ, Thỏ thật thà, ngờ nghệch trước mẹo vặt, khôn lỏi của Rùa nên đã nghĩ là mình thua thật và nhận thất bại. Trước khi kể lại truyện cổ tích này, nhà văn đã đóng mở ngoặc đơn: (Chuyện này có trong Sách giáo khoa cấp I (?) rất phổ biến những năm 60,70…) và sau khi kết thúc truyện, Tạ Duy Anh lại viết thêm: “Chú dẫn: Truyện ca ngợi sự mưu trí của rùa, biểu tượng cho nhân dân lao động bình thường, cần cù mà thông minh”. Ngoài cái dấu hỏi đặt trong ngoặc đơn (?) biểu thị sự hoài nghi, nhà văn không có thêm một bình luận nào nhưng độc giả hiện đại không thể không suy ngẫm.

Cái nhìn của tác giả hiện đại có thể tương đồng nhưng cũng có khi đối lập với cái nhìn của tác giả dân gian về các nhân vật trong truyện cổ, để từ đó văn chương lại tiếp tục tạo thêm những huyền thoại mới từ những huyền thoại đã có. Hồn dân tộc thể hiện ở trong truyện cổ, hiểu được những ưu điểm của dân tộc mình là để phát huy cũng như không che giấu những nhược điểm của dân tộc mình để mỗi cá nhân tự hoàn thiện nhân cách. Nhà văn Nga Sê-khốp nói: Một con người sẽ tốt hơn nếu ta nói cho anh ta biết anh ta là người thế nào…

 

Tóm lại, chất liệu dân gian đã  thâm nhập, lẩn khuất vào mọi lĩnh vực đời sống của con người đương đại và trường tồn cùng năm tháng. Trong lĩnh vực văn học, các nhà văn mượn các nhân vật thần thoại, cổ tích, ngụ ngôn  để sáng tạo ra một thể loại truyện mới: truyện giả cổ tích, truyện cũ viết lại. Nếu như các tác giả dân gian chỉ chú ý đến cốt truyện và hành động của nhân vật thì các nhà văn đương đại đã chú ý diễn tả tâm lí cùng với hành vi tự nhận thức. Các nhân vật cổ xưa chỉ là “cái cớ” để các nhà văn, nhà thơ ngày nay phản ánh đời sống khách quan và đời sống tinh thần, tâm linh con người thời đại. Đó là những câu chuyện về tình yêu, về tâm trạng, về những suy nghĩ đánh giá, về sự thức nhận của con người trần thế. Truyện cổ nước mình, những truyện thương tâm nhiều bi bịch thường ám ảnh trong kí ức dân gian, được mọi người mọi thời yêu thích và để lại dấu ấn sâu sắc trong các sáng tác văn chương hiện đại. Truyện hôm qua đã thành chuyện hôm nay, tuổi tên cũ, xác cũ nhưng được nhập hồn mới, không còn thấy đâu cái bóng dáng “ngày xửa ngày xưa” nữa, tất cả đã hoà tan trong dòng chảy cuộc đời.

 

 

TƯ LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO

  1. Tạ Duy Anh (2002), Đi tìm nhân vật, Nxb. Văn hoá dân tộc, HN.
  2. Chu Xuân Diên (2000), Về cái chết của mẹ con mụ dì ghẻ, in trong “Góp phần nâng cao chất lượng sưu tầm nghiên cứu văn hoá văn nghệ dân gian”, Nxb. Văn hoá dân tộc, HN
  3. Lê Minh Hà (2000), Truyện ngắn: Ngày xưa, cô Tấm…; An Dương Vương; Sơn Tinh Thuỷ Tinh in trong tập “Cổ tích cho ngày mới”, Nxb. Văn – California USA
  4. Võ Thị Thu Hằng, Triết lí văn chương trên trang viết của Nguyễn Huy Thiệp, www.khoavanhoc – ngonngu.e…
  5. Hoàng Ngọc Hiến (2008), Sức mạnh văn hoá và sự phát triển của văn minh, in trong “Hoàng Ngọc Hiến- Tác phẩm chọn lọc”, Nxb. Hội Nhà văn
  6. Tố Hữu (1972) (2009), Bài Tâm sự in trong tập “Ra trận”, “Tố Hữu – Thơ”, Nxb.Văn học, HN.
  7. 6. Nguyễn Xuân Kính (1998), Văn hoá dân gian thể hiện bản sắc dân tộc, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 2
  8. Phạm Khải (2010), Câu thơ của sự chờ đợi, Báo CAND online
  9. 8. Đinh Gia Khánh (1968), Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám, VH, HN.
  10. Đỗ Trung Lai (1990), Đêm sông Cầu, Nxb. Hội Nhà văn, HN
  11. 10. Trần Đức Ngôn (2009), Các hình thức tương tác cơ bản giữa văn học dân gian và văn học viết , (www.huc.edu.vn)
  12. 11. Phạm Xuân Nguyên (1994), Đôi điều suy nghĩ về truyện Tấm Cám, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 2
  13. Lãng Thanh (2002), Tập thơ “Hoa” Nxb. Thanh niên, HN
  14. 13. Nguyễn Huy Thiệp (2006), Truyện ngắn: Trương Chi in trong “Tuyển tập Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”, Nxb. Văn hoá Sài Gòn
  15. Bùi Văn Tiếng (1996), Bàn về cách ứng xử nghệ thuật của truyện cổ tích Tấm Cám, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 4
  16. Bùi Thanh Truyền (2008), Song đề truyền thống và hiện đại trong điểm nhìn nghệ thuật của truyện giả cổ tích và truyện cũ viết lại thời đổi mới, Tạp chí Nghiên cứu Văn học (số 2)
  17. Phạm Công Trứ (1990), Bài thơ Cổ tích giữa trang, in trong tập “Lời thề cỏ may I”, Nxb. Thanh niên
  18. Nguyễn Nhược Pháp (1935), Bài thơ: Mỵ Châu; Trọng Thuỷ trong tập thơ “Ngày xưa”, Nguyễn Dương xuất bản, HN.
  19. Hoà Vang (1996), Tập truyện ngắn Sự tích ngày đẹp trời, Nxb. Hội Nhà văn, HN
[1] Lãng Thanh, Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2003 với tập thơ “Hoa” [2] Phiến đá này nổi lên ở bãi biển Thanh Hoá. Nhân dân cho đó là nàng Mỵ Châu bị cha chém chết, hoá đá nên đã dùng võng đào đưa “nàng” về Đền Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. [3] Trần Huy Ngọc Minh sinh ra và lớn lên tại Pháp, hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn học của Pháp (Le Magazinne Litte’raire), dẫn theo nguồn Báo Đất Việt (ngày 19/ 9/ 2009)

 

 

Phạm Thuý Quỳnh đưa bài

                   

Exit mobile version