Khi trước gặp nhau, quá chén, nhiều khi quá lời, có người đã dõng dạc: “Sở dĩ người đọc chưa biết nhiều đến mình, các cậu cũng chưa biết nhiều về mình vì mình là nhà văn của một thời khác, tác phẩm rất nhiều nhưng chưa thể in được, còn đút ngăn kéo, có tác phẩm phải cho vào hũ sành chôn đi để cho con cháu in. Nhưng biết không, những bản thảo đựng trong hũ đó là những khối bộc phá nghệ thuật. Khi nó nổ tung, diện mạo văn học nước nhà sẽ khác, không lèm nhèm như thế này đâu”. Bây giờ thì nhà văn ấy đã ít nói hẳn đi, gặp nhau chỉ cười khì, vì thật khó còn có thể tìm thấy trong ngăn kéo của một nhà văn một cuốn tiểu thuyết, một truyện ngắn nào đó đã viết xong nhưng chưa thể xuất bản vì những lý do… tế nhị. Nghĩa là tất cả những gì nhà văn viết được đều đã in ra. Vì thế, tài năng của nhà văn ở mức nào, chúng ta biết, lĩnh vực quen thuộc của nhà văn thế nào, chúng ta cũng đã biết. Bánh đúc bầy sàng, không còn gì để giấu nhau hay lòe nhau được nữa. Nếu còn bất ngờ, chỉ là sự trồi sụt của tài năng so với trước đó mà thôi.
Cũng thấy văn chương bây giờ cởi mở rất nhiều. Xưa bước vào địa hạt này như bước vào bãi mìn. Tất cả đều có những tấm biển chỉ đường, chệch một chút là có thể đụng mìn. Cũng chính vì sự nghiêm ngặt ấy nên mỗi nhà văn, nhà thơ tuy không có sơ đồ bãi mìn trong tay nhưng cũng hình dung được sự nguy hiểm đang rình rập. Họ biết tự tránh mìn, nói cách khác là tự biên tập mình, nhiều khi sự tự biên tập đến mức thái quá, không cần thiết nhưng đã thành phản xạ có điều kiện, gọt trước còn hơn bị gọt.
Giờ thì khác lắm rồi. Trừ một số điều cấm kỵ đã ghi trong Luật Xuất bản mà ai cũng biết, còn thì nhà văn thả sức, muốn nói gì thì nói. Được cởi trói và cũng do thời thế thay đổi, điều được nói nhiều hơn (trước trong hoàn cảnh chiến tranh, có nhiều điều buộc phải kín) văn học bung ra nhiều đề tài, nhiều chủ đề, nhiều cách viết mới lạ. Chính sự cởi mở đó đã khiến nền văn học phong phú hơn, đa dạng hơn, lách vào những ngóc ngách cuộc sống hơn và vì vậy “đời” hơn. Diện mạo văn học thay đổi tạo ra đội ngũ nhà văn mới. Họ táo bạo trong sáng tạo, dám làm nhiều thử nghiệm và cũng dám chịu trách nhiệm hơn. Các nhà văn từ thế hệ 7X, 8X có ý thức về mình và nghề nghiệp của mình, tự tin hơn thế hệ đàn anh, dám chịu búa rìu dư luận trong cả viết và phát ngôn. Họ để lại rất nhiều thất bại nhưng cũng lắm thành công. Vả lại, trong văn học, có thất bại nào lại không là thành công. Thất bại của người này là kinh nghiệm của người khác, kích thích sự tìm tòi của người khác.
Tuy nhiên, nhìn lại cả một chặng đường văn học, vẫn thấy thiếu, thậm chí là mất đi một cái gì đó gợi sự nuối tiếc. Điều đó bắt đầu từ chỗ mỗi một thời kỳ văn học đều có nhân vật chính của nó. Khi Pháp xâm lược, nhân vật chính của dòng văn học yêu nước lúc này là những nghĩa sĩ nông dân “ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu bầu ngòi” lao vào trận mạc, chống ngoại xâm. Đầu thế kỷ XX, họ là những trí thức yêu nước, tìm đường đề tỉnh quốc dân để dân tộc thoát vòng nô lệ. Thời kỳ 1930-1945 là những trí thức có ý thức về quyền tự do cá nhân, vùng vẫy để thoát khỏi lễ giáo phong kiến và những quan niệm cổ hủ để khẳng định quyền sống, quyền yêu trong tự do, bình đẳng. Suốt 30 năm chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ cứu nước, hình ảnh nổi trội là người lính ở chiến trường và người hậu phương vất vả nhưng tin vào tương lai, sẵn sàng hy sinh tất cả cho độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Vậy nhân vật chính của giai đoạn văn học từ sau năm 1975 trở lại đây là ai, họ có đại diện cho những dòng chính của hiện thực hôm nay không?
Cách đây khoảng vài chục năm, trong một bài viết, một nhà thơ, lúc đó rất có vị thế chính trị, đã nói đến nhân vật trung tâm của văn học và than phiền rằng, những nhân vật từng là trung tâm của những giai đoạn văn học có nhiều thành tựu trước đó như giai đoạn chống Pháp, giai đoạn đất nước chia cắt, miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, giai đoạn cả nước chống Mỹ cứu nước… ngày càng vắng bóng. Bài viết lập tức bị nhiều tiếng nói phản đối, bây giờ gọi là bị “ném đá” và sau đó không ai bàn đến nữa. Nhưng với tôi, điều nhà thơ đó nói vẫn cứ đeo bám. Và tôi chờ, chờ thời gian dài hơn sẽ giúp nhà văn “ngấm” hiện thực hôm nay, từ đó sẽ có những tác phẩm nổi lên nhân vật chính tiêu biểu cho thời đại họ đang sống. Những nhân vật văn học đó từng xuất hiện ở nước ta và không chỉ ở nước ta. Đó là những hình mẫu kiểu như  “Một anh hùng của thời đại” của Lermontov, kiểu như nhân vật trữ tình trong trường ca “Lá cỏ” của W.Whitman, hay như Grigori của M.Solokhov…vv… Nhưng chờ mãi, đến gần nửa thế kỷ rồi vẫn thấy vắng bóng.
Đúng là còn sơ lược và ít nhiều minh họa nhưng ngay từ ngày đầu giành độc lập, nền văn học của chúng ta đã xuất hiện những nhân vật chính, mang vóc dáng của thời đại mình. Đó là người công nhân trong “Vùng mỏ” của Võ Huy Tâm, người nông dân trong “Con trâu” của Nguyễn Văn Bổng và khá nhiều anh bộ đội, chiến sĩ du kích trong cả văn lẫn thơ. Sau này, đất nước chia cắt, hai miền có hai nhiệm vụ chiến lược, nhưng nói cho cùng là hậu phương và tiền tuyến, là cả nước đồng lòng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Bên cạnh hình ảnh người lính trên chiến trường như trong các tác phẩm “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu, “Hòn đất” của Anh Đức, “Gia đình má Bảy”, “Mẫn và tôi” của Phan Tứ, các tác phẩm của Nguyễn Thi, Nguyễn Quang Sáng và rất nhiều nữa là hình ảnh người nông dân, người công nhân trong công việc chính hàng ngày của họ. Nói đến người chiến sĩ cách mạng, người ta nhớ đến bộ tiểu thuyết “Cửa biển” của Nguyên Hồng, “Vỡ bờ” của Nguyễn Đình Thi. Nói đến nông dân, người ta nhớ đến Nguyễn Kiên, Đào Vũ, Chu Văn. Nói đến công nhân người ta nghĩ đến Huy Phương, Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến. Nói đến bộ đội tham gia xây dựng kinh tế người ta nhớ đến Nguyễn Khải, Lê Lựu…vv…
Ngày nay, khi đọc lại họ, thấy không ít sự ngây thơ. Khi phong trào hợp tác xã đã được mổ xẻ, đâu là ưu điểm, đâu là thiếu sót, khuyết điểm, gò ép, mệnh lệnh, kìm hãm sức lao động, khó mà chấp nhận “Anh Keng” của Nguyễn Kiên hay bộ tiểu thuyết “Cái sân gạch”, “Vụ lúa chiêm” của Đào Vũ. Khi đọc các tác phẩm mô tả cuộc chiến tranh, bên cạnh những mặt rất chân thật về chủ nghĩa anh hùng cách mạng thể hiện qua những nhân vật cô du kích, anh bộ đội, ngày nay không phải ai cũng thỏa mãn vì thấp thoáng trong đó, người ta cũng bắt gặp bóng dáng của cái sơ lược, một chiều. Đó là nhược điểm của một thời. Nhưng sau tất cả những nhược điểm, cái khiến những tác phẩm ấy tồn tại lâu bền tới hôm nay chính bởi nó đã mô tả được cái không khí, sức mạnh của dòng hiện thực lớn, dòng hiện thực chủ lưu, mang vai trò quyết định của một giai đoạn lịch sử với những nhân vật của nó. Thời nô lệ, đó là người chiến sĩ lặn lội trong đêm tối, tìm ánh sáng độc lập cho dân tộc. Thời chiến tranh, đó là những lớp người hy sinh tất cả vì đất nước. Trong lao động hòa bình, đó là những người công nhân, nông dân vắt kiệt mồ hôi, trí tuệ với niềm lạc quan hồn nhiên, ngày thơ nhưng vô cùng trong sáng.
Ngày nay, tất cả họ đều vắng bóng. Thay vào đó, tràn ngập trong văn học là những nhân vật mang mặc cảm cô đơn, sám hối, thất vọng. Họ là những anh hùng của thời trước, giờ đã “ngộ ra” sự thật sau một thời lầm tưởng. Họ – những kẻ  có công  một thời, giờ đã thoái hóa, biến chất, đáng khinh ghét. Bên cạnh họ, là đầy rẫy những nhân vật của thứ văn học mạo danh là văn học của đời thường, lấy sự vụn vặt, nhỏ nhen, bội bạc, lừa đảo làm lẽ sống. Cuộc sống hiện lên nhớp nháp, tối tăm, hôi hám như căn buồng tắm trong một truyện ngắn nọ. Những va đập bi hùng giữa cái thiện và cái ác, cái xấu và cái tốt, cái chân và cái mạo, cái đúng và cái sai… trong cuộc chuyển đổi lớn lao của lịch sử, một cuộc chuyển đổi buộc ta phải nhận thức lại tất cả, đánh giá lại tất cả nếu muốn tồn tại và vượt lên… hầu như mất tăm. Bên ngoài, cuộc đời là một cuộc xung động dữ dội với những tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm như Vinashin, Vinalines; với hàng triệu mét vuông qui hoạch treo, những cuộc thu hồi đất mà như cướp đất, những khoản nợ xấu khổng lồ, những tuần những tháng thị trường bất động sản đóng băng, thị trường vàng và ngoại tệ nhảy múa. Đồng thời, cũng ở ngoài kia, cuộc đời là những bản anh hùng ca chưa từng có: xóa đói giảm nghèo, xuất khẩu gạo và cà phê, xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đường Hồ Chí Minh hiện đại, đường chuyển tải 500KV Bắc – Nam nhánh một và nhánh hai, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc… kể không thể hết.
Có thể nói, chưa bao giờ đề tài, chất liệu viết bộn bề phong phú đến thế. Phê phán cũng được, ngợi ca cũng được, miễn là hay. Sao văn học vẫn im lặng? Có thể nói trừ một vài cái ký, cái truyện ngắn hay tản văn ngắn, văn học nước ta đang vắng những va đập, chấn động từ hiện thực, đang thiếu những tầm nhìn có thể “soi đường cho quốc dân đi” và thật cay đắng là thiếu những tài năng, những tâm hồn khiến chúng ta phải kính nể.
Nguyên liệu thì tươi rói, ngon lành và ngồn ngộn nhưng chờ mãi không thấy một mâm cỗ nào xứng tầm được dọn lên chủ khách đều hể hả. Tại ai? Hay tâm hồn nhà văn không hiểu, không đủ sức tiêu hóa, không đủ sức sáng tạo. Hay còn phải chờ? Văn học như của bắt được, như quà của trời đất, không phải lúc nào cũng được cả, phải biết kiên nhẫn chờ. Nhưng chờ đến bao giờ?

V.D.T

Nguồn: văn nghệ công an

Exit mobile version