Ông Tô Liên thường hay đùa: ”Mọi người trông tôi có khác gì so với Tô Hoài không (quả thực trông ông Tô Liên cũng nhang nhác nhà văn Tô Hoài ở dáng người thâm thấp, đậm đậm và hoi hói)! Nhưng tôi mới là Tô thật (Tô là họ Tô), còn Tô Hoài là Tô gia’ã’ (Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen – CM).
Khoảng những năm cuối tám mươi, đầu chín mươi của thế kỷ XX, trụ sở Hội Văn nghệ Hà Nội ở 19 Hàng Buồm luôn luôn tấp nập người ra vào. Bởi ở đây có các hội: nhà văn, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, nhiếp ảnh, văn nghệ dân gian, mỹ thuật, kiến trúc, Văn phòng Hội và Báo Người Hà Nội. Có một ông già người thấp, đậm, trán hói và bóng thường xuyên đến ngôi nhà 19 Hàng Buồm. Đó là nhà sưu tầm tranh Tô Liên, cũng là người quen thân thiết với nhiều văn nghệ sĩ Thủ đô.
Ông Tô Liên thường hay đùa: ”Mọi người trông tôi có khác gì so với Tô Hoài không (quả thực trông ông Tô Liên cũng nhang nhác nhà văn Tô Hoài ở dáng người thâm thấp, đậm đậm và hoi hói)! Nhưng tôi mới là Tô thật (Tô là họ Tô), còn Tô Hoài là Tô gia’ã’ (Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen – CM).
Tô Hoài nhờ đặt tên chuyên mục
Phải nói ngay rằng người nào được nhà văn lão thành Tô Hoài nhờ việc gì đó, nhất là những việc liên quan đến văn chương, chữ nghĩa, báo chí… thì đó là một vinh hạnh.
Tôi may mắn cũng được một chút vinh hạnh đó (bởi tôi là quân của ông nhiều năm, làm Thư ký tòa soạn Báo Người Hà Nội khi ông là Tổng biên tập). Năm 1995, tôi rời Báo Người Hà Nội sang công tác ở các báo Sài Gòn Giải Phóng, Thể thao Văn hóa Hà Nội; tới giữa năm 2002, tôi lại trở về tiếp tục làm thư ký tòa soạn Người Hà Nội.
Thời gian đó Tổng biên tập, nhà thơ Bế Kiến Quốc mới qua đời; nhà thơ Vũ Xuân Hoát được giao phụ trách báo (chưa được bổ nhiệm phó hay tổng). Tôi bàn cùng nhà thơ Vũ Xuân Hoát và nhà thơ Bằng Việt – Chủ tịch Hội – lúc ấy đang kiêm Chủ nhiệm báo, tìm cách đẩy tờ báo lên. Thâm tâm tôi muốn mời các nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa… tên tuổi viết bài cho báo.
Một lần, gặp bác Tô Hoài ở trụ sở hội 19 Hàng Buồm, tôi đon đả mời bác viết cho báo. Bác cười cười rồi nói sang chuyện khác. Tôi hiểu ý bác chê không viết (mặc dù chính bác Tô Hoài là người khai sinh ra và làm Tổng biên tập đầu tiên của báo).
Thôi đành vậy và chỉ còn cách là quyết tâm nâng cao chất lượng của báo.
Hơn một năm sau, vào khoảng tháng 7 năm 2004, Ban chấp hành Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức họp tại Sầm Sơn; tôi và nhà văn Trần Chiến (Trưởng ban Văn Xã, báo Hà Nội Mới ) được mời tham dự. Trong một buổi tiệc nhà văn Tô Hoài gọi tôi ra góc phòng nói: “Tớ thấy Báo Người Hà Nội dạo này bảnh lắm”.
Tôi mừng quá, bác đã có lời khen anh chị em tòa soạn đã làm tờ báo hay lên, thật là lời khen vô giá của người đã sáng lập ra tờ báo. Nhà văn nói tiếp: “Tớ viết cho báo nhé. Cậu nghĩ cho tớ một chuyên mục. Chuyên mục đại loại như “Chổi tre” ấy (Báo Người Hà Nội lúc này đang có chuyên mục “Chổi tre” được nhiều bạn đọc thích. Chuyên mục này nhà thơ Bằng Việt – Chủ tịch hội Văn nghệ Hà Nội bàn với tôi và ông là người nghĩ ra, giữ chuyên mục thời gian đầu. Hơn nửa năm sau nhà thơ Bằng Việt giao cho tôi viết chuyên mục này).
Thật vô cùng vinh hạnh và sung sướng khi được “cụ” Tô Hoài đồng ý viết. Sau đó tôi rất lo bởi sự tin tưởng của ông. Mất hàng chục ngày loay hoay tìm cách đặt tên chuyên mục, mấy chục tên nghĩ rồi lại xóa vì thấy không ổn. Bỗng một hôm lóe lên cái tên chuyên mục ấy, tôi mừng quá, đúng rồi, ra được chất của cụ Tô Hoài rồi, mà cũng tha hồ báo khai thác mọi góc khuất ở cụ… Tôi gọi điện báo cáo bác cái tên chuyên mục, nhưng vẫn hơi lo, sợ cụ không ưng.
Nghe xong, nhà văn Tô Hoài cười khì khì trong máy: “Thằng này khá, hiểu được ý tớ”. Tên chuyên mục ấy là ” Thủng thẳng chuyện đời”. Suốt hơn hai năm nhà văn Tô Hoài đã viết cho chuyên mục ấy và được nhiều bạn đọc rất thích. Nếu có việc phải đi xa, hoặc bận gì đó, bao giờ nhà văn cũng viết trước có khi tới 3 số cho báo, hoặc báo trước cho chúng tôi chủ động.
Theo Cao Minh (Văn nghệ công an)