Hồi ký của Giang Quân (1927 – 2016) – “Người công dân ưu tú của thủ đô” đó là danh hiệu ông Giang Quân cùng 9 người nữa được Thành phố Hà Nội tuyên dương (2012) năm ông 86 tuổi.

Nhà văn Giang Quân (ảnh Internet)

Xuất thân từ một gia đình có bố là thợ mộc, nên ông cũng biết nghề mộc để giúp đỡ bố. Nhưng ông được học hành cơ bản hơn những người hàng xóm, ông sớm thành một nhà văn ở thị trấn Cẩm Giàng, (sớm viết báo, có kịch thơ in báo, từ khi ông chưa về Hà Nội, biết  tiếng Pháp đủ để đọc sách Pháp, có thể dịch những truyện ngắn cho trẻ em.). Trước khi Hà Nội giải phóng mấy năm ông đã mở hiệu sách Quang Vinh, khi chuyển nhà mới, (1952) ông mở thêm chức năng xuất bản sách: Quốc Việt thư xã ). Khi Cách mạng tháng Tám thành công, gia đình ông ở Cẩm Giàng, ông mới 18 tuổi,  vừa tham gia dậy bình dân học vụ vừa viết báo, gửi các báo ở Hà Nội, đã in thơ, truyện ngắn. Khi Hà nội nổ súng đánh Pháp, bà con Hà Nội phải sơ tán khỏi nội đô thì lính Pháp đã chiếm đóng thị trấn Cẩm Giàng, bắt bớ những kẻ bị chúng tình nghi ủng hộ Kháng chiến. Trong đó có nhà báo Giang Quân mà cả thị trấn lúc đó chưa ai biết là bút danh chàng thanh niên con ông chủ xưởng mộc Nguyễn Hữu Thái. Hóa ra có một kẻ cũng ở Cẩm Giàng tập viết báo, gửi bài cho báo Tia Sáng ở Hà Nội, số Tết tờ báo này vừa in bài của tác giả Giang Quân, nên khi anh ta lên Hà Nội, được tòa soạn hỏi về nhà thơ Giang Quân ở Cẩm Giàng. Anh này cũng ngớ ra, chỉ khi được biết địa chỉ của Giang Quân,  chính là địa chỉ của anh Thái con ông chủ xưởng mộc, anh chàng mới khẳng định hai người này là một.

Vào một buổi chiều, chiếc xe bịt bùng của mật thám Pháp đỗ xịch trước cửa xưởng mộc, hỏi người tên là Thái, và bắt anh lên xe….

Đêm đó, anh được nếm mùi tra điện của mật thám Pháp…

Anh bị giật tung người lên mỗi khi chúng bấm nút điện, đến lần thứ ba thì anh ngất đi…Lần này thì chúng giải anh sang cho tên trùm mật thám Pháp, mà anh vẫn nghe đồn về những đòn tra tấn rất thâm độc của hắn. Nhưng may, khi hắn dùng con béc-giê để tra hỏi một cô gái trước anh, thì anh đã nắm được đặc điểm của thằng cha này. Nó rất nể người có học, giỏi tiếng Pháp, nên khi hỏi cô gái đến lần thứ ba, con béc giê sắp tuân thủ một lệnh mới của chủ thì cô gái sợ hãi thét lên bằng tiếng Pháp:    “ Nước Pháp tự do, bình đẳng, bác ái, không cho ông làm nhục phụ nữ như vậy! “

Tên trùm mật thám Pháp bị bất ngờ về phản ứng của cô gái, ăn mặc như gái nông thôn mà tiếng Pháp lại thông thạo như vậy. Nó lệnh cho hai gã người Việt mang cô gái đi. Tên này gọi tiếp anh lên: Hắn đi thẳng vào câu hỏi chính bằng tiếng Pháp. Anh cũng trả lời ngay bằng tiếng Pháp. Hỏi: Có phải kịch bản Hờn Sông Gianh in báo Tết Tia Sáng vùa rồi của ông không ? Anh nhận ngay.. .Hắn gật  đầu, hỏi tiếp: Ông định tuyên truyền gì cho Việt Minh? Anh trả lời: Tôi chỉ nói lên lòng yêu nước của con người, không ám chỉ ai. Đó là câu chuyện lịch sử đã mấy trăm năm!…(Anh chưa biết rằng lúc đó, tên mật thám Pháp đã nhận được lời đề nghị tha thiết kèm theo món quà hậu hĩ của bà vợ ông phó chủ tịch tỉnh, bà bạn của vợ anh vận động để làm nhẹ tội cho anh, nếu anh có tội, và bà xác nhận gia đình anh là một gia đình lao động nền nếp từ xưa. Và bà cam đoan từ sau Cách mạng tháng Tám, anh Thái chỉ tham gia phong trào xóa nạn mù chữ của thị trấn, chưa làm gì khác cho chính quyền Cách mạng. Tên trùm mật thám xét thấy lời tố cáo của kẻ xấu kia không có cơ sở để bắt tội anh. Viết bài in ở một tờ báo công khai ở Hà Nội chưa thể kết án, nếu có tội, tội án lại thuộc về Sở mật thám Hà Nội xử lý. Hắn chỉ nhân có sự tố cáo của kẻ xấu để tra hỏi xem đằng sau vở kịch yêu nước kia, hắn còn có thể viết bài gì khác với dụng ý khác,  hắn sẽ cho giải lên Sở mật thám Hà Nội tâng công với quan thày. Nhưng nay đã biết kẻ viết bài này là người có học, có thể kiện lại hắn, khi tội danh chưa đủ để giải về Hà Nội. Gã còn là con nhà khá giả, có được khoản tiền chạy chọt để hắn được tha, lại có người quen là vợ viên phó chủ tịch tỉnh. Tha hắn, nhưng vẫn trong vòng cương tỏa của chúng thì cũng có phen được lợi như nuôi con gia súc trong nhà, hắn mà lộ ra một tội danh khác, đem truy tố hợp lý chắc món quà chạy tội lúc ấy sẽ nặng ký hơn vụ này…Hắn đành tha anh, với lời dọa dẫm không nên viết những bài có ngụ ý xấu như vậy.

Biết được chính xác kẻ đã tố cáo anh. Chỉ vì ghen ăn tức ở mà một kẻ tiểu nhân có thể sát hại một con người bằng thủ đoạn ấy. Anh thấy cái thị trấn nhỏ bé này không thể là đất cho mình dung thân nữa, anh lại nhờ vợ nhân chuyện này, đem quà cáp đến biếu ông phó chủ tịch tỉnh, xin ông tờ giấy giới thiệu cho chuyển cư về nội thành Hà Nội, khi biết tên mật thám Pháp vẫn cho người giám sát anh…

Ông Giang Quân manh nha làm xuất bản từ năm 1950, khi hiệu sách Quang Vinh của ông dọn về 159 Khâm Thiên. Lúc đầu chỉ là in sách của mình viết. Tập đầu tiên là Lời chim non là tập thơ viết cho các em trong loại sách Ánh nắng hồng do hiệu sách của ông phát hành. Sách in ra cũng bán được, đủ làm vốn in tập tiếp theo là Cẩm nang công thức toán tiểu học rồi gần chục cuốn ông viết dựa theo Ăng-đéc-xen, truyện dân gian Pháp và cổ tích Việt Nam, Trung Hoa. Ngoài ra ông còn có 12 vở kịch thơ lịch sử một màn,  đăng tải trên các số báo Tết và được sự công diễn của học sinh các trường, đầu tiên là các trường trung học ở Hà Nội. Khi báo chí Hà Nội và xuất bản phẩm được phát hành rộng khắp các thành phố tạm chiếm thì mặc nhiên, Giang Quân đã có chỗ đứng trong giới nhà văn, báo chí và nghệ thuật sân khấu không chỉ ở Hà Nội, mà kịch bản còn được xử dụng cả ở một số nơi xa trong và ngoài nước, nơi có cộng đồng người Việt…Khi Bảo Đại được chính phủ bù nhìn của Pháp mời về nước để lập chính phủ mới thì các đảng phái  đầu cơ chính trị từng nhóm ra báo, tuyên bố quan điểm của đảng mình, của báo mình, thì tuyên ngôn của báo ấy tha hồ lạm dụng hai chữ yêu nước. Lúc báo chí được xuất bản tự do như vậy (lên tới gần 70 tờ báo). thì lại có sự khủng hoảng về thiếu bài vở. Tờ báo tuyên bố quan điểm chính trị của mình thì chỉ cần một hai trang đầu, nhờ được một hai nhà báo hoặc nhân sĩ có chút tiếng tăm, đứng ra tuyên bố. Ra báo là phải có người đọc, vậy những trang ruột của nó phải đáp ứng được nhu cầu của độc giả nhiều mặt. Ông Giang Quân là người thích viết kịch thơ, cũng không hẳn vì ông thích thể loại này. Mà vì kịch thơ lịch sử là nơi dễ gửi gắm lòng mình vào những hòan cảnh tương tự: Lòng yêu nước trong hoàn cảnh đất nước bị giặc ngoại xâm…Rồi khi trong nước đang nội chiến giữa các dòng họ, thì giặc ngoài kéo quân vào xâm phạm dưới danh nghĩa phục hồi triều đại cũ, chẳng hạn…

Ngày 10 tháng Mười 1954, Ngày vui lớn của người Hà Nội đã đến!  Người dân Hà Nội ở lại chờ những người thân của mình từ kháng chiến trở về, tính từng ngày, từng giờ gặp gỡ, hân hoan đón người thân…

Trong khi đó, thì một trật tự xã hội khác của Hà Nội cũng đang phải xếp sắp lại. Trên mặt tờ báo Thời Mới (vốn là tờ Tia Sáng cũ), có mấy dòng tin nhắn:  “ Lương Danh Hiền cần gặp bạn Giang Quân vẫn có thơ và kịch thơ đăng trên Tia Sáng, đến trụ sở Thành Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội, hỏi Lê Tám”  Tới  lúc gặp Lê Tám, Giang Quân mới vỡ lẽ: Mình đã được anh chọn từ khi Thủ Đô chưa giải phóng…như chọn một hạt giống đã sẵn sàng cho việc gieo trồng. Ông Lê Tám (tức Lương Danh Hiền hôm nay mới xuất hiện bút danh này) là phó bí thư Thành Đoàn gặp ông Giang Quân mời ông tham gia Ban vận động thành lập Mặt trận thanh niên thống nhất của Thành phố và của Trung ương với tư cách là đại biểu thanh niên văn nghệ Hà Nội.

Và từ đó, trong khoảng hơn mười năm, lần đầu tiên Giang Quân được sống như một thanh niên sôi nổi (cái thời ông tham gia Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên Hà Nội ba khóa liền từ 4 -1957 đến tháng 6 – 1968). Tôi tính ra là từ năm 30 tuổi đến năm 41 tuổi, mới thực là chuỗi ngày sinh hoạt tuổi trẻ của ông. Vì trước đó ông chỉ là một ông chủ hiệu sách kiêm nhà xuất bản, chưa đến tuổi 30. Ai cũng nghĩ trong 11 năm đó (tháng 4- 1957- 6-1968), ông chỉ làm những chức trách do Ban Chấp hành Hội LHTN HN giao cho cũng đủ tiêu hết khoảng thời gian mà ông  đụng vào lãnh vực nào cũng là việc làm mới mẻ, Hà Nội chưa có tiền lệ. Ông đành phải vắt óc ra, hình dung sẽ làm điều này điều nọ. Thí dụ tổ chức một đội văn nghệ thanh niên đi phục vụ (thăm hỏi, động viên) những công trình thủy lợi ở các huyện ngoại thành chẳng hạn. Tổ chức những đoàn đại biểu thanh niên Hà nội đi thăm những di tích Cách mạng trên chiến khu Việt Bắc…Những ngày kỷ niệm lịch sử nên tổ chức  những gì ở các quận trong thành phố, những nhà văn hóa Huyện ngoại thành…

Nhưng ông đâu chỉ có công việc của đoàn thể. Ông còn là một chuyên viên kinh doanh sách giỏi nghề. Tổng Công ty phát hành sách đã   nhờ được ông đứng ra xếp sắp lại các loại sách, truyền thụ lại một số kinh nghiệm ông đã làm trong Hà nội. Chỉ trong thời gian đầu giúp các nhân viên nhà sách ở chiến khu về, ông mới thấy nghiệp vụ của họ thật đơn giản khi còn ở vùng tự do, ở chiến khu. Cũng bởi trên thực tế, số sách in ra không nhiều, gần chục năm xuất bản, số tên sách mang về Hà Nội có lẽ chỉ trên dưới 100 cuốn. Số sách này được hòa nhập vói số sách được chọn lại trong Hà Nội tạm chiếm, nhiều cuốn còn có ích, còn dùng để tham khảo được.

Nhưng sau thời gian truyền đạt lại kinh nghiệm về phát hành  sách, giúp phát hành sách một số buổi nói chuyện về những cuốn cần tuyên truyền rộng, như Những lá thư từ tuyến đầu Tổ quốc, Sống như anh…ông nhờ Lê Tám nói chuyện với Giám đốc Sở Nguyễn Bắc cho ông chuyển về tổ sáng tác Nhà nghệ thuật quần chúng, Đó là nguyện vọng cao nhất của ông, là sở trường mà không phải bất cứ ai cứ được hướng dẫn, là sáng tác được. Tổ sáng tác khi hợp nhất hai Sở thành Sở Văn hóa – Thông tin đã tập hợp những văn nghệ sĩ thành một lực lượng đáng kể: Huyền Tâm làm tổ trưởng, mà tổ viên lại là Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Nguyễn Dậu, Hồ Minh Hà, nay thêm Giang Quân. Đó là những nhà văn có tác phẩm ở trình độ chuyên nghiệp, nhưng khi cần diễn giả nói trước công chúng thì Giang Quân lại là người số 1. Có thể nói: liên tục trong khoảng 20 năm đào tạo cán bộ văn hóa cơ sở, ngừơi chủ chốt của hệ thông tin văn hóa cơ sở vẫn là ông Giang Quân, đào tạo người truyền đạt các nội dung cần tuyên truyền xuống các huyện, xã cũng là ông. Ngoài ra ông còn giúp Tổ sáng tác viết những bài báo cho tờ Tiếng hát quê ta, biên tập bài cho các cộng tác viên cơ sở gửi về, mở những lớp đào tạo cộng tác viên ở các huyện, xã. Nhiều người viết ở cơ sở đã dần trưởng thành, thành những cộng tác viên quen tên với tờ Tiếng hát quê ta của Sở Văn Hóa Thông tin Hà Nội.

Vậy là khoảng hơn mười năm đầu sau ngày Hà Nội Giải phóng, ông làm cả hai công việc: Vừa là cán bộ, tư vấn cho Tổng Công ty Phát    hành sách Nhân Dân vừa là cán bộ văn nghệ của Hội Liên hiệp Thanh niên, suốt ba khóa liền.

Ở hai công việc trên, ông đều được sự giúp đỡ bởi một diễn giả       ngang tuổi ông, nhưng mới xuất hiện trên các diễn đàn của thanh niên đã được công chúng mến mộ, bởi những bài nói của ông lúc nào cũng như có lửa. Nội dung câu chuyện thì xúc tích, nhiều lượng thông tin mới lạ. Đó là nhà thơ Lê Tám, phó bí thư Thành đoàn Thanh niên, đã “chấm” người sẽ cộng tác với ông ngay từ trong Hà Nội tạm chiếm. Chỉ đến khi Giang Quân có đất dụng võ (tổ chức Hội Liên hiệp thanh niên Hà Nội ), ông mới làm quen, giao nhiệm vụ và qua trao đổi, rút kinh nghiệm, hai ông đã từng bước bổ xung, rèn giũa cho nhau để những bài thuyết trình ngày càng sinh động, hấp dẫn…trong giới thanh niên thủ đô.

Người tiếp sau sự kết bạn, gọi bạn của hai ông, tôi không ngờ lại là tôi, một anh chàng trẻ hơn hai ông đến 7,8 tuổi. Một hôm tôi được ông  Giang Quân gọi điện hẹn sáng chủ nhật tới, ông muốn gặp tôi bàn xuất bản một cuốn sách. Tôi đoán là một tập thơ in chung nhiều tác giả, như ông vẫn thường làm. Tôi đến anh khá sớm, đã thấy anh Lê Tám ngồi đó. Hóa ra tôi chỉ đoán đúng một nửa: Các anh muốn xuất bản tập thơ, chỉ   cần in chung 3 tác giả, đó là tập thơ chỉ một đề tài: Tình yêu! Tôi ngẩn người về chủ đề của tập thơ, lại là của hai nhà thơ cứng tuổi, con cái đầy nhà: Anh Giang Quân đã 4 mặt con, anh Lê Tám hỏi ra cũng đã 2 con. Hai anh lại là hai cán bộ lãnh đạo giới thanh niên. Anh Lê Tám cởi gỡ thắc mắc cho tôi: Anh Vân Long ạ! Cánh trẻ hỏi tôi rất nhiều ý kiến về thơ tình trong xã hội ta: Trong số những tập thơ in ở kháng chiến chuyển về thành, không thấy một tập thơ in riêng nào viết về tình yêu. Có phải đó là chủ trương xã hội ta không khuyến khích thơ tình yêu? Hai chúng tôi bàn nhau: Nên in một tập thơ tình do các nhà thơ  ngay trong tổ chức của Thanh Niên Hà Nội sáng tác.Thời điểm đó, 1956, vụ Nhân văn Giai phẩm đang nóng hổi, tôi hơi ngạc nhiên là lại chính anh Lê Tám đề xuất…Cái lo về ảnh hưởng NVGP không còn là mối lo nữa, bản thân hai anh đã là bộ lọc đáng tin cậy, là hai lá chắn bảo đảm! Tên tập thơ, tôi cũng không bàn thêm gì nữa, hai anh đã chọn cái tên Đường vào tim! Năm đó, chưa có luật xuất bản mới, đành cứ thực hiện như vẫn làm xưa nay. Trước đó, thường các hiệu sách lớn, thuế má cho nhà nước đầy đủ mới đủ điều kiện cho xuất bản sách. Trong khi ông Quốc Việt thư xã (Giang Quân) hiện đang được Tổng Công ty phát hành sách cưng chiều, trong Hà Nội tạm chiếm, từng nhiều năm Quốc Việt thư xã cho xuất bản hàng chục đầu sách đứng đắn, phần lớn là truyện dịch hay cho thiếu nhi hoặc phóng tác theo những truyện ngắn nổi tiếng thế giới như của Ăng-đéc-xen, sở dĩ phải Việt hóa từng đoạn vì các trẻ em ở VN chưa hiểu hoàn cảnh, xã hội phương Tây…Quốc Việt thư xã không chạy theo lợi nhuận như một số nhà xuất bản khác in truyện trinh thám, kiếm hiệp… để tăng doanh thu.

Đường vào tim nhanh chóng được xuất bản, vào giữa năm 1957 có lẽ vì hai ông anh kia chỉ cần nhặt ra trong sổ tay những bài làm riêng cho mình từ hàng chục năm nay. Còn tôi thì chưa có “thâm niên” loại thơ này, nên phải vắt óc  ra một số bài mới, để khỏi lạc điệu với bạn đọc hôm nay, nhưng cũng là dịp để mở được trái tim mình ra với các bạn cùng lứa tuổi đang yêu. Tập thơ in ra, có dư luận bạn đọc khá nhanh, vì đáp ứng đúng sự mong mỏi của giới trẻ, như đang giữa đường khát nước mà được mời uống cốc nước mưa. Nhưng đọc xong tập thơ, có nhiều ý kiến rất khác nhau: đọc xong, họ liên hệ ngay đến thơ tình của Xuân Diệu, của Nguyễn Bính thời trước, các ông ấy khi làm thơ tình yêu, trước mặt chỉ có một người con gái. Còn bây giờ, thơ tình yêu vẫn phải gắn với nghĩa vụ, gắn với hoàn cảnh xã hội, dễ làm nản lòng người đọc…Vả lại hai nhà tuyên huấn “đương đại” của giới trẻ chả lẽ lại chịu in những điều…khác với niềm tin của hai ông? Tôi cũng thấy điều đó khi lần đầu đọc bản thảo, hai ông cho tôi xem, tôi cũng nói điều ấy, nhưng bằng một cách nói “nhẹ nhàng” hơn nhiều, và đề nghị hai ông anh giảm lời thơ nói về xã hội, so sánh tình yêu trong xã hội cũ và mới, để giảm bớt giọng thơ tuyên truyền kể khổ…Những gì tôi góp ý với hai ông anh, tôi lại tự nguyện soi lại vào thơ tôi, quả là mình cũng mắc cái bệnh kể khổ và tụng ca như những bài đề tài khác… Tôi về góc riêng của mình, và “xóa sổ” ít ra là một phần ba số bài số chữ mang căn bệnh ấy, rồi mới dám “nộp quyển” cho hai đàn anh. Âu cũng là dịp thử sức với chùm thơ lần đầu được in, lại là thơ tình, tung ra để đón nhận hồi âm của các bạn đọc trẻ…Tôi mong mọi người đọc rồi quên đi hộ cho nhanh. Tôi đang trên đường “cao tốc” thơ, đó chưa phải là điểm dừng cần ghi nhớ của tôi…

(Thế mà sau đó 38 năm, năm 1995. Tình cờ tôi vớ được tờ tạp chí    Thế giới trong ta ở nhà một bạn thơ, bạn cũng đang loay hoay định bình bài thơ tòa soạn đưa ra, góp mặt với mấy bạn nhà giáo, vì đã sắp hết thời hạn hai năm bình bài thơ đó. Tôi ngó qua bài thơ, thấy quen quen, nhan đề bài thơ là Không đề, tác giả là…không tác giả. Thơ 5 chữ, 4 câu: “Gần nhau non buổi chiều / Ngẩn ngơ tròn buổi tối/ Đường về quên mất lối / Rẽ lầm tới…nhà em”

Tôi không nhận ra ngay là thơ của tôi, vì có hai chữ in sai, sau phải lục từ đáy tủ sách, mới tìm ra Đường vào tim (bản gốc). Nhưng sao bài thơ đưa ra bình lại đề Không tác giả?  Tôi tìm đến tòa soạn tạp chí TGTT, chưa nghĩ xem mình có bạn thơ, bạn báo nào làm ở tạp chí đó không, thì vừa hay gặp nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đang ngồi trò truyện với một nhà báo ở phòng Phó tổng biên tập Đ.K.V. Anh Vợi biết tôi chưa quen anh Đ.K.V. đã giới thiệu chúng tôi với nhau. Biết mục đích tôi đến để hỏi xem anh có dụng ý gì không khi dấu tên tác giả đi hay anh chưa biết tác giả bài thơ đó thật? Anh Đ.K.V. trình bầy tôi mới rõ: Hồi anh còn là sinh viên, anh hay chép những bài thơ hay, những câu thơ hay vào sổ tay. Nay cần lẩy ra một bài hoặc mấy câu thơ hay anh cứ lấy ra làm đề thi. Nếu không rõ tác giả là ai thì cũng coi như một ẩn số, khi kết thúc cuộc thi bình thơ, nêu câu hỏi, công bố sau đó cũng không muộn. Nguyễn Bùi Vợi người có nhiều sáng kiến, góp lời:”Câu chuyện hay đấy! Trong đầu mình đã nẩy ra một số điều!”   Quả nhiên, số báo sau, tổng kết cuộc thi, Nguyễn Bùi Vợi có bài viết Nhà thơ và đứa con…thơ lưu lạc.Ông nói hộ tòa soạn, từ chỗ bị động không biết tác giả là ai, trở thành chủ động. Chưa công bố tên tác giả là để lập lại sự công bằng cho người được bình. Ông an ủi tác giả bằng câu: “Thơ, người ta nhớ mà tác giả người ta quên” Thế là bài thơ bốn câu của tác giả đã tồn tại “như …ánh trăng, như khí trời”. Vốn hay đi nói chuyện thơ, anh có rất nhiều dẫn chứng: Nhà thơ Tế Hanh một lần đến Nghi Xuân (Hà Tĩnh) “hỏi thăm quê cụ Nguyễn Du, nhiều người nông dân không biết cụ Nguyễn Du là ai, nhưng khi Tế Hanh hỏi: cái người viết Trăm năm trong cõi người ta thì họ đua nhau chỉ: “Nhà thờ họ tê tề!” )

Ông Giang Quân dành hẳn chương 13 cho Nghề văn – nghiệp báo

Ông mở đầu chương bằng những dòng rất chân thực, nói về sự quyến rũ, đeo bám của nghề đó, nghiệp đó đã 65 năm cầm bút.

Khi tâm hồn đã bị con nhện ấy giăng tơ, khó mà thoát ra được. Bởi vậy đành phải vinh nhục sống thác với nghề. Có điều mình bị các mối quan hệ hữu cơ của yêu cầu phục vụ do cơ quan đề ra mà không thể không làm theo, nên đã pha vỡ tính chuyên nghiệp, và đưa mình thành con “dao pha”, viết được nhiều thể loại, làm được nhiều bộ môn, nhưng chẳng thứ nào giỏi, chỉ thường thường bậc trung. Có nhà báo đã đặt câu hỏi: Bây giờ biết gọi ông là gì? Nhà văn, nhà báo, nhà biên tập, biên kịch, biên khảo, nhà văn hóa dân gian, nhà tuyên truyền cổ động, nhà tổ chức biểu diễn, nhà xuất bản phát hành sách…

Kể lể như vậy để thấy, tôi không thể vượt lên cao được trên lĩnh vực nào là bởi yêu cầu của công việc. Ngay cả khi đã về hưu, tôi       vẫn viết khỏe, viết khỏe hơn cả những ngày tôi còn tại chức. Trong số cán bộ Sở Văn hóa Thông tin đã nghỉ hưu, có lẽ chỉ duy nhất mình tôi vẫn cộng tác với Sở sau gần 15 năm cầm sổ.

Giai đoạn 15 năm cuối đời này, thì tôi biết rõ anh hơn những giai đoạn trước, bởi anh không phải tổ chức những cuộc họp, những hội diễn, những bài báo theo kế hoạch, theo chức năng anh đã đảm nhận, mà tính     cách anh tôi rất biết: Đã nhận là phải làm thật chu đáo, phải giầu sáng tạo. Đào tạo cán bộ cơ sở, mở lớp sáng tác cho huyện, xã cũng vậy, anh hết lòng, hết sức khiến nhiều đệ tử của anh trưởng thành, rồi được kết nạp Hội nhà văn VN không ít. Giai đoạn 15 năm cuối, anh khỏi phải đi cơ sở, lại khỏi phải tổ chức những hội hè đình đám, những lớp đào tạo ngắn ngày. Là người ham công tiếc việc, nay ngồi một chỗ, ông cũng hay được mời  tham gia các công trình nghiên cứu, nhất là khi được đặt hàng những loại sách nghiên cứu về Hà Nội. Đọc những dòng ông tự bạch, ta thấy ông rất tự biết mình: ở vào hoàn cảnh phải đa năng, ông đã gắng để đáp ứng: tổ chức được một đội văn nghệ xuống phục vụ cơ sở,  chọn lựa mỗi đoàn vài ca sĩ, nhạc sĩ…nhưng giọng ca vàng cũng phải hát những bài ca có nội dung sát với hoàn cảnh, nơi đất đồng lam lũ.  ông phải đặt lời cho diễn viên chèo, đặt điệu hát văn cho cô Bạch Phượng…ở các đoàn văn công chuyên nghiệp về giúp, ông nói đùa: mình phải tham gia đủ thập bát ban võ nghệ…

Người tài hoa như vậy mà không thể chuyên sâu một loại hình văn nghệ nào, bởi thời gian cứ bị xé nhỏ ra làm nhiều mảnh. Nay về hưu, lại được ngồi tĩnh tọa nghiên cứu sâu các vấn đề của Hà Nội, còn gì bằng!

Sự nghiệp để đời của ông hóa ra lại là các công trình nghiên cứu về văn hoá, lịch sử Hà Nội: Thủ đô Hà Nội 1984, 2000,Hà Nội phố phường in và tái bản có bổ sung 1999, 2003, Dấu tích kinh thành ((1987-2004), Thăng Long Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ. Ký sự, địa chỉ Hà Nội,1994. Và cùng cộng tác với gần 100 công trình nghiên cứu với nhiều tác giả khác: Hà Nội xưa và nay, Tìm trong di sản văn hóa Thăng Long…Sự cần mẫn kiên trì của ông còn thể hiện trên bộ sách Những bông hoa đẹp , ông chăm nom suốt 18 năm liên tục, Giang Quân thật xứng đáng khi tên ông được xếp trong danh sách 10 công dân ưu tú của Hà Nội (năm 2011)

Giang Quân là một nghệ sĩ đa tài, đa năng, nhưng hoàn cảnh sống và tính cách ông không để cho ông chăm sóc riêng một khả năng nào,  không thể đẩy một chuyên ngành nào của ông lên đến đỉnh. Về văn học,    thơ ông thiên về hướng ca dao, những bài ca dao rất trữ tình, bay bướm. Về báo chí, tản văn, văn ông rất sạch, ít lỗi. Ông vẽ cũng giỏi lắm chứ! Nhưng chỉ để ông tự trình bày những cuốn sách cho ông. Đặt lời ca cho những điệu hát văn dù làm nhanh theo yêu cầu, cũng không cho ta cảm giác ăn xổi chữ nghĩa…

Nhược điểm của ông tôi thấy nằm ngay trong ưu điểm: Đó là tinh thần trách nhiệm của ông rất cao. Ông biết điều đó, nhưng không thể thay đổi được. Thay đổi một lời hứa hẹn là thay đổi cả nhân cách người đó. Đã được phân công làm việc gì, ông phải làm bằng được !  Tôi quen ông đã lâu, nhưng chỉ khi ông nằm xuống. Tôi mới phát hiện ra  điều này!  Tôi là chú em út của các nhà thơ trẻ thời ấy, (năm 1954, tôi mới 20 tuổi) coi ông Giang Quân như người anh cả của tôi, trước hết là về nhân cách!

 

Nguồn Vanvn