Sống, nghĩa là hiểu một cái gì đó trong mối quan hệ với con người, nhưng để đi đến hệ quả của sự hiểu, con người cần biết và nhận diện/ nhận định về thế giới quanh nó.
Mọi sự hiểu đều bắt nguồn từ cái căn bản là nhận diện về thế giới và hiện tượng xung quanh, mà nói rất đúng như Nguyễn Văn Trung là: “Triết lý là một nỗ lực nhận thức về cuộc đời. Nhưng bởi cuộc đời là một thực tại vô cùng phong phú, sống động và con người luôn luôn phải sống ở vị trí nhất định mà nhìn cuộc đời cho nên ý hướng nhận thức của người bao giờ cũng chỉ lãnh hội được một vài khía cạnh trong muôn ngàn cuộc đời đó… Trong viễn tượng đó, không nên đưa ra những phán đoán thanh toán vấn đề, chấm dứt cuộc tìm hiểu, nhưng chỉ nên có những “Nhận định”, nhận những ý kiến đề nghị trao đổi, đối thoại với những bạn đường khác cũng đang đi tìm một mình”([1]), do đó, từ Nhật ký nhân viên văn phòng của Phong Điệp, tôi muốn chỉ ra những phác thảo nhận diện mà tác giả ẩn dụ trong văn bản, nhằm hướng đến “những bạn đường khác” cũng đang tìm kiếm hoặc trên đường tìm kiếm những ý nghĩa mà văn bản vẫy gọi.
Tuy nhiên, nhận diện luôn có tính chất bẩn ổn về nghĩa của nó, vì nó không nhằm đưa đến kết quả mà chỉ tạo ra những cơ sở ban đầu, mở ra một sự đối thoại khách quan, còn để đi đến kết quả của chân lý, nó đòi hỏi cần có nhiều nhận diện/ nhận định khác từ những trí tuệ sắc sảo, đủ mạnh để đi đến thống nhất về cách hiểu. Vì vậy, mọi sự đọc mà chúng ta, trong vai trò cá nhân tri thức cho là đúng cũng bao hàm trong nó ý nghĩa khách quan trong cái nhìn của chủ thể khác về sự nghi hoặc cho việc đọc sai. Do đó, đọc văn bản, mà đúng ra là việc nhận diện văn bản của bạn đọc không bao giờ là chân lí phổ quát, mà chân lý ấy thuộc về từng cá nhân với những cách quan niệm, và kinh nghiệm mỹ cảm riêng biệt, độc lập. Cho nên, cách tốt nhất để đọc không sai về văn bản là chúng ta sáng tạo tiếp văn bản ấy với một tinh thần mới dựa trên những gợi mở mà tác giả của nó đã đặt để từ lúc nó “cất tiếng khóc chào đời” đầy mơ hồ trong thế giới này.
Thời gian dưới cái nhìn của triết lý hiện đại, kể từ Heidegger trở đi đã không còn mang ý nghĩa vật lý quy định sự vận động của con người với thế giới hiện tượng, mà nó thực sự đã trở thành hoạt năng tâm lý, hay còn gọi là siêu hình học hậu Husserl và Heidegger ([2]) mà nói như Gadamer thì nó đã trở thành siêu hình học cá nhân tính. Vì lẽ đó, thời gian được đồng quy vào thời điểm chủ thể sáng tạo tư duy về thế giới xung quanh.
Xem xét bản chất của thời gian không thể cắt rời ý nghĩa của nó ra khỏi thời điểm ngôn ngữ văn bản được hình thành nhằm phân kỳ thời gian theo các giai đoạn vật lý: quá khứ – hiện tại – tương lai, mà cần thiết được xem như là quá trình tác giả của văn bản suy tư ([3]) và chuyển tải thông điệp bằng ngôn ngữ. Và chỉ bằng việc truy cứu (investigation) nghiêm túc ở nơi khởi nguyên hình thành thế giới hiện tượng là ngôn ngữ, chúng ta mới tìm ra ý nghĩa sự chuyển dịch tâm lý của nhà văn, mà đã có chuyển dịch thì có nghĩa đã có sự thay đổi ý nghĩa truyền thông của văn bản tới bạn đọc, là sự xuất hiện của tính thời gian. Sự dịch chuyển có tính thời gian ấy, kéo theo sự thay đổi bất chợt, trực giác, hay cố ý trầm tư của chủ thể sáng tạo. Và cũng chỉ có cách xác định bản chất của thời gian qua ngôn ngữ thì chúng ta mới thu gọn được giới hạn của sự đọc sai.
“Bức chân dung duy nhất” hay là tính chất tự quy tâm lý vào bản chất thời gian của chủ thể sáng tạo?
Lan cứ thế lớn lên trong cái bóng còm cõi như đang ì người gánh vác những định kiến của cuộc đời. Cái “con cá thối” ([4]), là “nghiệp chướng của cha mẹ” ([5]) kia đã bước ra thế giới của những con người xa lạ như thế. Cô cứ lớn dần trọng sự xa lánh, hắt hủi và buồn chán của thế giới. Từ hình hài của “thiên thần sám hồi” với những dị hình mà cuộc sống dường như đã dự báo và in hằn ý niệm thời gian ngay từ khởi thủy của sự sống trong cuộc đời cô. Thời gian như ý niệm khổ đau mà cuộc đời như đã tiên liệu trước cho sự sống mới bắt đầu, cô đã ra đời ngay trên cái chết, khi người mẹ ấy đã để lại cho cô sự bất hạnh như là “gia tài hồi môn”. Và rồi, cô chỉ còn hiện hữu trong cuộc đời qua những giấc mơ về một cô bé mà thời gian đã ngưng đọng ở trạng thái, hình hài của đứa trẻ mãi không lớn, dù rằng quanh cô, mọi thứ đều vận động theo quy luật tồn tại.
Câu chuyện kết thúc ở những khúc đoạn mơ về của người kể, như ám ảnh tâm lý về sự hiện diện của kiểu kết thúc mở. Cái giấc mơ mà Lan trở về trong hình hài đứa trẻ ấy đã vượt thoát khuôn khổ thời gian của truyện kể, nó hướng trọng tâm vào việc đã có sự soi chiếu và tác động của thời gian nơi chủ thể sáng tạo tư duy và thời gian nơi nhân vật bắt đầu mở hướng tư duy đến bạn đọc. Nói rõ ra, khoảng thời gian nơi chủ thể sáng tạo bắt đầu hành động kể đã đồng quy làm một với thời gian mà bạn đọc mường tượng tới kết thúc mở trong tâm thức đọc của mình. Câu chuyện chỉ dừng lại ở thời điểm mà “có một điều rất đỗi kỳ lạ là, trong những giấc mơ ấy, Lan luôn hiển hiện trong hình hài của một đứa trẻ xinh đẹp, cô kiên nhẫn im lặng, hai mắt mở to ráo hoảnh, le lói những vệt buồn thăm thẳm. Những người đi qua cô cứ lớn phổng lên một cách lạ lùng. Còn Lan? Bao nhiêu năm đã qua rồi mà Lan ơi, sao em vẫn không chịu lớn, dù là trong giấc mơ” ([6]) như sự chấm dứt một hành trình nhận thức, cuộc đời Lan trong quá khứ đã ngưng lại trước bóng thiên thần của cô hiện về trong giấc mơ.
Giờ đây, cô không còn trong tâm lý ám ảnh về hiện tượng của người kể, mà là người đang tự kể chính mình. Cô kể trong sự im lặng của ngôn ngữ. Cái tiền đề về sự hiện diện của cuộc sống tẻ nhạt trước đó giống như trạng thái tiền ngôn ngữ của nhân vật. Trước đó, dường như cô chỉ là cái bóng lùi lũi với “gương mặt cúi gằm” trong “chiếc ảnh thờ” chịu sự tác động và dẫn dụ theo lối kể của người viết. Cô tồn tại mà như không tồn tại, cô im lặng như khoảng không cái chết đã gieo sẵn trên đầu. Cô bị người kể chuyện (narrator) dẫn dắt qua những chặng đường tiểu sử như cách mà một người làm biên niên sử ghi lại tỉ mẩn từng khoảng khắc hiện hữu sự kiện. Sự phản kháng, thái độ tâm tình, đời sống tâm lý, cảm xúc, với Lan xuất hiện trước khi cái chết xảy đến vốn mờ mịt, và dường như cô không còn tồn tại như một con người đích thực: biết phản kháng trước sự khinh miệt của người đời, biết tủi thân và lạc lõng trước những con người hờ hững lướt nhanh qua mặt. Cô đang sống mà như thể bị lưu vong về tinh thần ở chốn nào. Cuộc sống với cô trong khoảng thời gian trần thuật chỉ vỏn vẹn chưa đầy 6 trang sách ấy chẳng có gì biểu hiện cá tính, cũng như suy tư của một con người đang tồn tại. Chỉ duy, đến khi sự chết xảy đến, cái tiền ngôn ngữ của cuộc đời cô khép lại, để mở ra một kiếp mới, cái kiếp mà cô được sống là mình trong những giấc mơ mà cô dường như đóng vai trò là người ghi chép lại quá trình thay đổi từ phía những con người lạnh lùng đi qua trước mắt, thì khi ấy, cô mới thực sự có được ý nghĩa hiện sinh của mình. Nói như vậy có phần phi lý. Vì chẳng thể có ý nghĩa hiện sinh nào diễn ra trong giấc mơ và sau cái chết. Nhưng sao nó lại hiện hữu ở đây?
Phải chăng sống nghĩa là đang chết? Cứu cánh nào cho những thiên thần trên mặt đất? Ý nghĩa đích thực của sự sống phải chăng chỉ có được khi thời gian quy về độ không của cái chết, của những giấc mơ? Cuộc đời của Lan trước đó chỉ là giấc mộng thoáng qua, lãnh đạm và vô cảm dưới mắt người đời. Cô bước qua cuộc đời nhẹ nhàng như việc người ta có thể phá vỡ giấc mơ chỉ bởi một âm thanh nhỏ. Cô không thể và không bao giờ là một thiên thần bé nhỏ trong mắt những con người mà lợi ích vị kỷ và sự vô cảm đã che khuất tâm hồn họ. Cô chỉ thực sự là thiên thần nhỏ khi cô được người ta mơ về, mường tượng về, là khi người ta thấy thiếu vắng một “con bé tanh tưởi”, một đứa con “nghiệp chướng”, một người vợ chỉ “im lặng” mỗi khi đối thoại, một người mẹ bất đắc dĩ…, thì khi ấy mặt bên kia của thời gian mới hiện về trong ngôn ngữ kể của thiên thần đang đứng từ xa mà quan sát và ghi lại tỉ mỉ sự vô cảm đang lớn dần trong mỗi con người bên ngoài cô. Thiên thần nhỏ ấy mãi cứ ở trạng thái ngưng đọng của thời gian, tồn tại cuộc sống không tuổi như một nghịch lý, góp phần làm vỡ òa biết bao ý nghĩa nhân văn.
Cô không lớn, nói đúng ra thời gian đã không vận động trong hình hài thiên thần kia, bởi vì, trong giấc mơ tưởng tượng của người đọc về cô, thì giá trị tâm hồn, sự thuần khiết về cảm xúc, cái dấu yêu của hiện hữu không bị/ không muốn bị trôi tuột theo sự nghiệt ngã nhiều dối lừa của cuộc đời. Cô trong suy tư và hình dung bạn đọc như bị níu kéo, bị ngăn cản trước cơn bão tha hóa của con người đang đổ sụp trước mắt. Sự tha hóa ấy đã nằm ngoài vẻ thanh khiết của giấc mơ, mong kéo lại phần tươi đẹp của con người, níu kéo con người trong ý nghĩa phản tỉnh: cần phải tư duy lại mình để thấy mình còn là một con người. Đó là thái độ phản kháng của nhà văn trước hiện thực đổ nát, mọi giá trị đạo lý, tình cảm đều bị bóp méo và thay đổi. Tác giả không muốn thời gian trôi khỏi giá trị vĩnh cửu của tình người, đặt để sự ẩn dụ vào lòng ngôn ngữ hình tượng, để ngôn ngữ ấy thông điệp đến con người về ý nghĩa của thời gian, ý nghĩa của cảm xúc, của việc chúng ta tư duy như thế nào về cuộc sống? Đó là câu hỏi mở, hướng nhận định về thời gian tới “những bạn đường khác cũng đang đi tìm một mình”([7]) về ý nghĩa của nó.
“Tình trạng không phủ sóng” hay là sự phi lý của thời gian?
Câu chuyện bắt đầu bằng việc nhân vật Anh kể về sự hiện diện của cô gái và chiếc điện thoại đầy mâu thuẫn, nhập nhằng. Cô gái có đấy rồi lại không có đấy, chiếc điện thoại tồn tại mà như thể anh đang nghĩ và tạo ra nó bằng tưởng tượng. Để rồi, câu chuyện khép lại bằng chuỗi tự thuật như người trong cơn mê sảng lẩm nhẩm mớ ký ức không đầu không cuối, rơi rớt lại những vệt nắng mơ hồ của cuộc sống đang chìm sâu vào khoảng mênh mông vô thức. Thời gian đã bị xé lẻ, nó chạy dài theo tư duy nhân vật và rồi lại xuất hiện đột ngột qua ngôn ngữ biểu tả. Nhân vật như đang điều phối ngôn ngữ và thời gian tâm lí của mình trước những hình ảnh mà y tưởng tượng vừa xa vừa gần, vừa hiện thực vừa phi lý. Nó hiện thực vì nó ít nhiều được khởi phát từ nơi Anh, nhưng nó lại phi lý và phi lý đến mức khó thể hình dung vì nó đang chống lại hiện thực: “Có lần anh thử lấy chiếc điện thoại mầu hồng đào gọi vào số máy của mình. Nhưng không một tín hiệu cho thấy hai máy đã kết nối… Anh tháo sim đằng sau kiểm tra xem nó thuộc mạng nào. Nhưng lạ lùng sao: chiếc sim trống trơn!”([8]) “khi cái điện thoại vào một ngày kia rối rít run lên trong túi áo… Màn hình sáng bừng. không có số hiện lên trên cái vùng sáng nhỏ nhoi ấy. Nhưng có dòng chữ báo hiện “Cuộc gọi đến – Ok? No?… Anh cuống quýt vào Mục Các cuộc gọi, hòng tìm được số vừa gọi đến. Thư mục trống rỗng. Anh tìm sang mục Tin nhắn, rồi mục Danh bạ điện thoại. Tất cả đều trống rỗng. Trống rỗng và lạnh lẽo”([9]).
Nói đúng ra, người con gái và chiếc điện thoại không tồn tại thực, mà anh đang tạo ra nàng và chiếc phone màu hồng đào bằng tưởng tượng và bằng sự vô cảm của mình. Anh đã sáng tạo ra họ và đồng thời cũng sáng tạo ra chính mình. Tự mình ném mình vào trò chơi tưởng tượng đó. Cô gái đi qua cảm xúc của anh là biểu hiện thái độ trơ lì về đời sống tình cảm, của ám ảnh quá khứ với người con gái anh từng mơ về trong xúc cảm hạnh phúc. Cơn bấn loạn, tình trạng không phủ sóng của tình người đã đẩy Anh vào trạng thái mê sảng với thời gian.
Những dữ kiện anh kể cứ ú ớ và chới với như chính anh đang chới với và ú ớ về một cái gì đó vừa như xa xăm, vừa gần trước mặt, vừa mơ hồ vừa thoáng chốc. Không còn nghi ngờ gì nữa, tác giả đang giải nhân cách con người một cách triệt để, nhằm thức tỉnh con người trước cuộc sống mà sự vô cảm có nguy cơ đầy ải con người vào tâm thức “vong thể” của mình. Cũng là giải nhân cách, nhưng chủ thể sáng tạo đã để nhân vật tự giải chính nó, để Y tự tìm ra lời giải đáp cho mình. Nhân vật Anh sau khi bước qua thế giới đa diện của những ký ức mơ về một cái gì xa xăm nhưng lại rất gần ấy, anh đã nhận ra bản chất của cuộc sống: Tất cả chỉ là một cuộc chơi, ngay đến cái ký ức tưởng tượng trong anh cũng chỉ là một cuộc chơi, mà kết thúc của nó lại là sự chới với, vô vọng, hụt hẫng và phi lý: “Một ngày nọ, anh bỗng sực nhớ. Trí nhớ đến theo kiểu một tia sáng lóe lên bất chợt… Nó khiến anh bàng hoàng. Và không thể lí giải nổi. Tại sao có thể quên được người con gái ấy. Bộ nhập dữ liệu trong não anh đã delete cô ra khỏi hệ thống từ khi nào?”([10]), Anh đã tiên liệu về một hiện thực không phủ sóng của tình yêu, sự hy sinh và những nghĩa cử cao đẹp mà con người có thể dành cho nhau trong thời của “những kẻ giết người” này.
Cái thế giới quanh Anh dường như đang ngợp dần trong sự thừa mứa vật chất, ở nơi đó, tất cả đều phủ sóng, duy chỉ có tình người và tình yêu lại trong tình trạng S.O.S, trong tình trạng “không liên lạc”, nghĩa là KHÔNG TỒN TẠI/ KHÔNG PHỦ SÓNG. Thời gian lẩn khuất trong tâm lý nhân vật như ngừng trôi và không gian như tĩnh lặng, nó tĩnh lặng như sự lãnh cảm và im lìm trong đối thoại giữa người với người. Họ đi qua nhau một cách lặng lẽ, lặng lẽ đến vô tình, để rồi chỉ còn là: “Một lời hứa của mười năm trước! Anh hối hả lục tìm chiếc điện thoại của cô. Thật kỳ lạ, nó đã biến mất từ lúc nào”([11]). Còn Anh, Anh vẫn tiếp tục sống trong tình trạng không phủ sóng và bấn loạn với phút giây mê sảng, gợi lại ký ức xa xăm vừa thực vừa hư trong giấc mơ mỗi lúc anh mơ về…..
Văn bản và trò chơi nhân tính: Truyện “Lạc phố” hay là con người đang “lạc phố” trong thế giới này.
“Cuộc đời, hóa ra chỉ là những cuộc chơi” ([12]), đó là lời một nhân vật trong Nhật ký nhân viên văn phòng, nhưng đó cũng là lời của những con người đang bước đi trên mặt đất này. Tạo hóa đã sinh ra con người, nhưng chính tạo hóa cũng cấp cho loài người những quy tắc, luật định nghiêm nhặt của trò chơi, từ trò chơi ái tình cho đến trò chơi xã hội, từ trò chơi nhân tính đến trò chơi văn hóa… tất cả cứ luẩn quẩn và ưng bế như trong một nhà tù nóng nực của hiện thực.
Con người, bao năm vẫn thế, cứ lầm lũi tìm đường đi cho mình, nhưng càng đi sâu càng thấy mình bế tắc và thấy cuộc sống như một thảm trạng. Nghĩ cho cùng, thế giới nơi con người sống là một văn bản và mỗi cá thể chúng ta sống trong thế giới ấy là những từ và ngữ cấu trúc nên văn bản. Còn luật của văn bản nằm ngoài văn bản và nằm ngoài nhà văn, nó được quy định bởi cộng đồng giao tiếp. Với Nhật ký nhân viên văn phòng, tác giả của nó nhiều lần muốn viết lại quy tắc của trò chơi cuộc đời, nhưng tưởng trừng muốn viết lại cuộc đời cho con người thì chủ thể sáng tạo cũng lại nhận ra: cuộc đời này một khi đã khép lại thì lại có một cuộc đời khác mở ra, quy luật mới nhắm đến sự xác lập thì tự nó cũng báo hiệu một luật tắc khác sẽ được tạo ra để thay thế, vì diễn ngôn quyền lực không nằm trong lời của chủ thể sáng tạo, mà nó nằm ngoài, luồn sâu vào những bí mật vô hình mà con người không/ khó hình dung và nhận ra.
Câu chuyện thật bình dị. Có một người bạn ở quê nảy sinh ý định lên thành phố chơi nhân dịp đi công tác. Anh được người bạn ở phố mời ở lại nhà mình chỉ với lý do “ở phố phức tạp” “đắt đỏ”… Vào một ngày đẹp trời, khi ý định ấy trở thành hiện thực, người bạn ở quê gặp người bạn ở phố. Nhưng. Họ đã lạc nhau từ sau giây phút gặp nhau ấy, một sự lạc phố theo nghĩa đen. Người bạn ở phố “bận đột xuất” vì một “cuộc họp” và sau này anh mới thú nhận là đưa “thằng Tây giả cầy lần nào sang cũng đòi bạn ở phố dẫn đi kiếm gái… vậy là phải ngắt sóng điện thoại”([13]). Còn người bạn ở quê bất đắc dĩ trở thành kẻ lạc phố suốt gần một ngày. Họ gặp lại nhau sau cú điện thoại và bữa cơm tối cũng trở thành “lạc phố” với người bạn ở quê. Nhưng chính cái lạc phố theo nghĩa đen ấy của người bạn ở quê lại chạm vào cái cõi đời lạc lõng của người bạn ở phố. Anh sống giữa cuộc đời mà như đang đi lạc với cuộc đời. Anh phải sống giả với mình, sống giả với đời, ngay đến nhu cầu đời thường nhất của một con người là cái “tình”, anh cũng phải sống giả với nó, là “lạc phố” trước nó. Câu chuyện kết thúc bình dị và nhẹ nhàng như thế. Nhưng ý nghĩa nhân văn của nó ám ảnh như một cánh cửa không khép của văn bản. Từ tình huống bất chợt, ngẫu nhiên ấy của câu chuyện, đời người được khái quát khá đầy đủ với nhiều cung bậc, sắc thái. Nó phản ánh đúng bản chất của con người hiện đại là tính chất “vong thể về tinh thần”, là ý thức khắc khoải trở về “mái nhà xưa” của cảm xúc, tình người.
Cuộc sống trôi qua, cuốn băng con người vào guồng xoáy xã hội của nó, biến tình yêu, cảm giác sự sống thành chiếc mặt nạ để che đậy con người thực của mình. Con người cứ chạy dài theo đường bay rắc rối mà xã hội đan cài, thiếu những “khoảng trống” cho sự tư duy lại, để rồi cái ý nghĩ sống chỉ là “sống tạm” đã thêu dệt nên ý nghĩa vĩnh hằng của tồn tại. Con người vẫn chỉ coi mình là kẻ nợ trần gian, là lạc phố với chính mình, hướng suy tư tới phương trời giả tạo, uốn mình theo những vận động tiêu cực của đạo đức xã hội. Với người bạn ở phố, cái cảm giác “vong thể về tâm hồn” nơi anh cũng như thế, nhưng chí ít anh cũng trở lại với mình trong những suy tư phản tỉnh phía cuối truyện: “Chiều đón bạn về nhà bằng thực đơn tiếp khách muôn thuở của vợ: bánh mì sốt vang, shushi chấm mù tạc, chân giò hun khói. Trong khi thừa biết bạn mình dân nhà quê một cục nuốt làm sao được mấy thứ ấy. Tất cả những điều ấy, biết nói thế nào cho bạn ở quê đây? Mà xét cho cùng thì ai mới là người lạc phố? Hả trời?”([14]). Thông điệp của câu chuyện ấy muốn hướng đến bạn đọc thật bình dị, nhẹ nhàng, nhưng sâu sắc: Con người hãy dành cho mình một khoảng trống, một chút “hư vô” (Néant) để trở về với mình và để bắt đầu cho sự suy tư nghiêm túc trước cuộc đời, để thấy mình là gì trong thế giới ấy, để thấy mình sống không vô nghĩa và đơn độc. Đời người chỉ cần như thế là đủ.
Ý nghĩa của văn bản lấp chồng theo lớp thời gian co dãn, giống như sự dãn cách của ký ức và ý thức. Thời gian đã đồng quy về bản chất độ không của kí hiệu, thiết lập trung tính giữa quá khứ và hiện tại, giữa hiện tại và tương lai, giữa tương lai và quá khứ. Khả năng trung tính trong diễn giải của tác giả thách thức những lối đọc tỉnh táo và dè dặt. Vì vậy, cái hay trong lối tạo dựng văn bản của tác giả nằm ở chỗ này, nhưng đồng thời, cũng chính cái hay ấy có thể dẫn độc giả tới sự ngộ nhận trong quá trình thông hiểu văn bản. Thời gian ẩn dưới lớp kí hiệu tác phẩm như điểm quy chiếu sử tính tinh thần ([15]), nó quay về quá khứ là để khẳng định cái hiện tại, nó hướng đến dự cảm tương lai để tiên báo khoảnh khắc đương đại – thời điểm tác giả sống và diễn giải ý niệm ra văn bản. Do đó, tác phẩm là quá trình thâu nhận kinh nghiệm mỹ cảm, kinh nghiệm triết lí mà tác giả từng sống, chứng kiến và phê phán qua các giai đoạn hiện hữu. Với Nhật ký nhân viên văn phòng, tôi nghĩ, Phong Điệp đã thành công trong việc nhận định thời gian, nhận diện con người ở thời đại mà mọi giá trị nhân văn, giá trị nhân bản đang bị đảo lộn, bị quy giản về những đới cực vô hình của tội ác, của phi nhân, của phi lý, phi thẩm mỹ, phi chuẩn mực… và vô cảm.
Ngô Hương Giang
[1] Nguyễn Văn Trung (1963), Nhận Định I, “Lời nói đầu”, Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn.
[2] Siêu hình học hậu Husserl và Heidegger, hay còn gọi là Siêu hình học nhân vị, khẳng định thế giới ý niệm tuyệt đối cá biệt của con người, đối lập với siêu hình học truyền thống biểu hiện trong thần học, trong quan niệm của R. Descartes hay trong quan niệm của của Hégel, khi, khẳng định về thế giới ý niệm tuyệt đối mang tính phổ quát nơi Thượng đế. Điều này, sau đó được Gadamer đã gọi tên rất đúng là Siêu hình học cá nhân tính (metaphysics of individuality) (tức là thế giới ý niệm tuyệt đối biểu hiện tính cách riêng biệt của chủ thể, trong đó, Gadamer xem ngôn ngữ là yếu tố duy tâm được tuyệt đối hoá, điều mà chúng ta dễ nhìn thấy nhất): “Đằng sau quan điểm này, không chỉ [là vấn đề thuộc về] triết học duy tâm… mà còn [là] Siêu hình học cá nhân tính đã được Lebniz phát triển đầu tiên trong triết thuyết của mình” (“Behind this view there lies not only idealistic philosophy…but also the metaphysics of individuality first developed by leibniz” (Gadamer (2004), Truth and Method, Ibid, P. 437)
[3] Ở đây, chúng ta không nên đồng nhất giữa thời điểm sáng tác theo nghĩa phân kỳ xã hội, nơi mà chủ thể sáng tạo chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các điều kiện sinh hoạt qua mỗi giai đoạn văn hóa với thời điểm mà chủ thể sáng tạo nảy sinh ý tưởng. Chính cái thời gian mà chủ thể tư duy về thế giới hiện tượng lại là khoảnh khắc mà đời sống tâm sinh lý nơi họ mở ra theo sự chuyển dịch từ phía các hệ hình ngôn ngữ văn bản, với các cấp độ: từ – cú – văn phạm…
[4] Phong Điệp (2012), Nhật ký nhân viên văn phòng, NXB Trẻ, Hà Nội, Tr. 159.
[5] Phong Điệp (2012), Nhật ký nhân viên văn phòng, sđd, tr. 161.
[6] Phong Điệp (2012), Nhật ký nhân viên văn phòng, sđd, tr. 165.
[7] Nguyễn Văn Trung (1963), Nhận Định I, “Lời nói đầu”, Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn.
[8] Phong Điệp (2012), Nhật ký nhân viên văn phòng, sđd, tr. 59 -60.
[9] Phong Điệp (2012), Nhật ký nhân viên văn phòng, sđd, tr. 62 -63.
[10]Phong Điệp (2012), Nhật ký nhân viên văn phòng, sđd, tr. 63 -64.
[11] Phong Điệp (2012), Nhật ký nhân viên văn phòng, sđd, tr. 64.
[12] Phong Điệp (2012), Nhật ký nhân viên văn phòng, sđd, tr. 53.
[13] Phong Điệp (2012), Nhật ký nhân viên văn phòng, sđd, tr. 82.
[14] Phong Điệp (2012), Nhật ký nhân viên văn phòng, sđd, tr. 82.
[15] Sử tính tinh thần: tức, tính thời gian quy định tiến trình hình thành tinh thần của một cá nhân.
Nguồn: Vanhocquenha