Trong thực tế và qua thực tế cuộc sống, hẳn bạn đã từng được mắt thấy, tai nghe những câu chuyện về những con người mà dân gian thường nói là “miệng nam mô mà bụng bồ dao găm”. Nhìn vẻ ngoài của những con người này thật bóng bẩy, hào nhoáng; họ nói rất dẻo, hót rất hay, nên nhiều người cứ lầm tưởng rằng, đó chính là “vàng mười đích thực chứ không phải là thau”. Nhưng đến khi có một sự biến nào đó thì, than ôi, “cháy nhà ra mặt chuột”, đó đích thị là “rắn độc cuộn khúc tưởng ra rồng vàng”. Không đến nỗi như hạng người đã đề cập ở trên, nhưng trong cuộc sống cũng không thiếu những con người khi mới chân ướt chân ráo về làm việc ở cơ quan, đơn vị thì tỏ ra rất sốt sắng, nhiệt tình; họ thường tâng bốc bợ đợ những người “bề trên”; nhưng hẳn là “Đường dài hay sức ngựa, nước loạn biết tôi ngay”, “Gặp cơn đại loạn mới hay trung thần”. Và quả là, được một thời gian họ liền bị lộ diện chân dung ngay- họ gây bè, kéo cánh, đấu đá lung tung dối trên, lừa dưới làm cho nội bộ cơ quan đơn vị rối ren. Và chính theo các tác giả của tục ngữ Việt Nam thì trong những thời điểm hòa bình, yên vui, phẩm chất đạo đức của con người ít được bộc lộ. Chỉ trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn thì “chất đỏ” và “vết đen” của con người mới được kiểm chứng cụ thể. Không những thế, hàng loạt những công việc, hành động cụ thể khác của con người được tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam lấy làm tiêu chí kiểm định đạo đức. Nhận xét khái quát này thể hiện qua triết luận: “Xem trong bếp, biết nết đàn bà”. Câu ấy có nội dung, ý nghĩa vào loại đơn giản, dễ hiểu nhất. Tác giả của nó muốn diễn đạt: cứ trông trong bếp, nếu thấy gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ thì biết nết lao động, cũng như biết đức hạnh của bà (hoặc chị, cô) chủ là tốt; ngược lại, nhìn thấy bếp bừa bãi, lộn xộn, bẩn thỉu thì biết ngay là chủ nhân của nhà bếp đó thuộc loại người luộm thuộm, phẩm chất có vấn đề và phải được, xem xét. Bài ca dao ngụ ngôn dưới đây cũng lấy việc làm, hành động là tiêu chí kiểm định đạo đức: “Cái Cò, cái Vạc, cái Nông / Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi Cò/ Không không tôi đứng trên bờ/ Mẹ con cái Vạc đổ ngờ cho tôi / Chẳng tin thì ông đi đôi / Mẹ con nhà nó còn ngồi đây kia”. Mẹ con nhà Vạc là kẻ ác, dẫm lúa của người ta lại đổ lỗi đó cho Cò. Những kẻ nhẫn tâm như mẹ con nhà Vạc trong bài ca dao này bị người đời chê trách, lên án gọi là kẻ “gắp lửa bỏ tay người“. Và thời nay vẫn còn đầy rấy những kẻ “gắp lửa bỏ tay người” như vậy. Đáng lên án thay. Một khía cạnh khác mà các tác giả của tục ngữ, thơ ca dân gian thường đề cập đến là đạo đức con người phải được thẩm định, đánh giá qua thực tế, từ thực tế và trong thực tế : “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, hay “Có gió rung mới biết tùng bách cứng, có ngọn lửa hừng mới biết thức vàng cao”. Vâng, dù xưa hay nay; dù là người phương Đông hay người phương Tây, đạo đức của con người chỉ bộc lộ và bộc lộ một cách rõ nét nhất qua những gì mà người đó đã hành động, đã làm việc; bởi trên đời này luôn là thế “mọi lí thuyết đều là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Chuyện xưa bên Tàu kể rằng, Trang Tử- một triết gia, nhà tư tưởng lừng danh, đã từng tự mình làm một cuộc thử nghiệm là giả chết để đo sự đoan trang, đức hạnh của người vợ. Kết quả là, ông đã xác minh được phẩm hạnh của người vợ trẻ đẹp – một kẻ miệng nói thủy chung và bao lời hay, ý đẹp về phẩm chất đạo đức, nhưng trên thực tế đã có hành động ngược lại.
Thời nay, nếu ai đó bắt chước Trang Tử “giả chết”, thì sẽ nhận ngay được chân giá trị của câu tục ngữ mang đậm tính triết lí dân gian “Chết giả mới biết dạ anh em”– một triết lí mang đậm giá trị đạo đức gia đình, xã hội. Và, không hiểu tôi có phải là người hoài cổ hay không mà sao lúc nào tôi cũng có ý nghĩ rằng, các cô thiếu nữ xưa, dù là hạng người nào, cũng còn sót lại trong mình những chân giá trị đạo đức đáng quí. Không như nhiều cô gái ngày nay, cứ thấy bất cứ chàng trai nào, dù đã có vợ rồi, tán tỉnh- nhất là những người có tiền, quyền và chức, là họ sẵn sàng đổ vào “không cho nó thoát” mà chẳng biết suy luận về chân giá trị đạo đức của “nó” ra sao. Còn các cô gái xưa, họ khác thế lắm. Khi biết một chằng trai đã có vợ, do si tình và giả dối, đã đến “tán tỉnh” mình, bằng cảm nhận trực quan và sự suy luận thông minh, họ đã lên tiếng vạch mặt, chỉ tên rằng : “Vợ anh như trúc, như thông/ Như hoa mới nở, như rồng mới thêu/ Anh còn lưỡng lự trăm chiều/ Gan ai là sắt dám gieo mình vào/ Vợ chồng như ngọc, như ngà. Anh còn ruồng rẫy nữa là thân em”; “Vợ anh như bát cơm xôi/ Anh còn chẳng chuộng nữa tôi cơm hàng/ Vợ anh tay bạc tay vàng/ Anh còn chẳng chuộng nữa nàng tay không…”. Vẫn biết rằng, nhận diện đạo đức của mỗi một con người cần phải có một quá trình. Không thể vội vàng đánh giá về người mà mình vừa mới tiếp xúc, nhất là sự đánh giá về đạo đức của họ. Về vấn đề này, dân gia cũng đã từng răn dạy rằng : “Thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết con người có nhân”. Tuy nhiên, phải công nhận rằng, nhận diện đạo đức, đánh giá về đạo đức của mỗi một con người quả là một vấn đề rất khó, bởi phẩm chất đạo đức của con người- do bản chất của nó, vốn là cái sâu sắc, ẩn kín trong mỗi cá nhân nên trong rất nhiều trường hợp không thể kiểm định được một cách cụ thể. Thực vậy, về vấn đề này, tục ngữ Việt Nam có những triết lý: “Lòng sông lòng bể dễ dò, ai từng bẻ thước mà đo lòng người“; “Sông sâu, sào ngắn khôn dò, người khôn ít nói khó đo tấc lòng”, hoặc “Hoạ hổ hoạ bì, nan hoạ cất / Tri nhân tri diện, bất tri tâm” (nghĩa là: Vẽ được da hổ, khó vẽ được xương hổ/ Biết mặt người, không biết được lòng người). Đặc biệt, đối với những người ma mãnh, tinh ranh, quỷ quyệt, độc ác…, tục ngữ Việt Nam cho rằng, rất khó có thể kiểm tra được đạo đức của họ. Những câu tục ngữ: “Dò sông dò bể dò nguồn, biết sao được bụng lái buôn mà dò”; “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”; “Sông sâu còn thể bắc cầu, lòng người nham hiểm biết đâu mà dò” đã diễn tả sự khó khăn không dễ vượt qua đó. Và có lẽ, đây cũng là lời cảnh báo cho loài người trong đời sống hiện tại và cả trong tương lai rằng : Hãy cảnh giác ! Bởi những kẻ vô đạo đức nhưng lại biết che đậy thường không ngại làm những việc mà có thể gây cho người lương thiện không ít khó khăn, trở ngại; thậm chí, cả sự tổn thất, mất mát lớn nữa. Nhưng, tôi cũng lại tin rằng, mãi muôn đời là vậy : “Cây xanh thì lá cũng xanh, cha mẹ hiền lành để đức cho con”- một triết lí chứa đựng ở nội dung câu khẩu hiệu thời hiện đại : “Ông bà, cha mẹ mẫu mực; con cháu thảo hiền”… Vâng, những cái gì từ nhân dân mà ra, do sức dân sáng tạo thì nó sẽ vô cùng chân chất, giản dị nhưng cũng thật vô cùng quí giá và sâu sắc. Hơn thế nữa, nó còn mang ý nghĩa giáo dục, hướng con người sống lương thiện hơn, chân thành hơn và tốt đẹp hơn. Tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam là một loại hình như thế. Và vì vậy, nó muôn đời lấp lánh sáng, lung linh …
Khánh Yên – (Nguồn: Văn hóa Nghệ An)
(Đăng lại từ vanvn.net)