LÊ THÀNH NGHỊ

Văn học nghệ thuật không bao giờ tách khỏi thời đại sinh ra nó. Nó là lời ăn tiếng nói, là diễn ngôn, cách suy nghĩ, lối tư duy của thời đại. Thời đại chuyển sang trang khác, một trạng thái khác, trong văn chương, nghệ thuật xuất hiện lối nói khác, cách suy nghĩ khác. Nhưng cái khác không phải xuất hiện theo lối phủ định triệt để, mà là sự tiếp biến, kế thừa, trong cái cũ xuất hiện mầm mống của cái mới, cái khác. Thừa nhận hay không thừa nhận phụ thuộc vào quan niệm của mỗi cá nhân, nhưng một tinh thần đối thoại với cái mới, cái khác, phải chăng trước hết là rất cần thiết trong lĩnh vực vốn rất không nên giống nhau này, sau đó và trên cơ sở đó, là cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật?

Quá khứ trong địa hạt văn chương, nghệ thuật cũng đã cho chúng ta khá nhiều bài học đắt giá cho thái độ độc quyền chân lí. Nhiều tác phẩm, nhiều quan niệm, nhiều số phận… từng bị lên án, bị quy kết, bị ghẻ lạnh trong quá khứ đã và đang được thời gian sắp xếp lại theo đúng bản chất vốn có của chúng. Cho nên, để không phải tự rút bài học kinh nghiệm cho bản thân, mỗi người trong chúng ta nên hãy lắng nghe cái khác, đối thoại với nó với một thái độ bình tĩnh và tôn trọng lẫn nhau, bởi vì một cái khác ra đời không hề là ngẫu nhiên, bởi vì một quan niệm… trong lẽ phải có người có ta không hề là cũ khi nhìn nhận sự việc.

Với một tinh thần như trên, sẽ không thấy sự bất thường nếu nhìn vào văn học Việt Nam trong khoảng mười năm gần đây khi nhận ra nhiều cái khác so với những thời kì trước. Đó là tinh thần phản biện của ngòi bút trước hiện thực đời sống. Nếu như trước Đổi mới, văn học thường sa vào lối minh họa, làm triệt tiêu tinh thần phản biện xã hội thì trong văn học những năm gần đây, tinh thần phản biện từ phân tích, nghiên cứu đời sống như là một cảm hứng của sáng tạo. Có thể nhận thấy điều này từ những tác phẩm viết về đề tài thế sự, đạo đức. Chúng ta biết rằng chưa bao giờ trong đời sống lại xuất hiện nhiều vấn nạn về đạo đức như những ngày hôm nay. Cơ chế thị trường nhốn nháo, cạnh tranh gay gắt trong làm ăn, sự đảo lộn các giá trị trong xã hội, sự phân hóa giàu nghèo, lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm hoành hành… đã tạo ra những tệ nạn hết sức quỷ quyệt, ranh ma, tàn nhẫn trong các mối quan hệ người với người rất đáng lo ngại trong xã hội chúng ta. Nhà văn không những miêu tả, biểu hiện điều đó trên mỗi trang viết nhằm hướng người đọc nhận diện hiện thực, mà còn hơn thế, ngầm cảnh báo về sự bất ổn mang tính thể chế. Nguyễn Bắc Sơn trong Lửa đắng báo động về một cơ chế lãnh đạo đã trở nên ốm yếu, biến dạng như thế nào của một tập thể cơ sở đảng từ chi bộ cấp phường đến quận tại thành phố Thanh Hoa nọ. Nguyễn Như Phong cho thấy bức tranh tham nhũng rồi chạy án, chạy tội của một vị thứ trưởng ở một cơ quan cấp bộ trong tiểu thuyết Chạy án. Đỗ Thị Hiền Hòa trong Heo may về nói lên thảm trạng của cán bộ nhân viên của tập thể một trường trung học đã trở nên biến dạng như thế nào trong cơ chế thị trường. Nguyễn Đình Tú qua tiểu thuyết Phiên bản đã dựng lại bức tranh thế giới giang hồ của xã hội đen đã trở nên nhức nhối đến ghê sợ trong đời sống của thành phố cảng… Chỉ nêu lên một vài cuốn sách về đề tài thế sự đạo đức như vậy để thấy, ngòi bút của các tác giả đã đi tới một tầng mức khác trong miêu tả hiện thực, tầng mức của nhận thức lí tính về sự cần kíp phải thay đổi một hiện trạng đã trở nên bất thường, ngoài sức chịu đựng của số đông những con người lương thiện. Tinh thần phản biện xã hội này có trong văn học từ thời đổi mới, từ Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng, từ Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, từ Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc… và nhiều cây bút khác nữa, đã trở thành một dòng chảy mà ở đó, tính hiện thực của văn học được nâng thành bình diện của đạo đức: nhận diện để thay đổi một thực trạng đã trở nên tồi tệ. Như vậy hiện thực cuộc sống đã không còn đơn giản, một chiều như có thời văn học mắc phải nữa. Hiện thực đã trở nên đa chiều, đa diện trong đó cái tích cực có thể bị che khuất, bị thôn tính, bị biến thành thứ yếu… một khi cái tiêu cực thắng thế, ngang nhiên hoành hành bất chấp mọi luật lệ. Đó là thái độ phản biện xã hội của văn học trước thực trạng cuộc sống.

Tính phản biện này cũng thể hiện ở các tiểu thuyết về đề tài lịch sử. Cảm hứng của nhà văn ở mảng đề tài này là khát vọng thể hiện quá khứ một cách chân thực, có thể vượt qua những mặc định của thời gian, lí giải lịch sử trong những mối quan hệ với hiện tại, tìm câu trả lời cho những uẩn khúc lịch sử, với mong muốn đi tới thứ lịch sử tự nó không bị những thiên kiến chính trị làm sai lệch. Tinh thần đó được Lưu Văn Khuê thể hiện trong cuốn tiểu thuyết Mạc Đăng Dung, Nguyễn Quang Thân trong tiểu thuyết Hội thề, Nguyễn Xuân Khánh trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Ngô Văn Phú trong tiểu thuyết Lý Công Uẩn, Hà Văn Thùy trong tiểu thuyết Nguyễn Thị Lộ… và trong tiểu thuyết của các nhà văn khác nữa. Chẳng hạn, Lưu Văn Khuê vượt qua mặc định lịch sử về sự kiện cướp ngôi nhà Lê để chứng minh rằng Mạc Đăng Dung lên ngôi là một thay thế tất yếu trong thời khắc lịch sử đó. Bởi vì triều đình nhà Lê lúc này đã vô cùng tàn mạt, hèn nhát, không một ai đủ tài năng để trị nước, giữ nước. Nguyễn Quang Thân đã cố ý miêu tả nghĩa quân Lam Sơn bên cạnh sự anh hùng, dũng cảm đánh giặc Minh xâm lược là những kèn cựa danh lợi, những đối nhân xử thế thô bạo, ít văn hóa của những nghĩa quân nông dân, nhất là khi kháng chiến đến gần sự thành công, lợi ích cá nhân được đặt ra trước mọi cân nhắc, toan tính. Nhà văn lí giải những lục đục, những mưu mô chính trị, những cuộc thanh trừng cá nhân… của triều đại nhà Lê đã được hình thành, bắt nguồn ngay từ thời điểm cuộc chiến tranh mười năm nằm gai nếm mật đang đến hồi kết. Ngô Văn Phú giải mã một điểm mờ của lịch sử qua hình tượng Lý Công Uẩn trong cuốn sách cùng tên của mình, rằng vị vua viết Chiếu dời đô nổi tiếng này không phải từ trên trời rơi xuống, mà là con đẻ của Vạn Hạnh, một nhà sư thông tuệ có công sinh thành và dưỡng dục. Hà Văn Thùy vượt lên khá nhiều những sương mù huyền thoại để lí giải cái chết của vua Lê Thái Tông tại nơi xảy ra bi kịch Lệ Chi viên là do vua và Nguyễn Thị Lộ quá say mê trong tình ái… Tại những cuốn tiểu thuyết vừa nêu, cảm hứng của người viết là phản đề những mặc định của lịch sử, lật lại những trang còn mờ ảo của lịch sử, đề xuất một cách nhìn khác, hoặc tìm câu trả lời cho những ẩn số lịch sử mà lâu nay còn bị khuất lấp. Mọi người đều biết lịch sử chỉ có một, diễn ra chỉ một lần, nhưng ghi chép về nó trong sử sách chưa phải là tuyệt đối chính xác. Nó phụ thuộc vào thế giới quan của người chép sử, vào quan điểm của nhà cầm quyền. Bởi vậy, đào sâu vào quá khứ, đi tìm câu trả lời hợp lí cho những hiện tượng lịch sử, nhất là những hiện tượng phức tạp là một cảm hứng, một thách đố, một bản lĩnh của người viết. Người đọc như đang được đặt trước một sự thật khác, được chuẩn bị để sẵn sàng đối thoại về cái khác với cái đã biết của lịch sử. Đồng ý hay không thuộc về nhận thức của từng người. Nhưng một thái độ cần có là tôn trọng cái không phải như mình nghĩ, một tinh thần cần tránh là vội vàng vu vạ người viết xuyên tạc, hạ bệ, thóa mạ… những gì đã từng găm sâu trong trí nhớ của mỗi người về lịch sử. Bởi vì nếu như vậy, ít nhất là chúng ta đang bị bao vây, bị trói buộc bởi nếp nghĩ một chiều về lịch sử. Ở đây cần nói ngay rằng, không phải như vậy là cổ vũ cho một thứ hồ nghi chủ nghĩa đối với tất cả mọi giá trị. Giá trị, kể cả giá trị lịch sử chỉ có thể đạt đến độ tín xác nhất là khi nó được nhận thức đầy đủ bản chất của nó. Cho nên càng nhiều sự lựa chọn, càng là cơ hội để tiệm tiến đến các giá trị đích thực. Thiết nghĩ mỗi cuốn sách viết về lịch sử đem đến một khả năng để xem xét các sự kiện của quá khứ, một cách lí giải các sự kiện đã chìm sâu vào quá khứ thời gian, là nơi tác giả của nó phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước người đọc, trước chân lí lịch sử, cho nên một thái độ tiếp nhận không thụ động là hết sức cần thiết của chính bản thân người đọc. Nếu làm được như vậy, chúng ta một mặt sẽ khuyến khích được sức sáng tạo theo tinh thần phản biện của người viết và mặt khác kích thích sự tiếp nhận theo tinh thần chủ động cần thiết của người đọc.

Trong những tác phẩm văn học viết về chiến tranh gần đây cũng có thể nhận ra tinh thần phản biện của nhà văn trước hiện thực cuộc sống. Kể từ Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh…, hiện thực chiến tranh trong văn học càng ngày càng được nhà văn không ngần ngại mô tả trong chiều sâu của nó. Bến đò xưa lặng lẽ của Xuân Đức  nêu lên tính phức tạp của những con người, cả hai phía, ta và địch ở một vùng đất giáp ranh của hai chiến tuyến. Những số phận trớ trêu, những oan khuất không thể lường trước được, những bi kịch đau thương… được mô tả hết sức chân thực, cho thấy chiến tranh không hề là hiện thực giản đơn, không chỉ có niềm tin và hào quang chiến thắng, chiến tranh còn có thể làm biến dạng nhân cách, làm tan rã cá tính, làm tan nát các mối quan hệ xã hội, đến mức không còn một điều gì, không còn một ai nguyên vẹn sau chiến tranh. Mùa hè  giá buốt của Văn Lê cho thấy cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 tại một đơn vị chủ lực vùng ven Sài Gòn đã bị tổn thất nặng nề ngoài mọi tính toán của các nhà quân sự vốn dạn dày kinh nghiệm chiến tranh. Chiến thắng đã phải trả giá hết sức to lớn bằng xương máu của những chiến sĩ, mà trong bất cứ hoàn cảnh nào họ cũng chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh. Nhưng không thể nói là một sự chấp hành thanh thản. Những hiểu biết tường tận chiến trường, những kinh nghiệm chiến đấu dày dạn, những linh cảm của sự chết chóc… đã không thể ngăn cản được những quyết định duy ý chí, chưa được cân nhắc kĩ của một số cá nhân và sự tổn thất như một kết cục tất yếu đã xảy ra. Có thể nói ngòi bút phản biện của Xuân Đức và Văn Lê đã đưa người đọc đến sự nhận biết sâu sắc cốt lõi của sự thật chiến tranh. Điều này những trang viết về chiến tranh trước đây thường né tránh. Hiển nhiên độ lùi của thời gian, sự đổi mới trong ý thức tiếp nhận của người đọc và sự thay đổi trong quan niệm về hiện thực của người viết đã đem đến những trang viết khá thuyết phục về chiến tranh. Chỉ cần xuất hiện trước đây vài chục năm, vì nhiều lí do, những cuốn sách trên rất có thể sẽ không đến được công chúng.

Những năm qua có khá nhiều tiểu thuyết viết về đề tài cải cách ruộng đất. Trước đây chúng ta đã từng được đọc Ác mộng của Ngô Ngọc Bội, Ba người khác của Tô Hoài, gần đây đề tài này thu hút khá nhiều nhà tiểu thuyết. Dương Kỳ Anh với Xuyên Cẩm, Nguyễn Phan Hách với Cuồng phong, Đào Thắng với Dòng sông mía, Dương Hướng với Dưới chín tầng trời, Nguyễn Khắc Phê với Biết đâu địa ngục thiên đường, Nguyễn Xuân Khánh với Đội gạo lên chùa… Dù viết trực tiếp hoặc gián tiếp về cải cách ruộng đất nhưng có thể nói đây là những trang viết về một đề tài nhạy cảm cho đến ngày hôm nay. Một hiện thực nhức nhối trong tâm can nhất là đối với các cây bút trên sáu mươi tuổi, những người đã từng chứng kiến những năm tháng “long trời lở đất” đó. Họ cầm bút là để giải tỏa tâm trạng, bày tỏ những tình cảm của cá nhân và thể hiện tinh thần phản biện chân lí qua nhiều năm nghiền ngẫm. Có thể trong một vài cuốn sách, có tác giả đã không còn giữ được thái độ bình tĩnh cần thiết, đã có sự giễu nhại, u-mua quá đà, nhưng không vì thế mà gây ra nổi cộm trong tiếp nhận. Người đọc có thể thông cảm cho sự bức xúc của tác giả nếu trang viết thật sự chân thực, tạo ra sự xúc động, sự xáo trộn trong tâm tư họ. Còn ít những trang viết đạt đến điều đó. Nhưng đã có sự khác biệt với trước đây, cải cách ruộng đất không còn là sự đóng kín, kị húy đối với nhà văn nữa. Một sự cởi mở từ Đổi mới cho phép họ bày tỏ những suy nghĩ của mình về một quá khứ nhức nhối xảy ra cách đây mấy chục năm. Và thực tế cho thấy, những nhức nhối tinh thần nếu được nói ra chắc chắn sẽ làm bớt nhức nhối hơn là sự bưng bít. Chắc chắn đề t1`ài này vẫn còn được những nhà văn lớn tuổi lựa chọn cho trang viết của mình trong những năm sắp tới.

Như vậy, về nội dung chúng ta có thể nhận ra sự khác biệt của tiểu thuyết hôm nay so với các giai đoạn trước đây. Nổi bật là cảm hứng phân tích hiện thực, trong đó chất suy tư, nghiền ngẫm, phản biện hiện thực như một đặc trưng của văn xuôi đương đại. Nó khác xa với sự phản ánh một chiều đơn giản trước đây, nó cũng khác xa với những lối minh họa, né tránh như văn học từng có lúc mắc phải. Cái thiếu không phải ở sự bắt mạch, mà là ở sự kê đơn, bốc thuốc cho một hiện trạng xã hội đang có nhiều vấn đề. Nhưng quan trọng là nó đã từng bước được người đọc chấp nhận, mặc dù họ không còn dễ tính như trước đây, mặc dù không phải tất cả đã đồng thuận trong tiếp nhận…

Trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại đang xuất hiện những cây viết trẻ rất đáng chú ý. Đó là những Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Văn Học, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Di Li, Nguyễn Xuân Thủy, Kiều Bích Hậu, Thiên Sơn và nhiều người khác nữa. Có thể nhận ra những cái khác trong sách của họ. Đó là trang viết đa nghĩa hơn. Một số tác giả có những trang viết có vẻ phức tạp một cách cố ý, có thể làm xáo trộn tư duy tiếp nhận thông thường của người đọc. Nhu cầu làm mới này có phù hợp với số đông người đọc hôm nay hay không là một vấn đề còn bỏ ngỏ, nhưng nhiệt tình cách tân văn xuôi ở họ là đáng ghi nhận. (Cũng như lĩnh vực thơ Việt hiện đại và việc một số cây bút đang tìm cách làm khác, làm mới như vượt qua vần, vượt qua sự du dương có vẻ đơn điệu của thơ truyền thống, đem đến một kiểu thơ tự do hơn trong biểu hiện, có vẻ hiện đại hơn trong cấu trúc, suồng sã hơn trong ngôn ngữ… có phù hợp với khẩu vị số đông hay không, có thể trường tồn hay không còn phải chờ thời gian. Nhưng sự thay đổi này nên ghi nhận, cho dù nó đang có vẻ thấm mệt).

Chiều sâu mới của hiện thực trong tiểu thuyết hôm nay đã tự nó tìm đến những hình thức biểu hiện mới. Cảm hứng phân tích bản chất của cuộc sống, phát hiện những biểu hiện của tính cách nhân vật trong logic không gian và thời gian nghệ thuật đã làm trang viết bớt đi ngôn ngữ mang tính thuyết giáo của tác giả thường thấy trong tiểu thuyết trước đây, ngược lại trong tiểu thuyết hôm nay, tính chân thực nghệ thuật như là một chỉnh thể của ngôn ngữ miêu tả và ngôn ngữ biểu hiện. Hình ảnh bến đò xưa… trở đi trở lại trong trang viết của Xuân Đức được liên tưởng với những nghiệt ngã của chiến tranh như một biểu tượng của cái bất biến và cái vô thường của cuộc sống. Những biểu hiện tâm linh, tiếng chó tru, tiếng cú rúc thảng thốt và u uẩn… trong đêm chiến tranh vùng ven như báo hiệu những kết cục bi tráng và đau thương mà chỉ có những người lính mới cảm nhận được, đã làm hiện lên trong trang viết Mùa hè giá buốt của Văn Lê những chập chờn ma mị trong tiếp nhận của người đọc. Lối viết không xuống hàng liền một mạch từ trang đầu đến trang cuối của Y Ban trong Xuân Từ Chiều; dòng ý thức tâm trạng trong trang viết của Nguyễn Danh Lam ở tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc, của Hiệu Constant trong Côn trùng; những tưởng tượng độc đáo, kinh dị của Di Li trong tiểu thuyết Trại hoa đỏ; lối viết khác lạ chen lấn nhiều tiếng nói gián đoạn trong tiểu thuyết 333.9 (những mảnh hồn trần) của Đặng Thân… cho thấy không những đang làm mở rộng biên độ của hiện thực mà còn tạo ra những nét khác và mới của ngôn ngữ và giọng điệu, những tìm tòi về mặt hình thức chuyển tải của tiểu thuyết.

Hiển nhiên không phải những tìm tòi hình thức trên đều đạt được sự nhất trí đồng thuận của người đọc. Nếu đi tìm cái khác chỉ vì hình thức mà không đặt trong mối quan hệ với nội dung, thì không thoát khỏi hình thức thuần túy. Một sự giản dị, trong sáng trong diễn đạt để vươn tới chiều sâu của tư tưởng là điều xưa nay văn học vẫn hằng mong đạt tới. Điều ấy không hề cũ bao giờ. Tìm cái mới, cái khác bằng cách tự phức tạp hóa lối diễn đạt, gây ra sự khó khăn trong tiếp nhận, không phải là cách mà số đông người đọc đang chờ đợi.

Như vậy, nhìn chung thể loại tiểu thuyết trong văn học Việt Nam những năm gần đây đang có những thay đổi về nội dung và hình thức theo hướng phát triển tích cực. Nhận diện nó trong bối cảnh đổi mới về ý thức của người viết, ý thức của người đọc để cổ vũ cho một nền tiểu thuyết đa dạng, làm cơ sở cho sự phát triển xa hơn của thể loại nói riêng và của cả nền văn học nói chung là thái độ rất cần thiết của mỗi chúng ta.


10-3-2014

L.T.N

Nguồn:vannghequandoi.com.vn

Exit mobile version