“Khi bạn thấy mệt mỏi vì đọc “một trăm cuốn sách để đời”, có thể bạn sẽ cầm lấy cuốn sách này trong nửa giờ thôi. Đó sẽ là một sự thay đổi đấy” – tác giả Jerome K. Jerome hứa hẹn với cuốn Suy nghĩ vẩn vơ của kẻ nhàn rỗi.

Jerome K. Jerome (1859-1927) là tác giả Anh sống cách đây gần một thế kỷ. Là diễn viên hài, không ngạc nhiên khi ông có văn phong hài hước. Ngay phần đề tựa của cuốn sách là trang văn thống thiết dành những lời cảm ơn nồng nàn cho người bạn tri kỷ: chiếc tẩu thuốc.

Bìa sách cũng là hình con người ngồi trên chiếc ghế lắc lư nhâm nhi tẩu thuốc, một hình tượng vô cùng nhàn rỗi, đáng thèm thuồng với con người hiện đại bận rộn ngày nay.

Trong sách, tác giả viết tự trào về cảnh nhàn rỗi của bản thân, hay như cách ông gọi, sự “rỗi hơi” – “chủ đề mà tôi tự hào rằng mình thật sự quen thuộc”. Với những cách so sánh ví von, diễn đạt khôi hài bằng văn phong khá hiện đại, nhưng vẫn hơi màu mè kiểu Anh, tác giả bàn về nhiều chủ đề: yêu đương, u sầu, túng tiền, thói phù phiếm và tự phụ, thành công, thời tiết, chó mèo, con nít, trí nhớ…


Bìa cuốn “Suy nghĩ vẩn vơ của kẻ nhàn rỗi”

Tóm lại, mọi chủ đề mà một kẻ nhàn cư có thể ngẫm nghĩ để không thấy mình vô dụng. Jerome mở đầu sách bằng một chuyến nghỉ dưỡng một tháng, bác sĩ cấm không được làm gì vì bệnh tật. Ban đầu cứ ngỡ đó sẽ là kỳ nghỉ thiên đường, nhưng chỉ sau vài ngày không làm gì ngoài việc lái xe lăn đi uống những thứ nước vô vị, nhân vật trong sách tìm đến với những suy nghĩ – điều mà bất cứ ai cũng làm nếu đột nhiên họ nhàn rỗi.

Từ đó, tác giả viết về những hoàn cảnh khác, sinh động hơn, xuất hiện nhiều nhân vật hơn, nhưng luôn là từ góc nhìn của một kẻ nhàn rỗi. Jerome viết nhiều câu đúng phong cách “troll” (trào phúng) của giới trẻ ngày nay, nhưng với văn phong kiểu cách hơn. “Mọi văn nhân vĩ đại đều nhút nhát. Bản thân tôi cũng vậy, dù người ta nói tôi không có gì đáng chú ý” chẳng hạn, hay “Tôi có thể nói như một chuyên gia về chủ đề túng tiền”.

Rồi, khi tác giả mào đầu về một chủ đề “khác thường, mới lạ, chưa ai từng viết”  thì cuối cùng đó lại là chủ đề… thời tiết. “Tôi nắm giữ một sức cuốn hút khó lòng cưỡng lại đối với bùn đất. Tôi chỉ cần chường mặt ra phố vào một ngày bùn lầy nhớp nhúa là đã được bùn đất phủ kín nửa người. Tất cả đều do tôi quá hấp dẫn…”.

“Nước mắt của người đàn bà không làm ướt được ai, nhưng mưa thì chắc chắn là làm được. Vẻ lạnh lùng của cô ấy không khởi nguồn cho bệnh hen và thấp khớp, nhưng gió đông thì có thể” – trong sách có hàng loạt câu thú vị kiểu này.

Các chủ đề đều viết theo dạng tản mạn, pha trộn triết lý và các câu chuyện, có thể hợp gu độc giả quen đọc Facebook, nhưng nhiều chỗ cũng hơi lan man. Dù sao đi nữa, tác giả là kẻ rỗi hơi mà?

Suy nghĩ vẩn vơ của kẻ nhàn rỗi do Nguyễn Xuân Hồng dịch, Văn Việt và NXB Văn học ấn hành.

Theo Nha Đam – Thể thao & Văn hóa

Exit mobile version