Kỷ niệm 150 năm ngày sinh văn hào Đức Gerhart Hauptmann (15/11/1862-15/11/2012)

Gerhart Hauptmann là một người đa tài. Ông vừa viết văn, làm thơ, vừa sáng tác kịch và viết lý luận. Nhưng trên tất cả, ông được xem là nhà soạn kịch lớn nhất nước Đức giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cuốn tiểu thuyết “Gã phản đạo ở Soana” của ông cũng được công nhận là một trong những tác phẩm văn xuôi hay nhất trong văn học hiện đại Đức…

Sinh thời, Hauptmann từng được trao những giải thưởng văn học lớn, như Giải Nobel (năm 1912), Giải Goethe (năm 1932). Ngày 15/11 này là vừa chẵn 150 năm ngày sinh của Gerhart Hauptmann.

Gerhart Hauptmann sinh ra ở khu nghỉ mát Obersalzbrunn, vùng Schlesien (trước thuộc Đức, nay thuộc Ba Lan). Ông là con trai út trong một gia đình có 4 người con. Bố ông là chủ một khách sạn. Thuở nhỏ, ông học ở trường làng, được một gia sư dạy cho tiếng Latin và dạy chơi violon. Từ năm 1874 tới 1878, Hauptmann thuê nhà trọ để theo học phổ thông ở Breslau. Với tâm lý ghét trường học, đã có lúc Hauptmann tìm đến điền trang của người chú ruột để học làm điền chủ trong một năm. Năm 1880, Hauptmann theo học lớp điêu khắc tại Viện hàn lâm Nghệ thuật Breslau. Cũng thời gian này, ông thường xuyên đến nghe giảng về lịch sử tại Trường Đại học Jena và làm quen với học thuyết Darwin – một học thuyết có ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực ở các nền văn học châu Âu. Sau một thời gian không dài theo học điêu khắc, Hauptmann chuyển hướng sang viết văn. Thời kỳ sáng tác ban đầu, ông chịu ảnh hưởng nhiều từ khuynh hướng sáng tác của nhà soạn kịch Na Uy Henrik Ibsen.

Ở tuổi 23, Hauptmann lập gia đình với Tineman, một phụ nữ đã giúp ông nhiều trong cuộc sống, nhất là về mặt tài chính. Hai vợ chồng chuyển về sống tại thị trấn Erknere (gần Berlin). Tại đây, Hauptmann có điều kiện đọc và viết nhiều hơn. Ông bắt đầu đọc và đọc say mê tác phẩm của các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học: Marx, Engels. Trong các tác gia văn học nước ngoài, cùng với Ibsen, ông đặc biệt chú ý tới tác phẩm của văn hào Nga Tolstoy và nhà văn Pháp Zola. Cũng trong năm này, Hauptmann cho công bố trường ca sử thi “Promethidenlos” và năng đi lại, giao du với các nhà thơ theo khuynh hướng tự nhiên chủ nghĩa, thích miêu tả hiện thực một cách trần trụi.

Với nội dung đề cập tới một gia đình nông dân “bứt” lên nhanh nhưng rồi phá sản cũng nhanh, vở kịch đầu tay của Hauptmann “Trước lúc mặt trời mọc” đã được dàn dựng và công diễn tại Nhà hát Sân khấu tự do vào năm 1889, gây tiếng vang lớn trong dư luận. Ngay lập tức, Hauptmann được xem là một tác giả nhiều triển vọng. Việc “Trước lúc mặt trời mọc” được công diễn cũng được ghi nhận là thời điểm đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa tự nhiên trong văn học Đức.

Trên đà thắng lợi đó, chỉ 3 năm sau nhà văn trẻ đã lại cho ra mắt công chúng một vở kịch mới: “Những người cô đơn”, nội dung đề cập tới một nhân vật trí thức có phương châm sống thỏa hiệp, chỉ vùi mình vào công việc, trốn tránh thực tế, để rồi cuối cùng phải trả giá cho lối sống của mình.

Một cảnh trong vở “Trước lúc mặt trời mọc” của Hauptmann.

Nhắc tới tư cách nhà soạn kịch của Hauptmann không thể không nhắc tới vở “Những người thợ dệt” được dàn dựng và công diễn năm 1893. Đây mới là tác phẩm nổi tiếng nhất của Hauptmann đồng thời cũng là vở kịch tiêu biểu của chủ nghĩa tự nhiên trong văn học Đức. Kịch kể về cuộc nổi dậy của những người thợ dệt ở Schlesien năm 1844. Kịch không có nhân vật chính, thay vào đó là tập thể quần chúng lao khổ. Hauptmann đã có những thuận lợi nhất định khi bắt tay vào thực hiện tác phẩm này. Dẫu gì thì ông nội ông cũng từng là một thợ dệt và Schlesien là nơi chôn nhau cắt rốn của ông, là nơi ông có những năm tháng gắn bó. Tuy nhiên, cũng phải kể tới sự kỳ công của Hauptmann trước khi bắt tay vào soạn vở kịch: Ngoài việc tới thăm vùng thợ dệt Eulengebirge để có thêm thực tế và cảm hứng sáng tác, Hauptmann còn tra cứu nhiều nguồn tài liệu, trong đó có những cuốn sách đề cập tới cuộc đấu tranh của những người công nhân dệt ở vùng Schlesien như các cuốn “Thời kỳ hưng thịnh và suy tàn của nghề dệt nỉ ở Schlesien” của Zimmermann và cuốn “Cảnh nghèo khổ và bạo động ở Schlesien” của Wolff.

Các tác phẩm sân khấu nổi bật nhất của Hauptmann đã xuất hiện trong giai đoạn “bản lề của thế kỷ” và đã tái hiện một cách sinh động hiện thực muôn hình vạn trạng của xã hội Đức thời kỳ ấy. Nó phơi bày sự tha hóa của con người, phơi bày lối sống đồi bại của giai cấp tư sản. Hauptmann được ghi nhận là người có đóng góp đa dạng, hiệu quả cho nền sân khấu Đức và thế giới. Ông đã đi từ chủ nghĩa tự nhiên tới chủ nghĩa lãng mạn mới, rồi chủ nghĩa tượng trưng. Và được ghi nhận là đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa tự nhiên Đức.

Ngoài kịch, Hauptmann còn viết nhiều thể loại: Thơ, bút ký, tự truyện, phê bình và tiểu thuyết. Trong đó, cuốn tiểu thuyết “Gã phản đạo ở Soana” của ông hiện vẫn được xem là một trong những tác phẩm văn xuôi hay nhất trong văn học hiện đại Đức. Cũng liên quan tới việc viết tiểu thuyết của Hauptmann, hiện trong giới văn học vẫn loan truyền một giai thoại: Ngày 15/4/1912, con tàu huyền thoại Titanic đã đâm phải tảng băng trôi và bị đắm ngoài khơi Bắc Đại Tây Dương, kéo theo mạng sống của trên 1.500 người. Trước thảm họa trên một tháng, Hauptmann đã cho ra đời một cuốn tiểu thuyết nói tới cuộc tình bi thương trên một con tàu bị đắm rất giống với nội dung được đề cập tới trong bộ phim “Titanic” của đạo diễn gạo cội James Cameron.

Tuy tài năng đa dạng như vậy song đỉnh cao nghệ thuật của Gerhart Hauptmann vẫn thuộc về thể tài kịch. Ông được trao giải Nobel văn học năm 1912 cũng là nhờ những tác phẩm này. Có thể nói, đấy là thời kỳ “hoàng kim” của văn học Đức: Giải Nobel phần nào nghiêng về các tác giả Đức. Từ năm đầu tiên thực hiện việc trao giải Nobel cho tới thời điểm Hauptmann được trao giải Nobel, thời gian mới 12 năm mà đã có tới 4 nhà văn Đức được nhận giải thưởng danh giá này. Tất nhiên, xung quanh việc trao giải Nobel cũng có nhiều lời dị nghị, song có thể khẳng định, việc Viện hàn lâm Thụy Điển trao giải cho Hauptmann là xác đáng. Trong bài “Tính chính trị văn chương của giải Nobel” đăng trên tạp chí The Antioch Review số 65 năm 2007, tác giả Jeffrey Meyers đã phân tích trên một trăm tác giả được trao giải Nobel tính tới thời điểm ấy và xếp các tác giả ấy thành bốn loại: Loại một là những nhà văn có tầm vóc quốc tế; thứ hai là những nhà văn quan trọng và nghiêm túc; thứ ba là những nhà văn trung bình và thứ tư là những nhà văn tầm thường. Gerhart Hauptmann tuy không được Jeffrey Meyers xếp vào hạng đầu, tức là những nhà văn có tầm vóc quốc tế, song ông đứng trong danh sách “những nhà văn quan trọng và nghiêm túc”.

Ngoài giải thưởng Nobel, sinh thời, Hauptmann còn được trao tặng những giải thưởng văn học uy tín khác, như giải Goethe (năm 1932) và giải thưởng cao nhất về kịch của Áo (các năm 1896, 1899, 1905). Ông cũng được phong tiến sĩ danh dự ở các trường đại học: Oxford, Leipzig, Praha, Colombia. Năm 1924, ông được phong Viện sĩ danh dự của Viện hàn lâm Nghệ thuật Wien (Áo) và năm 1928 là Viện sĩ Viện hàn lâm Nghệ thuật Đức.

Gerhart Hauptmann là một người rất yêu chuộng hòa bình. Trong diễn từ đọc tại tiệc chiêu đãi giải thưởng Nobel ở Stockholm ngày 10/12/1912, Hauptmann cho rằng: “Thứ nghệ thuật và khoa học phục vụ chiến tranh không trong sạch, cũng không tột cùng, chúng chỉ như vậy khi được tạo ra bởi hòa bình, và đến lượt nó lại tạo ra hòa bình”. Quan điểm vậy nhưng khi Hitler lên nắm quyền ở Đức, Hauptmann vẫn quyết định ở lại Đức (mặc dù không hợp tác với chính quyền phát xít). Việc ở lại Đức đã khiến Hauptmann chịu nhiều điều tiếng. Nhiều văn nghệ sĩ trên thế giới đã rất bất bình trước cách hành xử của ông.

Năm 1945, liên tiếp trong 3 ngày (từ 13 tới 15 tháng 2/1945) khi không quân Anh – Mỹ liên tục thực hiện các trận đánh bom dữ dội xuống thành phố Dresden cổ kính (thủ phủ của bang Sachsen ở miền Đông Nam nước Đức), một địa danh mà Hauptmann rất yêu mến, biến thành phố thành đống tro tàn và làm thiệt mạng hơn 3.500 người, Hauptmann đã viết những dòng đau đớn: “Nếu như bạn đã quên cách nhỏ lệ thì sự phá hủy Dresden sẽ khiến bạn nhớ lại cách khóc như thế nào. Tôi đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc sống – cái chết và đau xót cho những người đồng đội đã mất của mình”. Những dòng như vậy đã được ông ghi lại khi đang phải vật lộn với căn bệnh phổi trên giường bệnh.

Gerhart Hauptmann trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6/6/1946 ở Agnettendorf, vùng Schlesien. Tuy nhiên, theo nguyện vọng của người quá cố, di hài của ông được chôn ở tu viện Kloster, trên đảo Hiddensee vì Schlesien sau chiến tranh thế giới thứ hai lại thuộc về Ba Lan


Trần Định


Nguồn: CAND

Exit mobile version