Bài thơ đầu tiên của tôi được in trang trọng trên báo Văn nghệ có tên là Mía quê mẹ. Lúc ấy tôi mới 16 tuổi và đang là học sinh lớp 9. Tôi còn nhớ rất rõ cảm xúc khi đó, sung sướng đến nghẹn ngào, tự hào đến mất cả trọng lượng – vội vã ba chân bốn cẳng mang tờ báo Văn nghệ về khoe ầm lên với cả lớp.
Nhưng giời ơi là giời! Cả lớp tôi, không một ai tin bài thơ ấy là của tôi sáng tác! Một vài bạn gái còn bấm tay nhau, đưa ánh mắt đầy dè bỉu nhìn trộm về phía tôi – trong ánh mắt của họ tôi đọc được: “- Đồ giở hơi, háo danh, dám lấy thơ người khác nhận xằng là thơ của mình!”. Đúng là vừa ức vừa tức đến phát khóc, nhưng không làm thế nào thanh minh được! Chỉ vì khi đó tôi đã không ký tên thật, mà lại đi ký bút danh là ánh Biếc. Một cái bút danh mà bây giờ mỗi lần nhắc lại, vẫn cảm thấy xấu hổ và ngượng ngùng. Chắc tôi đã nghĩ, lấy tên là ánh Biếc thì thơ mình sẽ có thêm lửa và sẽ thăm thẳm hơn chăng? Trong mấy câu kết của bài thơ Mía quê mẹ, theo cách nghĩ non nớt của tôi lúc bấy giờ, là đã chạm tới được “một tầm cao triết học”. Vâng! Tôi đã ví von con người như khẩu pháo và khẩu pháo như con người, khẩu pháo cũng biết tư duy:
Xa xa… một tiếng bom gầm
Đồng mía bỗng sáng lên trong chớp lửa
Nòng pháo nghĩ gì mà nóng hổi cả trời khuya.
Rồi giặc Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang ra miền Bắc. Ngày 6 tháng 9 năm 1971, tôi cùng Nguyễn Văn Thạc và rất nhiều sinh viên các trường Đại học, tình nguyện xếp bút nghiên lên đường ra trận. Và như một định mệnh, tôi được phân ngay về một đơn vị cao xạ pháo 37 hai nòng. Lúc này, tôi đã chiến đấu với máy bay thù không chỉ bằng cao xạ pháo trong thơ – mà là trong công sự khét lẹt mùi cỏ cháy của quê hương. Trải qua hàng trăm trận chiến đấu, đạn liên tiếp bay ra khỏi nòng pháo và thơ nối nhau trào ra đầu ngọn bút.
Tôi gom tất cả các bài thơ đó nhét vào một cái cát tút đạn, tìm cách gửi về cho gia đình. Gia đình tôi lại moi từ trong cát tút ấy ra những bài thơ còn nguyên mùi thuốc súng và mang đến tòa soạn báo Văn nghệ ở 17 Trần Quốc Toản. Lúc ấy báo Văn nghệ đang phát động cuộc thi thơ năm 1972-1973, thế là những bài thơ của tôi ngay lập tức được tham dự.
Chùm thơ thứ nhất được in!
Chùm thơ thứ hai được in!
Đồng thời cuộc chiến tranh khốc liệt cũng cuốn đơn vị chúng tôi vào sâu mãi, sâu mãi các mặt trận phía trong…
Một bữa đang lội bì bõm qua những con suối ở vùng A Lưới. A Sầu – bỗng thấy mấy đồng đội đứng trên bờ khua súng lên trời, hét vang cả vách đá:
Ê! Ê! Cầm ơi, thơ Cầm được giải Nhất đấy!
Tôi leo vội lên bờ suối, được biết cùng giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1972 – 1973 còn có ba người nữa, đó là anh nguyễn Duy, anh Nguyễn Đức Mậu và chị Lâm Thị Mỹ Dạ.
Sau mấy phút ngẩn ngẩn ngơ ngơ, tôi chợt thoáng nghĩ trong đầu: “Mặt trận vào sâu quá rồi, chắc cũng giống anh Phạm Tiến Duật trong cuộc thi thơ năm 1969, làm sao mà về lĩnh giải được nhỉ?”.
Sau này được nghe gia đình tôi kể lại, cuộc trao giải hôm đó diễn ra vô cùng trang trọng, đầm ấm và cảm động. Nhà thơ Chế Lan Viên phát biểu ngắn gọn: “- Cảm ơn gia đình đã có công sinh ra một người con, còn Tổ quốc đã sinh ra thêm cho chúng ta một người lính và một nhà thơ!”. Nhà thơ Xuân Diệu nói trong nghẹn ngào: “- Đọc bài thơ Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu mà cảm thấy mến thương các chú lính ấy vô hạn, ra trận mà trong ba lô vẫn mang theo những con ve, những hòn bi…”. Còn nhà thơ quân đội Vũ Cao không giấu được niềm vui: “- Không phải là bộ đội thì tôi nói hay cho bộ đội, nhưng trong bốn giải Nhất thì có đến ba người đều mặc áo lính: Anh Nguyễn Duy là lính thông tin, anh Nguyễn Đức Mậu là lính bộ binh, anh Hoàng Nhuận Cầm là lính cao xạ. Thật đáng phấn khởi và đáng tự hào!”.
Tờ báo Văn nghệ tường thuật lại buổi lễ trao giải ấy, tôi đã giữ rất cẩn thận gần bốn chục năm trời. Thỉnh thoảng lại giở ra xem, ngắm ảnh anh Mậu, chị Dạ và tôi hồi ấy trẻ trung quá, đẹp giai quá! Đầu năm ngoái, tôi đem tờ báo đó khoe với nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa. Lập tức, anh hỏi mượn với lý do làm tài liệu nghiên cứu để viết một bài thật dài, thật kỹ về thơ Hoàng Nhuận Cầm. Tôi cho mượn ngay, không cần suy nghĩ. Nhưng đợi mãi, đợi mãi vẫn chưa thấy bài viết đâu cả! Đôi lần mạnh dạn cầm điện thoại nhắc khéo nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhưng đều nhận được một câu trả lời hết sức nghiêm túc: “- Đang nghiên cứu!”.
Cũng may, tôi vẫn còn giữ được một kỷ niệm cũng quý như tờ báo – đó là lá thư của báo Văn nghệ báo tin và mời tôi đến dự lễ trao giải cuộc thi thơ 1972-1973. Bên cạnh tên tôi còn thấy ghi mấy số hòm thư quân đội, chắc lúc đó tòa soạn cũng không rõ là tôi đang ở mặt trận nào. Nhân hướng tới kỷ niệm 65 năm báo Văn nghệ, tôi lại đem chuyện này ra khoe với nhà thơ Lương Ngọc An. Nhà thơ Lương Ngọc An đề nghị cho mượn lá thư đó. Thấy tôi lưỡng lự, Lương Ngọc An cười rất tươi: – Anh cứ yên tâm cho em mượn lá thư đó đi, em chụp một cái rồi trả lại anh ngay, chứ không giữ lâu để “nghiên cứu” như nhà thơ Trần Đăng Khoa đâu ạ!
Vâng! Làm sao tôi lại không cho mượn, làm sao tôi có quyền giữ riêng cho mình nhỉ – Những kỷ niệm, những cảm xúc thân thương của một thời – chỉ cần nhắc tới đã thấy xôn xao…
Nguồn: vanvn.net