Dù được gọi là “hồi ký” nhưng cuốn sách của nhạc sĩ Quốc Bảo không giống với những cuốn sách cùng thể loại.

50 – Hồi ký không định xuất bản tập hợp 24 bài viết, nếu đặt riêng sẽ là những tản văn hoàn chỉnh nhưng khi được xếp chung trong cùng một cuốn sách lại tạo thành một cuốn hồi ký độc đáo. Những bài viết đó như đang tái hiện quãng đời trong quá khứ, cũng như mang đến nhiều thông tin về xuất thân, về sự nghiệp, về quan điểm nghệ thuật của nhạc sĩ Quốc Bảo.

Đọc các bài viết Họ nội, Mẹ tôi, Bà ngoại, Con và mèo bạn đọc có thể hình dung về gia thế, về những biến cố của gia đình cũng như thời cuộc mà Quốc Bảo đã trải qua. Ở đó, bạn đọc có dịp được chia sẻ với nỗi mất mát của nhạc sĩ khi anh sớm chịu cảnh mồ côi bố lúc chưa đầy tuổi. “Mồ côi cha thì vẫn cứ là một niềm đau thương không thể lẩn tránh và khó khăn vô cùng để chữa lành”, anh viết.

Thiếu thốn tình cha, nhưng bù lại, cậu bé Quốc Bảo nhận được sự yêu thương vô bờ bến của bà ngoại. Đây có lẽ cũng chính là người có ảnh hưởng sâu đậm nhất đến tính cách, con người Quốc Bảo về sau này. Hình ảnh bà ngoại mà nhạc sĩ Quốc Bảo khắc họa trong bài viết cùng tên, hiện lên đầy thân quen và trìu mến, khiến ai đọc cũng thổn thức nhớ thương về người bà của mình.

“Bà thường hát cho tôi nghe những điệu ả đào còn nhớ bập bõm. (…) Bà quạt và “bắt rôm” cho tôi trong mùa nắng nóng. Bà túc trực ở bệnh viện khi tôi bị sốt xuất huyết. Bà nấu cháo hành, cạo gió và nấu nồi xông cho tôi mỗi khi ngộ cảm. Bà đưa tôi đi chùa, đến thăm họ hàng ngày Tết. Bà can gián mỗi khi mẹ tôi phạt nặng quá…” (Bà ngoại).

Cuốn 50 – Hồi ký không định xuất bản của nhạc sĩ Quốc Bảo.

 

Những ai yêu mến, quan tâm đến Quốc Bảo hay từng đôi lần hát theo các ca khúc trữ tình của anh, sẽ có cơ hội được hiểu thêm về những công việc mà người nhạc sĩ này đã và đang làm, qua các bài viết Làm nhạc và làm báo, Ảnh, Sáng tạo, Tôi dạy học như thế nào, Học trò yêu… Dù trải qua nhiều công việc khác nhau: dạy học, chụp ảnh, viết báo, kẻ nhạc, sáng tác, viết văn,… nhưng hình ảnh đọng lại trong tâm trí nhiều người vẫn là một Quốc Bảo nhạc sĩ.

Đương nhiên, để có được một danh xưng lưu lại trong lòng công chúng, không phải là điều dễ dàng. Đó là một quá trình sáng tạo miệt mài và nghiêm túc, thậm chí phải trả giá nhiều lần. Có lẽ chính vì vậy, Quốc Bảo xứng đáng là một nghệ sĩ đích thực.

Anh viết: “Thế hệ chúng tôi ít người có tính quyết đoán, khá yếu đuối và buông xuôi. Có một giai đoạn (may là ngắn) tôi cũng vậy. Sợ đủ thứ. Sợ phản kháng và cũng sợ không-phản-kháng. Sợ làm sai nhưng không cầm lòng làm đúng. Muốn đi đường riêng nhưng khiếp hãi sự cô độc. Nói theo cách các cô cậu choai choai bây giờ là ‘cứ sai sai thế nào’. Tôi đã vượt qua tất cả những yếu đuối đớn hèn để thành một nghệ sĩ”.

Ở tuổi 50, đã đi qua những thăng trầm trong cuộc sống, thậm chí phải trải qua hai cơn trầm cảm lớn trong đời, bạn đọc bắt gặp trong cuốn sách này một Quốc Bảo thâm trầm, tĩnh tại, an nhiên. 24 bài viết mang nặng tính tự sự, đọc lên lại giống như những lời tâm tình vừa có đủ sự chân thành, tin cậy, vừa có đủ sự trải nghiệm để cuốn hút người đọc đến trang cuối cùng.

Nhạc sĩ Quốc Bảo.

 

Với 50 – Hồi ký không định xuất bản, nhạc sĩ Quốc Bảo không ngần ngại bày tỏ những quan điểm của mình về nghệ thuật, về cuộc sống mà đôi khi quan điểm đó không giống với số đông. Anh cũng không ngần ngại bày tỏ về thất bại trong cuộc hôn nhân đầu tiên cũng như về biến cố vào năm 2004 khiến sự nghiệp âm nhạc của anh bị ảnh hưởng nặng nề.

Tác giả bộc bạch: “Tôi có những quãng đời khuất tối không do tội lỗi xấu xa hay tham vọng điên cuồng mà vì tôi đã được sinh ra và trưởng thành trong một môi trường tất yếu đem lại những vệt mờ xám, những vết thương, những ám ảnh, những kìm nén trong lòng. May mắn lớn ấy là tôi đã sống sót, đã vượt qua nhiều tình huống ngặt nghèo để tiếp tục sống thiện lương. Ơn ích tôi nhận được hóa ra không chỉ từ những người tốt, những người bạn-ra-bạn, mà còn từ những mưu hại độc ác, từ sự bội phản…”

Quốc Bảo nói, lẽ ra cuốn sách này không được công bố, vì nó khá riêng tư. Những câu chuyện, những cái tên xuất hiện trong sách có thể gây phiền lụy đến ai đó. Lẽ ra anh cất bản thảo này để con trai anh một ngày nào đó sẽ đọc. Nhưng rồi anh quyết định in nó.

Anh giải thích: “Rồi bạn sẽ thấy lý do tại sao khi đã đọc xong: đơn giản là khi ‘tái sinh’ cuộc đời mới dẫu ở tuổi nào, tôi cũng muốn có vật chứng cho phần đời đó. Thời điểm 2017 trở đi đánh dấu một cách sống khác, thực tế hơn, nhiều kế hoạch khả thi hơn và lạc quan hơn. Cuốn sách bạn đang cầm trên tay được in ra đánh dấu nó, cũng tình cờ đánh dấu tuổi năm mươi. Chỉ vậy thôi”.

Theo Trinh Dung (Nguồn: Zing.vn)

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version