“Internet mang lại cho tôi rất nhiều thứ và cũng lấy đi của tôi rất nhiều” – nhà văn Y Ban nói khi trò chuyện với TT&VH về Trò chơi hủy diệt cảm xúc, cuốn tiểu thuyết sắp ra mắt. Ở tuổi hơn 50, viết về không gian mạng và tình yêu online, đâu là lý do để chị chọn đề tài vốn gần với lứa tuổi 9x này?

Trong cuốn sách của Y Ban, nhân vật nam chính đang có cuộc tình online đẹp như mơ với một người phụ nữ trong 5 năm. Tất nhiên, nhân vật nữ chính lại là một người hoàn toàn khác. Chị chỉ liên lạc qua email với người đàn ông kia từ một cuộc thi trực tuyến có tên “Hủy diệt cảm xúc”. Luật chơi: chỉ cần viết những lá thư bất kể: thư tình, khiêu khích, chế nhạo, chia sẻ kinh nghiệm sống. Và 100.000 USD sẽ thuộc về người thắng cuộc nếu biết nhận về, nuôi dưỡng rồi… giết chết cảm xúc của người đàn ông.


Nh
à văn Y Ban.

* Như nhiều tác phẩm khác, chị vẫn viết về phụ nữ và tình yêu. Nhưng tại sao lần này lại là “tình yêu online”?

– Đơn giản thôi, dù ở góc độ nào, tình yêu vẫn phải gặp nhau ở những mẫu số chung. Tôi nghĩ, trong hôn nhân, bao giờ cũng vậy, người phụ nữ luôn đứng trước một nguy cơ tiềm ẩn: Khó chia sẻ và được sẻ chia. Và, đặt trong những phức tạp ngày càng nhiều của xã hội hiện đại, nguy cơ ấy ngày càng nhiều.

Sẽ là rất nguy hiểm, nếu người phụ nữ trong gia đình không tìm được tiếng nói chung mà mãi phải giữ sự yên lặng hàng ngày. Để rồi, như giọt nước tràn ly, họ rất có thể sẽ nói hết, kể hết vào một ngày đẹp trời. Lý do duy nhất: Sự giải tỏa ấy giúp họ không tự giết chết mình. Tất nhiên, không phải nói với chồng, mà đôi khi lại là một người bạn bình thường, thậm chí là hoàn toàn xa lạ, như qua internet chẳng hạn.

* Vậy, ngoài đời, chị quan tâm tới internet ở mức nào trước khi viết cuốn sách này?

– Ở mức vừa phải, kể từ khi tôi biết tới nó cách đây 10 năm. Internet cho tôi khá nhiều và lấy mất của tôi cũng khá nhiều. Cái được về kiến thức, về sự chia sẻ thì mọi người đều nói rồi. Cái không được ở đây là thói quen đọc nhanh, đọc lướt giữa quá nhiều lựa chọn, là việc bắt đầu bỏ qua sự hấp dẫn về ngôn từ và chỉ chú ý tới thông tin… Có lẽ, đó là lý do khiến tôi không bao giờ chịu đọc những tác phẩm văn học trên mạng. Ngay cả đến khi viết về chuyện tình online như vừa qua, tôi cũng gần như “né” không đọc những câu chuyện tương tự. Một phần cũng vì sợ bị ảnh hưởng.

Nhưng, xin nói thêm, chuyện tình yêu chỉ là một phần nội dung của Trò chơi hủy diệt cảm xúc. Không gian mạng – nơi con người dễ dàng buông thả cho cảm xúc và nói thẳng với nhau– cũng là chỗ để chúng ta dễ nhận ra nhất những gì hay, dở của cộng đồng bây giờ. Tôi chỉ nói vậy thôi, hy vọng rằng bạn đọc sẽ đoán ra (cười).

* Trong cuốn sách này có những chi tiết mà hẳn người khó tính sẽ cau mày, như khi âu yếm nhau, người phụ bỗng phát hiện ra những thứ không sạch sẽ gì đang dính trên quần chồng mình…

– Sự thật nhiều người đã hỏi tôi: Tại sao Y Ban không biết tự làm sang trọng những trang viết của mình hơn? Tôi trả lời: Sẽ rất hay, nếu đó không phải là sự sang trọng giả tạo. Giống như những gì vẫn viết trước đây, tôi luôn muốn đẩy cảm xúc và câu chuyện tới tận cùng.

Chi tiết bạn hỏi, đối với tôi là cần thiết cho cuốn sách. Vì sao ư? Vì đó cũng là điều mà tôi từng nói ở trên về cuộc sống gia đình. Cuộc sống chung, khiến chúng ta phải tiếp xúc với rất nhiều thứ mà chưa từng nghĩ tới khi đang là những cặp tình nhân. Rất nguy hiểm, nếu người phụ nữ rơi vào tâm lý đổ vỡ thần tượng, không phải vì chồng mình bạc bẽo gì mà chỉ bởi không hiểu và chấp nhận được khoảng cách giữa mơ mộng và cuộc sống đời thường.

* Vậy, trong cuộc sống thật, chị giải quyết những mâu thuẫn trong gia đình theo cách nào?

– Tôi nghĩ, với mỗi người, khoảng thời gian khó nhất là 5 năm đầu tiên sau khi kết hôn – khi mỗi người đều phải biết học cách thích ứng. Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Còn bây giờ, với gia đình tôi, một trong những cách giải quyết tốt nhất là việc biến mọi thứ thành những gì ngộ nghĩnh và hài hước. Chẳng hạn, khi viết cuốn sách này, tôi có thề với chồng là sống chết gì cũng đưa một cái gì đó của chồng vào.

* Cuối cùng, là người viết, chị mong người đọc sẽ tìm thấy gì ở tác phẩm của mình? Và ngược lại, khi là độc giả, chị mong tìm thấy gì ở trang viết của người khác?

– Cả hai cái đều giống nhau: Người đọc cầm sách lên, đọc say sưa và có một quãng thời gian ngắn ngủi quên đi khó chịu của cuộc sống, của công việc hay ngay cả trong gia đình. Nếu tới lúc đi ngủ, họ suy nghĩ thêm dăm bảy phút về cuốn sách thì thật hạnh phúc, còn nếu không, đã đủ để tác giả hân hoan rồi. Làm người đọc vui, dù là trong một vài phút, về những con chữ của mình – tôi nghĩ đó là điều không dễ chút nào đâu.

* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Chiêu Minh (thực hiện)
Nguồn: Thể thao & Văn hóa.
Exit mobile version