Thu Oanh

40 nhà văn Việt Nam từ 12 quốc gia trên thế giới trở về tham dự chuỗi sự kiện trong 5 ngày liên quan đến “Sứ mệnh Đại đoàn kết dân tộc”. Đó là tên gọi của chương trình Gặp mặt lần thứ nhất của các nhà văn khai mạc tại Hà Nội sáng ngày 20/10.

Đến dự có ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; bà Lâm Phương Thanh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.


Gần 100 nhà văn tham dự sự kiện khai mạc sáng 20/10

Đây là lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức buổi giao lưu giữa các nhà văn trong và ngoài nước để cùng trao đổi về chủ đề đại đoàn kết dân tộc. Sáng kiến này là nguyên cớ để Hội Nhà văn Việt Nam kéo gần hơn các tác giả ở nước ngoài viết và đưa các tác phẩm văn học Việt Nam ra với thế giới và ngược lại.

Mở đầu buổi gặp mặt, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói: “Phấn đấu cho sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc sẽ không làm ai bé đi, mà ngược lại, làm cho mỗi nhà văn tự vượt mình, tự thắng mình, vươn kịp với chiều kích mới của dân tộc. Phấn đấu cho sứ mệnh đó chúng ta chỉ có thể mất đi sự nghi ngờ, mặc cảm, hẹp hòi, vốn là những thứ dễ làm hoen rỉ tình người, còn cái chúng ta được là tất cả. Phấn đấu cho sự đại đoàn kết dân tộc cũng không làm hạn chế tự do tìm kiếm, sáng tạo cái mới, ngược lại càng đoàn kết, chúng ta càng tự do… Sáng tạo với tinh thần tự do trong đoàn kết, chúng ta đón nhận mọi tìm tòi, sáng tạo, mọi cách tân nghệ thuật, mọi phương pháp sáng tác, mọi đề tài và chủ đề miễn là nó không đi ra ngoài vương quốc của cái thiện, của sự thật, của cái đẹp”.


Nhà thơ Hữu Thỉnh mở đầu với diễn văn khai mạc

Tình đoàn kết dân tộc không biên giới
Các nhà văn trở về từ nước ngoài, như nhà văn Nguyễn Trí Huân nói, họ có điều kiện tiếp xúc, hội nhập, đổi mới hàng ngày nhưng trong thâm tâm, ai cũng hướng về nơi mình coi là quê hương.

Nhà văn Võ Công Liêm từ Canada tự nhận mình là con người tự do, yêu hoa bình, yêu tình người chứ không đứng về một bên “trong” hay “ngoài” nào cả, ông tâm huyết chia sẻ: Không có biên giới trong sáng tạo dù là biên giới không gian. Những người con “cùng một mẹ” dù ở bất cứ nơi đâu trên thế gới cũng cần có sự thấu hiểu giữa những người bên ngoài và những người bên trong. Những người khước từ quê hương có những lí do riêng của họ, nhưng trong đó hẳn là có sự mặc cảm quá khứ. Nhưng lịch sử nhân loại tái diễn nhiều lần. Quyết tâm xóa bỏ tàn tích cố hữu mới mong đi lên được, còn chất chứa tư duy cục bộ sẽ không bao giờ đi lên được. Chưa nói đến thế giới nhiều biến động, không đoàn kết, cộng hữu sẽ không kiến tạo được đất nước. Chúng ta không thể đóng mình mà đứng ngoài cuộc bởi mỗi bên đều có cái lí của mình, cần có sự hòa hợp để có tiếng nói chung, để nhận biết dù là chính nghĩa hay phi chính nghĩa thì chúng ta vẫn cần mổ xẻ các vấn đề thời đại, của hôm nay và ngày mai.

Ông cũng nhấn mạnh: “Họp bàn là tiếng nói trung thực cho thế hệ mai sau. Chúng ta đưa ra thái độ của tri thức trước thời cuộc, kêu gọi đoàn kết chứ không phải đe dọa. Tôi mong muốn sáng tạo để làm nên sự nghiệp, làm nên cái mới, hòa hợp dân tộc. Những người đứng ngoài mà cho mình là người hợp thời hơn những người trong nước là suy nghĩ lạc hậu. Văn hóa là con đường tiến lên xây dựng đất nước chứ không phải súng ống hay các áp chế khác”.

Nhà thơ Trần Vạn Giã chia sẻ: Trước khi đi định cư, tôi là người làm thơ và sống trong chế độ cũ ở miền Nam Việt Nam. Tôi đã làm nhiều công việc tại vùng kinh tế mới trong đó có làm thơ. Khi ra đi, nhiều người hỏi tôi có được tự do sáng tác không. Tôi trả lời bằng 11 tập thơ được xuất bản trong đó có một tập về tôn giáo. Thơ tôi sáng tác không hủy hoại cái đẹp của tình người, của cảnh đẹp quê hương đất nước với nhận thức văn học là nhu cầu cấp thiết nóng bỏng trong đời sống xã hội và con người. Tôi thấy nhiều tác phẩm thơ có sức công phá dữ dội và văn học có sức đại đoàn kết dân tộc mạnh mẽ. Điều này được chứng mình trong thời đại Hồ Chí Minh. Tôi tin sức mạnh dân tộc sẽ còn hiện diện trong nhiều tác phẩm văn học. Dù trong chiến tranh hay hòa bình, với tôi, văn học vẫn là tình yêu dân tộc, quê hương.


Nhà văn Võ Công Liêm (bên phải ảnh) với bài phát biểu thu hút sự quan tâm của mọi người

Những kiến nghị, đề xuất
Trở về từ Pháp và được biết đến với những tác phẩm thơ đi vào lòng người, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã mang đến tham luận chi tiết về những cây bút trẻ gốc Việt tại nước ngoài. Theo tác giả, chiến tranh đã qua được 42 năm nhưng nó còn để lại một hố sâu quá lớn trong một số người xa xứ; cần có nhiều hơn những cuộc gặp gỡ như thế này để hiểu, chia sẻ, cảm thông và lấp đầy những hố sâu đó. Nhà thơ cũng cho rằng, sự giao lưu giữa các tác phẩm văn học trong và ngoài nước còn quá ít. Cần tăng cường sự trao đổi giữa hai luồng viết văn này và buổi gặp mặt lần thứ hai sẽ có sự góp mặt của những cây bút trẻ thuộc thế hệ người Việt thứ hai sinh sống ở nước ngoài để họ hiểu và đồng cảm hơn về quê hương, về nền văn học Việt Nam đương đại.

Nhà thơ Trần Vạn Giã sau bài phát biểu đã kiến nghị Đảng, Nhà nước và Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục có những định hướng cụ thể, minh bạch với những nhà văn ở nước ngoài, và cả những nhà văn ở chế độ cũ có cơ hội trao đổi, chia sẻ và sáng tác tại quê nhà.

Trong 05 ngày làm việc, các nhà văn sẽ có cơ hội tham quan các di tích lịch sử và trao đổi, chia sẻ thông tin cởi mở.

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version