Mấy chục năm qua ở Việt Nam, sách văn học tồn tại với tư cách hàng hóa đã bắt đầu định hình. Tuy nhiên, dù đã định hình nhưng không phải khi nào sách văn học cũng được xác định là một loại hàng hóa đặc biệt, nên từ sáng tác đến kinh doanh đã xuất hiện một số biểu hiện có thể tác động tiêu cực tới sự phát triển văn học… |
Dù là một loại hàng hóa đặc biệt thì trong cơ chế thị trường, tác phẩm văn học vẫn mang hai thuộc tính cơ bản của hàng hóa là: giá trị và giá trị sử dụng. Vì thế, nếu coi mỗi tác phẩm văn học là kết tinh quá trình lao động của nhà văn để tác phẩm ra đời, tồn tại như một giá trị, thì giá trị sử dụng được xác định khi tác phẩm đến với người đọc. Xét từ hai thuộc tính này sẽ thấy, nhà văn chính là chủ thể sáng tạo giá trị; còn xuất bản, phát hành, truyền thông,… là chủ thể tạo ra giá trị sử dụng. Về giá trị sử dụng, từ mối quan hệ giữa tác phẩm văn chương với thị trường và từ sự vận hành của quan hệ này, có thể khái quát: Trước đây giá trị sử dụng của tác phẩm gắn với quá trình in ấn, phát hành được Nhà nước bao cấp, lợi nhuận không giữ vai trò chi phối, còn ngày nay, giá trị sử dụng của tác phẩm không chỉ gắn với quá trình in ấn – phát hành mà còn hướng tới mục đích lợi nhuận. Và khi lợi nhuận chi phối từ tác giả tới in ấn, phát hành thì vấn đề tác phẩm văn học là một loại hàng hóa đặc biệt sẽ dễ bị xem nhẹ để từ đó nảy sinh xu hướng tiêu cực, đẩy tới các hệ lụy có thể ảnh hưởng tới vai trò, ý nghĩa của văn học trong cuộc sống. Đáng tiếc là thực tế thời gian qua cho thấy, nếu tiếp cận quan hệ giữa tác phẩm văn học với thị trường trên cả hai bình diện nhà văn và xuất bản – phát hành, sẽ không khó để nhận ra một số hiện tượng cần phải xem xét. Hơn nửa thế kỷ trước, “cơm áo không đùa với khách thơ” thật sự đã trở thành vấn đề thiết thân mà nhà văn Việt Nam phải đối mặt. Đọc bài viết, hồi ký của một số nhà văn sống trong thời kỳ này, sẽ thấy khái niệm “nhuận bút” trở đi trở lại khá nhiều. Văn tài như Vũ Trọng Phụng cũng không thoát nổi tình trạng này, trước khi xuất bản, các tác phẩm xuất sắc của ông đều đăng dài kỳ trên báo chí (Giông tố, Số đỏ trên Hà Nội báo, Vỡ đê trên báo Tương lai,…). Tuy nhiên, dạng thức nhà văn sống chủ yếu bằng nhuận bút mới manh nha hình thành thì sau năm 1945, một dạng thức nhà văn mới đã ra đời và thay thế. Đó là nhà văn có nghề nghiệp xã hội cụ thể, như viên chức, nhà báo, công nhân, bộ đội, công an,… Ở miền bắc, bản thảo là đầu vào của xuất bản, và hệ thống hiệu sách nhân dân, hệ thống thư viện, bạn đọc là đầu ra. Trong bối cảnh đầu vào lẫn đầu ra đều được bao cấp thì ngoài việc sáng tác, nỗi lo lớn nhất của nhà văn là làm thế nào tác phẩm lọt vào kế hoạch xuất bản, và khi đã xuất bản, mỗi đầu sách được in hàng vạn bản không phải là chuyện hiếm, sách ế ẩm nhà văn vẫn nhận nhuận bút đầy đủ. Còn không, dù đồng lương eo hẹp, số đông nhà văn cũng chưa bị câu thúc đến mức phải lấy cây bút làm phương tiện kiếm sống duy nhất. Dạng thức nhà văn như vậy tồn tại khá lâu, đã làm hình thành một số thói quen trong người viết văn. Để khi cuộc sống biến đổi, một số người vẫn lấy tiêu chí số lượng phát hành thời bao cấp – lúc tác phẩm văn học chưa được coi là một loại hàng hóa, để thay thế tiêu chí số lượng phát hành thời kinh tế thị trường – khi tác phẩm văn chương được coi là một loại hàng hóa. Thế nên, một số tác giả ta thán vì sao mỗi đầu sách có số lượng xuất bản rất ít ỏi mà không bận tâm rằng, nếu thị trường không có “cầu” thì dù ít ỏi vẫn có thể bị ế ẩm, thậm chí nếu chất lượng tác phẩm kém, người được tặng chưa chắc đã đọc, huống hồ bỏ tiền mua. Không phải tới khi tác phẩm văn học trở thành một loại hàng hóa, thì giá trị của tác phẩm mới được đặt ra. Nhà văn đích thực, dù được bao cấp hay phải tự lo toan đưa tác phẩm đến người đọc, thì trước hết vẫn là người sáng tạo giá trị. Điều quan trọng thể hiện ở chỗ: đó là giá trị tác phẩm có khả năng xuyên thời gian, hay giá trị có ý nghĩa nhất thời. Ngoài một số tài năng xuất chúng, với phần đông nhà văn còn lại, vấn đề là họ lao động “cày ải” như thế nào để làm ra tác phẩm lớn, hay chỉ chạy theo đề tài thời sự đáp ứng thị hiếu nhất thời của một số bạn đọc. Để có Đồng bạc trắng hoa xòe, Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú,… Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa,… có lẽ Ma Văn Kháng, Nguyễn Xuân Khánh phải trải qua rất nhiều cực nhọc. Như Nguyễn Xuân Khánh tâm sự trong một lần phỏng vấn: “Phải làm bằng chết thì thôi! Phải công phu lớn chứ không phải dễ dàng… Làm một nghề để cho tinh đã khó rồi, nữa là nghề tạo ra văn hóa – nghề viết văn. Viết văn có nghĩa là tổng hợp, nhìn từ đời sống mà rút những cái tinh túy từ đời sống ra thì mình phải có đào luyện và cẩn thận”. Đó là lao động văn chương đích thực để làm ra giá trị đích thực, và được xã hội, bạn đọc tôn vinh. Khi dành tâm sức cho văn nghiệp, nhà văn không nghĩ viết xong sẽ được nhận bao nhiêu nhuận bút, bạn đọc có biết đến mình không,… Họ cũng không quá bận tâm phải quảng bá tác phẩm, nếu được phỏng vấn, họ cũng chỉ nói về các suy nghĩ, quan niệm văn chương, kể lại đã viết tác phẩm như thế nào, còn giá trị của tác phẩm ra sao, họ dành cho bạn đọc phán xét. Đối với họ, viết là làm nên một giá trị chứ không phải sản xuất ra một hàng hóa. Hẳn vì thế, các tác phẩm xuất sắc nhất của họ tự thân đã mang chứa giá trị sử dụng, xuất bản – phát hành thường không phải bỏ quá nhiều công sức để quảng bá, khuếch trương. Còn nhìn vào thực trạng việc viết văn của một số tác giả trong những năm gần đây, không khỏi thắc mắc về mục đích lao động nghề nghiệp. Hơn mười năm trước, từ sự xuất hiện trên báo chí những truyện ngắn có số lượng từ đủ in một trang báo A3, đã có ý kiến cảnh báo nếu truyện ngắn 2.000 từ trở lên phổ biến sẽ làm hại truyện ngắn, nhưng xem ra ý kiến ấy đã chìm nghỉm trước tình trạng ngày càng tràn lan của loại truyện ngắn này. Phải chăng, một số nhà văn cố gắng co kéo để kể một câu chuyện đủ đăng một trang báo, hơn là cố gắng sáng tạo một giá trị? Rồi khi thị trường văn chương có đề tài được xem là “ăn khách” (như sex, đồng tính,…) là một số người viết lập tức cho ra tác phẩm theo đề tài tương tự. Cá biệt, có nhà văn cặm cụi viết, sau đó xin giấy phép của nhà xuất bản và tự in, tự đi bán sách của mình để không phải trả chiết khấu cho phát hành! Thêm nữa, khi chuyện nhà văn kể đã bán truyện ngắn A cho báo B, bán tiểu thuyết C cho nhà sách D… không còn là chuyện lạ, thì có thể đặt câu hỏi: Nhà văn sáng tạo giá trị hay sản xuất hàng hóa? Bên cạnh đó, khi chưa (thậm chí không) coi lao động văn học là sáng tạo tác phẩm – hàng hóa đặc biệt gắn liền với trách nhiệm xã hội của nhà văn, mà thuần túy chỉ sản xuất hàng hóa để bán, nhà văn dễ hư cấu chủ quan nhằm đưa vào tác phẩm các chi tiết, sự kiện, trạng thái, tình huống giật gân, mùi mẫn, éo le, oái oăm,… khiến người đọc vì tò mò mà tìm mua. Thi thoảng trong sinh hoạt văn học xuất hiện một hai cuốn sách bị dư luận lên án gay gắt thường được viết theo xu hướng này. Và vì thế, vấn đề trách nhiệm của nhà văn vẫn là câu hỏi để ngỏ. Thật đáng tiếc, vì mưu sinh mà có nhà văn rẽ ngang văn nghiệp. Năm 1994, Nguyễn Phúc Lộc Thành có tiểu thuyết Cõi nhân gian, năm 1996 có tập Táo vàng tục lụy, hai tác phẩm phát lộ một số dấu hiệu cho thấy tác giả có thể đi xa nhưng anh lại rẽ ngang, nay là Tổng Giám đốc Tập đoàn Thành Hưng. Năm 2005, Dương Ngọc Hoàn – Trần Ngọc Linh, đang học đại học Ngữ văn đã xuất bản Mắt đêm, cuốn tiểu thuyết là thành quả cần trân trọng của tác giả trẻ viết về đề tài lịch sử. Rồi Trần Ngọc Linh lặng lẽ rời văn đàn, hiện là doanh nhân có chuỗi cửa hàng bán thực phẩm sạch. Và gần 20 năm trước, Lưu Sơn Minh có các truyện ngắn Bến trần gian, Chim sâm cầm chưa về,… được một số nhà phê bình và bạn đọc đánh giá cao. Rồi anh mai danh ẩn tích, hơn mười năm sau xuất bản hai tiểu thuyết Trần Quốc Toản, Trần Khánh Dư, mỗi cuốn viết trong gần mười năm. Như anh tâm sự “tôi chỉ cắm cúi đi trên lối đang mở ra trước mặt, gặp khó thì mở đường chặt cây, chứ ít để ý tới có nhiều hay ít người cùng đi trên con đường đó. Tôi tin, nếu còn được các nhân vật lịch sử yêu quý mà cho phép viết, tôi vẫn sẽ đi tiếp không ngại ngần gì trên con đường mà rất nhiều người bảo là khó đi này”, có thể dự cảm Lưu Sơn Minh không bị cuốn vào văn chương thị trường, anh chọn đường đi riêng”. Cùng thế hệ với Lưu Sơn Minh, không thể bỏ qua các cây bút làm báo nhưng vẫn không xa nghiệp viết văn, như: Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Xuân Thủy, Trần Nhã Thụy, Bình Nguyên Trang… Song sau mấy chục năm, dường như chỉ Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Phục là thật sự sống bằng nghề, không phải lấy báo nuôi văn. Trong đó, Nguyễn Nhật Ánh có phần nổi trội hơn, còn Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Phục chủ yếu viết kịch bản truyền hình, lễ hội, nên xét từ góc độ nào đó có thể nói, họ đã phải nương vào loại hình nghệ thuật khác để mưu sinh. Cũng nên nhắc tới Phạm Thị Minh Thư, Trần Thanh Hà, Đỗ Thu Hà, Dương Phương Vinh… sau khi giành giải tại cuộc thi truyện ngắn có uy tín thì hầu như không còn viết văn nữa… Có thể nói, dường như kinh tế thị trường đã đưa văn học tới một tình trạng khác biệt so với thời kỳ trước, vì thế nhà văn cũng phải thích ứng theo các hướng khác nhau? Thiết nghĩ, đây là vấn đề cần được khảo sát kỹ lưỡng, từ đó có biện pháp tác động tích cực. |
Theo Hòa Phong – Nhân dân