(NV&TP) Từ ngày 26/4 đến 7/5/ 2014, nhận lời mời của Cục Chính trị – Bộ Tư lệnh Hải Quân, Hội Nhà văn Việt Nam đã cử đoàn nhà văn tham gia chuyến công tác thâm nhập thực tế tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Đoàn gồm các nhà văn nhà thơ: Lê Hoài Nam, Đặng Huy Giang, Nguyễn Thị Mai, Hữu Việt, Nguyễn Quang Hưng, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Vũ Hưng, Phạm Vân Anh và Bàng Ái Thơ, do nhà văn Võ Thị Xuân Hà làm Trưởng đoàn.

Một trong các tác phẩm đầu tiên trong dịp đi của các nhà văn đã được nhà thơ Hữu Việt chuyển thể thành tiểu phẩm “Những người con bất tử của mẹ Tổ quốc” từ truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà và được trình diễn ngay trong đêm Tổng kết toàn đoàn trên tàu HQ 996, cùng các nhà thơ Nguyễn Thị Mai, Đặng Huy Giang, Nguyễn Quang Hưng, Hữu Việt, Bàng Ái Thơ, Phạm Vân Anh, khiến các chiến sĩ và thành viên đoàn công tác trên tàu rất xúc động. Đêm giao lưu cũng đã vang lên bài hát được nhạc sĩ Vũ Thiết phổ nhạc thơ của Hữu Việt…

Cuộc trao đổi với nhà văn Võ Thị Xuân Hà cho chúng ta biết thêm về chuyến đi đầy ý nghĩa này.

20140428_162905

PV: Không phải người sáng tác nào cũng có cơ hội đến với Trường Sa bởi có rất nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Xin hỏi nhà văn Võ Thị Xuân Hà, sau một chuyến đi dài và chắc chắn là nhiều kỷ niệm, thì điều gì là ấn tượng nhất với chị?

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Nếu để kể lại, thì tôi nhớ mãi đêm trên đảo Sơn Ca.

Với các nhà văn nhà thơ, cả hành trình dài lênh đênh, ăn trên tàu ngủ trên tàu, được ngủ một đêm trên đảo là có thêm một trải nghiệm, có thể chỉ là đi loanh quanh trong cái sân quy định của đơn vị, ngắm sao giữa biển Đông, nghe tiếng biển rì rào… Cả cuộc đời có khi cũng chỉ được một đêm ngủ trên một đảo giữa Trường Sa như thế. Chỉ một đêm ở lại trên đảo, nhưng là cả vấn đề không đơn giản. Để cho chúng tôi ở lại trên đảo, Ban chỉ huy rất cân nhắc.

Thứ nhất là thiếu nước ngọt để dùng. Ở lại trên đảo còn khổ hơn quay ra tàu. Cả phòng 6 người có 3 giường. Vỏn vẹn chỉ có một thau nhôm đựng nước ngọt để cho mọi người đánh răng rửa mặt một cách rất tiết kiệm cho cả buổi tối và buổi sáng sớm hôm sau. Thứ hai, có thể sẽ có những hiểm nguy rình rập. Để bảo vệ an toàn cho thành viên đoàn công tác, hầu hết đều phải quay trở lại tàu.

Lại nói về sự an toàn cho chuyến công tác. Con tàu đang neo cách đảo hơn hải lý, có khá nhiều sự bảo vệ an toàn và bí mật. Quả thật, vào ban ngày hay bất cứ lúc nào, lúc tàu đang chạy (với tốc độ khoảng 8 hải lí một giờ) thì tịnh không thấy một con tàu nào đi theo sau. Vậy mà đến đêm, nếu neo lại một nơi gần đảo nào đó, thì lại thấy có 2 con tàu nhỏ hơn neo phía sau.

Dù có những trở ngại, nhưng cả đoàn nhà văn ai nấy đều đòi được ở lại trên đảo cùng văn công phục vụ chiến sĩ, để được một đêm trải nghiệm, một đêm kỳ lạ khi cảm giác nếu mình là lính đảo, một đêm kham khổ cùng họ.

Buổi chiều, tranh thủ lúc chưa đến giờ cơm, mấy nhà văn nhà thơ nam rủ nhau xuống biển tắm. Dĩ nhiên là trước đó họ có được mấy chàng lính đảo hứa sẻ xuất nước ngọt trong ngày của họ (mỗi ngày lính được chia 5 lít nước ngọt) để các nhà văn tráng người. Thế là rủ nhau lội ra biển.

Biển mùa này nom hiền lành dịu dàng. Bầu trời nặng trĩu những đám mây được khúc xạ bởi ánh chiều tà, nom thật bí ẩn và lộng lẫy.

Tôi ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của biển, nơi đảo Sơn Ca nhô lên như viên ruby màu trắng.

Mấy nhà văn nhà thơ nữ rủ nhau leo lên ngọn hải đăng. Từ trên đỉnh cao chót vót nhìn rộng quanh đảo, nhìn ra khơi xa, chỉ thấy lô nhô những cọc bê tông được cắm quanh kè đảo với bán kính của bãi kè vươn ra tới hàng cây số. Khi thủy triều lên, nước ngập tràn, giữ gìn dưới lòng biển những điều kì vĩ mà con người đã và đang tạo dựng.

Đêm đó khá nóng. Nửa đêm thì điện của đảo đến giờ tắt. Gió biển dường như không lọt được lên đảo, bởi thực ra không hề có gió. Bây giờ chúng tôi mới thấy hết sự khắc nghiệt của khí hậu Trường Sa.

Thấy bảo, để nhường giường cho khách, một số lính phải chui xuống hầm ngủ. Tôi cảm thấy ái ngại, nên hỏi nhỏ vị Lữ đoàn phó về việc này.

Anh cười bảo:

– Lính phải thay nhau xuống trực chiến ở hầm, ngủ hầm cho quen hơi đất đảo đấy chứ. Vài ngày lại thay nhau xuống.

Tôi lại tò mò, chưa chịu cái vụ không được mò xuống hầm:

– Dưới đấy rộng không anh?

– Rộng chứ. Nhưng là hào quân sự thì không thể nói kỹ được.

Tôi hơi tiếc. Trong túi xách mấy nhà văn nhà thơ đều mang sẵn võng. Giá xin được mắc võng ngoài vườn cây, hoặc ít ra trải võng xuống nền nhà hội trường, có lẽ thích hơn là ngủ giữa đảo mà vẫn nằm giường có đệm.

Dù sao thì chúng tôi cũng mãn nguyện với vụ ngủ trên đảo này.

Đêm đó các anh vẫn thay nhau canh gác, giữ cho giấc ngủ của chúng tôi thật bình yên.

PV : Để đi hết các đảo và khám phá cuộc sống cũng như con người nơi đây thì quả là phải mất rất nhiều thời gian. Và sau khi đã trở về, thì đâu là hình ảnh mà chị ấn tượng nhất về Trường Sa ?

Hành trình Trường Sa của chúng tôi được đặt chân lên 8 đảo, thì đều cùng những bờ kè chắn giữ đảo chắc chắn, đều là những hệ thống hầm hào kiên cố. Khiến cho người đặt chân lên đảo cảm thấy vô cùng yên tâm. Rõ ràng, việc xâm chiếm đảo là một việc không hề đơn giản, là cả một vấn đề mà không cần đặt ra, chúng ta ai cũng có thể có câu trả lời chắc chắn.

PV : Nghe nói, chị được chứng kiến Lễ Ra khơi-một buổi lễ xuất quân của hải quân- đó là môt trải nghiệm như thế nào, hẳn là rất thú vị?

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Đúng vậy, và đến bây giờ tôi vẫn nhớ từng chi tiết cũng như cảm xúc của buổi lễ đó.

Ngay khi bước chân lên cầu để chuẩn bị làm Lễ Ra khơi, chúng tôi đã gặp ngay tốp lính “nhà xuồng” đứng đón khách trên boong. Họ mặc những bộ rằn ri, nom đã thấy tinh thần biển cả. Gương mặt họ rất trẻ và rắn rỏi. Họ xuất hiện thấp thoáng, chỉ lúc cần thì ào ra khá hùng hậu. Đây cũng chính là những người lính hải quân điêu luyện trong nghề đi biển, xử lí các tình huống trên biển cả, thiện chiến khi cần thiết để bảo vệ tàu và các thành viên đi công tác. Nhưng có lẽ họ lại là những người ít được tiếp xúc trực tiếp nhất với mọi người trên tàu, chỉ khi lên xuống tàu, lên xuống đảo, vào cái thời khắc gấp gáp và cần thận trọng nhất đó, thì họ đứng ra làm rào chắn, đỡ hoặc cõng khách, chỉnh hướng mũi xuồng máy, neo xuồng, quăng dây, mang vác… Nghĩa là chúng tôi chỉ được gặp họ vào cái lúc cần khẩn trương và khi ấy không ai quan tâm chào hỏi, chỉ quan tâm tới việc lên xuống an toàn, nhanh nhẹn, không gây phiền hà cho đoàn công tác ở mức tối đa.

Lễ Ra khơi được tổ chức thật trang trọng. Lần đầu tiên trong đời, tôi được chứng kiến cảnh tượng hùng tráng của Hải quân nhân dân Việt Nam khi họ làm một nghi lễ biển cả đầy khí phách, trang nghiêm và hấp dẫn như thế. Toàn bộ thành viên đoàn công tác rất lấy làm hào hứng.

Còi hú một hồi dài báo hiệu chuẩn bị nhổ neo ra khơi.

Xuất phát từ cảng Cam Ranh, con tàu khẽ chuyển mình rồi lướt đi trên vụng cảng đẹp nhất của biển Đông. Chúng tôi nhìn thấy những con tàu khác đang chuẩn bị làm nhiệm vụ neo lặng lẽ trên vịnh. Nhìn thấy cặp đôi tàu ngầm đang neo sát bờ cảng.

Khi tàu HQ 996 dần rời xa bến cảng là khi sóng Viettel bắt đầu mờ dần. Và biển khơi xa thẳm đang ở trước mặt. Đoàn chúng tôi đã gần hai ngày lênh đênh trên biển, 5h30 phút sáng, tàu HQ 996 hú còi thả neo, báo cho đảo Song Tử Tây biết chuẩn bị đón khách. Đúng vào ngày 30 tháng 4 năm 2014.

Tất cả thành viên trong đoàn đều hồi hộp chờ đợi giây phút này. Chúng tôi ùa ra boong tàu. Ai nấy đều tranh thủ chụp những tấm hình kỷ niệm. Trong ánh bình minh đang chuẩn bị ló rạng trên bầu trời, một thứ ánh sáng bao la tỏa rạng khắp mặt biển, đảo Song Tử Tây hiện ra trước mặt đẹp huyền bí như câu chuyện cổ tích Mai An Tiêm.

Bây giờ là lúc thực hiện nghiêm lệnh đã được phổ biến: “Không đi dép lê, giày cao gót…”. “Quá trình lên xuống tàu, xuồng phải chú ý bảo đảm an toàn; khi lên, xuống đảo phải chấp hành theo sự phân công của sĩ quan điều hành”…

Bây giờ cũng là lần đầu tiên chúng tôi được biết thế nào là chuyện lên xuống xuồng máy từ tàu ra đảo, và rồi từ đảo về lại tàu.

Trên loa tàu đọc lần lượt tên những nhà báo nhà văn được xuống chuyến xuồng đầu. Có lẽ ai đã đi Trường Sa đều luôn nhớ câu phát trên loa. Sớm nay, lúc 4h30’ tiếng loa báo thức vang lên khắp tàu: “Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu!”. Tất cả vục dậy vội vàng, chạy ra xếp hàng phòng vệ sinh rồi lại xếp hàng bên phòng tắm. Nhanh nhất có thể. Còn bây giờ đây là “Toàn tàu chú ý! Chú ý toàn tàu!”. Và các thành viên đã sẵn sàng để mặc áo phao, leo cầu tàu và nhảy xuống xuồng máy.

Khi xuống được xuồng rồi, ngồi yên vị trên xuồng thì có thể ngắm biển một cách trực diện. Biển đập sóng oàm oạp bên mạn xuồng. Những tia nước có thể làm ướt máy ảnh nếu không giữ cẩn thận. Nhưng đó là lúc chúng tôi được tiếp cận với sóng nước trùng khơi một cách trực diện nhất, đáng sợ nhất và cũng lý thú nhất. Con người thật nhỏ bé giữa biển khơi. Trên là mặt trời thiêu rọi. Dưới là trùng trùng khơi xanh bí ẩn và mịt mờ…

Nhưng cảm nhận điều đó ở lần đầu ngồi xuồng để lên đảo chưa rõ rệt lắm. Vì chúng tôi vẫn đang háo hức lên đảo. Đảo lấn át mọi thứ tình cảm khác. Đảo như giấc mơ bao lâu, giờ hiện diện thực sự ngay phía trước. Phải đánh đổi gần hai ngày chịu đựng cảm giác say sóng, tuy tôi không hẳn say, nhưng chao đảo và cố căng người để chống cơn say cứ chực trào lên, quật đổ bản thân. Ăn cơm cũng trong tình trạng chòng chành. Nằm chòng chành. Đi lại chòng chành. Gặp tàu lạ phải bẻ hướng không thì sẽ đâm nhau. Làm quen với chật chội trong khoang tàu, chen chúc đợi nhau trong phòng vệ sinh, phòng tắm. Tất cả để được hưởng cảm giác nhìn thấy đảo cứ hiện dần lên.

Xuồng đến gần đảo, đã thấy hai hàng cán bộ chiến sĩ hải quân đứng đón. Màu áo trắng truyền thống của hải quân hòa trong nắng rực rỡ giữa đảo làm không khí đón tiếp vô cùng cảm động. Nếu là đảo chìm thì các anh đứng tràn bên bờ đảo. Những gương mặt đen nhẻm và những ánh mắt lấp lánh. Chúng tôi lại được những bàn tay mạnh mẽ nắm và đỡ lên bờ. Lúc đó trong tôi chợt ào lên một cảm xúc khó tả. Nhưng rõ rệt nhất là cái ý nghĩ: thực sự hiện giờ gian khổ nhất là những người lính nơi hải đảo xa xôi này. Nghĩ đến đó mà nước mắt cứ chực trào ra nơi khóe mắt. Những gương mặt còn trẻ quá. Ở nhà chắc còn nũng mẹ. Đón khách bằng nụ cười và niềm vui như được thấy đất liền, như được ôm quê vào lòng.

Xuồng lại quay ra đón tiếp khách trên tàu. Tổ xuồng có lẽ là tổ phục vụ vất vả và nguy hiểm gian nan nhất. Nhưng nhìn cách các anh vắt dây neo xuồng hay cách đón dây ném từ xuồng quăng lên tàu, thật yên lòng. Cứ như họ có phép cân đẩu vân và các phép thuật khác khi thực hiện các thao tác thuần thục đến vậy.

Cảnh các xuồng máy hải quân đưa các thành viên đoàn công tác di chuyển từ tàu lên đảo và từ đảo về lại tàu đã từng được nhiều nhà báo ghi lại bằng hình và viết trong các bút ký. Toàn bộ hải trình có 20 lần lên đảo, nhà giàn, và từ đảo về lại tàu. Mỗi lần di chuyển có 2-3 xuồng, mỗi xuồng chỉ đưa được 20-30 thành viên. Các thủy thủ phải đưa đón nhiều chuyến cho một lần lên đảo hoặc về tàu.

Trời nắng gắt như chảo lửa. Thành viên đoàn công tác không quen sóng gió, vất vả đã đành. Các thủy thủ vất vả gấp đôi, vì phải lo an toàn tính mạng đoàn công tác, liên tục làm việc cường độ cao, hầu như không được nghỉ.

Nhưng, đây là công việc giúp cho cả nước hướng về Trường Sa, Hoàng Sa.

Trên trang facebook riêng của mình, tôi đưa bức ảnh kỷ niệm ở một trong những cột chào đầu tiên trên Song Tử Tây: “CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO CỦA TỔ QUỐC LÀ BẤT KHẢ XÂM PHẠM”, kèm lời nhắn gửi cho bạn bè niềm vui vô bờ, mà có lẽ chỉ có ai đã từng đi ra Trường Sa mới thấu hết tận gan ruột niềm vui ấy:

“Tôi đã chiến thắng những cơn sóng lừng để đến được đây”

Trên đảo, rất nhiều những nụ cười lấp lánh của các chàng trai sương gió.

Sáng hôm đó chúng tôi đã chào lá cờ tổ quốc trên đảo Song Tử Tây trong một không gian tinh thần đặc biệt, đúng 39 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

PV: Một trong những công việc không thể thiếu của người viết văn là quan sát những số phận, những cảnh đời để rồi từ đó tạo ra những nhân vật văn học. Chị có thể chia sẻ với độc giả về những con người của Trường Sa?

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Thực ra khi chưa đi Trường Sa, tôi hình dung về những công dân của đảo khác hẳn với thực tế.

Khi tàu đang làm Lễ Ra khơi, thì dưới khoang tàu tầng E, khu vực chủ yếu dành cho phụ nữ và các thành viên có nguy cơ say sóng, tôi chợt nhìn thấy buồng bên cạnh có 2 đứa trẻ. Người mẹ còn quá trẻ. Còn bé gái, chao ôi, hỏi ra mới biết mới có hơn 2 tháng tuổi, được đặt cái tên rất kêu là Kim Yến.

Những người lớn sợ say sóng mà không dám lên tàu ra Trường Sa, hẳn sẽ vô cùng cảm động khi nhìn thấy hình ảnh này. Bé gái ngủ say tít trên tay mẹ, còn lăng xăng bên cạnh là anh của bé, chuẩn bị sang năm nữa là học lớp Một.

Hành trình ra đảo Song Tử Tây, trên con tàu vẫn đang lao băng băng trên sóng, mỗi lần đi qua phòng của ba mẹ con, là tôi lại ngó vào, lúc thì thấy bé đang ti mẹ, lúc thấy bé nằm trên giường nhà tàu, ngủ say tít. “Ông anh” 4 tuổi tên Thanh Sơn ngồi nghịch uỳnh uỵch bên cạnh, ra dáng anh cả lắm. Có gì đó nhói trong lòng, khi nhìn thấy cảnh ba mẹ con ăn cơm nhà tàu, thản nhiên chòng chành theo con sóng, mặt tươi rói chẳng bị sao cả. Đây là chuyến ra lại đảo để về nhà của ba mẹ con. Khi sắp sinh, mẹ bé đã mang theo cậu con trai, vác bầu theo tàu về đất liền, sinh con xong hơn hai tháng lại bế nhau trở ra đảo. Ngoài đó có căn nhà được xây theo thiết kế chung trên các đảo, có cha của các bé đang hàng ngày ra biển đánh cá. Hóa ra người mẹ trẻ đang là Chủ tịch Hội phụ nữ đảo Song Tử Tây. Cô tên là Nhữ Thị Kim Chi, sinh năm 1990, chồng là Nguyễn Duy Thành, sinh năm 1979. Cả hai đều là người Cam Ranh.

Mấy sĩ quan hải quân nói vui với tôi rằng, ở trên đảo không hiểu sao mấy cặp vợ chồng rất mau mắn. Cứ sinh con sòn sòn. Giống như uống được thuốc đẻ ấy. Cứ đà này, chẳng mấy chốc dân sẽ phủ kín các đảo.

Đến đảo Sinh Tồn, đoàn nhà văn chúng tôi còn vào thăm một bé mới hơn một tháng tuổi. Căn nhà họ ở được đánh số hộ thứ 7. Mà đôi vợ chồng cũng còn rất trẻ. Chồng là Nguyễn Minh Châu sinh năm 1990, quê ở xã Cam Hải Tây, Cam Lâm, Khánh Hòa; vợ là Phạm Thị Thương, sinh năm 1993, quê ở Ninh Hòa, Khánh Hòa. Thế mà ra đây mới một thời gian, họ đã kịp có 2 con gái khá xinh xắn, với những cái tên đặt thật đẹp: Nguyễn Ngọc Thùy Trang, Nguyễn Phan Ngọc Hân. Châu làm biển, còn Thương chỉ ở nhà chăm con và trồng rau, nuôi gà vịt.

Hộ số 6 thì có hai cậu con trai xinh xắn: Nguyễn Công Minh Huy, Nguyễn Công Minh Hải. Người mẹ trẻ tên Lê Thị Nga, quê xã Hà Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa. Còn người bố là Nguyễn Công Tuyến, quê xã Cam Hải Đông, Cam Lâm, Khánh Hòa. Nga tiếp chúng tôi ở hiên nhà. Ngồi ở bàn uống nước dưới bóng cây phong ba phủ tán lá mát rượi, cứ như ngồi giữa đất liền. Cảm giác bình yên và thanh tịnh bao trùm.

PV: Chị có thể nói kỹ hơn về cuộc sống còn nhiều khó khăn trên đảo?

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Chỉ cần sống ở đảo một ngày là thấy ngay những khó khăn gian nan mà những người dân ở đây phải gồng mình gắng sức để vượt qua.

Tính chi li, nếu một hộ gia đình có hai vợ chồng và hai đứa con, thì hàng tháng được chính phủ cấp phát các nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm, cùng với tiền mặt cho vào tài khoản ở đất liền, cũng không đến nỗi tệ, cũng được tổng cộng chừng trên 20 triệu. Nghe thì có vẻ to, nhưng có sống ở đây mới thấy hết được sự gian nan của cuộc sống trên đảo. Chỉ lo ướp thức ăn trong tủ cấp đông, lo chắt lọc gìn giữ nước ngọt, lo chớp bể mưa nguồn. Không tiêu tiền, không vui chơi giải trí gì ngoài tivi, không cần những phương tiện hiện đại, không picnic, không bát ngát cánh đồng hay đầu rừng cuối bể. Nếu đau yếu còn may, nhỡ bị bệnh nan y thì khá nguy hiểm. Quanh năm nhìn sóng vỗ quanh bờ kè của đảo, chờ đón những chuyến tàu ra… Nhưng đúng là ở đâu quen đấy. Không khí trong lành, cuộc sống với đúng nghĩa tự nhiên chất lượng hơn hẳn cuộc sống nhiều bon chen ở đất liền.

Điện lấy từ nguồn năng lượng mặt trời, được dùng rất hạn chế, chỉ vài tiếng mỗi ngày, nên tủ lạnh ra đây cũng chỉ để dành đủ đông đá và ướp giữ được chút đồ ăn. Có điện từ 10h đến 1h chiều, và đến tối thì được dùng 1 tiếng để sinh hoạt ăn tối.

Nước ngọt cũng tùy từng đảo. Có đảo như Trường Sa, thì lính còn thoải mái tắm, vì khoan được đến 6 giếng nước ngọt (hơi lợ chút). Đảo Song Tử Tây vào thời điểm chúng tôi ra thì cũng sắp khánh thành hệ thống lọc nước công nghệ Italia. Nhưng cũng có đảo rất thiếu nước. Những nơi nước ngọt khan hiếm thì ít dân hơn.

Nói về trường học, thì trên thực tế cũng mới chỉ mở được trường tiểu học trên mấy đảo có dân. Thường một thầy kèm 2 đến 3 trò bé xíu như cái kẹo, nhưng các bé rất ham học. Và việc kèm cặp cũng được đến nơi đến chốn hơn, vì ít trò.

PV: Nhắc đến Trường Sa, người ta hay nhắc đến những ngôi mộ gió như biểu tượng của sự hy sinh thầm lặng nhưng cũng đầy oai hùng.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Đúng vậy, đảo có sinh và cũng có tử. Có thể đây là quy luật khắc nghiệt mà trời đất đã không thể khước từ hay nương nhẹ con người. Và có thể, đó mới chính là dòng chảy của cuộc sống đang chảy mạnh mẽ trên những hòn đảo của quần đảo Trường Sa.

Vì sao mọi người cứ hay gọi những ngôi mộ ngoài quần đảo Trường Sa là mộ gió? Tôi loay hoay tìm những tư liệu nói về điều này, nhưng hoàn toàn không có. Tự lí giải rằng, trên những hòn đảo này, những ngôi mộ mà chúng tôi ghé vào thắp hương, tất thảy đều không được xây cất trong nghĩa trang như ở đất liền. Toàn thể được đắp bằng đá san hô, gió và cát vần vũ, xoay những vũ điệu của mạch ngầm biển cả. Có thể lính hải quân kiêng không muốn có nghĩa trang ở Trường Sa…

Hình ảnh những ngôi mộ trên những đảo mà đoàn công tác đã đặt chân lên ám ảnh cả đoàn. Khói hương thắp lên và những đôi mắt đỏ hoe.

Các chiến sĩ khi đi làm nhiệm vụ, hi sinh ở Trường Sa, nếu dùng chữ bất hạnh e có lỗi với họ, và với đất nước; nếu nói đau đớn cho cha mẹ họ, e quá nhẹ.

Chỉ biết rằng, khi họ hi sinh thì cha mẹ anh chị em không ai ra để làm tang lễ được. Mà an táng tại đảo thì phải 7, 8 năm may ra mới cải được để mang cốt về, vì đất đảo chủ yếu là đá san hô.

Họ còn trẻ lắm, có người sinh 1995. Thực sự không ai cầm nổi nước mắt. Ai cũng bàng hoàng thương các chiến sĩ hi sinh ngoài đảo bởi nhiều lí do khi đang làm nhiệm vụ.

Mỗi khi đoàn rời một hòn đảo nào đó để lên tàu tiếp tục hành trình, thì trong lòng tôi luôn là ánh mắt tròn thơ ngây của những đứa trẻ trên đảo, là vòng xoáy cát như những vũ điệu của gió trên những ngôi mộ nằm lặng lẽ bên sóng biển Đông.

PV: Và trong suốt chuyến đi này, ai là người để lại ấn tượng nhiều nhất với chị?

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Nói đúng ra thì với người viết văn, bất cứ một vùng đất đã đi qua, một người đã gặp đều để lại những ấn tượng gần như không thể phai mờ. Nhưng trong chuyến đi này, tôi nhớ mãi chân dung đại tá Nguyễn Viết Thuân, người được gọi một cách trìu mến là “chúa đảo” Trường Sa.

Bữa ăn trưa trên đảo Song Tử Tây, tôi ngồi cùng mâm với đại tá Nguyễn Viết Thuân. Vẫn nghe mọi người nói chuyện về vị đại tá – Chủ tịch huyện đảo Trường Sa này, nhưng tôi không biết anh đi cùng trên chuyến tàu HQ 996 với chúng tôi ngay từ cảng Cam Ranh. Nhất là khi nhạc sĩ Vũ Thiết ghé tai tôi nói nhỏ vào bữa tiệc đêm hôm trước, khi có ai đó nhắc đến vị “Chúa đảo”:

“Này, em có biết không, vị Chủ tịch huyện đảo Trường Sa là người cực kỳ khái tính. Có đợt cả vợ và con trai đều cùng nằm viện, còn anh ấy đang lênh đênh ngoài Trường Sa, mà anh ấy không hé răng kêu một tiếng với bạn bè”

Có đang trong tình trạng lắc lư trên sóng nước, tiếp xúc với bao gương mặt hải quân đen nhẻm, làm quen với những thuật ngữ, con số, tập theo những tác phong lính biển, cùng chia sẻ những kỷ luật thép, thì mới đồng cảm với những thông tin giản dị như thế, những chuyện khiến lòng ta như ngưng lại…

Sau bữa cơm trên đảo, anh Thuân hẹn với tôi sẽ bớt thời gian trong hải trình và hành trình lên các đảo, để kể cho tôi nghe về anh và đồng đội. Mặc dù vậy cũng phải tranh thủ nhiều lần, khi tàu đang chạy, hoặc giữa các cuộc gặp lính đảo, giữa những nhiệm vụ mà người Chủ tịch huyện đảo phải lo toan trực tiếp cho đoàn công tác, tôi mới có thể tìm hiểu được chút ít về người lính hải quân kỳ cựu này.

Tôi ấn tượng nhất, là mỗi khi tàu neo gần một đảo nào đó, là lại thấy anh trong vai một lái xuồng, đưa đón các thành viên đoàn công tác lên đảo, xuống tàu… Đi đến đâu cũng thấy những sĩ quan và lính hải quân rộn ràng đón, nhưng rồi anh đứng lẫn trong hàng ngũ của họ để tiếp khách, chỉ đạo từng việc cho các chỉ huy đảo. Khi dẫn chúng tôi đi thăm gác, anh bảo rằng anh thuộc từng ngóc ngách hầm hào quân sự của các đảo. Ước tính, chúng ta có 33 đảo lớn nhỏ và các rạn san hô chủ quyền. Và trong đầu vị Chủ tịch huyện đảo Trường Sa là những sa bàn chiến thuật chiến lược.

Anh kể cho tôi nghe những tháng ngày làm Chỉ huy trưởng trên đảo Nam Yết; về những công dân của các đảo, về các cán bộ chiến sĩ mà anh thuộc tên, hiểu tính nết, hoàn cảnh gia đình; về việc trồng cây trên đảo; về những cây bàng vuông, mù u, phong ba, bão táp, dừa… tỏa bóng mát và làm những lá phổi cho đảo. Anh kể chuyện về những chú chó nuôi trên các đảo, về sóng Viettel và những chuyện sinh hoạt, chuyện trữ nước ngọt, chuyện trữ những lá thư tình của hậu phương… Đêm trên đảo Sơn Ca, vị Chúa đảo ngồi uống rượu cùng đoàn công tác. Anh cùng chúng tôi hát Gần lắm Trường Sa, Nơi đảo xa, Người ơi người ở đừng về… Lúc ấy, ánh mắt vị Chúa đảo long lanh và có hồn lắm.

Trên bàn làm việc của tôi ở nhà giờ đây có đặt một vỏ ốc biển nhỏ. Cái vỏ ốc này là Chúa đảo tặng cho tôi khi rời đảo Sơn Ca. Anh bảo: đưa lên tai mà nghe tiếng biển. Con tàu đang đi giữa mịt mùng sóng nước, biển trời mênh mông. Cứ ngỡ mình bị ù tai, vì giữa biển chỉ nghe tiếng sóng vỗ bên mạn tàu, gió thổi vu hồi trên bầu trời mặn sũng…

Bây giờ về đất liền rồi, đưa cái vỏ ốc lên và lắng nghe. Đúng là có tiếng u u của biển vọng về. Dường như đến giờ, sau khi chia tay với Trường Sa hàng tháng trời, tôi mới say sóng. Sóng đến từ tiếng gió u u trong lòng vỏ ốc biển này chăng?

PV:Quả là một chuyến đi mà ai cũng ước muốn một lần trong đời. Xin chúc nhà văn ngày càng có nhiều tác phẩm hay hơn nữa về Trường Sa và biển đảo quê hương.

Nguyễn Toàn Thắng (thực hiện)