NHÀ VĂN VÕ THỊ XUÂN HÀ – VÀNG SON THẠCH THỦY KHÍ
Nguyễn Phú
Văn nghệ Công an: Nữ nhân có mệnh cung sinh Bình Địa Mộc (gỗ đồng bằng), cung khảm, niên mệnh năm sinh: thủy là người có khả năng đối nhân xử thế, tính cách thẳng thắn, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác. Họ cũng luôn hiếu kính với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Họ có tư chất thông minh sáng láng; dám thử và dám làm những điều mới mẻ, không e ngại khó khăn, không khước từ vận hội mới. Tử vi nói vậy và tôi thấy những phẩm cách này ở nữ văn sĩ Võ Thị Xuân Hà. Nhưng hơn cả những điều ấy, mười năm có lẻ, trong tình chị em văn chương, những lần gặp gỡ, trò chuyện cùng chị, tôi lại thấy ở Võ Thị Xuân Hà những vẻ đẹp của “Vàng Son Thạch Thủy Khí”, như tên một tác phẩm nổi tiếng của chị.
Vàng
Nữ văn sĩ Võ Thị Xuân Hà là thứ nữ trong gia đình dòng dõi gốc Vĩ Dạ (Huế) có 5 người con, cha là một sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam, mẹ là y sĩ quân y, vốn tham gia hoạt động cách mạng từ thuở mới lớn. Thuở ấu nhỏ và thời thanh nữ của chị luôn thiếu vắng hơi ấm người cha vì ông tham gia chiến trận và mẹ cũng thường xuyên vắng nhà do công việc ở bệnh viện. Là một người con sớm hiểu chuyện nên Võ Thị Xuân Hà luôn cố gắng chăm ngoan việc học, việc nhà để cha mẹ yên lòng. Bởi vậy, cũng như hầu hết các bậc cha mẹ trên thế gian này, cha mẹ Võ Thị Xuân Hà luôn yêu thương cô con gái như châu báu, bạc vàng. Sau này, dù cuộc sống có nhiều thăng trầm, lúc vinh lúc tủi, lúc sang giàu, khi khó khăn, nhưng chị luôn hướng tấm lòng vàng về nguồn cội, tổ tiên, ông bà, cha mẹ với niềm tự hào kiêu hãnh và sự hiếu kính.
Thông minh lại chịu khó trui rèn, trong các cấp học, Võ Thị Xuân Hà luôn là người dẫn đầu, cô gái vàng của lớp, của khóa. Ngay cả khi học khóa IV, Trường Viết văn Nguyễn Du với rất nhiều tên tuổi như Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Y Ban, Cao Duy Sơn, Bích Ngân, Nguyễn Lương Ngọc,… Võ Thị Xuân Hà cùng Tạ Duy Anh đã tốt nghiệp thủ khoa của khóa học. Dấn thân với con đường văn chương chữ nghĩa, chị đã xác lập cho mình một vị trí sáng đẹp trên văn đàn và trong lòng độc giả.
Son
Son thường liên gợi, được coi là một trong những biểu tượng của vẻ đẹp phụ nữ. Từ thuở thiếu nữ trăng rằm hay thiếu phụ trăng xế, Võ Thị Xuân Hà vẫn luôn là một người đẹp. Có lần, ngắm bức ảnh đen trắng của chị do đồng nghiệp chụp khi chị làm phóng viên báo Điện ảnh Kịch trường, tôi bảo: “Đẹp như nữ chính trong phim “Xa Huế”. Bảo vậy bởi tôi thấy bức ảnh xuân sắc đó của chị thật đẹp, rất nghệ thuật, nó gợi cho tôi nhớ đến những bức ảnh đen trắng của các nữ minh tinh như Trà Giang, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Kim Cương, Như Quỳnh, Thanh Loan, Hà Xuyên,… của mấy thập niên về trước. Còn “Xa Huế”, cũng không phải một bộ phim nào cả, đó là cái tên tôi tự nghĩ ra. Tôi nhớ, Võ Thị Xuân Hà được sinh ra lớn lên ở đất kinh kì nhưng nữ văn sĩ luôn hoài vọng về cố đô Huế, cố thổ của cha ông. Giao tiếp với chị, người đối diện thấy ở chị vừa toát lên nét thanh lịch, duyên dáng Hà thành vừa phảng phất nét dịu dàng, trầm tư Huế.
Đi rồi ắt đến, mọi sự “trời xanh sẽ an bài”, Võ Thị Xuân Hà luôn quan niệm như thế với chuyến đò dọc của đời mình trên dòng sông chữ. Cuộc đời chị có những tao đoạn thăng trầm, có khi bị thiệt thua, lại có lúc vướng thị phi, ganh tỵ, nhưng chị buông bỏ tất cả. Chị tin vào Đất Trời Thần Phật, tin nhân duyên, luân hồi, nghiệp báo… Chữ là con đường mê đắm, là dòng sông thanh sạch, là đôi cánh diệu kì của chị trong cõi nhân sinh này. Chữ đã chọn chị để song hành, tỏa sáng. Thế nên, dù đã từng bước vào con đường nào, với bao cơ hội mở ra, thì cuối cùng chị vẫn trở về với chữ, với tấm lòng son thắm vẹn nguyên. Nghĩ về đường đời, đường chữ của chị, tôi nhớ đến hai câu thơ của Bà Chúa thơ Nôm: “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn/ Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.
Mọi người thường nhắc đến “Lúa hát”, một truyện ngắn thật đẹp, làm sáng rỡ những phẩm tính của một người phụ nữ nông thôn lam lũ, được cho là tác phẩm đánh dấu ghi tên Võ Thị Xuân Hà trên văn đàn. Và đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi nữ văn sĩ công bố truyện ngắn “Đàn sẻ ri bay ngang rừng” lập tức trở thành hiện tượng của làng văn. Bởi thời điểm ấy, viết về vấn đề hậu chiến, tâm linh, lại đề cập đến “loạn luân”, tính dục thì thật nhạy cảm. Nhưng hơn hết những điều đó, “Đàn sẻ ri bay ngang rừng” là tiếng nói nữ quyền, là tiếng lòng của người nữ luôn mong muốn được thấu hiểu, sẻ chia ở cả những điều sâu kín, đàn bà, con người nhất.
Càng những sáng tác về sau, tôi càng thích cái không khí huyền hồ, hư thực, hiện tại và tiền kiếp, tâm linh trong truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà. Luôn tạo được không khí để quyến dụ người đọc bước vào, ngôn từ tinh luyện lấp lánh, kiệm chữ kiệm tình tiết nhưng luôn đúng chỗ, đắt giá, cái kết lúc ám gợi, khi mơ hồ, dư ba… là những đặc sắc trong phong cách của nữ sĩ. Tập truyện “Hoàng Mộc Hương”, rồi gần đây nhất là tiểu thuyết “Câu chuyện của nàng Thê” vẫn là chị, tinh luyện, tiết chế, mang mang hư ảo, đẹp đến nao lòng và thấm đẫm tinh thần, triết lý Phật giáo. Trong hành trình chữ, Võ Thị Xuân Hà đã đóng những dấu triện son trên từng trang văn của mình.
Thạch
Dường như đường văn, đường đời của Võ Thị Xuân Hà đều bị “hung tinh” chiếu mệnh ở những thời đoạn nào đó. Có khi chị từng cháy hết mình để trình hiện những tác phẩm xuất sắc, nhưng rồi thời điểm ấy tác phẩm đã không được nhìn nhận với những giá trị thực của nó. Để rồi, thời gian qua đi, sông đời sàng đãi, thì tác phẩm của chị lại tỏa rạng. Điều ấy, không làm chị nản lòng, việc duy nhất của người viết trước con chữ là kính chữ, hết lòng với chữ, với nghiệp của mình. Mới đây, chị chia sẻ: “Tôi đã đi đến chặng đường, mà ở cái chặng này, tôi không còn thấy việc được khen ngợi, trao thưởng hay bất cứ phần thưởng cụ thể nào là hấp dẫn với tôi”.
Công việc kinh doanh từng gặp không ít trắc trở, nữ văn sĩ chưa khi nào dừng bước, chị cũng như nhân vật nàng Thê của chị dù trải qua bao kiếp nạn nhưng luôn hướng về phía trước, về ánh sáng bằng tình yêu thương. Nếu có trắc trở gì đó trong đời, mọi sự là do duyên, chả thể cưỡng cầu, việc của mình là sống tử tế, vun đắp tình người trong cuộc đời này.
“Sinh ra làm con người là để chịu sự thử thách, học những bài học, để tiến hóa trưởng thành” – Võ Thị Xuân Hà từng chia sẻ vậy. Trí huệ ấy của một người văn chẳng vững như thạch hay sao.
Thủy
Sức làm việc của nữ văn sĩ họ Võ làm tôi liên tưởng đến sự mềm mại, mênh mông và sức mạnh của nước. Nghỉ hưu đã mấy năm nhưng dường như chưa khi nào chị nghỉ ngơi. Kinh doanh, sáng tác, tham gia làm phim, cố vấn – biên tập cho một số đơn vị xuất bản, làm giám khảo các cuộc thi,… bận rộn là vậy nhưng chị vẫn duy trì trang web tonvinhvanhoadoc.net và kênh youtube Cầm Kỳ Official để thông tin về đời sống văn học, văn hóa đọc và giới thiệu tác phẩm của bạn bè văn chương hữu duyên với chị. Mọi công đoạn từ chọn lựa, đọc thu âm, làm thumbnail, dựng clip, cho đến lập trình thuật toán, rồi công chiếu đều do một mình chị đảm nhiệm. Thức đến 2 – 3 giờ sáng để làm việc là chuyện thường của chị, thế nên có người bảo với nhà văn Võ Thị Xuân Hà một ngày là 48 giờ chứ không phải 24 giờ.
Mềm mại, linh hoạt như nước nên chị có thể chơi thân thiết, tâm giao với cả người già và người trẻ. Là một nhà văn nổi danh, Nhà văn Võ Thị Xuân Hà từng đảm nhiệm vị trí Tổng Biên tập Tạp chí Nhà Văn, nguyên là Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Trưởng ban Nhà văn Trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam Khóa 8, nhưng chị không nề hà việc phải pha chế, bưng cà phê cho khách. Có lần, tôi đến thăm chị ở cái quán cà phê nhỏ xíu, tôi đã lấy làm ngạc nhiên khi thấy chị pha cà phê và mang cho vị khách láng giềng. Với Võ Thị Xuân Hà, nếu là lao động chân chính thì không có nghề nào cao quý, nghề nào thấp hèn. Là một nhà văn, nhà báo, trí thức, nhưng chị cũng có thể làm những công việc của người lao động bình thường, miễn là công việc đó thiện lương.
Khí
Nhiều trắc trở, nhiều thử thách, khó khăn như vậy, nhưng dường như Võ Thị Xuân Hà luôn có một nguồn năng lượng dồi dào và tươi tốt trong mình. Thế nên, dù làm việc xuyên đêm dài ngày chị rất hiếm khi bị ốm. Sáng ra, gặp bạn bè, giải quyết công việc là chị lại tươi tỉnh, chỉn chu và phải đẹp. Đó chính là cái phong khí của mùa xuân trong chị. Phong khí ấy chảy trên những trang văn để vun đắp tình yêu thương trong đời. Đặc biệt, với nhiều người viết trẻ, cả khi chị không còn làm Trưởng ban Nhà văn trẻ, không gắn với trách nhiệm phải chơi với bọn trẻ, nâng đỡ bọn trẻ thì chị vẫn mang cái phong khí mùa xuân tươi tốt đến cho rất nhiều người trẻ để họ thấy tự tin, thấy ấm áp khi bước vào con đường văn chương thường được cho là cô đơn, cô độc này.