Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Tôi đã từng rơi vào tình cảnh túng quẫn, từng âm thầm rơi lệ mà viết bài thơ cho riêng mình Mười lăm ngày nữa mới hết tháng – Còn 15 ngày nữa, mà trong túi chỉ còn vài đồng bạc mỏng manh, với bao nhiêu việc phải cần đến tiền. Nhưng tôi vẫn gắng gỏi “Riết róng thân mình giữ trọn đạo nhân gian”, vẫn kiêu hãnh nhìn ra “Cái ác quanh ta mặc bộ com-le/ Một sớm mai vù xe qua trước cửa/ Lặng lẽ ta ban nụ cười cháy đỏ/ Gã lùi xa rồi… ”. Sau này, tôi là nhà văn đã tuyên bố một cách mạnh mẽ trên báo chí: nhà văn không được phép nghèo! Bây giờ khi đi giảng bài ở những lớp bồi dưỡng sáng tác, tôi vẫn kiên định với ý chí đó.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Ai là người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp văn chương của chị?

Đó là cuộc sống của chính tôi.

Bài hát nào chị thích nhất?

Không có nhất, mà có nhiều bài tôi thích. Tôi dùng âm nhạc, đôi khi để tạo nhịp cho văn. Đôi khi, tôi cũng thích dùng ca từ để làm đề từ. Chẳng hạn như vài câu trong bài Mùa thu lá bay, Bài không tên số 2 vv…

Con đường đến với văn chương của chị – theo đánh giá của chính chị – có bằng phẳng?

Không hề bằng phẳng. Mà quan niệm thế nào là bằng phẳng? Tôi xuất thân là giáo viên dạy toán, rồi tự chọn con đường đến với văn chương. Viết văn rồi mới trở thành nhà báo. Rồi nhờ làm báo mà nghiệp văn được củng cố… Con đường gập ghềnh của văn chương đem đến cho tôi một một thế giới. Trong thế giới đó, tôi chính là tôi.

Dường như những nhân vật nữ của chị đều ít nhiều mang màu sắc bí ẩn?

Không hẳn. Những nhân vật nữ của tôi là những con người đời thường ta vẫn gặp. Chẳng hạn như Diễm, nhân vật Tôi trong truyện Đàn sẻ ri bay ngang rừng là một người đàn bà điển hình của xã hội Việt Nam thời kỳ hậu chiến, trong ý tưởng của tôi. Trong khi xã hội hiện đại vẫn tôn vinh hình ảnh Công-Dung-Ngôn-Hạnh của người phụ nữ theo lối Khổng Tử, thì tôi thích sự “phá phách” nhân bản của Diễm hơn. Nàng chịu đựng những bi kịch gia đình, thân phận làm dâu một cách bướng bỉnh. Lớn hơn, là bi kịch của cả một dân tộc vừa trải qua đau thương mất mát do chiến tranh. Ngay trên đất mình mà bao nhiêu hài cốt của cả một thế hệ cầm súng lên đường bảo vệ Tổ quốc vĩnh viễn không tìm thấy. Tôi không thôi ám ảnh về đề tài chiến tranh trên đất nước nhỏ bé này. Tôi đã viết về chiến tranh ở góc nhìn của một người lớn lên sau chiến tranh. Đàn sẻ ri bay ngang rừng là một thực tế mà tôi viết ra để cho mình đỡ đau đớn hơn thực tế!

Điện ảnh, với chị, phải chăng cũng có thể gọi là “duyên nghiệp”?

Tôi gắn bó với điện ảnh đã lâu, đã từng là Trưởng Ban Biên tập báo Điện ảnh – Kịch trường, viết nhiều bài về điện ảnh, từng là nhà báo chuyên điện ảnh có thương hiệu. Tôi có nhiều kịch bản phim cũng như các giải thưởng điện ảnh. Cho nên, điện ảnh, với tôi, như một cõi riêng. Là hội viên Hội Điện ảnh, nên tôi vẫn rất gắn bó với ngành. Hiện tại, tôi đang có hợp đồng viết phim truyền hình dài tập, nhưng xin được giữ “bí mật” đôi chút.

E ngại – hình như từ này không có trong cuộc sống của chị?

Có chứ. Tôi e ngại nhiều điều, nhiều vấn đề. E ngại, nhưng không sợ hãi, đó là điều mà tôi luôn phải dưỡng tâm.

Gắng sống – đã bao giờ chị phải ở trong tình trạng như vậy?

Không phải gắng, mà nhiệm vụ là phải sống, sống một cách đàng hoàng. Nhà văn lại càng phải đàng hoàng và nhất thiết không được nghèo.

Tôi đã từng rơi vào tình cảnh túng quẫn, từng âm thầm rơi lệ mà viết bài thơ cho riêng mình Mười lăm ngày nữa mới hết tháng – Còn 15 ngày nữa, mà trong túi chỉ còn vài đồng bạc mỏng manh, với bao nhiêu việc phải cần đến tiền. Nhưng tôi vẫn gắng gỏi “Riết róng thân mình giữ trọn đạo nhân gian”, vẫn kiêu hãnh nhìn ra “Cái ác quanh ta mặc bộ com-le/ Một sớm mai vù xe qua trước cửa/ Lặng lẽ ta ban nụ cười cháy đỏ/ Gã lùi xa rồi… ”. Sau này, tôi là nhà văn đã tuyên bố một cách mạnh mẽ trên báo chí: nhà văn không được phép nghèo! Bây giờ khi đi giảng bài ở những lớp bồi dưỡng sáng tác, tôi vẫn kiên định với ý chí đó.

Hồi nhỏ, chị đã yêu văn chương?

Đúng. Thế hệ chúng tôi lớn lên bằng lời ru, những câu thơ, những áng văn truyền cảm. Chui xuống hầm tránh bom Mỹ, gian khổ là thế mà mẹ tôi vẫn kiếm được cho chúng tôi những cuốn sách văn học giá trị. Cho nên tôi sợ một ngày nào đó, trẻ con sẽ lớn lên mà không có lời ru, không có thi ca, văn học. Và nguy hiểm là, tình trạng đó đang diễn ra một cách từ từ, chậm rãi.

Im lặng – phải chăng là thái độ của chị trước những thị phi trong cuộc sống?

Những gì gọi là thị phi – những thứ mà “người của công chúng” thường hay bị – nếu chúng ta không nhận thì coi như vẫn là của những kẻ đem đến. Nói chung tôi không bị chi phối bởi những điều vặt vãnh ấy.

Khi nào chị thấy mệt mỏi nhất?

Là khi tôi phải hoàn thành cùng lúc rất nhiều công việc mà mình phải gánh vác, nhưng đội ngũ của mình lại không biết việc, không chia sẻ, ỷ lại… Nói chung, tôi nghĩ rằng mình nên bớt đi một số việc để tập trung cho công việc viết lách. Như vậy mới tránh được sự mệt mỏi.

Lúa hát là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của chị và đã góp phần tạo nên một Võ Thị Xuân Hà trên văn đàn. Chị có thể nói thêm về truyện ngắn này?

Tôi còn rất nhiều truyện ngắn khác cũng rất đáng cho bạn đọc tìm đọc. Nhưng đúng là Lúa hát được đông đảo bạn đọc quan tâm. Muốn hiểu Lúa hát, mọi người hãy đọc không chỉ bằng mắt mà bằng trái tim, cảm nhận theo cách của mình. Tôi đoán chắc là mỗi người sẽ có một cảm nhận khác nhau. Tôi có thể tự hào nói rằng, Lúa hát là một viên ngọc trời đất ban cho tôi. Mà như lời của nhà LLPB Văn Giá nhận xét: Lúa hát là một truyện ngắn lưu giữ những áng văn đẹp của tiếng Việt.

Một ngày bình thường của chị, sẽ như thế nào nhỉ?

Thông thường, công việc của người sáng tác không cố định. Tôi không chỉ đơn thuần là người chỉ có mỗi việc sáng tác. Nhưng có thể là như thế này. Buổi sáng, tôi đến làm việc tại Tạp chí Nhà văn, đốc thúc bài vở, lo lên trang, giải quyết những công việc sự vụ hành chính của một Tổng biên tập. Buổi trưa, với vai trò Trưởng Ban (mà vị trí này lại ăn lương nhà nước ở bên Hội Nhà văn VN), tôi phải tranh thủ làm việc với các nhà văn là cán bộ trong Ban Nhà văn Trẻ hoặc các cộng tác viên của Ban. Vừa làm việc vừa ăn trưa nhẹ, rồi nghỉ một chút. Buổi chiều lại bù đầu với bài vở cho cả tạp chí viết và tạp chí online – trang tapchinhavan.vn, và tôi thường là người ra về muộn nhất. Buổi tối, sau bữa ăn và việc nhà, tôi lo công việc của công ty Truyền thông Hà Thế, đọc và soát xét nội dung các tác phẩm mà công ty sẽ xuất bản; kiểm tra đôn đốc bài vở của trang tonvinhvanhoadoc.vn… Thường chỉ sáng tác được từ 23h trở đi. Cho nên, cái tôi thiếu bây giờ chỉ là thời gian để ngủ (cười).

Nếu có một giấc mơ, chị sẽ mơ gì?

À, chuyện này vui đây. Tôi không phải type người mộng mơ, nhưng nếu được chọn một giấc mơ để thành hiện thực, tôi chỉ muốn người viết văn sống được, sống khoẻ bằng ngòi bút, bằng computer, bằng tablet của mình.

Ốm – chị có sợ từ này?

Tôi chỉ sợ sự ốm yếu về tinh thần. Vì vậy tôi luôn học hỏi. Tôi luôn nhìn sự vật sự việc theo hướng tích cực. Có thể nhờ vậy mà tôi luôn khoẻ mạnh về tinh thần. Đủ để viết.

Phương pháp nào chị muốn khuyên với những người yêu văn chương và muốn viết văn thế hệ sau?

Hãy sống hãy trải nghiệm thật kỹ và yêu thương thật nhiều.

Quyền lực lớn nhất của nhà văn, theo chị, là gì?

Là được sống nhiều cuộc đời. Ngoài ra, hình như cũng chẳng có quyền lực gì ghê gớm. Ví dụ như tôi, về nhà vẫn làm tròn vai trò của người vợ, người mẹ, không được “ưu tiên” bất cứ điều gì. Thậm chí còn không được như người bình thường, ví dụ như chỉ là được hưởng một buổi tối nằm xem tivi, không phải lo nghĩ đến công việc…

Rất nhiều nhà văn trẻ coi chị là “bà đỡ” mát tay để họ bước vào con đường văn chương chuyên nghiệp? Chị có tự hào về điều này?

Vui thì đúng hơn. Tôi vui niềm vui của người đào vàng, tìm từ trong đất những mỏ vàng. Và tôi mừng là đã tìm thấy nhiều người viết trẻ hứa hẹn sẽ toả sáng trong tương lai. Tuy nhiên, thành vàng mười hay không thì còn là một quãng đường dài khổ luyện. Các nhà văn trẻ luôn tin tưởng giao phó tác phẩm đầu tay của mình cho tôi. Mỗi khi các em đoạt một thành tích nào đó, tôi coi đấy chính là phần thưởng dành cho mình.

Sẽ ra sao nếu nhà văn Võ Thị Xuân Hà không viết văn?

Thì sẽ có một nhà giáo dạy Toán giỏi Võ Xuân Hà. Tôi đã từng đi dạy nhiều năm. Đã đoạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua của tỉnh (Bình Trị Thiên), giáo viên dạy giỏi khi mới 21 tuổi.

Trình diễn văn xuôi – dường như bây giờ, nhắc đến cụm từ đó, độc giả yêu văn chương nghĩ ngay đến chị qua nhiều lần tổ chức thành công trong Ngày hội đọc sách cũng như Ngày hội Thơ?

Tôi chỉ là người khởi xướng. Truyện ngắn Đàn sẻ ri bay ngang rừng của tôi đã được Trung tâm Văn hóa Pháp chọn làm trình diễn vào tháng 4/2009. Đó coi như là sự kiện trình diễn truyện ngắn đầu tiên của nhà văn Hà Nội. Sau đó, tôi có kinh nghiệm để chuyển tải ý tưởng trình diễn truyện ngắn cho các nhà văn trẻ. Thành công mà Ban Nhà văn Trẻ có được trong những sự kiện đó là nhờ những thành viên trong Ban Nhà văn trẻ và những nghệ sỹ, bạn bè, cộng tác viên của Ban Nhà văn Trẻ.

Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Nhà văn Trẻ, Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn. Chị muốn mọi người gọi chị với chức danh nào?

Đơn giản, hãy gọi tôi là nhà văn Võ Thị Xuân Hà.

Viết văn, theo chị, có phải là công việc đặc thù?

Cũng không hẳn như vậy. Nếu chẻ sợi tóc làm tư, công việc nào cũng có đặc thù riêng. Có điều, viết văn cần một tư duy khoa học bên cạnh sự thăng hoa sáng tạo. Ngoài ra, cần một sự bền bỉ, nếu không sẽ gục ngã ngay lập tức.

Xót xa cho nhân vật, đã bao lần chị có trạng thái này?

Thường trực trong những tác phẩm của tôi, nhất là khi tôi viết về những nhân vật nữ, và viết về trẻ em, về chó…

Yêu – nhà văn nào cũng xây dựng tình yêu trong những sáng tác của mình. Chị xây dựng tình yêu của mình – trong tác phẩm – theo hướng nào?

Hãy đọc những tác phẩm của tôi để cảm nhận. Vì tình yêu chỉ có thể cảm nhận, theo cách của riêng mình.

Zoom vào chị, độc giả sẽ thấy gì?

Một phụ nữ hiện đại một cách truyền thống. Dám sống hết mình vì những người mình yêu thương và những điều mình tôn trọng. Tôi sinh ra lớn lên và gắn bó (có lẽ là mãi mãi) với Hà Nội, nhưng dòng máu trong người chảy mạnh dòng Huế, tuổi thơ được nuôi dưỡng trong văn hóa của Đà Lạt, bởi mẹ tôi là “dân Đà Lạt” đúng nghĩa của tộc người kinh di cư lên cao nguyên thơ mộng đó.

Tôi trộn lẫn trong phong cách mình sự nhanh nhạy chính xác của dân toán học; sự công bằng, nghiêm khắc, quyết đoán, thấu hiểu người lao động, hiểu luật của người làm quản lý; sự bình tĩnh lạnh lùng dám làm dám quyết của người đã qua những trải nghiệm kinh doanh; và trên hết là niềm đam mê lãng mạn, thích sự thử thách với câu chữ và những cốt truyện…

Theo tapchinhavan.vn

Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam

Exit mobile version