Thưa nhà văn, một tác phẩm hay có nhất thiết phải chứa đựng tư tưởng, triết lí, phải có tầng nghĩa thứ hai hay không, hay sự giản dị, gần gũi đời thường cũng có thể làm nên một tác phẩm lớn ạ? Thế nào là tư tưởng truyện bị “lộ” và cách tránh khi viết truyện?

Hương Mai (Lớp 11 chuyên Anh, trường chuyên Lê Quý Đôn, Vũng Tàu)


Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Đương nhiên một tác phẩm hay nhất thiết phải chứa đựng tính tư tưởng trong đó. Tính tư tưởng có thể nằm ở tầng nghĩa thứ nhất, thứ hai, thứ ba… của tác phẩm. Có thể được tác giả trình bày giản dị, gần gũi đời thường. Cũng có thể trình bày theo lối hiện đại, hậu hiện đại, hiện thực huyền ảo, tân hình thức… Nhưng cho đến  nay, hầu như các tác phẩm được đánh giá cao, thành công, truyền tải được những tư tưởng, triết lý sâu sắc, thì đều là những tác phẩm được trình bày giản dị, gần gũi đời thường.

Trên đấu trường, những võ sĩ giỏi thường không khoe đường đi của thế tấn, thế thủ… Kiếm sắc thường không quá sáng loáng.

Vì vậy ngay trong câu hỏi của bạn đã chứa đựng mâu thuẫn.

Thật ra nên hiểu thế này: những tác phẩm càng giản dị, gần gũi đời thường thì càng chứa đựng tính tư tưởng trong nó.

Nhưng thế nào là tác phẩm giản dị, gần gũi đời thường? Để hiểu được kỹ vấn đề này, cần một sự học nghiêm túc về viết văn. Không thể không học, dù học bằng cách tự học, tự nghiên cứu, hay tham gia những khóa học bồi dưỡng, tham gia những hoạt động văn chương…

Tư tưởng truyện bị “lộ” khi tác giả cứ nhăm nhăm triết lý, cứ sợ người đọc không hiểu ý tưởng của mình.

Cách tránh “lộ” khi viết truyện:

Nên viết truyện bằng cả trí óc và trái tim mình.

Đặt mình ở vị trí khiêm tốn phía sau độc giả

Điều rất quan trọng, đó là sự sáng tạo cộng với chất liệu xúc cảm.

Nhất quyết không được thoả hiệp với sự dễ dãi. Nếu dễ dãi dựng được một cốt truyện thì trên thế gian này chúng ta sẽ phải đọc rất nhiều tác phẩm nhạt nhẽo.

 

Nguồn: Vanvn.net

Exit mobile version