Nhà văn Tống Phước Bảo
Có lần giao lưu với các cây bút trẻ, Nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã khuyên cứ đi rồi đường sẽ mở. Ấy vậy mà suốt chặng đường của các cây bút trẻ, chị đều quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ rất nhiệt tình. Không để người viết trẻ bơ vơ, lạc lõng hay chênh vênh. Chị đến với họ bằng tấm lòng thảo thơm của một người chị chứ không phải là nhà văn tên tuổi. Phần lớn thế hệ nhà văn 7X, 8X, thậm chí 9X trên văn đàn Việt đều là những đứa em thân thương của chị.
*
Người chị của những cây bút trẻ
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà từng đảm nhiệm vị trí Tổng biên tập Tạp chí Nhà Văn, nguyên là Ủy viên BCH Hội NVVN, nguyên Trưởng Ban Nhà văn Trẻ Hội NVVN Khóa 8. Chị sống và viết bằng một tâm thế tận hiến phụng sự với văn chương. Chị luôn là cái tên mà giới văn chương đánh giá cao không chỉ ở chất lượng sáng tác, sự đồ sộ của gia tài văn chương mà còn ở hành trình miệt mài bền bỉ của chị với văn chương. Nhắc đến Võ Thị Xuân Hà người ta nghĩ ngay đến những tác phẩm ghi đậm dấu ấn không gian đa tầng với nhiều chiều kích như Tường Thành, Đàn sẻ ri bay ngang rừng, Lúa hát, Chiếc hộp gia bảo… Và mới nhất là tiểu thuyết “Câu chuyện của nàng Thê”- (NXB HNV-2022).
Ở lần xuất hiện này, công chúng ngỡ ngàng và thán phục bởi sức viết bền bỉ của chị. Tiểu thuyết được thai nghén từ năm 2011, sau khi chị tổ chức thành công Hội nghị Viết văn trẻ Toàn quốc lần thứ 8. Khởi nguồn của tiểu thuyết chính là truyện ngắn “Dưới nước” chị viết năm 2011, nhân vật chính là nàng Thê. Sau đó lần lượt một loạt tác phẩm như các tiền đề của tiểu thuyết được chị viết riêng lẻ như “Tấm lưới óng ánh”, “Lưới Sông, Thủy Mạc và tôi”, “Bến Đoạn Hà”,… Từ những tiền đề đó, nữ nhà văn luôn thao thiết với số phận của Nàng Thê. Với chị, người phụ nữ đã đi qua rất nhiều thác ghềnh gieo neo của cuộc đời này, văn chương như một không gian sống mới, mở ra những tầng trời mà ở đó nhân vật của chị là những người phụ nữ đẹp. Rất đẹp. Chính cái đẹp đó khiến cho cuộc đời họ luôn trải qua lớp lớp đau thương, trùng trùng khổ hạnh. Nhưng tự trong cằn cỗi của phận đời ấy, những người phụ nữ trong tác phẩm chị luôn kiên trường và quyết liệt tìm lấy cho mình hạnh phúc, tự định yêu thương và sống một cuộc đời thanh lành.
Võ Thị Xuân Hà cũng đẹp, chí ít với lần hữu duyên được hạnh ngộ cùng chị ở Hà Nội. Tôi thích mái tóc dài đen nhánh, cặp mắt liêu trai và ánh nhìn huyền mị. Chị nói chuyện từ tốn, dáng người mảnh khảnh. Chị gặp và nhận ra tôi ngay, lớp hậu bối viết sau chị hơn hai chục năm trời. Chị cười nhẹ tênh bảo mình luôn theo dõi những lứa viết trẻ. Đọc ai hay, chị tìm trên báo, trên các mạng xã hội chỉ để nhớ, sau này có dịp gặp mà biết. Chân tình và thẳng thắn. Đêm đó Hà Nội dặt dìu gió, chị trao tặng cả đám trẻ chúng tôi những quyển sách cũ và quí. Chị bảo chẳng có gì quí hơn sách, nhất là đối với người viết. Đọc là học. Nhất là những cuốn sách mà chị cố công sưu tầm và gìn giữ. Nếu gởi trao cho ai thì chị đắn đo, nhưng nếu với những bạn viết trẻ biết trân quí con đường văn chương thì có lấy hết sách quí nơi nhà chị, chị càng mừng. Đám văn trẻ chúng tôi ra về mà khấp khởi lòng, chí ít vẫn biết đâu đó trên hành trình viết của mình, luôn có chị dõi theo.
*
Nhà văn của những cuộc vượt thoát
Một ngày tháng 2 năm 2022, chị gọi điện thoại từ Hà Nội vào Sài Gòn ướm lời hỏi tôi tham gia một trại sáng tác. Quả thật tôi run, bởi không dễ để nhận được đề cử từ chị. Càng bất ngờ hơn, khi hiểu rằng lời nói dõi theo hành trình của mình từ một người đàn chị thành danh không phải lời nói xã giao đãi bôi. Chị vẫn luôn âm thầm ủng hộ đám trẻ bằng những lới giới thiệu. Thoảng khi chị nói chuyện cùng tôi cả tiếng trời, chuyện văn chương, chuyện nghề, chuyện đời cả chuyện thiên hạ rồi chốt lời hun đúc đường văn non trẻ để tôi mạnh dạn dấn bước hơn. Vài ngày sau, thấy chị viết cho mình một bài giới thiệu trên trang Tôn vinh văn hóa đọc của chị. Cứ thế mà chị lặng lẽ trao gởi những ân tình.
Nói đến Võ Thị Xuân Hà, là phải nói đến người phụ nữ cấp tiến nhất nhì làng văn. Khi mọi người loay hoay với câu chuyện chuyển đổi số, mạng xã hội thì chị đã kỳ công học hỏi và tự dựng lên cho mình một kênh Youtube mang tên Cầm Kỳ Official. Một kênh thuần túy văn chương giữa muôn vàn kênh giải trí chiêu trò bát nháo. Bắt đầu từ không biết gì, chị tìm các bạn trẻ rành công nghệ mà học. Tự mày mò đọc, thu, dựng, lồng âm thanh, và làm hình nền. Kênh Youtube do chị lập ra nhưng toàn quảng bá văn chương bạn bè. Có hôm chị lọ mọ thức đến 3, 4 giờ sáng để làm cho bằng được một Clip rồi mới đi ngủ. Mới sáng sớm lại thấy chị nhắn tin khoe vừa dựng xong cái truyện trên kênh, đã quá, thích quá! Bắt kịp xu thế trẻ giữa thời đại phẳng 4.0 thì quả là làng văn đến nay mỗi chị làm được.
Có hôm nửa đêm chị hồ hởi khoe, ngồi tổng kết lại hóa ra tổng lượt nghe kênh lên mấy trăm ngàn rồi em ơi! Con số này nếu đem so với các clip hài, các kênh giải trí, hay game show thì thua xa. Nhưng, với một kênh văn chương thì là điều đáng mừng. Bởi như chính chị tâm sự: “Văn chương nếu làm tử tế vẫn có lượng người nghe riêng biệt. Người yêu văn chương vẫn còn đó. Chỉ là thời đại này, có những sự phát triển mà người viết phải đi kịp, nắm bắt và đầu tư cho phù hợp với công chúng”. Mỗi một hình thức giải trí tinh thần đều có một phân khúc người thưởng lãm khác nhau. Chị cứ làm và tin vào xu thế thời đại chính là chìa khóa để dẫn đến một cuộc vượt thoát cho văn chương.
Những chiều kích yêu thương
Chị chuyển cho tôi Tiểu thuyết Câu chuyện của Nàng Thê vào những ngày Sài Gòn hun hút nắng. Chị bảo gởi chút mùa thu với những yêu thương đến với phương Nam. Tôi mừng, rất mừng. Vừa là vì được chị nhớ đến để gởi mà còn là mừng cho chị hoàn thành một tâm huyết. Dạo chị đầu tư thời gian và sức lực để hoàn thành tiểu thuyết này, chị gầy rộc mà ít khi nói chuyện cùng tôi. Tôi lo nhưng vẫn âm thầm dõi theo trang mạng xã hội hay kênh văn chương của chị. Bởi tôi biết, Võ Thị Xuân Hà mỏng mảnh vóc dáng nhưng mà quyết liệt và kiên trì. Chị luôn tự đặt những áp lực cho mình và hoàn thành các tiến độ một cách đứt khoát nhứt. Ở chị không có tính rề rà hay xao nhãng bất cứ dự định nào. Chị đắm chìm vào nhiều không gian cõi kiếp của Nàng Thê thể như chị dệt nên một thiên trường địa cửu trong cuốn tiểu thuyết đồ sộ dung lượng, đồ sộ nhân vật và đa chiều không gian.
Nàng Thê vốn dĩ là “cây sứa đam ở chòm sao Tiên Tử được về Rừng Đại Ngàn, rồi đầu thai ở Tiên Giới, con vua Thanh Đế”. Nhưng phạm phải Luật Trời nên bị đày xuống cõi dương gian làm người. Ở cõi trần Nàng Thê liên tục luân hồi qua nhiều kiếp sống. Mỗi kiếp lai sinh lại hóa thân vào một nhân vật, vị trí khác như tiểu ni cô ngây thơ; như nàng công chúa nước Trang; hoàng hậu Thiên Xuân… Nhưng, dù luân hồi muôn kiếp nhân sinh, hình ảnh Nàng Thê vẫn đẹp quyến dụ và hành trình sống đầy những nghịch cảnh cam go. Bên cạnh tuyến nhân vật chính là Nàng Thê, người đọc cũng bắt gặp một Nam Mộc khi ẩn khi hiện, khi rõ hình hài, lúc lại mơ hồ mà song hành cùng Nàng Thê. Ngoài ra còn có nhiều tuyến nhân vật đắp bồi cho câu chuyện thêm phần mở rộng không gian, đa chiều kích, và tôn lên thông điệp nhân sinh như chàng học trò chặt cây nam mộc, lão già Tiểu Ngục, lính cai, nàng cung nữ nước Lệ. Cái hay của Võ Thị Xuân Hà là mỗi nhân vật xuất hiện luôn tạo ra mắc xích đan cài chặt chẽ giữa tiền kiếp, hiện kiếp và hậu kiếp. Các nhân vật dù chính hay phụ đều có một đời sống trong tiểu thuyết, bổ trợ mạch chuyện và dẫn dắt độc giả xoay quanh trục nhân vật chính. Một cuốn tiểu thuyết cao tay trong cách “bài binh bố trận” để truyền đi một thông điệp sống yêu thương tích cực đến độc giả. Như chính lời tâm sự khi hai chị em gặp nhau vào một ngày cuối tháng 10 ở Sài Gòn. Khi ấy chị vừa lang thang khắp các tỉnh miền Tây, lặn lội sang Campuchia và cuối cùng là ghé lại mảnh đất phương Nam nắng ấm. Đêm chếnh choáng say hai chị em ngã nghiêng cùng phố thị. Chị cười nhẹ tênh, kiếp nào cõi nào thì con người ta cũng vì yêu thương mà sống, hạnh ngộ nào lại chẳng đớn đau. Duy chỉ có một thứ văn chương sẽ đọng mãi trong lòng độc giả, đó là một thứ văn chương tích cực. Thế giới có mở ra nhiều chiều kích, từ 4D rồi sẽ thành 5D, nhưng văn chương vẫn luôn tồn tại vĩnh hằng với con người chúng ta.
Bài đăng báo Quảng Nam cuối tuần ra ngày 12 & 13.11.2022