Nhà văn Võ Thị Xuân Hà mới đây đã ra mắt tập truyện ngắn Chuyện của các nhân vật có thật trên đời – NXB Trẻ. Đây là tập truyện ngắn với nhiều ẩn dụ được tác giả khéo léo cài đặt vào trong từng nội dung, từng chi tiết của các câu chuyện. Mặc dù mới ra mắt trong thời gian rất ngắn, thế nhưng tác phẩm đã nhanh chóng gây được sự chú ý của người đọc, đặc biệt là bạn đọc đã từng là người theo dõi và yêu mến các tác phẩm của chị.
Văn chương là sự phản ánh đời sống con người qua bút pháp của từng người viết. Trong tập truyện ngắn mới nhất của chị: Chuyện của các nhân vật có thật trên đời, chị muốn phản ánh điều gì nhiều nhất?
Có 3 vấn đề tôi muốn mang đến cho bạn đọc:
Thứ nhất, vẫn là đề tài tình yêu. Nhưng thông điệp mà tôi muốn gửi đến cho bạn đọc là mối tình yêu cao hơn, nhân bản hơn tình yêu nam nữ trong đời sống con người. Và tôi muốn giải mã, tiếp cận ý tưởng cao siêu của Đức Phật khi Ngài nói: Chỉ có mỗi một đạo lí duy nhất: sống không được làm tổn hại người khác vật khác.
Và, không có con đường dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường.
Thứ hai, tôi muốn nhân rộng tình yêu với sách. Đây là điều tưởng dễ dàng trong xã hội hiện đại ở ta ngày nay, lại hóa khó khăn, với một nền giáo dục quan phương, bảo thủ (kể cả trong gia đình, trong nhà trường và ngoài xã hội)
Thứ ba, tôi muốn độc giả không quên lịch sử với những liệt nữ đã có công mở rộng bờ cõi nước Việt như Bà Công Nữ Ngọc Vạn, con gái Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên; cũng là một sự nhắc nhớ minh oan ghi ơn triều Nguyễn.
Văn chương suy cho cùng là thân phận con người. Người ta có thể đồng cảm, căm ghét, hạnh phúc… khi đọc một tác phẩm văn học. Khi viết tập truyện này, chị viết bằng hạnh phúc hay là sự phản biện?
Tôi nghĩ khi độc giả đọc một tác phẩm văn học mà có cảm giác “căm ghét”, “hạnh phúc”… thì có nghĩa nhà văn thành công.
Một nhà văn khi sáng tác, không thể đi môt con đường độc đạo là “viết với tâm thế hạnh phúc” hay là “sự phản biện”. Mà phải xuống chữ hợp lí với mỗi tình huống.
Tại buổi ra mắt sách chung cùng với hai nhà văn nữ: Y Ban – Thùy Dương, đã khiến nhiều người đọc quen thuộc cũng như bạn đọc gần xa, nhất là bạn đọc văn học cảm thấy như có làn gió mới. Điều ấy cho chị một cảm xúc như thế nào?
Nhà xuất bản Trẻ là đơn vị xuất bản và tổ chức buổi ra mắt sách độc đáo này.
Thực ra ban đầu cuộc ra mắt sách đó với tôi chỉ như một kỷ niệm với bạn văn. 3 bạn cùng học Khóa 4 Trường viết văn Nguyễn Du (mọi người hay nhầm lẫn về các khóa học của trường này, vì sau này trường đã chuyển thành khoa), cùng ra sách từ Nhà xuất bản Trẻ, cùng là những nhà văn thuộc thế hệ hậu chiến và vẫn viết đều trong ba thập niên qua.
Trường Viết văn Nguyễn Du (khóa đại học chính quy), mà các thầy – linh hồn của khóa này là các bậc thầy tài danh như Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Vĩnh Cư, Huỳnh Khái Vinh, Tào Mạt, Trần Quốc Vượng…; cùng các nhà văn nhà thơ là thầy hướng dẫn như: nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Ma Văn Kháng, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Lê Lựu, nhà văn Lê Minh, nhà thơ Thúy Bắc…
Trong quá trình chuẩn bị, và khi diễn ra cuộc này, bạn đọc và bạn bè đã khiến cho chúng tôi nhận ra: có một sự gióng chuông không đơn thuần là cuộc vui, một sự nhắc nhớ cho độc giả, rằng văn chương Việt vẫn mạnh mẽ và cần thiết cho cuộc sống hiện tại, cho mai sau, và lớp nhà văn chúng tôi, đặc biệt nhà văn nữ, vẫn rất sung sức và luôn bên cạnh, song hành cùng cuộc đời mỗi độc giả.
Khi đặt bút viết, chị thường nghĩ tới điều gì?
Một trong những ý tưởng của tôi được đúc kết cụ thể như sau:
“Suốt mấy ngày ngồi viết lại câu chuyện này, trong tôi cứ trăn trở với những ý tưởng của nhà văn Mario Puzo, tác giả tiểu thuyết Bố già:
Sự sống bắt nguồn từ lòng nhân đạo của con người!
Cái chết bắt nguồn từ sự tàn bạo!
Căn nguyên của tội ác bắt nguồn từ lòng tốt thừa thãi!”
(Chuyện của các nhân vật có thật trên đời, phần 2)
Và hình dung sự đợi chờ của độc giả dành cho tôi, như lời của một nhân vật – độc giả trong chính truyện ngắn trên, khi coi nhà văn như sứ mệnh của một thiên thần:
“Cứ nghĩ không bao giờ là THIÊN THẦN nhưng chỉ một điều gì đó đọng lại là THIÊN THẦN của mọi người rồi!”
Khi thời công nghệ đang lên ngôi, nó làm mọi thứ được rút ngắn lại, tiện ích hơn, nhưng đôi khi sự tác động ấy lại làm văn học trở nên mờ nhạt đi trong đời sống con người. Chị có nghĩ như vậy không? Là một nhà văn, điều chị lo ngại nhất của thời 4.0 là gì?
Thời đại 4.0, con người động nhiều hơn tĩnh. Mà người châu Á được xếp vào thể tạng và tâm năng tĩnh. Chính vì vậy, công nghệ 4.0 bổ sung cho sự thiếu hụt về cái sự “động”. Về bản chất lại là rất tốt cho châu lục này. Văn học chưa bao giờ bị mờ nhạt đi trong cuộc sống của chúng ta, chỉ là dòng chảy văn học tuân theo quy luật tự nhiên, như đồ thị hình sin. Không phải đường xuống là sự thụt lùi, sự yếu, thiếu và mờ nhạt. Mà là chuẩn bị cho sự vượt lên mạnh mẽ.
Chính vì vậy, tôi luôn thấy sự khả quan cho văn học ngay cả khi đến bất cứ đâu cũng chỉ thấy người Việt ta cầm máy di động để kết nối, chát và có vẻ “manh động” trong bất cứ vấn đề nào của xã hội.
Tôi chỉ lo ngại là chính các cây bút tự cho mình sự dễ dãi câu chữ, văn phong cắt cụt theo văn “mạng”, và tưởng như không cần học hành rèn luyện, không cần tu nghiệp hy sinh cũng có thể được người đời đón nhận tác phẩm.
Chị dự định gì cho cuốn sách sắp tới?
Tôi có nhiều dự định. Nhưng kế hoạch của tôi tiếp sau đây là dành thời gian cho tiểu thuyết.
Xin cảm ơn ơn chị!
LÊ NGUYỆT MINH
Theo https://duyendangvietnam.net.vn