ANTĐ: Tôi không quen hay nói đúng ra là không thích gọi nhà văn của tiểu thuyết “Tường Thành”, của truyện ngắn “Đàn sẻ ri bay ngang rừng” hay “Lúa hát” bằng tên thật của chị- Võ Thị Xuân Hà, tôi thường gọi bằng cái tên chị dùng trên mạng xã hội: Nàng Thê.
Nàng Thê – câu chuyện của tình yêu bất tử
Có lần chị gọi cho tôi, số lạ, nhấc máy lên thấy xưng danh “Chị Hà mà!”. Tôi ú ớ, biết là bất lịch sự, nhưng vẫn cứ phải rón rén hỏi lại: “Hà nào ạ?”. Chị cười lớn: “Trời ơi, Nàng Thê đây, Nàng Thê đây!”. Rồi đến ký tặng sách, chị ghi tên mình Võ Thị Xuân Hà, nhưng để cho chắc vẫn cứ phải mở ngoặc “Nàng Thê” rồi mới yên tâm trao sách cho chúng tôi. Rồi thi thoảng gặp chị trong những lần họp hành đâu đó, chúng tôi vẫn cứ vui vẻ (hồn nhiên?) mà gọi “chị Thê ơi, chị Thê ơi” khiến nhiều người nghe thấy ngạc nhiên rồi khi biết chuyện thì tủm tỉm cười: “Ờ, hay nhỉ!”. Đúng là cái thời mạng xã hội ngập tràn, nhiều thói quen cũng từ mạng xã hội mà thành.
Có người hỏi tôi Nàng Thê là ai? Là ai à? Đó là một nhân vật trong truyện ngắn của chị, một truyện ngắn đẹp, nhưng mênh mông buồn. Nàng Thê của Võ Thị Xuân Hà vốn là một cô công chúa, sống trong chốn nhung lụa. Số phận đưa đẩy nàng yêu cái ánh mắt của tên thích khách cùng tiếng sáo mê hồn của hắn. Chẳng nhìn thấy mặt nhau, nhưng cứ yêu đắm đuối. Rồi cô công chúa ấy bị ép gả cho hoàng tử nước Cổ Nộ theo sự sắp đặt của vua cha và triều đình. Cô yêu cái người cô chưa từng rõ mặt ấy đến nỗi, ngay cả những phút ái ân bên chồng, cô đều nhớ đến tiếng sáo và ánh mắt mê hoặc kia. Rồi cô bị người tình của chồng đầu độc, cô chết trong lần vượt cạn. Cô đầu thai nhiều kiếp, cô đủ ranh mãnh để khi qua bến Tàng Sinh qua mặt cả đám ngọa quỷ ép người ta phải uống nước Lãng Quên trước khi lên đài chuyển kiếp đầu thai… Bi kịch của Nàng Thê là ở chỗ, tình yêu mà cô mong ngóng đời này qua đời khác kiếp này qua kiếp khác kia lại hóa ra ở ngay bên cạnh cô. Cái ánh mắt nồng nàn dành cho cô lại chính là của một tiểu ngạ quỷ canh cầu Đoạn Hà, đó cũng chính là người cô đã yêu, đã hòa Xuân Tương Khúc và nhớ suốt 2000 năm. Vì yêu thương cô, vì nhớ nhung cô, chàng trai kia chấp nhận làm kiếp quỷ suốt mấy trăm năm đứng canh cửa địa ngục chỉ để đợi bóng cô một ngày nào đó đi qua nơi này, và cũng nhò tiểu ngạ quỷ “làm ngơ” cô mới không phải uống món canh lãng quên đó.
Sở dĩ nói, “Câu chuyện của nàng Thê” đẹp là bởi Võ Thị Xuân Hà đã viết nên những trang văn với từng câu từng chữ lay động lòng người đọc, xót xa cho thân phận đàn bà, cả đời hay muôn kiếp chỉ dành tình yêu cho một người.
Duyên tiền định
Võ Thị Xuân Hà đã hơn một lần kể rằng, chị là người thiệt thòi khi suốt những năm tháng tuổi học trò đi học chị không được học chung trường với bất cứ người con trai nào giỏi hơn mình. Mới nghe qua, câu nói đó hơi có phần kiêu ngạo, nhưng sự thật chị luôn là người dẫn đầu điểm số trong nhiều môn học, trong đó có cả toán và văn. Thời đó, và đến cả bây giờ, học sinh giỏi toán thì nhiều, giỏi văn thì ít. Đương nhiên, Võ Thị Xuân Hà luôn được nhà trường gửi gắm niềm tin để trở thành gương mặt đại diện đi thi văn cho trường. Rồi học tài thi phận, yêu văn chương nhưng khi thi vào trường Tổng hợp Văn, chị thiếu ½ điểm, trong khi đó thừa điểm đỗ vào Sư phạm Ngoại ngữ và Đại học Ngoại ngữ. Ngẫm cho đến cùng thì số phận vốn có nhiều lối rẽ rất éo le, ngày đó nếu chị đỗ Tổng hợp Văn, thì biết đâu, chị sẽ thành danh với vai trò phê bình văn học thì sao? Dễ lắm!
Võ Thị Xuân Hà tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm rồi đi làm cô giáo dạy… Toán. Toán với Văn vốn là 2 vế đối lập, xếp cạnh nhau là cụng cựa chẳng yên. Ấy thế mà sao, những con số lý trí, lạnh lùng đó không dập tắt được tình yêu với văn chương trong vóc dáng của chị, người đàn bà với vẻ ngoài mong manh nhưng bên trong lại cực kỳ mạnh mẽ. Để rồi một ngày những câu chuyện chị viết nên từ những tích cóp cuộc đời ám ảnh người đọc. Truyện ngắn ư? Có mấy nhà văn cùng lứa với chị vượt qua được chị? Lại còn chưa kể chuyện, ngày bé, chị hay làm thơ. Những năm tháng chiến tranh, bố mẹ công tác ở xa, mấy chị em Võ Thị Xuân Hà đi sơ tán ở một vùng quê thuộc ngoại thành Hà Nội. Thi thoảng, nhà thơ Thanh Tịnh (họ bên nội với gia đình chị) lại lên thăm các cháu. Lần nào thấy ông đến, Võ Thị Xuân Hà cũng gửi ông dăm bài thơ nhờ ông đọc hộ xem thế nào. Lần nào ông cũng vui vẻ cầm rồi… không bao giờ trả lời. Cho đến những năm tháng cuối đời, Thanh Tịnh cũng chưa một lần nhận xét về văn chương của cô cháu. Ấy thế nhưng, hễ có cuộc trò chuyện gì về văn chương, ông cũng đều động viên Xuân Hà đi. Đi để nghe mà thôi!.
Chuyện chị nhất định đi học Đại học tại chức Tổng hợp Văn, rồi chưa học đủ 4 năm, chị lại khăng khăng chuyển sang Trường viết văn Nguyễn Du (khóa 4) cũng khiến nhiều người thấy lạ lẫm. Họ bảo chị, đàn bà đẹp thì văn chương mà làm gì. Có người lại cho rằng, học để tòng hành, lượn lờ lướt ván, chị lặng lẽ trả lời bằng kết quả Thủ khoa khóa 4 Viết văn Nguyễn Du (khóa chính quy đầu tiên, cùng nhà văn Tạ Duy Anh). Trò chuyện về cuộc đời mình, chị vẫn cứ mắt nhìn xa xăm rồi chốt lại bằng câu: “Hạnh phúc có, cay đắng có, vinh quang có, nhục nhã cũng nhiều”. Đó là những năm tháng chị phải mở một hiệu sách nhỏ trên phố Vĩnh Hồ để kiếm thêm thu nhập nuôi con, quần ống thấp ống cao, đi dạy về lao vào khuân vác sách, tất tả ngược xuôi, đầu óc rũ rượi, chẳng sợ ai cười, chẳng lo giữ sĩ diện hão. Trộm vía, những câu chuyện của Xuân Hà nhiều khi cũng thẳng thắn đến xót xa và không ngại đụng chạm, không ngại người khác nhận xét ‘có gì đó”… vì thế, cả chặng đường văn chương đã qua, chị chưa bị “ăn đòn hội đồng”, nhưng bị người hại thì cũng không ít. Chị toan kể cho tôi những lần lên bờ xuống ruộng vì bạn bè, đồng nghiệp, xong có gì đó lại ngăn chị lại. Chị ậm ừ, thôi cái gì đã qua không nhắc lại nữa. Mỗi lần trải qua một kiếp nạn, chị lại thầm cảm ơn ông trời đã cho chị thêm sức mạnh để thứ tha để viết và để quên đi những muộn phiền. Bởi đơn giản chị được an ủi, nói theo nhà thơ Trần Đăng Khoa là “Đời đã lấy đi của thím nhiều, nhưng cũng cho thím không ít!”.
Hãy luôn mỉm cười với cuộc đời này
Quen Võ Thị Xuân Hà đã lâu nhưng thú thật tôi chưa từng biết chị sinh năm bao nhiêu, cũng không muốn hỏi, không hẳn vì ngại ngùng kiểu dở hơi áp vào khẩu hiệu: “Không nên hỏi tuổi thật của một người phụ nữ”. Đơn giản, gần chị tôi thấy chị trẻ trung, bản lĩnh và tự tin một cách lạ kỳ. Cái hôm Nguyễn Đình Tú ra tiểu thuyết mới “Xác phàm” trời bỗng nổi cơn mưa gió não nề ngập đường, ngập phố. Nguyễn Đình Tú nhấp nhổm lo đừng lo ngồi từ sáng sớm, thì “chủ xị” – Trưởng ban Nhà văn Trẻ Võ Thị Xuân Hà vẫn đủng đỉnh bảo, lo làm gì, những người yêu quý mình thật sự họ sẽ đến, chẳng ngại mưa đâu. Hôm đó, hội trường Hội Nhà văn VN đông chật người. Xuân Hà tủm tỉm cười ôm ipad ra hành lang chụp ảnh mưa bay trên phố.
Khi viết về nhà văn Võ Thị Xuân Hà, tôi định chọn thêm một góc riêng của chị về thơ để viết. Góc đó chưa ai biết bởi không nhiều người nghĩ, Võ Thị Xuân Hà trót “sa ngã” với thơ. Nhưng rồi tôi lại bỏ ý định đó, bởi biết đâu, chị muốn giữ nó chỉ cho riêng mình.
Và có điều thật đặc biệt nữa, dù là thơ hay văn, dù buồn có rây rắc đến muôn kiếp thì Võ Thị Xuân Hà vẫn cứ luôn mỉm cười:
“Khi trái tim bạn tràn đầy nước mắt, khi bước chân của bạn rỉ máu vì những mũi gai, hãy mỉm cười để cho mình thêm một chút dũng khí, để vững tin bước đi trên con đường đời phía trước. Và ít nhất thì mỉm cười để làm chỗ dựa cho người khác khi họ lâm vào hoàn cảnh như bạn, mỉm cười để không ai phải buồn khổ như ta nữa”.
Và đây nữa, thôi thì cứ nhặt ra:
“Đêm qua trong giấc mơ
Thiên Thần hỏi anh điều gì mong ước
Anh xin Người hãy chăm sóc em
Nhưng Người ngoảnh mặt…”
(Bài thơ THIÊN THẦN của Nàng Thê)
Quỳnh Vân
– Báo An ninh Thủ đô, ngày 18/8/2014, mục Chân dung và giai thoại –