Giữa bề bộn công việc, “Vàng son thạch thủy khí” là tập truyện ngắn nhà văn Võ Thị Xuân Hà vừa cho ra mắt (NXB Hội nhà văn & Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết).

Thời Nay đã có cuộc trò chuyện với chị.

PV: Chị tiếp tục ra tập truyện ngắn với cái tên gợi nhiều nét huyền ảo  – “Vàng son thạch thủy khí”. Sự tập hợp các truyện ngắn riêng lẻ tại đây hẳn mang những ý nghĩa nhất định. Chị có thể chia sẻ về điều này?

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà (ảnh: Đoàn Hoài Trung)

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà (VTXH): Vàng Son Thạch Thủy Khí, đó là một sự bí ẩn không thể lý giải về kiếp phận người, những sắp xếp những hình dung về một đời sống khác đã hoặc đang tồn tại bên cạnh ta, trong chính ta. Vàng – Son – Thạch – Thủy – Khí, thực chất là đã có 4 loại mộ kết: kết vàng, kết son, kết thạch, kết thủy, và cuối cùng là kết khí (do tôi hình dung), điều có thực đã xảy ra trong dòng họ Võ Công ở Huế của tôi. Như nhà văn Nguyễn Danh Lam nhận xét: “nó đầy ắp sự kiện của một biên niên gia đình. Cực kỳ hoành tráng. Có sử, có thân phận, có chiến tranh – hòa bình, có cả… ngực chạm ngực…”. Truyện ngắn này đại diện cho dòng truyện hiện thực huyền ảo chủ đạo trong tập, xếp sau nó là những truyện như Ván thế, Dưới nước, Vụng dại, Một đóa không, Khúc cầm nam, Hai chín chữ cái buồn tẻ vô nghĩa. Và tôi chủ trương tập hợp cả thể loại hiện thực như Mặt hồ lóng lánh hoa đào, Đêm dài, Cadilac đỏ, Chuyện có thật về một gã trộm và một nhà văn… xen với các truyện thể loại hiện thực huyền ảo trên, hai thể loại không cái nào lấn lướt cái nào, chỉ bổ sung để tạo một dấu ấn riêng của Võ Thị Xuân Hà. Và họa sĩ thiết kế bìa Nguyễn Anh Vũ đã thể hiện rất tài hoa nét vàng son kỳ ảo hư thực đó.

Bìa cuốn sách Vàng Son Thạch Thủy Khí

PV: Mấy năm nay, với nhịp độ mỗi năm một hoặc hơn một tác phẩm, liệu việc công bố tác phẩm thường xuyên đã trở thành một áp lực hay động lực với chị?

VTXH: Nhịp độ ra sách của tôi, so với sức làm việc và số lượng sáng tác hàng năm của tôi thực ra rất bình thường. Nếu tôi chịu khó tập hợp các thể loại khác nữa như ký, chân dung văn nghệ sĩ, kịch bản điện ảnh… thì số sách ra còn nhiều hơn. Nhưng tôi chủ trương những năm này chỉ ra tập truyện ngắn hoặc truyện dài, tiểu thuyết. Các thể loại khác để khi nào có điều kiện hơn, tôi sẽ tính đến chuyện in thành tập.

PV: Ngoài văn chương, chị cũng làm công tác báo chí và phát hành sách, chắc chị cũng phần nào đo được mức độ hưởng ứng của bạn đọc với các tác phẩm của mình? Sự hưởng ứng có tác dụng nào đó chăng?

VTXH: Có chứ! Tôi biết sách của tôi sẽ bán được khoảng bao nhiêu cuốn. Ví dụ, các tập truyện ngắn của tôi sẽ tiêu thụ được từ 2000 – 5000 cuốn. Đợt một thường in 2000 bản, hết thì xin giấy phép nối bản tiếp. Độc giả thích đọc tác phẩm của tôi không ồ ạt, nhưng bền vững. Người đọc tôi từ khi còn là học sinh phổ thông, rồi lên đại học, rồi ra trường trưởng thành… vẫn đang tiếp tục chờ đọc những tác phẩm mới của tôi. Vì vậy từ nhiều năm nay, tôi không quá ảo tưởng sách của mình sẽ vào hàng best seller, không phải hàng sách giải trí, gây sốc, mà là loại sách kén người đọc, những người thực sự yêu quý văn học thời kỳ đổi mới.

PV: Quan niệm chung thường cho rằng văn nghệ sĩ khi đã “vướng” vào “vòng” quan chức thì chất lượng sáng tạo có phần gia giảm. Cũng có thể cho rằng chị đang đảm nhiệm một “chức quan nhỏ”. Chị nhìn nhận quan niệm này với trường hợp mình thế nào?

VTXH: Tôi luôn “cộng sổ” cuộc đời mình bằng những thực tế sinh động, ngõ hầu giúp cho các trang viết thêm trải nghiệm. Ví như cả một thời gian đi bán cà phê, bán sách, làm công ty truyền thông, xuất bản sách, rồi trước đây là đi dạy học, làm báo, làm xuất bản… cho tới nay, làm Trưởng Ban Nhà văn Trẻ, Tổng biên tập tạp chí Nhà văn, tất thảy đều là lao động. Và sự trải nghiệm qua các công việc đều cho tôi tích lũy năng lượng để có được những sáng tác mới. Vì thế tôi chưa bao giờ nghĩ mình đang làm “quan”. Tôi chỉ muốn làm tốt và sắp xếp khoa học nhất công việc của mình, và sau những khoảng thời gian đó là viết. Nên tôi chưa bao giờ lo công việc sự vụ sẽ làm mất đi cảm hứng sáng tác của mình.

PV: Vậy chị dành cho sáng tác những lúc nào sau những hội họp, những chuyến đi công tác, những văn bản giấy tờ và cả chợ búa cơm nước nữa?

VTXH: Tôi có những bí quyết của riêng tôi cho sáng tác. Tôi không phải nhà văn công chức. Rất lạc lõng với những trận đồ “quan văn”. Tôi là một người lao động nghiêm túc và sáng tạo. Tôi luôn tạo ra tâm thế tự do cho mình. Nhưng tôi thường viết tốt hơn vào mùa xuân. Các mùa khác trong năm, tôi tích trữ năng lượng và sự trải nghiệm qua công việc hàng ngày tại tòa soạn, qua các chuyến đi công tác mở rộng phạm vi hoạt động của tòa soạn, hay những chuyến đi thực tế cùng các nhà văn trẻ…

PV: Xin cảm ơn chị!

Nguyễn Quang Hưng thực hiện

Nguồn: báo THỜI NAY (Nhân dân) số 263 ra ngày 13.7.2012

Exit mobile version