Tính đến nay, Văn Lê đã in 5 tập thơ và 2 trong số 5 tập thơ ấy đã đoạt giải thưởng. Đó là “Phải lòng” – Giải A về thơ về đề tài chiến tranh cách mạng Hội Nhà văn năm 1994; “Những cánh đồng dưới lửa” – Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng năm 1999…

1.Trong một lần trả lời phỏng vấn cách nay đã lâu, nhà văn Văn Lê từng cho rằng: “Chiến tranh là đề tài lớn. Với Việt Nam nó còn rất lớn, vì lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc suốt 4000 năm là trải qua liên miên những cuộc chiến tranh, không chỉ có hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Năm nào ở ta cũng có vài đầu sách viết về chiến tranh, nhưng đa phần chỉ là mô tả cuộc sống, thiếu “chiến tranh”, nên trong chừng mực nào đó làm cho bạn đọc khó tính thất vọng. Người đọc muốn thông qua tác phẩm hiểu thêm lịch sử, tìm ra bài học lịch sử… điều đó ít có trong tác phẩm của ta, nên ý nghĩa của tác phẩm không thuyết phục được.

Lịch sử là sự kiện, cả tốt và xấu, trong tác phẩm văn học nếu chỉ có một khía cạnh thì chưa phải là viết hết. Và đúng thế, phần lớn các tác phẩm viết về chiến tranh của ta vẫn chưa viết hết về chiến tranh…

Theo tôi, chiến tranh đâu đơn giản là ra trận hai bên bắn nhau. Nếu chỉ viết “ta thắng địch thua” là sai sự thật, là chính ta làm giảm ý nghĩa chiến thắng của ta. Tôi nghĩ đến hôm nay viết về chiến tranh phải đúng gương mặt của chiến tranh”.

Khi được hỏi: “Quay lại tác phẩm mới nhất của anh (tại thời điểm cuối tháng 7 năm 2008), tại sao lại là “Mùa hè giá buốt”?, Văn Lê trả lời: “Đây là tác phẩm tôi viết về số phận một đơn vị sau 100 ngày chiến đấu trong thành phố trong chiến dịch Mậu Thân 1968, đơn vị bị thương vong, hy sinh nặng nề, được lệnh rút quân.

Trong tác phẩm có một mối tình đẹp giữa cô giao liên thành với người tiểu đoàn trưởng, có cả kẻ hèn nhát, người dũng cảm, tốt – xấu, những dằn vặt, ưu tư trước sự sống – chết, đan xen nhau trong hoàn cảnh khốc liệt… Vì sao lại có chữ “giá buốt”?

Vâng! Tôi đã gặp một số vị tướng, năm 1968 họ trực tiếp chỉ huy các trận đánh trong chiến dịch ngày đó, họ đã kể lại cho tôi nghe cảm giác khi nhận được quân lệnh đánh vào thành phố đợt 2, đợt 3 chiến dịch, sống lưng họ lạnh buốt, bàng hoàng, vì biết sẽ lại lao vào một trận đánh phiêu lưu, mạo hiểm, cầm chắc sự thiệt hại thương vong. Nơi được chỉ định đánh, họ không biết ở đâu, công tác tình báo chiến sự, trinh sát địa hình không có, lính tráng ở ngoài Bắc vào có biết đường ra sao mà đi… Cái dự cảm “lạnh buốt” đó đã cho tôi ý tưởng đặt tên tác phẩm của mình như vậy”.

Tôi đã đọc một lèo “Mùa hè giá buốt”  và cắt nghĩa được một phần vì sao tiểu thuyết có sức nặng thuyết phục này lại “ăn” giải kép: Giải B về văn học chiến tranh 5 năm (không có giải A) của Bộ Quốc phòng năm 2009, giải nhất Giải thưởng văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh 2006 – 2011. Và tôi hiểu, quan niệm “Viết về chiến tranh không chỉ là chiến thắng” luôn bền vững và nhất quán trong Văn Lê.

Mặt khác, cái tên “Mùa hè buốt giá” cũng chính là phần khác lạ của “tư duy thơ” theo lối “nghịch lý thuận chiều” mà anh  Phạm Ngọc Cảnh thường nhắc đến. Sinh thời, nhà thơ quân đội tài năng này thường nói: “Một bài thơ hay là bài thơ bắt được và thường được lập tứ theo cách này. Sự mới mẻ, sức hấp dẫn của nó thường được khởi phát ngay từ đầu đề”.

Cũng dễ giải thích, vì con người thi sĩ trong Văn Lê rất lớn và Văn Lê đến với văn chương bắt đầu từ thơ.

2. Tính đến nay, Văn Lê đã in 5 tập thơ và 2 trong số 5 tập thơ ấy đã đoạt giải thưởng. Đó là “Phải lòng” – Giải A về thơ về đề tài chiến tranh cách mạng Hội Nhà văn năm 1994; “Những cánh đồng dưới lửa” – Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng năm 1999.

Trước đó, Văn Lê đã đoạt Giải A trong cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ 1975 – 1976 cùng với Hữu Thỉnh và Anh Ngọc; Giải B trong cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ năm 1984.

Năm 2014, trong một nhận xét về thơ chống Mỹ, tôi đã viết: “Ba mươi chín năm, khi cuộc chiến đi qua, thời gian đủ làm lắng lại những người còn, những người mất, những gì còn, những gì mất của thơ thời kỳ chống Mỹ – cái thời mà việc đánh giặc giữ nước, đánh giặc giải phóng dân tộc được coi là nhiệm vụ và cũng là hiện thực trung tâm, hiện thực lớn. Rồi nhiệm vụ ấy, hiện thực ấy đã trở thành một cái trụ lớn để người làm thơ thời ấy bám vào, dựa vào.

Theo tôi, cái trụ lớn ấy chính là sức mạnh tinh thần của một dân tộc mang lý tưởng: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mà lý tưởng ấy được bộc lộ rất rõ trong hai câu thơ của Tố Hữu: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Đến cuộc thi thơ 1975 – 1976 (kết thúc cuộc chiến), thơ chống Mỹ cũng ít nhiều có khác.

Trong “Sức bền của đất”, ngay trong cuộc chiến ác liệt, cuộc chiến một mất một còn, Hữu Thỉnh vẫn ơn đất và ơn mẹ, dựa vào đất và dựa vào mẹ: “Màu ngụy trang cuối cùng là màu của đất/ Và mẹ là người chúng con thương nhớ nhất/ Đất nước ngày có giặc/ Mẹ vẫn đỏ miếng trầu/ Ấm một vùng tin cậy phía sau”.

Hữu Thỉnh cũng mở rộng nội hàm phẩm chất lính, bản lĩnh lính qua những câu ấn tượng và sâu sắc: “Ta hoãn cưới một năm rồi hai năm/ Đi đánh giặc chân trời in màu thiếp/ Có miếng cao nai không sao gửi được/ Mẹ ta đã ngoài sáu mươi/ Nguyên nỗi nhớ thương này/ Nuôi đủ lớn cho ta thành dũng sĩ”.

Còn Văn Lê thì băn khoăn, trăn trở với nỗi nhớ đồng đội trong “Nếu nỗi nhớ của tôi” và gần như không ngủ được với “Tiếng gọi bò” trong vòng vây thép gai ở vùng ven. Có một nỗi niềm, sự chia sẻ nhân bản nào đó chợt thao thức trong lòng người lính: “Đồn giặc rất xa, gió không mang tới/ Con bò của mẹ giữa vòng gai/ Tiếng gọi bò ở hai đầu đêm nay/ Cứ vần súng và ta trằn trọc…”.

Rồi thân phận con người trong chiến tranh mà đại diện là tiếng gọi đã bật dậy trong ông: “Tiếng gọi của mẹ già với sặc sụa cơn ho/ Tiếng gọi của em thơ nghe buồn như khóc/ Tiếng gọi bò vần ta trằn trọc/ Trong căn hầm trống trải ven sông…”.

Ngoài sáng tác thơ, Văn Lê còn là người làm nhiều việc có liên quan đến thơ: Phê bình thơ, viết đọc sách thơ và viết lời giới thiệu một số tập thơ.

Một tác phẩm của nhà văn Văn Lê.

Văn Lê đến với thơ từ năm 1968. Có một lần, ở chiến trường, sau khi đánh giặc xong, chợt nghe tiếng sáo, ông đã viết bài thơ “Tiếng sáo”. Sau đó không lâu, bài thơ này đã được đăng tải trên Báo Văn nghệ Quân Giải phóng. Với ông, “Tiếng sáo” là những khoảnh khắc thanh bình trong bom đạn và cũng là kỷ niệm máu thịt một thời, là bước khởi đầu đáng nhớ.

3. Văn Lê tên thật là Lê Chí Thụy, người gốc Gia Viễn, Ninh Bình. Ông có 14 năm quân ngũ: Nhập ngũ năm 1966, ra quân lần thứ nhất năm 1976; tái ngũ năm 1977, ra quân lần thứ hai năm 1982. Ông có một thời gian đáng kể sống, chiến đấu ở chiến trường K. (Campuchia) và có khả năng nói được tiếng Khmer. Có lẽ cũng vì thế mà ông rất giàu vốn sống và giàu trải nghiệm về chiến tranh ở nhiều giai đoạn khác nhau.

Ông bảo: “Mấy chục năm qua, tôi đã có vài chục đầu sách về thơ và văn xuôi. Ngoài ra, còn viết nhiều kịch bản điện ảnh và còn làm đạo diễn phim tài liệu nữa… Tôi có cuốn tiểu thuyết ở dạng bản thảo “Quần ma loạn vũ” viết về đề tài Chiến tranh Biên giới cũng dữ dội lắm. Còn bản thảo cuốn tiểu thuyết “Cống nhân” viết về số phận cụ Tuệ Tĩnh trong những tháng ngày tha hương, tôi cũng đã hoàn thành rồi, khoảng 240 trang đánh máy khổ A4”.

Về giải thưởng, Văn Lê có một bộ sưu tập thật đầy đặn và phong phú. Ngoài mấy giải thưởng đã kể ở trên, ông còn có tặng thưởng Văn học Bộ Quốc phòng năm 1994, Giải thưởng Văn học quốc tế Mê Kông năm 2006 và Giải nhất về phim truyện nhựa “Long Thành cầm giả ca” với tư cách là tác giả kịch bản nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Ngoài ra, ông còn có hàng chục tác phẩm được các nhà xuất bản, tạp chí ở Mỹ và Hàn Quốc chuyển ngữ và giới thiệu.

Văn Lê là nhà văn đa tài và đi nhiều, viết khỏe. Ưa chọn những đề tài góc cạnh, khốc liệt để khai thác là sự lựa chọn và cách viết của ông, đặc biệt là trong văn xuôi. Đó cũng là cá tính của một người được chuyển hóa thành cá tính của ngòi bút. Ông bảo: “Quá trình viết cũng chính là quá trình tự giải tỏa mình. Viết là để những ngày đã qua không hoang vu”.

Khi tôi hỏi ý kiến Văn Lê: “Sao trong đợt xét trao Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật lần này, lại thiếu vắng nhiều người ở TP Hồ Chí Minh?”, ông trả lời dứt khoát: “Đã có người nêu thắc mắc ấy rồi, tôi không muốn “tái bản” nữa”.

Rồi như bản năng thi sĩ bất ngờ trỗi dậy, ông thủng thẳng đọc mấy câu thơ của Eptusenkô do nhà thơ Bằng Việt chuyển ngữ:

Cuộc đời đã khổ
Khuyên nhau càng buồn
Dạy nhau nên tốt
Càng tức cười hơn
Thì hãy tránh xa
Những điều chưa đạt
Thẳng tay mà gạt
Cho ra khỏi mình…

Đặng Huy Giang – Văn nghệ công an

Exit mobile version