Từ khi có báo chí hiện đại phát triển, nhất là báo in, văn chương và báo chí có quan hệ hết sức mật thiết. Nhiều nhà báo trở thành nhà văn và hầu hết các nhà văn đều có tác phẩm in báo.


Thiếu Sơn, trong Phê bình và cảo luận(1933), tác phẩm được coi mở đầu cho phê bình văn học hiện đại ở nước ta, đã cho rằng: “Ở các nước văn minh văn học ra đời trước báo chí, còn ở nước ta, chính báo chí tạo nên nền văn chương hiện đại.” Văn chương viết ra để in báo là văn chương thông tấn, mà một trong những thể văn thông tấn chủ yếu là văn chính luận. Với thời gian 45 năm cầm bút, kể từ tập ký sự đầu tay Vì sự sống con đường (1968) đến nay, Nguyễn Khắc Phê đã là nhà tiểu thuyết thành danh được người đọc yêu quý với hàng chục các tiểu thuyết, được tái bản nhiều lần như Đường qua làng Hạ (1976), Đường giáp mặt trận (1976, 1985, 2011), Chỗ đứng người kỹ sư (1980, 2011), Miền xa kêu gọi (1985), Những cánh cửa đã mở (1986, 2006), Nếu được chết thay em (1989), Mười ngày và cả mười năm (1997, 2008), Thập giá giữa rừng sâu (2003), Biết đâu địa ngục thiên đường (2010, 2011); gần đây còn có các công trình nghiên cứu, phê bình như Lê Văn Miến – người họa sĩ đầu tiên, người thầy đầu tiên (1995, 1997, 2002, 2006), Hiện thực và sáng tạo tác phẩm văn nghệ (2006), và các tập tản văn, ký sự như Tản văn chọn lọc (2009), Tài danh và số phận (2012). Cũng chừng ấy năm, anh tham gia hoạt động báo chí, có khi đảm đương cả cương vị Tổng Biên tập, nhưng quan trọng hơn là số trang in báo không thể tính hết, nay được chọn lọc con số rất nhỏ trong số ấy gồm 75 bài, chủ yếu được viết ra từ sau thời đổi mới, làm nên tuyển tập văn chính luận Nhà văn và thời cuộc (Nxb. Hội Nhà văn, 2013), với gần 300 trang sách.

Bố cục cuốn sách được phân chia các phần theo các chủ đề và đặc trưng thể loại, đều có tính tương đối. Như trong Lời ngỏ tác giả đã rào đón: “Để bạn đọc tiện theo dõi, cuốn sách chia làm ba phần: Những bài học đắc giá, Văn hóa và phản văn hóa, Để cái đẹp thực sự lên ngôi, tuy rằng sự phân chia ấy chỉ là tương đối mà thôi, cũng như tác giả không quan niệm thể loại một cách cứng nhắc nên gọi cuốn sách này là “văn chính luận” (tr.6). Phần thứ nhất Những bài học đắc giá có 35 bài (từ tr.7 – 116), mở đầu bằng việc Đọc lại một bức thư Hồ Chủ tịch viết ngày nước mới độc lập và kết thúc bằng cái nhìn dốc ngược thời gian 60 năm trước – Nhâm Thìn 1952, Hồ Chí Minh đã nói, là một kết cấu chặt chẽ, có thể tạo thành một chỉnh thể trọn vẹn, trong đó nhà văn lập ngôn với tư cách là một công dân, người đại diện cho quyền lợi của nhân dân nói lên tiếng nói của dân, trước những vấn đề nóng hổi của đời sống, trong từng vấn đề, từng sự kiện, từng bài có khen, có khẳng định những yếu tố tích cực, nhưng chủ yếu là phủ định, bình luận, lên án, tố cáo những tiêu cực, suy thoái về đạo đức, tha hóa, biến chất về con người trong thời buổi kinh tế thị trường, khi mà dường như đồng tiền đã loại bỏ con người soán ngôi lên làm chủ thể xã hội. Những tâm huyết của tác giả ép lên từng con chữ, chỉ cần đọc tiêu đề cũng có thể nhận ra bản chất của vấn đề, làm lay động tâm can người đọc: Nhận thức quyền công dân thiêng liêng vẫn là vấn đề thời sự, Thiểu số và đa số, Đảng và Quốc hội, Báo động đỏ về sự dối trá, Người giả còn nguy hiểm hơn bằng giả, Khi suy thoái đạo đức lối sống hiện hình thành những con số, Tham nhũng và suy thoái văn hóa, Từ chức hay ra tòa: Chưa đủ!… mặc dù tác giả đã nói rõ đây là những bài đã in trên các báo được sưu tập lại, trong đó có những bài “không ghi rõ báo nào vì hồ sơ lưu thất lạc”, nhưng đó lại là những bài nóng như núi lửa, đề cập đến những vấn đề cả xã hội quan tâm, như: S.O.S Xăng vẫn chảy trên đường như nước lã!, Để những ông Hoàng không làm khổ dân thêm nữa, Không thể coi việc lấn chiếm đất đai như hành vi tham những thông thường, Những đồng tiền “đen”, Xà xẻo tiền Tết cho hộ nghèo một “phép thử” có nhiều đáp án. Nhà văn sáng tạo bằng lý tưởng thẩm mỹ, nhưng nhà văn còn là, và trước hết là người mang lý tưởng công dân, nên tác giả không chỉ nhận thức, nêu vấn đề, phanh phui sự thật, mà còn phân tích, bình luận, lý giải nguyên nhân và góp phần đề ra những giải pháp, những kiến nghị không chỉ với tư cách là nhà văn, mà còn với tư cách là người dân/ người trong cuộc. Trước tình trạng một số quan chức lạm dụng xe công làm việc tư, lãng phí xăng xe vào việc “giải quyết khâu oai”, anh cho rằng: “Trong tình hình hiện nay, nếu như có một Tỉnh ủy hay một đảng đoàn của một ngành nào đó công khai quyết nghị: “Cán bộ, đảng viên không dùng xe công đi công tác trên những tuyến đường có phương tiện vận tải công cộng” thì nhất định có tác động lớn, có ý nghĩa về nhiều mặt” (tr.45 – 46). Việc các sinh viên là quý tử, con ông cháu cha tiêu tiền như rác, mỗi đêm có đến 200 triệu, mua nước khoáng La Vie làm nước tắm, bỏ 20 triệu bay vào thành phố Hồ Chí Minh ngủ đêm vì Hà Nội mất điện, hoặc thuê oshin đi học thay…; nhà văn đau khổ khi nhìn lại cuộc sống lao khổ của người nghèo, trước mục tiêu “xây dựng cuộc sống công bằng dân chủ văn minh”, nên kêu gọi cần phải “Ngăn chặn việc tiếp tế những đồng tiền “đen” tội lỗi đó không chỉ là chiến công góp phần đẩy lùi “quốc nạn” mà còn là một việc làm nhân đạo: tạo điều kiện cho những kẻ bất nhân trẻ tuổi ngu dại đáng giận và cũng đáng thương kia được trở lại làm người!” (tr.78). Tác giả nhắc đi nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “giặc nội xâm” và chỉ rõ đặc điểm: “Đảng ta là Đảng cầm quyền… Do đó, để hạn chế tệ lạm quyền, bên cạnh việc rèn luyện đạo đức, phẩm chất của mỗi đảng viên mà Đảng đã ghi vào điều lệ cũng như nhiều nghị quyết quan trọng, cần phải loại bỏ những định chế đặc quyền, đặc lợi của người cầm quyền, có chế độ kiểm tra hữu hiệu ngăn chặn người cầm quyền lạm quyền tùy tiện…” (tr.42) v.v. Có những vấn đề, tác giả còn rút ra bài học bổ ích như Bài học từ “đêm trước” đổi mới, Bài học “hậu” SEA GAME, hoặc có những vấn đề có thể trở thành tài liệu tham khảo cho sinh viên báo chí như Lại một bài học về thông tin, Viết tiêu cực trên báo chí như thế nào?

Phần thứ hai, Văn hóa và phản văn hóa, gồm 22 bài (từ tr.117 – 198), đúng như tiêu đề, phần này chủ yếu dành riêng cho những vấn đề, sự kiện, nhân vật văn hóa, văn học, nghệ thuật. Đó là các bài giới thiệu sách, trao đổi về một cuốn sách được độc giả quan tâm như Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh qua những trang sách của Đào Phan, Xin đừng bảo về uy tín danh nhân như thế (về cuốn tiểu thuyết Monsieur le Paresseuse của nhà văn Pháp Yveline Feray), “Nỗi buồn chiến tranh” và buồn vui nghiệp văn, Không chỉ là chuyện của “Cụ Phạm” (về cuốn Phạm Quỳnh – một góc nhìn), Sự công bằng của lịch sử (về cuốn Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường)… Sự trao đổi, tranh luận của Nguyễn Khắc Phê luôn xuất phát từ góc nhìn của một người sáng tác, người am tường tâm lý sáng tạo và công việc của người viết, đồng thời muốn góp phần hướng dẫn dư luận, thị hiếu của người đọc, mở rộng các chiều hướng tiếp cận thế giới nghệ thuật của tác phẩm, trên cơ sở nhận thức một cách chính xác bản chất và giá trị của hình tượng nghệ thuật, vượt khỏi những thiên kiến về thời đại, lịch sử, giai cấp, xã hội. Chẳng hạn, trong bài Văn chương về tình dục – có thật “Việt Nam lạc hậu trăm năm”, trên cơ sở những dẫn chứng từ trong di sản văn học dân tộc, tác giả không chỉ phản bác và khẳng định vấn đề mà còn nâng lên một tầm vóc mới, có ý nghĩa khái quát, đem lại cho người đọc tầm tri nhận mới: “Nói rộng ra, trong văn chương nghệ thuật, phàm đã bị bó buộc vì “kiêng kỵ” bất cứ điều gì (chứ không chỉ với “sex”) thì đều hạn chế sức sáng tạo của văn nghệ sĩ; nhưng buông thả, tung mọi thứ lên trang sách, hình vẽ một cách tùy tiện, dễ dãi thì cũng không thể tạo nên cái đẹp, không thể gọi là một sản phẩm văn hóa” (tr.169). Về văn hóa, tác giả đã quan tâm đến các sự kiện, nhân vật nổi bật như Nghĩ về kích thước mới của Huế, Festival Huế 2006, tiềm năng và hội nhập văn hóa, Đàn âm hồn Huế – lòng dân và tiếng gọi của lịch sử, Lên núi Bân giữa lúc biển Đông dậy sóng, Bài học từ “Tượng đài Điện Biên Phủ”, bên cạnh những ý kiến trao đổi, những đề xuất, kiến nghị, trong đó có cả những điều tâm huyết, nhức nhối trước những tồn tại của xã hội, về những sự kiện văn hóa – xã hội mang đậm dấu ấn văn chương thông tấn, như: Tôn vinh người có công, đừng để quá muộn, Trông người lại ngẫm đến ta, Đồng tiền hai mặt, Còn nhiều kẻ dã man chưa được “chỉ mặt đặt tên”… Khác với phần một, ở phần hai này có nhiều bài hoàn toàn không có yếu tố phê phán, mà chỉ là những góp ý nhẹ nhàng như Bất ngờ con trẻ, Họ hàng gia tộc vấn đề không đơn giản; thậm chí còn biểu dương, ca ngợi các nhân tố tích cực trong đời sống xã hội, như bài Những chiếc “phong bì” không có người nhận là sự ghi nhận tấm lòng và sự tận tâm vì người bệnh của tập thể y bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Trung ương Huế, những tấm gượng về y đức và những “bàn tay thật sạch sẽ, không chỉ nhờ đã tiệt trùng trước ca mổ” (tr.189).

Phần thứ ba, Để cái đẹp thật sự lên ngôi, gồm 18 bài (từ tr.199 – 279) hoàn toàn mang âm hưởng ngợi ca và khẳng định, cũng mở đầu bằng bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh thời tuổi trẻ Từ bước chân đầu tiên đến bài báo đầu tiên, đến giới thiệu các tác giả thời danh như Đạm Phương nữ sử – một phụ nữ tiên phong, Tôn vinh nhà thơ Phùng Quán (một bài viết về việc đưa mộ Phùng Quán về quê và một bài viết nhân đặt tên đường Phùng Quán tại thị xã Hương Thủy), viết về Sự trùng hợp “tất yếu” của phong trào Thanh niên tiền phong do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thành lập tại Sài Gòn và trường Thanh niên tiền tuyến do luật sư Phan Anh thành lập tại Huế những ngày đầu kháng Pháp, về Giấc mơ ngàn đời, giấc mơ ngày xuân của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, anh ruột của chính tác giả, cũng có cả những bài đọc sách, giới thiệu sách mới như Hành trình vất vả của một triết gia (nhân đọc Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo), Sức tập hợp của một nhà khoa học chân chính (nhân đọc Thân thế và sự nghiệp của Lesopold-Michel Cadiere). Một đặc điểm dễ nhận ra trong các bài viết về các sự kiện, các nhân vật thành danh của Nguyễn Khắc Phê luôn giàu tính phát hiện các yếu tố mới, dưới góc nhìn mới của tư duy đổi mới, đôi khi chỉ là những chi tiết rất nhỏ, nhưng có thể khẳng định được tầm vóc, nhân cách và rút ra những bài học lớn cho lịch sử. Ví như “trong khi ở Huế, ngày 2/7/1945 luật sư Phan Anh tuyên bố khai giảng trường Thanh niên tiền tuyến tại một ngôi nhà khiêm tốn trước cửa Ngọ Môn Huế (nay là Trung tâm Công viên cây xanh) thì cũng đúng ngày đó, tại vườn hoa Tao Đàn ở Sài Gòn, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, đại diện phong trào Thanh niên tiền phong đọc lời tuyên thệ trước hàng vạn đồng bào” (tr.211). Ngay cả những bài phê bình, giới thiệu sách của anh cũng khác với cách viết của các nhà phê bình, anh vượt ra khỏi những điều được viết trong sách, nhằm khẳng định hành trạng cuộc đời và công lao đóng góp của các danh nhân. Còn lại, anh tiếp tục âm hưởng khẳng định, với Văn học Huế có gì có thể giới thiệu với thiên hạ? (tham luận Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam với thế giới), Festival Huế 2010 – không tiền vẫn thỏa sức xem, Lễ hội và sự hội tụ nhân tài, hoặc giới thiệu Chương trình “Thơ nhạc Hàn Mặc Tử” từ Thụy Sĩ về Huế, đặc biệt là chùm bài viết về hội họa, như Để cái đẹp thật sự được lên ngôi, giới thiệu về phòng tranh Lê Quý Long, Gặp người tài Đà Nẵng ở Huế giới thiệu về tranh của họa sĩ Lê Kinh Tài, sáng tác tại Huế qua sự bảo trợ của anh em họa sĩ song sinh Thanh – Hải và hàng loạt bài viết về hoạt động của hai anh em họa sĩ trẻ này: tự kiếm sống, mở xưởng họa, tài trợ cho các tài năng trong và ngoài nước về Huế sáng tác, triển lãm tranh, làm phim về cầu Hiền Lương, sáng tác và triển lãm tranh về nạn đói năm 1945 (Xem cầu Hiền Lương trên đất Huế, Sinh năm 1975 tưởng niệm 1945). Xin đừng xem thường thế hệ trẻ, nhất là những nghệ sĩ: “Hai chàng trai quê Quảng Bình, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Huế, lập nghiệp tại Huế và hình như không phải giỏi giang gì về điện ảnh, lại “sinh sau đẻ muộn” có “dính” chi đến “sông tuyến” Bến Hải với Quảng Trị một thời máu lửa mà đi làm phim Hiền Lương? (…) Đừng lo lớp trẻ mau quên quá khứ. Không ai xóa được lịch sử và lịch sử cũng như cầu Hiền Lương vẫn “sống” trong mỗi cuộc đời và không thôi nhắc nhở chúng ta…” (tr.261 – 262, 264). Cũng chính vì thế mà họ có cuộc triển lãm Chén và đũa, 1945, để tưởng niệm nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử: “Hình như mấy năm trước, ở Hà Nội nhiều vị nêu vấn đề vì sao chưa có một tượng đài, một tấm bia ghi lại nạn đói bi thảm năm 1945 của dân tộc. Không ngờ chính lớp trẻ như Thanh – Hải lại làm được điều đó…” (tr.267).

Như đã nói, hầu hết những bài này đã được tác giả in trên các báo. Nhưng khi đọc từng bài trên các báo khó mà nhận ra vóc dáng tâm hồn, một niềm đau đáu tâm huyết của tác giả trước thực tại đời sống. Khi đặt cạnh nhau, như những bức tranh liên hoàn, ta bỗng nhận ra chân dung một Nguyễn Khắc Phê khác, một nhà văn chính luận sắc sảo, góc cạnh, vừa tỉnh táo luận bàn một cách minh bạch, lại vừa say sưa theo đuổi những ý tưởng, những tình cảm, cảm xúc để phơi bày dưới ánh nắng trưa hè gay gắt của công luận. Tất nhiên, không phải mọi bài trong tập đều có sức thuyết phục. Có lẽ do số lượng quá nhiều nên chọn lựa không kỹ, có bài chỉ dừng lại ở việc nêu ý kiến, có chính mà chưa có luận, gây hụt hẫng cho người đọc (Thử nêu cách nghĩ khác về lương, Bất ngờ con trẻ, Tôn vinh người đấu tranh chống tiêu cực “liều thuốc” hay đẩy lùi “quốc nạn”). Điều đáng lưu ý nhất ở Nhà văn và thời cuộc là sức nóng cháy bỏng của tâm huyết nhà văn trước những vấn đề thường xuyên đặt ra trong đời sống, những vấn đề mà bất kỳ một người ở tầng lớp nào trong xã hội, quan tâm đến đất nước, đến số phận của dân tộc và nhân dân đều không thể làm ngơ. Nó càng bạo liệt, phức tạp và khó khăn hơn những nóng bỏng của thời chiến tranh, theo cách nói khiêm tốn của Nguyễn Khắc Phê là “hy vọng mỗi bài viết được làm phận sự như là một “viên đạn” tiếp sức cho cuộc chiến đấu chống lại cái ác, cái xấu xa đang diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc; cũng có bài là những “hạt cát” góp vào xây dựng lại nền móng các giá trị đã bị biến dạng, bào mòn” (tr.5). Hơn ai hết, nhà văn là người luôn bị thôi thúc bởi lý tưởng thẩm mỹ, phải luôn ý thức rằng, làm ngơ, lãnh cảm trước cái ác là đồng lõa với tội ác, là tự thủ tiêu chính sinh mệnh của bản thân mình.

Phạm Phú Phong

Nguồn: tapchisonghuong.com.vn

Exit mobile version