Tác giả người Anh Chris Cleave cho rằng nhà văn thường gặp khó xử khi khen chê tác phẩm của đồng nghiệp, đặc biệt nếu là người thân quen, nhưng điều đó có đồng nghĩa với việc các nhà văn không nên ‘nhúng tay’ vào ‘địa hạt’ phê bình?

Trong bài viết trên Guardian, Chris Cleave đưa ra nhận định: “Trong các bài phê bình, các nhà văn thường tránh chê bai hay phê phán quá gay gắt đồng nghiệp và tác phầm của đồng nghiệp”. Nếu điều đó xảy ra, sẽ có người cay cú, giữ mối “thâm thù” với nhau hàng thập kỷ. Gần đây, Maurice Sendak vừa có vài lời công kích Salman Rushdie (gọi người đồng nghiệp là “gã ngu ẻo lả, đáng ghê tởm”) khiến dư luận sửng sốt, nhưng đó thực ra là kết quả của việc Rushdie xúc phạm Sendak khi cả hai còn trẻ. Liền đó, Rushdie tiếp tục có phản hồi với lời lẽ gây sự của Sendak, ông nói qua Twitter: “Tôi cũng yêu bạn, Maurice à, lão già cục cằn khốn khiếp”.


Nhà văn Chris Cleave. Ảnh: Guardian.

Cũng như nhiều nhà văn khác, thỉnh thoảng Chris Cleave viết phê bình và luôn dùng giọng điệu tích cực. Ông giải thích: “Mẹ tôi từng nói: ‘Nếu con không có gì tích cực để nói thì đừng ngại ngậm miệng lại’. Khi tôi nhận được một cuốn sách để viết phê bình, tôi sẽ đọc. Nhưng nếu nó không đủ hay thì tôi sẽ lặng lẽ trả lại cuốn sách cho biên tập viên của tờ báo để người đó giao việc phê bình cho người khác”.

Còn những nhà phê bình chuyên nghiệp thì khác. Có nhiều lúc họ phải phê phán một nhà văn, một tác phẩm và nếu từ chối làm điều đó, họ sẽ không còn là một người chuyên nghiệp nữa. “Tôi từng một lần bị nhà phê bình Michiko Kakutani của tờ New York Times chê bai nặng lời đến nỗi tôi rất nản, tự làm mình bị thương và chảy máu trên bàn phím. Tôi mất nhiều máu đến mức phải vào bệnh viện truyền máu”, Chris Cleave kể lại trải nghiệm của chính mình.

Các nhà văn mềm mỏng hơn nhà phê bình. Bản thân họ cũng hiểu rõ áp lực từ giới phê bình đối với mình nên hạn chế gây ra tác động xấu đến các đồng nghiệp khi viết phê bình. Còn có một lý do khác, đó là cách các nhà văn tự bảo vệ mình. Gieo gió thì gặt bão. Mỗi khi Chris Cleave viết phê bình, ông nhớ đến nhân vật “bố già” Don Corleone, người luôn nói: “Đừng bao giờ kể cho ai khác ngoài gia đình của bạn về những gì bạn đang nghĩ”. Nỗi sợ khiến ông phát biểu trung thực về những cuốn sách ông yêu thích và im lặng về những cuốn sách ông không thích.

Khi Chris Cleave bắt đầu viết văn, ông không quen biết ai trong giới cả. Điều đó giúp ông bày tỏ ý kiến một cách an toàn hơn và thường xuyên hơn. Càng lâu dài với nghề viết thì người ta càng phải có nhiều mối quan hệ thân thiết với người trong nghề, nhưng cũng chính các mối quan hệ tạo ra những ràng buộc mơ hồi đối với nhà văn khi viết phê bình.

Chris Cleave cho biết, ông từng từ chối viết phê bình cho hai cuốn sách của hai tác giả ông quý mến, nhưng lại không đánh giá cao tác phẩm. Hoặc, cũng có lúc ông từ chối phê bình sách của một tác giả mà theo ông nghĩ là rất tài năng và dám chấp nhận thách thức, bởi không muốn người ta nghĩ những lời khen của ông là lời tô vẽ do quan hệ thân thiết.

“Chính vì những mối ràng buộc về cả riêng tư lẫn công việc, đôi khi nhà văn không thể viết phê bình để ca ngợi tác phẩm mà họ yêu thích nhất”, Cleave kết luận.

Chris Cleave là một nhà văn kiêm nhà báo của tờ Guardian (Anh). Tiểu thuyết đầu tay của ông, “Incendiary” đã được xuất bản ở 20 nước và được chuyển thể thành một bộ phim do Michelle Williams và Ewan McGregor đóng vai chính. Tiểu thuyết thứ hai “The Other Hand” từng được đề cử giải Costa 2008. Khi xuất bản tại Mỹ và Canada, “The Other Hand” đổi tên thành “Little Bee”, tác phẩm cũng sắp được chuyển thể thành phim do Nicole Kidman đóng vai chính.

Hạ Huyền

Nguồn: eVan.