Khoảng ba mươi năm về trước, vào một đêm khuya lắm, nhà văn Triệu Bôn đi thực tế từ trại giam Phú Sơn về. Dáng người vốn gầy, đen đúa lại cắt tóc, kiểu gọt trọc lốc, trông anh vừa xa lạ, vừa quen, vừa hơi sợ nữa…
Anh mở cửa thấy con trai đã ngủ, liền xin vợ cốc nước, uống ừng ực, rồi ngội bệt xuống sàn nhà xi măng, thõng người như ở cõi chết trở về, rồi anh chợt thốt lên với tôi: “Nhà mình tuy tồi tàn thật, nhưng có em và con ấm áp hẳn em ạ. Anh nhập vai cùng với anh em trại tù, đúng là một ngày tù ngàn thu ở ngoài. Ngày dài thê thảm, mùa đông lại càng thê thảm. Tết đến đúng là không muốn nhớ đến tết. Vợ không hình dung được ở tù những năm ấy, đói kém đến thế nào đâu. Hồi đó đến ngoài đời còn chạy ăn từng bữa gạo trắng, nói gì đến cơm tù. Ăn hạt bo bo nhiều người ăn không tiêu, ốm o suốt, tội lắm, cũng là kiếp người”, rồi Triệu Bôn khóc như đứa trẻ. Lát sau, đứng dậy anh đi tìm vòi nước công cộng mà ông lão ăn mày chỉ cho đêm hôm trước, ở cái ngõ trong vách chợ Bắc Qua để tắm và giặt giũ.
Nhà văn Triệu Bôn thời trẻ.
Hồi đó Hội Nhà văn Hà Nội như sống gần sa mạc. Hai ba giờ sáng mới có thể bơm nước có được cái thùng phuy 200 lít, chỉ đủ tằn tiện dùng nước một ngày. Anh còn giao hẹn với vợ:
“Chắc từ ngày mai em lo liệu hết để giúp anh, anh viết tiểu thuyết này khoảng 20 ngày cho xong, nhé”. Hai mươi ngày, anh chỉ ăn qua quýt, rồi đóng cửa phòng văn viết từ sáng đến tối khuya, có lúc mắt chỉ nhìn trân trân vào một điểm. Chưa đầy 15 ngày anh viết xong tiểu thuyết: “Một phút và nửa đời người” được in ở Tạp chí Nhà văn hai kỳ, sau đó được in ở Nhà xuất bản Công an nhân dân.
Nhân vật Khoái trong tiểu thuyết của nhà văn Triệu Bôn thời gian đó vẫn ở tù, nhưng bạn đọc truyền tay nhau lan tỏa tới trại giam và Khoái cũng được nghe kể về mình như một huyền thoại. Câu chuyện về nhân vật trong tác phẩm lấy nguyên mẫu từ Khoái – một tù nhân đang thụ án ở trại giam Phú Sơn còn được thêm bớt gia giảm theo cách của người kể chuyện. Nhà văn Triệu Bôn, khi viết xong tác phẩm, đưa đi xuất bản, cũng chưa hay biết sức lan tỏa của tiểu thuyết viết về một nhân vật tìm vàng ở Thái Nguyên lớn đến thế.
Mấy năm sau đó, nhà văn Triệu Bôn bị tai biến mạch máu não, bị liệt nửa người bên trái. Một buổi chiều thật muộn, chợt có một người hỏi thăm phòng, bệnh nhân là nhà văn Triệu Bôn. Tôi thấy nhà văn Triệu Bôn cố nhỏm dậy rồi cố giơ tay ra bắt: “Vào đi em, làm sao mà Khoái biết để vào đến đây với anh?”.
Lúc này tôi mới biết, thì ra đây là nhân vật Khoái trong tiểu thuyết “Một phút và nửa đời người”. Qua câu chuyện của nhà văn và nhân vật này tôi mới chỉ biết trong sách, giờ đây được mục sở thị ngoài đời. Khoái ra tù và hay tin qua một bài báo biết nhà văn Triệu Bôn ốm; Khoái đi xe đò từ sớm ở Thái Nguyên, lỡ xe, chiều muộn lại chờ tới 5 giờ chiều bệnh viện mới cho người nhà vào thăm nuôi.
Nhà văn Triệu Bôn hỏi thăm vợ con của Khoái hiện tại, rồi hỏi tới con đường kiếm kế sinh nhai tiếp theo. Khoái thủ thỉ với nhà văn rằng: “Em đã từng có rất nhiều, rất nhiều vàng và nhiều tiền, nhưng tính hào hiệp em cho đi rất nhiều vàng và vàng cũng không đem lại cho em hạnh phúc anh ạ.
Vào tù, ra tội lại vào tù, vào tù lần nữa thì do bạn mưu hại, ngay cả người bạn tốt như người chiến sỹ Công an trong tiểu thuyết, khi anh ta chết rồi em mới hiểu ra trên đời vẫn còn người tử tế với em. Ngay cả một viên quản giáo tốt ở trong tù; hay có ông quản giáo cả đời làm mỗi việc trông coi tù nhân, tính tình khắc nghiệt, hạch sách và nham hiểm; rồi lòng tốt của một vị quản giáo khác, tất cả cái tốt và cái xấu dù chỉ cách nhau một barie; nhưng hai chữ tự do nó vẫn là một khoảng cách rất xa nhau. Em đây, Khoái đây, phải đợi khá lâu, khi ra tù, em mới vỡ ra rằng ở đâu cũng có người tốt, ở đâu cũng có người sống không ra gì anh ạ”.
Nhân vật Khoái hiện tại.
Trong câu chuyện của nhân vật Khoái và nhà văn Triệu Bôn, Khoái còn nhắc đến những thước phim “Phần đời không muốn nhớ” của nhà văn, nhà biên kịch Trần Quốc Huấn chuyển thể từ tiểu thuyết của Triệu Bôn. Khi còn ở tù, Khoái cũng nghe nói phim này hay, thời đó rất hot ở Thái Nguyên, nhân vật Khoái không thể ngờ mình cũng rất nổi tiếng ở vùng đào vàng hun hút quạnh hưu này. Tuy nhiên ngày đó anh chỉ dám mơ ước được xem phim một lần cho biết thôi.
Rồi may mắn sao, anh lại được xem phim khi ra tù. Khoái cũng cho hay, có thể nhờ sự lan tỏa của tiểu thuyết này, mà Khoái được tôn trọng và ưu ái hơn những người mặc áo kẻ sọc ngang khác ở trong trại giam. Cũng có người nhìn anh như một anh hùng, một cuộc đời dám dấn thân, và từng chạm mặt cái chết mỏng như sợi tóc; Lại nghe khi ra tù, vợ Khoái và Khoái mở một quán bún ngan, sau dẹp đi mở một quán nước kiếm dăm ba chục lẻ, nuôi con ăn học. Nhà ở một nơi, gần núi, gần đồi chè bạt ngàn. Buồn bã đã như chực sẵn trong tim, anh đổi nhà vài lần, rốt cục vẫn mê đi đào vàng hơn làm những việc khác.
Thế rồi sau hàng tiếng hàn huyên, Khoái đưa ra một cái chai thủy tinh 0,65lít, chai đựng đầy vàng cám. Khoái nói: “Em kiếm được ít vàng cám, không kịp chuyển thành tiền, kiếm được là em mang đến biếu anh, anh nói để chị đổi lấy thuốc chữa bệnh cho anh”. Nhà văn Triệu Bôn không nhìn chai vàng mà từ tốn, nhỏ nhẹ: “Chú cất chai vàng này đi, mang về lo cho con, chú đừng để vàng xen vào giữa anh và chú”.
Tôi nhìn thấy Khoái quay đi, Khoái xúc động nhưng kiềm được dòng nước mắt. Cái hành lang bệnh viện lúc đó ánh sáng trắng như rộng hơn, hun hút hơn và mênh mông tình người hơn. Tôi cũng nhìn thấy dáng đi như lệch một bên vai của Khoái, Khoái như có vẻ ân hận vì anh tự trách mình sao không kịp đổi vàng ra tiền. Rồi chính sau này, nhà văn Triệu Bôn có dịp đi lấy thuốc đông y, có tạt lên thăm nhà Khoái.
Căn nhà Khoái hồi đó cách thành phố độ vài ba cây số, rất gần đồi và núi, nếu mở hàng quán thì rất khó có khách tới ăn, vợ Khoái nói, Khoái lại đi tìm kiếm nơi để đào vàng xa hơn. Gần cả cuộc đời chỉ có chăm chăm đào vàng, vào tù vì vàng ra tù lại cũng vì vàng. Khoái cũng từng chăm chăm cho hạnh phúc gia đình, rồi hạnh phúc cũng như con chim đủ cánh trượt khỏi tay; thất vọng và hy vọng, lại tìm kiếm tổ ấm khác, và giờ đây Khoái chỉ còn mơ ước mở một quán ăn hay quán trà chén để nuôi nấng đứa con gái nhỏ học hành, để sau này con gái đỡ khổ.
Cuộc đời nhân vật Khoái như chỉ gắn với đất và vàng. Khoái bảo trong tù nỗi nhớ luôn luôn hiện ra khi người ta sợ hãi, khi chợt nghe một tuyên án tử hình hay án chung thân của kẻ đi tù. Sự hằn thù trong tù cũng có phút chùng xuống trước một cái chết ngỡ như vô cảm.
Vợ chồng nhà văn Triệu Bôn – Hoàng Việt Hằng.
Lại nhớ một chiều thật muộn cuối tháng Chạp, chỉ còn mấy hôm nữa là Tết, nhà biên kịch Trần Quốc Huấn giật chuông ở nhà 19 Hàng Buồm. Có một người chậm chạp, đen đúa ra mở chiếc cổng gỗ lớn, biên kịch Trần Quốc Huấn hỏi thăm:
– Bác là bảo vệ cơ quan phải không ạ? Cho tôi vào nhà anh Triệu Bôn.
Nhà văn thủng thẳng đáp – Anh đi thẳng vào, cái cầu thang như máy bay kia là nhà của ông ấy.
– Vâng. Cảm ơn bác nhé.
Lúc lên tới nhà, Trần Quốc Huấn hỏi:
– Chị cho tôi gặp anh Triệu Bôn.
Và Trần Quốc Huấn ngồi chờ; lát sau nhà văn Triệu Bôn lững thững lên gác.
– Anh là nhà văn Triệu Bôn?
Tôi đáp hộ – Vâng nhà tôi đấy ạ, anh ấy là Triệu Bôn.
Trần Quốc Huấn chạy ra ôm lấy anh Triệu Bôn, cười rung người: “Anh ơi anh cũng là lính, em cũng là lính của anh đây, lính tráng với nhau, lúc nãy em cứ ngỡ anh là bảo vệ kia đấy. Thật không phải với anh”.
Triệu Bôn cười hiền lành – “Thì có gì khác gì nhau giữa ông nhà văn và bảo vệ, đôi khi mình còn nhờ cả tới ông lão ăn mày ở đây đấy cậu ạ”.
Nhà văn Triệu Bôn và Trần Quốc Huấn hiểu nhau rất nhanh vì cái chất người lính có sẵn trong người họ. Trần Quốc Huấn nói say sưa về nhân vật Khoái, về kịch bản “Phẩn đời không muốn nhớ” và nhân vật Khoái là tâm điểm của câu chuyện thân thiết giữa nhà văn và nhà biên kịch. Năm đó, Trần Quốc Huấn còn mang đến khoản nhuận bút một trăm tám mươi đồng để nhà văn Triệu Bôn có tiền tiêu Tết. Nhà văn và tác phẩm, nhà văn và biên kịch đã làm nên những thước phim, mà chính những nhân vật này đã bước ra ngoài đời, đối thoại và suy nghĩ về sự thánh thiện trong mỗi phần đời, để nhân vật thấy cuộc đời đáng sống hơn, hy vọng hơn, và người tin vào người hơn, đó cũng chính là ý nghĩa nhân văn cao đẹp nhất mà nhà văn và tác phẩm văn học của họ mang lại cho cuộc đời.
Theo Hoàng Việt Hằng – Văn nghệ công an