Võ Thị Xuân Hà

CHÚNG TÔI RA TRƯỜNG SA

Đoàn nhà văn lên đường

Theo lời mời của Bộ Tư lệnh Hải quân, ngày 28/4, cùng với nhiều đơn vị khác, đoàn Hội Nhà văn Việt Nam đã đến Trường Sa.

Chuyến đi này chúng tôi được xác định là rất gian nan, bên Hải quân muốn Hội Nhà văn VN cử các cây bút vững, có sức khỏe, nhanh nhẹn… Để khi về có bài vở chuẩn bị cho cuốn sách kỷ niệm 60 năm Hải quân nhân dân VN. Hơn nữa, đại tá Mai Huy Giám đốc Nhà Văn hóa Hải quân có nói riêng với tôi, các anh sợ rằng chuyến đi này sẽ vất vả hơn các chuyến trước, do tình hình biến động phức tạp.

Khác với bên Hải quân, Chủ tịch Hội Nhà văn VN, nhà thơ Hữu Thỉnh tiễn đoàn chúng tôi với tinh thần lạc quan vô cùng. “Các bạn yên tâm, phía bạn đã bắt tay mong muốn một sự hòa hợp, đoàn kết hai dân tộc. Vừa rồi chúng ta đã đón nhà văn Thiết Ngưng, Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc trong tình hữu nghị đặc biệt”.

10 nhà văn được chọn lên đường với tinh thần phấn khởi vì phần lớn chưa được ra Trường Sa. Cơ hội được đi khó hơn ra nước ngoài. Chỉ riêng tôi là trưởng đoàn, nên nắm được chút ít nỗi lo lắng (bấy giờ vẫn đang rất nhạy cảm) từ phía lãnh đạo Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Hải quân.

Lên tàu từ cảng Cam Ranh, lúc về cập cảng Cát Lái, những nhà văn, nhà thơ đã có một hải trình đặc biệt trong những ngày Trường Sa “dậy sóng”.

Đây là lần đầu tiên tôi đến với Trường Sa. Trước khi đi, giống như nhiều người khác, tôi cũng tự nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu nơi mình sắp tới. Trước đây, tôi đọc những gì liên quan đến Trường Sa phần nhiều cũng vì tò mò muốn biết đảo chìm, đảo nổi như thế nào. Và nơi ấy đang tồn tại một cuộc sống ra sao? Khá nhiều bài viết về Trường Sa. Thơ ca nhạc họa… Nhưng những trang viết mà tôi đọc được trừ mấy tác phẩm ít ỏi của các nhà văn nhà thơ như Đảo chìm của nhà thơ Trần Đăng Khoa, một số truyện của Bích Ngân, Nguyễn Xuân Thủy, Trần Minh Hợp… còn lại hầu như chỉ là những tư liệu khô cứng nên không đọng trong tôi bao nhiêu.

Nhưng rồi, từ lúc bước chân lên tàu của hải quân ra Trường Sa, dược phổ biến những kiến thức cơ bản về biển Đông, về Trường Sa Hoàng Sa, điều lệnh hành quân, trải qua những ngày nắng chan trên biển, có lúc gặp tàu lạ che kín mít, không cờ hiệu, tàu của hải quân đã phải bẻ lái sang hướng khác để tránh va chạm; bản thân chịu đựng nào say sóng, nào sinh hoạt phải khắc phục trên con tàu cứ lướt trên sóng, chứng kiến sự vất vả của lính đảo và những nỗ lực của họ ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc, tôi cảm nhận Trường Sa như có gì đó gắn bó với riêng mình từ những giây phút ấy.

Giây phút tôi cảm thấy rõ rệt nhất về sự hữu hạn và vô hạn của cõi sống là lúc ngồi xuồng máy CQ từ nơi tàu neo để vào đảo chìm Đá Thị. Từ tàu lên đảo cách khoảng một hải lý, giữa biển mênh mông phía sau là tàu, trước mặt là hòn đảo chìm bé con con xa mờ, chỉ mấy con người nhỏ nhoi trên xuồng. Lúc ấy mới thấy cái nắng sao khắc nghiệt, lúc ấy mới thấy cái gian nan, mới thấy sao lính của mình khổ thế. Tôi từng đi viết nhiều cho các đơn vị, quân đội có, công an có, mới cách đó không lâu, tôi đi Vũng Tàu viết cho Tổng Công ty trực thăng Việt Nam. Mỗi nơi có cái vất vả riêng, nhưng bây giờ đây tôi thấy hải quân Việt Nam vẫn là gian nan nhất, nhất là trong thời điểm biển Đông “dậy sóng” như lúc này.

Sau chuyến đi ấy, cứ thấy cái gì viết dính dáng đến Trường Sa, Hoàng Sa là tôi lại muốn đọc. Thật lạ kỳ, Trường Sa đã ngấm vào máu thịt, vì thế khi viết gì, kể gì về Trường Sa tôi cũng cố gắng chuyển tải những thông điệp một cách dễ hiểu nhất tới người đọc.

Chuyến đi Trường Sa của đoàn Hội Nhà văn VN lần này, việc lựa chọn người đi rất khó khăn, kỹ càng. Nhưng với tiêu trí “trẻ” nên Ban Nhà văn Trẻ do tôi làm Trưởng Ban đã “thắng thế”. Dịch giả Nguyễn Vũ Hưng sinh năm 1987, trẻ nhất Hội Nhà văn VN hiện nay, là giảng viên môn Văn học Pháp của Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, đang làm luận án tiến sĩ ở Pháp. Thời gian này Hưng về Việt Nam lấy tư liệu làm luận án. Khi gặp tôi ở TP Hồ Chí Minh, biết chuẩn bị có đợt đi Trường Sa, Hưng nói: Cho em đi với. Tôi cười bảo, ừ thì đi, nhưng để chị báo cáo lãnh đạo Hội. Kết quả là Hưng đã được đưa vào danh sách.  Chuyến đi ấy là một trải nghiệm mới với Nguyễn Vũ Hưng.

Hình ảnh đẹp đầu tiên hiện ra trong chuyến đi là Song Tử Tây. Tôi và Hưng cùng một số thành viên của đoàn đã dậy rất sớm để chờ đợi phút giây hòn đảo đầu tiên tắm mình trong ánh mặt trời đang hé rạng vào buổi sớm tinh mơ. Con tàu hú một hồi còi để báo tin cho đảo và neo lại. 30 phút sau, đoàn lên đảo Song Tử Tây.

Nguyễn Vũ Hưng đã tâm sự:

“Trước chuyến đi tôi có đọc một số bài viết của những người được đi trước, nhưng đa số chỉ là thông tin sơ sài và các ý kiến chủ quan. Tôi biết thực tế sinh động và phức tạp hơn nhiều. Khi đến đảo đầu tiên, việc đầu tiên tôi làm là tách đoàn, một mình đi ra phía bờ đảo. Tôi vốc một nắm cát và vỏ sò vào tay. Cảm giác rất đặc biệt. Đó là khoảnh khắc quan trọng nhất của chuyến đi đối với tôi. Tôi quyết định sau này học xong sẽ trở về nước và kêu gọi các bạn bè từ những trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới trở về nước cũng là vì những vốc cát, những vỏ sò như thế này”.

Đoàn nhà văn có 10 người thì mỗi người là một thế giới riêng khác. Đi trên chuyến tàu lênh đênh ngoài biển cùng gần 250 người, sinh hoạt thay đổi chóng mặt, phải khắc phục rất nhiều. Có một điều khó khăn cho trưởng đoàn là muốn phổ biến hay nhắc nhở gì anh chị em cũng rất khó, vì chỉ cách vài bước chân thôi, nhưng nếu ai mất hút trên boong tàu thì cũng coi như chịu không sao tìm được, vì không liên lạc được bằng di động, dĩ nhiên.

Nhưng các nhà văn nhà thơ rất ý thức được nhiệm vụ của mình. Hàng ngày, nếu tôi muốn tìm nhà thơ Nguyễn Thị Mai thì lần lên phòng bếp ăn, vì chị Mai đăng ký viết về những người phục vụ trên tàu. Muốn tìm nhà thơ Phạm Vân Anh thì đến buồng quân y hoặc buồng dành cho chỉ huy tàu. Muốn tìm Nguyễn Vũ Hưng thì lên buồng lái. Muốn tìm nhà thơ Hữu Việt thì cứ cánh nhạc sĩ văn công mà mò ra (vì chuyến đi này, nhạc sĩ Vũ Thiết đã phổ nhạc bài thơ Thư Song Tử Tây của Hữu Việt). Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng thì thường hay mơ mộng trên boong một mình. May thay nhà văn Lê Hoài Nam, nhà thơ Đặng Huy Giang, nhà văn Phạm Duy Nghĩa, nhà thơ Bàng Ái Thơ thì hay “bám trụ” loanh quanh khu vực phòng ở…

Viết truyện trên hải trình

Tôi đã kể câu chuyện ở đảo chìm Cô Lin.

Sau khi rời Cô Lin, đoàn công tác làm Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh ở quần đảo Trường Sa. Trong không khí trang nghiêm đầy cảm động, tôi thầm hứa với anh linh các liệt sĩ, nhất định tôi sẽ viết về các anh.

Sự hối thúc đến từ nhiều phương. Nhưng tôi chắc chắn phương tâm linh đã giúp tôi rất nhiều. Có lẽ các anh nghe thấu lời hẹn của tôi chăng?

Nhưng lịch đi và làm việc kín mít. Cho mãi đến khi đến được đảo Trường Sa (lớn), tôi tranh thủ khi văn công biểu diễn, ngồi một mình dưới ngọn nê-on ngoài sân phác thảo câu chuyện. Nhưng nhiều chàng lính hải quân không hiểu tôi đang “lên cơn” viết, cứ sà xuống hỏi chuyện, chỉ lo tôi ốm hay sao mà ngồi thu lu một mình ngoài sân. Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa còn kịp kể cho tôi nghe về việc đảo có 6 giếng nước ngọt. Rằng ở đây lính sướng hơn ở đảo khác. Tôi cũng đã đi thăm cơ ngơi đảo cả ngày hôm đó, thăm mấy hộ dân, dự Lễ cắt băng khánh thành khu tượng Quan Thế Âm, dự buổi thắp hương dâng Bác ở Nhà lưu niệm Hồ Chí Minh, thăm mộ liệt sĩ… Kịp nhặt (trộm chút linh thiêng Trường Sa) mấy viên đá nhỏ. Rồi tôi cũng nháp được phần chính ý tưởng của truyện ngắn “Những bức thư gửi từ biển”.

Tàu HQ 996 chia tay đảo Trường Sa trong bóng đêm ngập tràn. Chưa bao giờ tôi được chứng kiến một cuộc chia tay hùng tráng và cảm động như thế. Bạn hãy hình dung một con tàu to lừng lững, với hàng trăm con người kéo hết ra boong, ở dưới cầu cảng là hàng trăm thủy thủ, hàng vài chục người dân, sư thầy nhà chùa, lính công binh, và cả những đứa trẻ được cha mẹ chúng bồng trên tay. Người đứng trên boong, người dưới cầu cảng vẫy nhau trong đêm, và hát. Hát hết “Không xa đâu Trường Sa ơi” đến “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, lại “Người ơi người ở…”

Nv VTXH với tổ máy trên tàu HQ 996

Đêm đó tôi nói với cả phòng (8 nhà văn nhà báo nữ ở cùng phòng), xin với các chị cho tôi được bật đèn để viết khuya. Tôi ngồi trên giường tầng 2, lom khom với cái máy tính săp hết pin. Muốn sạc, phải sang giường ngoài, mà dây cắm không với tới. Thế là đành viết tay lên giấy tiếp mạch truyện. Con tàu đang lao đi trên sóng. Dưới khoang ở nóng hầm hập. Tôi vã mồ hôi và say chuếnh choáng, nhưng quyết tâm viết cho xong mạch truyện. Nhìn sang các giường, thấy mọi người ngủ mê mệt mà phải lấy sách báo che mắt, tôi đành tắt đèn cho các chị ngủ, đành bật máy tính bảng lấy chút ánh sáng, viết nốt đoạn kết.

Sáng hôm sau tôi vác máy tính lên buồng lái cắm điện ngồi gõ từ bản nháp tay ra. Khi ấy đoàn nghệ thuật Khánh Hòa và mấy nhà thơ đang ngồi hát và đọc thơ qua bộ đàm cho lính trên nhà giàn nghe ngay sau chỗ tôi ngồi viết truyện. Hôm đó vì sóng to quá, chỉ một số người khỏe mạnh được cử lên nhà giàn. Văn công phải phục vụ cho lính qua bộ đàm.

Truyện ngắn “Những bức thư gửi từ biển” được đề tặng cho các anh hùng liệt sĩ hi sinh ở đảo Gạc Ma, đã được viết trong bối cảnh như thế.

Kịch bản đặc biệt

Đêm cuối cùng trên tàu, giữa biển khơi, theo thông lệ, một chương trình văn nghệ được tổ chức để tổng kết chuyến đi. Nhà thơ Hữu Việt được Đoàn công tác tín nhiệm giao nhiệm vụ viết kịch bản cho toàn bộ chương trình giao lưu chia tay. Giây phút ấy, Hữu Việt nhớ tới câu nói của anh Nguyễn Viết Thuân, chủ tịch huyện đảo Trường Sa: Từ bây giờ trở đi chúng ta có chung một ngày sinh, đó là ngày 28/4, ngày chúng ta bước lên con tàu này. Còn Thiếu tướng Nguyễn Đức Nho, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân nói rằng: “Khi các đồng chí bước lên con tàu này, các đồng chí là những thủy thủ, khi đặt chân lên hòn đảo đầu tiên các đồng chí trở thành những chiến sĩ hải quân”.

“Trong tâm trạng đó, đoàn Hội Nhà văn VN ngồi lại với nhau, tôi quyết định viết kịch bản dựa trên tất cả những sáng tác của các nhà văn nhà thơ thành vở kịch trình diễn thơ-văn xuôi”, nhà thơ Hữu Việt kể với báo chí như vậy. Dựa trên tuyện ngắn “Những bức thư gửi từ biển” của tôi. Dựa trên tưởng tượng linh hồn của các chiến sĩ vẫn đang trú ngụ trong tầng tầng lớp lớp san hô và mỗi khi những con tàu từ đất liền quê mẹ đi qua, những linh hồn ấy trồi lên mặt nước, chia sẻ, gửi gắm những lời yêu thương cho những người mẹ, người vợ, người con; trở thành những lời nhắn nhủ, thông điệp với người sống, Hữu Việt đặt ra một mạch kịch bản “Những người con bất tử của mẹ Tổ quốc“. Đồng hành với nó là những bài thơ của những thành viên trong đoàn, diễn viên chính là tác giả của những tác phẩm ấy. Nhạc nền là bài hát “Bình yên hơi thở Biển Đông” của nhà thơ Bàng Ái Thơ. Hữu Việt vào vai linh hồn liệt sĩ, diễn tả theo mạch truyện của tôi. Còn tôi đọc thơ của Hữu Việt:

Biển xanh, mây trắng, nắng mật ong

Bên kè sóng anh nằm nghe biển thở

Lời san hô hay lời của gió

Lại cồn cào một nỗi em thôi

Hôm đó phía Trung Quốc đã hạ đặt.giàn khoan. Đúng như dự báo của các lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân trước chuyến đi, về sự nguy hiểm…

Một kịch bản đặc biệt với những diễn viên đặc biệt trong một không khí đặc biệt.

Khi biễu diễn, người diễn khóc, người xem khóc, những giọt nước mắt của tình đồng chí, tình quân dân, tình cốt nhục phân ly, âm dương cách trở, cũng là tình cảm sâu đậm của đất liền gửi tới những chiến sĩ, những người dân đang làm nhiệm vụ và sinh sống ở Trường Sa.

Cảnh trình diễn Những người con bất tử của mẹ Tổ quốc

Dù không nói ra nhưng có lẽ ai cũng tự nhủ, một phần trái tim chúng tôi đã dành cho Trường Sa, hướng về Trường Sa, dù mới một lần đến.

Tôi đã trả lời các nhà báo: Khi ra đến Trường Sa, mọi toan tính đời thường diễn ra xung quanh cuộc sống của chúng ta trở nên nhỏ nhặt, vô nghĩa. Nếu như ai nuôi dưỡng và phát triển được suy nghĩ ấy thì con người ta sẽ trưởng thành lên rất nhiều, và thời gian trưởng thành sẽ ngắn hơn trên đất liền.

– 23/7/2014 –

(Bài đã in báo An ninh Thủ đô, số ra chủ nhật 27/7/2014)