Chất chồng từng đống như quần áo second-hand. Như đồ may mặc hàng thùng. Như rau dưa đã úa héo. Như một thứ đồ phế thải, nghĩa là đã bị mất đi phần lớn giá trị và phải gạn lọc thì may ra mới có thể sử dụng được.

Đó là những cuốn sách chồng chất không theo hàng lối trật tự nào trên một tấm nilông trải ở vỉa hè trước cửa nhà tôi. Cúi xuống, lướt mắt qua một lúc cả đống sách nọ, tôi kinh ngạc không hiểu sao có cả một loạt sách truyện cuốn nào cũng bị mất bìa lót.

– Tại sao lại thế này, ông chủ?

Tôi đưa một cuốn truyện của một tác giả trẻ bị xé bìa lót, hỏi thì nhận được cái nhếch mép vừa bỡn cợt vừa ngạo mạn của ông chủ:

– Ngộ đâu có biết. Mua cân cả mớ thế nào ngộ bán thế ấy. Vả lại, có thế mới gọi là sách cũ, tiên sinh à.

– Cũ đâu mà cũ. Bên trong còn có tay sách chưa dọc đây này, ông chủ.

Lườm tôi một nhát, ông chủ quay đi, tiếp một khách hàng mới. Tôi cúi xuống đống sách chất đống trước mặt. Sách cũ, gọi là vậy thôi, chứ đâu có phải là sách xuất bản từ những năm đã xa xưa. Chẳng hạn, đố mà tìm thấy một cuốn Truyện Kiều cổ in từ những thế kỷ trước. Dẫu có bạc vàng trăm ngàn lạng. Chẳng bằng kinh sử một vài pho. Chồng đống ở đây hầu hết đều là sách mới xuất bản, thậm chí có cuốn vừa mới in quý trước, vừa mới phát hành tháng trước. Càng kinh ngạc hơn khi nhìn thấy một quyển truyện trong đống sách nọ nhưng còn mới toanh, bìa không bị xé, của một nhà văn lỡ cỡ như tôi. Cuốn truyện còn nguyên bìa lót với dòng chữ của chính tác giả trân trọng đề tặng một bậc đàn anh trong nghề nghiệp và đang chiếm giữ trọng trách quốc gia. Người được tặng sách đã quên không xé tờ bìa lót khi đem bán cân cho người buôn giấy vụn sách cũ? Hay ông ta bằng cách này muốn công khai bầy tỏ thái độ của ông với giá trị cuốn sách này? Cách nào thì cũng vậy, tôi cũng đã tái mét mặt và run lẩy bẩy thấy như chính mình bị đem ra làm trò cười cho thiên hạ.

Giờ thì dẫu vô cùng buồn rầu tôi cũng đã nhận ra rằng có một thứ hàng vừa mới ra lò đã mang trong nó khả năng trở thành đồ phế phẩm ngay lập tức, đó là sách. Đáng lo buồn làm sao cho những kẻ viết sách! Là bởi vì, chọn lọc đâu phải chỉ là quy luật tồn tại và phát triển của tự nhiên. Theo nhiều nhà nghiên cứu, thì cứ sau 100 năm, nhân loại chỉ còn nhớ tới 1% số sách đã in ra thôi. Như vậy cũng có nghĩa rằng hầu hết sách đã trở thành vô bổ, vô dụng. Và cũng không phải là vô lý khi từ sách nhìn rộng ra các lĩnh vực khác. Cái gì rồi mà chả trở thành cũ kỹ hết mode, hết thời, quá date, nếu như trong nó không hàm chứa một sức mạnh siêu thời gian, tham gia vào sự bền vững vĩnh hằng.

*

Thế đấy, trong cái sự chết của nhà văn, ngoài cái nguyên nhân là do đố kỵ của đồng nghiệp còn là cái duyên do cơ bản này: sự thờ ơ của bạn đọc! Sự thờ ơ của bạn đọc! Đó là một thực cảnh đáng buồn. Tuy nhiên, bình tĩnh trở lại, tôi lại nhận ra, ở phía ngược chiều, còn một thực cảnh khác đáng để  an ủi các nhà văn và đưa tin yêu trở lại cho chúng ta.

Ấy là một buổi sáng mùa thu, đang làm việc ở trên căn gác hai thì Nguyễn Bắc Sơn nghe thấy tiếng chuông gọi cửa. Bỏ dở trang viết, nhà văn vội vã đi xuống. Trước hai cánh cửa mở rộng là một ông già. Chào bác! Dạ, tôi có cái này để tặng nhà văn. Cái gì vậy? Một chiếc phong bì vuông vức nằng nặng. Hồi hộp, Bắc Sơn cầm cái vật thể nọ đi lên gác. Cầm kéo cắt rìa phong bì. Và bây giờ mới là một nỗi kinh ngạc thật sự. Một cuốn sách. Mà lại là cuốn Luật đời và cha con, cuốn tiểu thuyết của ông. Cuốn sách vừa xuất bản đã tái bản lần 2, với số lượng không hề nhỏ. Một cuốn tiểu thuyết đã nhầu nát!

Một cuốn tiểu thuyết đã nát nhầu! Một cuốn sách đã qua tay không biết bao nhiêu bạn đọc. Cả buổi sáng hôm đó, Bắc Sơn không sao làm việc được. Ông ngồi ngắm cuốn sách lòng lâng lâng  sung sướng. Và không khỏi thốt lên một câu nói từ đáy lòng: Cám ơn. Vô cùng cám ơn bạn đọc!

Bùi Bình Thi cũng đã gặp một tình huống tương tự. Một bạn đọc đã đem đến tặng Bùi Bình Thi cuốn tiểu thuyết Ban Mai. Cuốn sách xuất bản cách đây gần hai chục năm. Đến tay ông lúc này, cuốn sách như một chiến binh mang đầy thương tật. Cầm cuốn sách nát bươm như muốn gửi một thông điệp tốt đẹp đến nhà văn, ông rơm rớm nước mắt. Ông đã ở trong vòng tay bạn đọc..

Cám ơn bạn đọc! Bạn đọc ơi, Người là lý do tồn tại của nhà văn chúng tôi. Không có Người thì chúng tôi là hư vô.

Sung sướng biết bao nhiêu khi được biết, những cuốn sách hay vẫn có mặt đầy đủ trên các tủ sách của các gia đình. Và tôi thật sự cảm thấy như mê đi khi bước chân vào các cửa hàng sách, nhất hạng các siêu thị sách gần đây. Không thể ngờ, sách lại có thể tạo nên một diệu cảnh, một cung điện huy hoàng đến thế. Mới thấy rằng cái đời sống tinh thần của con người sao mà phong phú giàu có và tươi đẹp đến thế! Sách văn học! Một kết cấu hữu cơ trong cuộc sống, làm sao nó có thể thiếu vắng trong đời sống của chúng ta.

*

Tôi cũng như nhiều nhà văn, trong đời mình cũng có được đôi lần có cái diễm phúc là nhận được sự ưu ái của bạn đọc. Đặc biệt có lần, tôi nhận được lời khen của một em học sinh tiểu học. Mà lại là khen một bài viết lý luận của tôi. Bài đó tên là Khát vọng về một cái đẹp. Bài in số 2 năm 2012 trên Tạp chí Văn Nghệ Quân đội thì ngày 2 tháng 3 năm 2012, đi họp hội nghị Cộng tác viên báo Người Cao tuổi, ngồi cạnh tôi, tình cờ biết tôi là Ma Văn Kháng, anh Nguyễn Huy Thục liền kể cho tôi nghe câu chuyện này. Anh nói: Bác Kháng à, đêm qua, đưa bài viết nọ của bác cho tôi, con cháu ngoại tôi nó nói: Ông xem đi, bài này hay lắm! Chà, hóa ra nhận ra mùi vị một thứ quả ngon chỉ cần một cái miệng phong lưu, bất kể lứa tuổi, nên một bài viết lý luận về một ngành chuyên môn lại lọt được vào con mắt xanh một cháu nhỏ! Cháu tên là Trần Khánh Vân hiện đang học lớp 5, số nhà 288, Lục Đầu Giang, phố Phả Lại, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, điện thoại 0320.3580566.

Năm 1999 tôi in tiểu thuyết Gặp gỡ ở La Pan Tẩn. Ở chương mười tám của cuốn sách, tôi có mấy trang mô tả một đám tang tiễn đưa ông nội của nhân vật Thiêm về cõi vĩnh hằng. Một đám tang theo đúng cổ lệ. Đọc những trang nọ, anh trai tôi gọi điện hỏi: Cậu sinh năm 1936, làm sao cậu biết và viết kỹ cái đám tang kiểu cổ xưa thế? Tất nhiên, giải trình điều ấy không khó khăn gì với cánh nhà văn chúng ta. Chất liệu để chúng ta viết có thể là vốn sống trực tiếp, nhưng cũng có thể là những gì chúng ta thu nhận được từ các nguồn gián tiếp, như  từ sách vở chẳng hạn. Trường hợp này là từ một lá thư của bạn đọc. Số là, năm 1989, tôi xuất bản cuốn Đám cưới không có giấy giá thú. Ở chương II cuốn sách, tôi có viết mấy dòng về đám tang của một nhà giáo. Sách ra được ít lâu thì ngày 25 tháng 12 năm 1990, tôi nhận được một lá thư dài của một bạn đọc. Sau khi góp ý, bạn đọc này viết liền cho tôi cả chục trang giấy, trong đó ông miêu tả cụ thể và rất kỹ lưỡng một đám tang ngày xưa, để tôi hay. Và xin phép ông, tôi đã lấy ra từ đó những chất liệu để viết cái đám tang ở cuối cuốn Gặp gỡ ở La Pan Tẩn này. Bạn đọc này tự giới thiệu là đã làm việc ở Viện Viễn đông Bác cổ. Giấu tên thật, ông ký là Thép đã tôi. Kể lại chuyện này, tôi muốn thắp một nén hương tri ân ông.

*

Một cuốn sách qua khâu biên tập ở nhà xuất bản, được đưa xuống nhà in, rồi được bày trên các giá sách ở cửa hàng sách. Bạn đọc đến. Trả tiền và cầm cuốn sách trên tay. Một đường dây liên hệ giữa nhà văn và bạn đọc đã hình thành. Có vẻ là như thế đấy. Nhưng thật tình là không phải. Mối liên hệ của chúng ta với bạn đọc thực sự đã được thiết lập từ lâu rồi. Vẻ như từ trong cõi giới vô hình. Là bởi vì ngồi trong một căn phòng riêng, khi chỉ có mình và chiếc máy tính, một thân một mình, nhưng nhà văn đâu có cô độc. Anh vừa viết vừa giao lưu với bạn đọc của anh đấy chứ. Năm 2009 khi cuốn tiểu thuyết Một mình một ngựa của tôi xuất bản, cô Tiểu Quyên ở báo Sài Gòn Giải phóng đặt câu hỏi phỏng vấn tôi: Tại sao nhà văn không viết một cuốn sách lấy đối tượng là bạn đọc trẻ? Chưa kịp trả lời thì tiến sỹ Nguyễn Ngọc Thiện đã hỏi: Anh hình dung bạn đọc của anh là người thế nào? Tôi đáp: Khoảng ba mươi lăm, bốn mươi tuổi, đã có chút ít kinh nghiệm đời và đã học qua các trường lớp từ trung cấp trở lên. Tôi nghĩ, hiển nhiên là Trần Hoài Dương khi viết những câu chuyện về nàng tiên ngoài biển khơi là đã nghĩ đến các bạn đọc nhỏ tuổi hay mơ mộng của mình. Còn Nguyễn Nhật Ánh chắc hẳn là vừa viết vừa nghe thấy tiếng trò chuyện lí láu của tuổi teen học đường. Thế đó! Để chuẩn bị viết Mặt trận trên cao,  Nguyễn Đình Thi đã xuống một đơn vị không quân, sau khi trò chuyện với các chiến sĩ, ông hỏi: Các đồng chí muốn tôi viết cái gì về mình nào? Và nhà văn đã nhận được câu trả lời, đơn đặt hàng. Như vậy, nhà văn trong khi viết tác phẩm của mình đâu có đơn độc một thân một mình. Có một mối giao lưu đã thiết lập giữa anh và bạn đọc, cố nhiên là chủ động từ phía anh, trong tưởng tượng âm thầm nhưng không kém phần mãnh liệt và hào hứng.

*

Tuy vậy, cuối cùng thì những giây phút giao lưu trong tưởng tượng cũng hết. Bản thảo hoàn thành. Sách đã được xuất bản. Nhận mười cuốn bản quyền, đem về, anh trân trọng xuýt xoa ngắm nhìn. Thoạt tiên là cái bìa do họa sĩ Văn Sáng vẽ rất trang nhã và sang trọng khiến anh không thể không hài lòng. Rồi anh run rẩy khe khẽ  lật giở từng trang. Giấy in trắng, co chữ vừa độ, rất bắt mắt. Nâng cuốn sách ba trăm năm mươi trang, anh thấy nó rất vừa tay. Sung sướng anh nhận ra: số lượng in là những hai ngàn cuốn. Còn giá bán chỉ là 60.000 đồng, rất vừa phải. Chà, còn bây giờ giở cuốn sách ra, đọc thử một trang đầu, anh bỗng ngẩn người. Đứa con tinh thần anh mang nặng đẻ đau đây mà là lạ thế nào ấy nhỉ? Là lạ từ câu văn mở đầu, cứ như là của ai đó vậy. Tuy vậy, cơn ngây ngất tan ngay, vì anh như sực nhớ, vội vàng ôm mấy quyển ra bưu điện gửi đi biếu mấy người bạn tâm giao thân thiết và sành sỏi về văn chương.

(Mấy người bạn tâm giao thân thiết và sành sỏi về văn chương! Từng ấy định tính cho mấy người được mình gửi sách như gửi con tin đến như thế đã đủ chưa? Vẫn chưa đủ! Tất nhiên, chỉ có người tài mới biết người tài, nhưng ở đây điều này còn quan trọng không kém: đó phải là những người chưa bị vong thân vì sự méo mó của nghề nghiệp. Và như vậy trong danh sách mấy người bạn nọ, chưa hẳn đã là mấy anh nhà văn thân thiết đâu (!) Ấy thế! Chính là mình đã ngờ ngợ vì một lần được trực tiếp nghe Nguyễn Đình Thi vừa cười rất hóm vừa nói rằng, ông vừa tặng vợ chồng Nguyễn Tuân một cuốn sách mới ra, nhưng  chắc chắn là ông sẽ rất coi trọng nhận xét của bà Nguyễn. Thành ra với mình, ngoài mấy nhà văn ra, còn là mấy người bạn quý từ thuở hàn vi, đã chia sẻ với mình từng cơn ấm lạnh, từng nỗi chua ngọt của cuộc đời).

Sách gửi đi cho bạn rồi, trở về, lúc này anh mới chợt nhận ra lòng dạ anh bỗng rỗng không thế nào! Và thế là anh hiểu, những ngày sống trong chờ đợi, cô đơn khủng khiếp của anh đã bắt đầu. Chao ôi, kinh sợ quá là những giây phút sống căng thẳng trong một trạng thái tinh thần vô cùng phức hợp này, vì lúc thì anh vui sướng hân hoan, khi thì anh buồn rầu thê thảm, lúc thì anh hài lòng mãn nguyện, khi thì anh hoang mang sợ hãi. Tín hiệu đã đánh đi rồi, đang rơi vào một miền xa thẳm, chưa một hồi âm. Anh bơ vơ một thân một mình giữa  hoang mạc lạnh lẽo mênh mông.

*

Sau cùng thì chứng kiến cảnh Huy Cận mới đi đâu về, rẽ vào buồng Xuân Diệu, soàn soạt giở một tờ tuần báo ra, nắc nỏm reo to: Diệu ơi, có cậu bạn đọc nó khen thơ mình đây này! Tôi đã hơn một lần tỏ ra vô cùng kinh ngạc. Vì cứ nghĩ, bậc thi bá như Huy Cận, Xuân Diệu thì xá gì vài ba cái lời khen trên báo chí! Vậy mà không phải. Cho tới khi, đứa con trai tôi đi đâu về, đậu xe ở cửa, nói hắt vào nhà: Bố ơi, hình như báo Tiền Phong chủ nhật có một bài viết về cuốn sách của bố mới ra đấy. Thì tôi mới hiểu, nỗi chờ đợi trương căng chỉ mong được giải tỏa là không của riêng ai, kể từ các ông kễnh đến những kẻ mới mon men vào nghề như tôi, những kẻ làm cái công việc sáng tạo chữ nghĩa nhọc nhằn này. Vấn đề không phải là nhà sản xuất đưa hàng hóa ra thị trường đang mong đợi người mua! Tuyệt đối không phải! Thế là tôi nhảy phốc lên cái xe máy của thằng con và giục nó nổ máy. Suốt trưa đó hai bố con lùng sục khắp các sạp báo thành phố. Mãi hai giờ chiều mới mua được tờ báo có in bài báo nọ. Không phải tờ Tiền Phong chủ nhật. Chỉ là một  tờ báo ngành và chỉ là một bài điểm sách sơ sài năm trăm chữ. Mà tên người viết cũng chỉ là hai chữ cái viết tắt: TK. Nhưng đọc nó xong tôi liền trào nước mắt. Chấm dứt rồi tình trạng cô lẻ bơ vơ! Tôi đã về với ốc đảo, trong vòng tay đón  nhận của  bạn bè.

Thế đấy! Suốt những năm 1989, 1990… tôi đã sống trong cảm giác thăng hoa gần như là mê sảng. Mở đầu là một cuộc hội thảo ở báo Văn Nghệ về cuốn Đám cưới không có giấy giá thú của tôi. Sau đó là mấy chục tờ báo đồng thời lên tiếng. Không phải chỉ có ngợi khen. Tôi có cảm giác hồi đó, mọi người sống thành thật hơn bây giờ. Cùng với những lời khen là tiếng chê. Chê thẳng thừng, không quanh co, rào đón trước sau. Mà khen cũng chân thành, không thấy có sự nuông nịnh lấy lòng. Chê hay khen thì cuốn sách cũng đã tới với bạn đọc. Cuốn sách đã sống trong lòng bạn đọc. Đó là một ân thưởng vô cùng quý giá! Cao hơn tiền bạc, đã đành. Cao hơn cả giấy khen, bằng khen, huy chương, huân chương. Đó là hạnh phúc lớn lao không chắc nghề nghiệp nào có được! Và tôi tin chắc rằng, đó cũng là niềm phúc lạc vô biên đã được hưởng của rất nhiều nhà văn, nhà thơ; kể từ Tô Hoài, Nguyễn Khải… đến Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, Đỗ Chu, Bùi Bình Thi, Chu Lai, Lê Văn Thảo, Hồ Phương, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo, Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Thiều…

*

Tất nhiên, tôi sẽ trở thành kẻ dối trá nếu không nói tới điều sau đây. Tôi cũng đã có những phút xao lòng cay đắng. Thậm chí đau đến tê dại vì nhận được những lời chê trách nặng nề, độc địa. Không phải chỉ là vì cuốn sách mình viết say mê và tâm huyết thế mà bạn đọc gần như bỏ quên. Mà là cuốn sách được viết với cả tấm lòng yêu thương thế mà sao có bạn đọc lại phũ phàng phủ nhận, cay nghiệt phán định và quy kết cho mình những tội đồ không có. Tất nhiên ở đây là chưa kể đến thói ngạo mạn, nhìn người bằng nửa con mắt của một số nhà văn bậc đàn anh, thậm chí những người mới có tí chút gọi là thành tựu. Sách của người ta tặng chưa đọc đã bĩu môi trề mỏ chê bai coi thường, đã xé luôn cái bìa giả có ghi lời đề tặng trân trọng của bậc đàn em, lẳng ngay vào sọt giấy để bán cho mấy cô đi rong mua giấy báo thải loại (!)

Buồn thế, quan hệ giữa người viết và người đọc! Dĩ nhiên, bây giờ bình tĩnh lại thì tôi hiểu: đã là hai thực thể thì làm sao có sự đồng nhất hoàn toàn. Huống hồ giữa hai bên là cây cầu chữ nghĩa. Họ nhờ chữ để đến với nhau, để hiểu nhau. Chữ là phương tiện để họ gặp gỡ  nhau. Nghĩa họ đến với nhau thông qua môi giới. Và như thế thì sự khúc xạ là không tránh khỏi. Vì chữ mang một khái niệm không phải lúc nào cũng ổn định, nó luôn bị nhòe mờ khi tiếp nhận. Hơn nữa, chữ trong văn lại còn là thứ siêu ngôn từ. Huống hồ, cuộc sống đâu có đơn giản, các quan hệ giằng rịt bị chi phối bằng lợi ích nhất thời hoàn toàn có thể làm xiêu lệch tất cả các giá trị. Huống hồ tâm thế con người còn phụ thuộc vào ngoại cảnh, vào các duyên cớ không sao nói trước và chủ động định đoạt được!

Lần đầu tiên tôi nhận ra, mối quan hệ giữa nhà văn và bạn đọc vốn không đơn giản là năm 1962, khi tôi đang học năm thứ nhất Đại học sư phạm Hà Nội. Lần ấy, trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa, chúng tôi nghe Nguyễn Tuân nói chuyện. Khỏi phải nói phong thái độc đáo của Nguyễn. Lên diễn đài, ông mang theo bộ chén  trà và khề khà một lúc về thú uống trà rồi mới vào chuyện. Càng về cuối buổi, ông càng nói càng bốc. Cuối cùng thì bài nói của ông biến thành một cơn phẫn nộ. Ông thanh minh tấm lòng yêu nước của ông trong cái kết của truyện ngắn Bữa tiệc máu, bằng cái chi tiết cơn gió nổi lên và chiếc mũ của tên quan thực dân rơi xuống đất. Rồi ông sà sã mắng kẻ phê phán ông vô cảm, tự nhiên chủ nghĩa là những kẻ mù lòa. Những cỗ xe tăng mù! Đó là lời mắng mỏ của thi sĩ Xuân Diệu với những người kẻ chê bai thơ ông mà chúng tôi sau này vào nghề được sống gần ông đều đã được nghe thấy.

Rắc rối thế! Viết sách là một hoạt động nghệ thuât. Đọc sách cũng là một hoạt động nghệ thuât. Mà hoạt động nghệ thuật là hoạt động mỹ cảm. Nghĩa là hoạt động có tính cách trực tiếp, không cần tìm kiếm lâu la gì. Vì mỹ cảm là dựa vào cảm giác, chứ không phải bằng khái niệm. Không cần phân tích nên đọc là có thể biết hay dở thế  nào rồi. Mọi việc cứ nghĩ là thế mà tiếc thay là không phải thế! Nhắc lại những lời phê phán của Vỡ bờ năm ấy, tôi nhớ là Nguyễn Đình Thi đã kìm nén giận dữ khi nói rằng, trong khi ông chủ tâm vẽ con ngựa,  thì các nhà phê bình chê ông là vẽ không giống con trâu.

Trong cuốn Vấn đề dạy văn, giáo sư Hồ Ngọc Đại bạn thân quý của tôi, viết: “Nhưng trong tác phẩm văn, có hai dòng, một dòng vật chất có thể nắm bắt được, đó là logic của hành động hay cốt truyện và dòng kia  là dòng đã tàng hình vào dòng thứ nhất. Cho nên trong thực tế giáo dục, cần phải nắm chắc dòng thứ nhất – việc này không khó lắm: trong tay đã có văn bản. Muốn làm cho văn bản chết tái sinh, hoạt động, đi lại thì chỉ có phép thần là hoạt động của bản thân trẻ em. Nhưng trẻ em tự nó không thể làm được việc này. Cần có người lớn. Và hơn nữa, không phải người lớn nói chung, mà phải là thầy giáo.”

Chà! Chả lẽ oái oăm còn là ở chỗ này đây! Có phải lúc nào cũng có ông thầy đứng cạnh để giảng giải. Mà có phải là thầy nào cũng giỏi. Cứ cho là không có động cơ đố kỵ, thù hận cá nhân đi thì đầu mối của bao nỗi oan khuất trong vụ án văn chương là ở chỗ này chăng?

*

Nguyễn Khải có lần tâm sự: Sách ra, bạn đọc khen là vui, cấp trên không nói gì là yên tâm, còn bạn đồng nghiệp khen mới thật là mừng. Phân loại bạn đọc như thế, ông muốn bày tỏ niềm tin cậy vào hạng bạn đọc có chuyên môn cao, bạn đọc chuyên nghiệp. Nguyễn Khải rất đúng. Bạn đồng nghiệp là cùng một nòi tình Bá Nha – Tử Kỳ, là tri âm, là đồng điệu vì hiểu biết từ trong bếp núc của nghề. Năm ấy, sau một năm ốm đau nghỉ viết, tôi viết xong truyện ngắn Tổ trưởng dân phố và gửi cho Văn Chinh lúc này đang làm ở báo Nông Nghiệp. Một tuần trôi qua trong hồi hộp chờ mong. Thì đột ngột nghe được tiếng nói ở đầu dây đằng kia: Văn Chinh đây! Em đi bộ đến Hội để gọi điện thoại cho anh đây! Anh kiếm đâu ra một nhân vật độc đáo thế! Chà, đồng nghiệp văn chương ơi, người là niềm tin cậy ấm lòng của ta đó!

*

Không ai nghi ngờ năng lực chuyên môn của các thành viên trong các hội dồng chấm thi. Họ đều là các nhà văn có tên tuổi, các nhà lý luận phê bình được bảo hiểm bằng học hàm học vị. Vậy mà sản phẩm của họ đâu có phải lúc nào cũng có sức thuyết phục cao. Hồi còn đi làm, tham gia một số Hội đồng, tôi nhận ra sự khác biệt trong cảm nhận giữa mọi người là một sự thật. Tuy nhiên, phải nói ngay rằng, sự khác nhau về thị hiếu và mỹ cảm không phải là cơ sở căn bản để có sự chia cách, khác biệt. Tiếc thay, quan hệ văn học và chính trị là một câu chuyện tưởng là đã cũ rích mà hóa ra vẫn còn là câu chuyện đương thời và một khi không giải quyết thỏa đáng, thì đã xuất hiện nguy cơ chúng trở thành những yếu tố phi nghệ thuật, chi phối, làm sai lạc các chuẩn mực của văn chương.

*

Tôi cùng nhiều nhà văn khác, đã từng là đối tượng nghiên cứu của nhiều luận văn thạc sỹ, tiến sỹ. Hiển nhiên được như thế là rất mừng. Mừng vì vinh dự. Mừng vì đọc mình đâu có phải là loại bạn đọc bình thường phổ thông, đọc chỉ cốt nắm lấy cái dòng vật chất, tức cái logic của hành động và cốt truyện, như Hồ Ngọc Đại viết ở trên kia. Nhưng thật tình là cũng nơm nớp lo âu. Không phải chỉ là lo các bạn ấy chê mình. Mà là lo bạn ấy chê mình không đúng và thêm nữa, đặc biệt là khen mình cũng không đúng nốt. Trời ạ, văn chương mình chả lẽ lại kém cỏi về phương diện diễn đạt đến mức những người đọc chuyên nghiệp cũng không hiểu. Cũng không nắm được cái ẩn ý, cái tàng hình ở dòng vật chất, ở bề nổi của  câu chữ. Mình có chủ ý một đằng, nhà nghiên cứu lại hiểu một nẻo. Truyện Ngẫu sự mình viết để trình bày một thực tại cuộc sống, sinh động và thú vị, chứ mình có phê phán thói dâm ô trụy lạc đâu mà lại khen mình có tinh thần đấu tranh chống tiêu cực. Truyện ngắn Tổ trưởng dân phố mình khắc họa chân dung một ông tổ trưởng quê kiểng ngộ nghĩnh, một con người sống vênh vang bằng cái hư danh, nghĩa là mình vẽ một bức tranh biếm họa để trước hết đời thưởng thức chơi chơi, chứ mình đâu có phải là đề cao tinh thần đấu tranh chống cường quyền của anh ta? Hay là những ẩn dụ nghệ thuật nó rắc rối khó hiểu quá. Lại nhớ tới nhân vật Davidov trong tiểu thuyết Đất vỡ hoang của Solokhov. Trong cuốn phim chuyển thể, nhân vật này sứt cái răng cửa. Chỉ là chi tiết tình cờ. Vậy mà các nhà nghiên cứu lại gia vào đó bao nhiêu ý nghĩa xã hội (!)

Dẫu là cuối cùng thì câu chuyện cũng mời gọi người đọc đi tới một suy ngẫm triết học, nhưng hình như  là người viết chuyện bao giờ cũng bắt đầu bằng sự hồn nhiên, tôi nghĩ vậy và tôi cũng hiểu, trong khi đó bạn đọc – nhà nghiên cứu lại bắt đầu bằng cái sở trường nghề nghiệp riêng của mình, là… phân tích. Mà phân tích thì án tại hồ sơ, ý nghĩa của câu chữ toát ra khách quan là thế, đâu có phải là phụ thuộc vào chủ quan của nhà văn các anh!

Nhà văn có chủ ý riêng. Nhà nghiên cứu có lý lẽ riêng. Sách cổ Văn Tâm điêu long của Lưu Hiệp (465-520) viết: Phàm việc làm văn thì nội tâm có bị xúc cảm lời nói mới phát ra. Nhưng người xem văn thì (ngược lại): trước xem lời văn rồi sau mới đi vào nội tâm tác giả. Nếu ta cứ theo sóng đi ngược lên tìm nguồn thì dù văn có kín đáo cũng sáng rõ. Đời xa không ai thấy mặt nhà văn, nhưng xem văn liền thấy lòng của họ. Điều đó đâu phải cái đường đi vào nội tâm tác giả là quá sâu? Chỉ sợ cái kiến giải của mình quá cạn mà thôi!

Tréo ngoe là ở chỗ này chăng? Là chỗ ngày nay, bận rộn quá nên chẳng có thời giờ và tâm huyết đi  ngược lên tìm nguồn chăng? Thành ra để an ủi mình, lắm khi lại thích nhắc lại câu than van như người xưa đã từng: Tri âm thực là khó thay! Cái âm thực là khó biết, người biết thực là khó gặp. Thế đấy! Khó lắm, nhưng không phải là không có cơ hội. Vì cũng đã có lần một bạn đọc, bỗng gặp nhà văn và nói rằng: Anh thông cảm nhé! Thú thật là bây giờ đọc lại cuốn ấy của anh tôi mới chia sẻ với anh. Thì ra đã có lúc Vũ Trọng Phụng suýt bị quăng ra bên lề đường đó thôi. Nhưng may mắn, đồng hành cùng bạn đọc còn có… thời gian. Thời gian, cái không có đầu không có đoạn kết và không có đoạn giữa – một sức mạnh bất khả chiến thắng!

Dông dài vậy là để thấy trong thâm tâm không có ý chê trách, phàn nàn gì đáng kể. Vì nhìn một cách tổng quát và lâu dài thì trước hết và sau cùng, bạn đọc vẫn là lẽ sống của nhà văn. Bạn đọc nào thì nhà văn ấy. Rốt cuộc thì Thơ Mới lại trở về với vị trí vinh quang của nó. Qua thời gian, mọi sự vật đều trở về trật tự hợp lý của mình. Chân lý, lẽ phải nằm ở phía bạn đọc! Vượt qua tất cả các thể chế, thủy chung bạn đọc vẫn là người cầm cân nảy mực, ra quyết định vô tư khách quan và sáng suốt. Không hiểu vào năm Dostoievski mất (1881) dân số Péterbourg là bao nhiêu mà đám tang Dos tính ra có khoảng 80.000 người dân kinh đô đi sau linh cữu nhà văn. Có được những bạn đọc như thế thì mới có Dostoievski, mới có Lev Tolstoy. Cả một cánh rừng vĩ đại văn học cổ điển Nga! Còn ở ta, bạn đọc tầm vóc nào mà sinh ra Truyện Kiều của Nguyễn Du! Còn ở ta, chắc hẳn là nhiều người chưa thể quên ấn tượng đám tang Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, đông đến đường phố tắc nghẽn các dòng xe và người.

Nguồn: Vanvn.net