Umberto Eco – nhà văn, học giả người Ý nổi tiếng trong ngành ký hiệu học, tác giả tiểu thuyết “Tên của đóa hồng” vừa tạ thế ngày 19-2-2016, kết thúc một hành trình say mê viết văn và nghiên cứu. Chỉ mới mùa thu năm trước, ông còn cho ra mắt bạn đọc một cuốn tiểu thuyết.

Gia đình nhà văn Umberto Eco cho biết, ông qua đời tại nhà riêng nhưng không nói rõ nguyên nhân mất. Ông sinh ngày 5-1-1932 tại Alessandria, một thị trấn công nghiệp thuộc vùng Piedmont phía Bắc Italy. Cha ông là một kế toán cho nhà máy kim loại trước khi bị gọi đăng lính trong ba cuộc chiến tranh. Mẹ ông, bà Giovana là nhân viên văn phòng tại nhà máy đó. Trong suốt giai đoạn Thế chiến thứ 2, ông và bà Giovanna đã chuyển tới một ngôi làng nhỏ ở vùng Piedmontese.

Mặc dù cha ông từng mong muốn ông trở thành luật sư, nhưng ông lại vào học ở Đại học Turin và nghiên cứu triết học trung cổ và văn chương. Tháng 9-1962, ông lập gia đình với bà Renate Ramge, một kiến trúc sư kiêm giảng viên nghệ thuật. Họ có hai con, một là Stefano, hiện là nhà sản xuất chương trình truyền hình tại Rome và người kia là Carlotta, kiến trúc sư tại Milan.

Chèo lái hai thế giới

Báo New York Times đưa hàng tít “Umberto Eco, 84 tuổi, học giả có sách bán chạy nhất và là người chèo lái hai thế giới đã qua đời”. Không hẳn độc giả nào cũng hiểu về cái ý “hai thế giới” của tờ Times.

Nhà văn Umberto Eco và bìa cuốn sách nổi tiếng nhất của ông – Ảnh: CBC.

Trong sự nghiệp đồ sộ của nhà văn Umberto Eco với tư cách một nhà văn kiêm nhà ký hiệu học, lằn ranh giữa học thuật và văn chương dường như chưa bao giờ rõ ràng. Ông đã đưa vào bảy cuốn tiểu thuyết rất nhiều suy ngẫm từ việc nghiên cứu văn hóa. Các công trình nghiên cứu nổi tiếng của ông có: “Tác phẩm mở” (1962), “Lý thuyết ký hiệu học” (1968), “Những giới hạn của nhận thức (1991).

Không hổ danh khi có tới hai căn nhà chứa đầy sách ở Milan (30.000 cuốn) và ở Urbino (20.000 cuốn), học giả Umberto Eco nói thông thạo năm ngoại ngữ và cả tiếng La tinh lẫn tiếng Hi Lạp cổ. Ông say sưa tìm cách lý giải các nền văn hóa thông qua những ký hiệu và biểu tượng của chúng, từ ngôn từ, các biểu tượng tôn giáo, các biểu ngữ, bản nhạc và thậm chí là truyện tranh. Ông đã xuất bản hơn 20 cuốn sách về đề tài này trong thời gian giảng dạy tại Đại học Bologna, ngôi trường cổ nhất châu Âu.

Trong công cuộc nối kết giữa hai thế giới văn chương và học thuật, có lẽ không có tác phẩm nào của Umberto Eco thành công hơn cuốn tiểu thuyết đầu tay “Tên của đóa hồng”, xuất bản lần đầu năm 1980 tại châu Âu, tới nay đã bán được hơn 10 triệu bản và được dịch ra 30 ngôn ngữ. Tác phẩm này cũng đoạt giải thưởng Premio Strega năm 1981 và giải Médicis étranger năm 1982. Năm 1986, đạo diễn Jean Jacques Annaud đã chuyển thể tác phẩm này thành phim với sự tham gia của diễn viên Sean Connery. Tuy nhiên, bộ phim đã không được công chúng hưởng ứng nồng nhiệt như sách.

Bối cảnh câu chuyện trong tiểu thuyết “Tên của đóa hồng” diễn ra tại một nhà thờ Italy thế kỷ 14, ở đó đã xảy ra việc các tu sĩ bị chính những người đạo hữu của họ sát hại. Cùng với cốt truyện trinh thám hấp dẫn về những tội ác khủng khiếp diễn ra trong nhà thờ, tiểu thuyết của Umberto Eco còn chinh phục người đọc ở những tri thức uyên bác, đồ sộ, đầy tính biểu tượng.

Những tác phẩm sau đó của ông cũng gây hứng thú với bạn đọc ở sự bất ngờ của những bí ẩn được giải mã và cả sự mênh mông, phong phú của kiến thức văn hóa này. Đó là câu chuyện của một kẻ phiêu lưu trên con tàu bị đắm vào những năm 1600 và một nhà vật lý học ở thế kỷ 19…

Các tác phẩm của Umberto Eco có ảnh hưởng lớn tới nhiều nhà văn và nghệ sỹ trên thế giới. Suốt 50 năm qua, Umberto Eco trở thành một trong những tên tuổi sáng giá nhất của đời sống văn hóa, xã hội của nước Ý. Hai nhà văn hiện đại được cho là ảnh hưởng nhiều đến tác phẩm của ông là James Joyce và Jorge Luis Borges.

Giáo sư chỉ viết văn cuối tuần

Năm 1995, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Vogue, nhà văn Umberto Eco thừa nhận ông không phải là một tác giả dễ đọc. Ông nói: “Mọi người cứ hay hỏi tôi là vì sao những tác phẩm của ông khó đọc như vậy lại có thể thành công và tôi thường cảm thấy bị xúc phạm trước câu hỏi đó. Nó cũng giống như khi anh hỏi một phụ nữ, làm thế nào mà những gã đàn ông kia cứ quan tâm tới chị như vậy?”. Và rồi với giọng điệu mỉa mai quen thuộc, ông nói: “Bản thân tôi cũng thích những cuốn sách dễ đọc khiến tôi có thể ngủ ngay tắp lự”.

Lúc nhỏ, Umberto thường dành nhiều giờ mỗi ngày trong căn hầm của người ông để đọc nghiến ngấu tất cả những tác phẩm trong bộ sưu tập sách ông có gồm sách của Jules Verne, Marco Polo và Charles Darwin, cùng với những truyện tranh phiêu lưu. Trong giai đoạn cầm quyền của nhà độc tài Benito Mussolini, ông đã từng giành giải nhất trong một cuộc thi viết dành cho thanh, thiếu niên.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Umberto Eco gia nhập một tổ chức thanh niên Thiên Chúa giáo và trở thành nhà lãnh đạo cấp quốc gia của tổ chức này. Năm 1954, ông từ nhiệm giữa lúc diễn ra các cuộc biểu tình chống lại những chính sách bảo thủ của Giáo hoàng Pius XII. Tuy nhiên ông vẫn giữ mối quan hệ rất gắn bó với nhà thờ và đã viết luận văn tiến sĩ bảo vệ năm 1956 của ông tại Đại học Turin viết về triết gia và nhà thần học người Ý vĩ đại St. Thomas Aquinas.

Sau đó ông dạy triết học và tiếp đó là dạy ký hiệu học tại Ðại học Bologna. Ông được nhiều người biết đến ở Italy vì các bài viết giữ mục hàng tuần về văn hóa, chính trị cho tạp chí hàng đầu của Italy là tờ L’Espresso.

Cảnh trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết “Tên của đóa hồng” của Umberto Eco.

Tuy nhiên, chính sự ra đời của “Tên của đóa hồng” đã làm tên tuổi văn hào Umberto Eco vụt trở nên phổ biến toàn cầu. Vị tu sĩ – thám tử trong tiểu thuyết, William of  Baskerville, đã được đặt tên theo một trong những vụ án của Sherlock Holmes “Con chó săn của dòng họ Baskervilles”. Cuốn tiểu thuyết được kể từ giọng trần thuật của một tu sĩ tập sự đã đồng hành với tu sĩ – thám tử William trong suốt cuộc điều tra của ông này về vụ án xảy ra trong tu viện, đã hành động như một nhân vật bác sĩ Watson của thời trung cổ.

Với kho kiến thức uyên bác về văn hóa, ký hiệu học, tôn giáo, nhà văn đã chinh phục độc giả và mang lại danh tiếng cho ông. Tuy nhiên, đôi khi ông cũng không thực sự hài lòng về nó. Lý do ông không thích nó là bởi dường như nhiều người chỉ biết tới cuốn sách đó của ông mà không hề biết tới những cuốn khác. Trong khi có những cuốn, theo ông có thể còn hay hơn cả “Tên của đóa hồng”.

Thực tế thì đúng là ngoài tác phẩm “Tên của đóa hồng”, nhà văn Umberto Eco còn viết nhiều tiểu thuyết khác như: “Quả lắc của Foucault” (1988), “Hòn đảo của ngày hôm qua” (1994), “Baudolino” (2000), “Ngọn lửa bí ẩn của nữ hoàng Loana” (2004), “Nghĩa địa Praha” (2010). Tuy nhiên, đúng là không mấy người biết tới những cuốn này.

Mùa thu năm 2015, Umberto Eco cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới có tiêu đề “Số không”.

Umberto Eco đã được trao tặng giải Premio Strega, giải thưởng văn chương danh giá nhất nước Ý. Ông cũng được chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh bậc cao nhất trong 5 bậc (hay còn gọi là Huân chương Hiệp sĩ). Ông cũng là thành viên danh dự của Viện Hàn lâm nghệ thuật và Văn chương Hoa Kỳ.

Ông là người sáng lập ra Dipartimento di Comunicazione ở Ðại học Cộng hoà San Marino, Trưởng khoa Scuola Superiore di Studi Umanistici, Ðại học Bologna, thành viên của Accademia dei Lincei (từ tháng 11 năm 2010) và là thành viên danh dự của Kellogg College, Ðại học Oxford.

Mặc dù một mình “đóng hai vai” triết gia và nhà văn, nhưng sinh thời, nhà văn Umberto Eco không cảm thấy có gì mâu thuẫn về thực tế “hai trong một” này. Ông nói: “Tôi tự nghĩ mình là một giáo sư nghiêm túc, người mà chỉ viết tiểu thuyết trong những ngày cuối tuần”.

 

Theo Trần Đắc Luân – VNCA