Arundhati Roy (Ấn Độ)

VanVN.Net – Nhà văn và người nghệ sĩ phải đóng vai trò gì trong xã hội? Liệu chúng ta có thể định nghĩa được vai trò này không? Chúng ta có thể xác định nó, mô tả nó một cách rõ ràng không? Và chúng ta có nên làm như thế? Một nhà văn đích thực hoàn toàn không thể thoái thác trách nhiệm đó và phải đặc biệt quan tâm đến những giá trị đạo đức và mỹ học mà xã hội yêu cầu. Đành rằng để có được những tác phẩm lớn, nhà văn phải được tự do hoàn toàn trong suy nghĩ, nhưng nếu cứ lạm dụng sự tự do, anh ta sẽ biến thành một nghệ sĩ tồi. Nghề viết buộc nhà văn phải hài hoà giữa đạo đức, ý tưởng sáng tạo, tính xác thực và tinh thần trách nhiệm.

Làm thế nào để phân định được rạch ròi giới hạn của sáng tạo và tính xác thực? Làm thế nào để biết là ta đã vượt qua giới hạn đó? Theo tôi, đích thân nhà văn phải cảm nhận được điều này chứ không phải nhờ một ai khác. Thực tế là không một độc giả, nhà phê bình, nhà xuất bản, đồng nghiệp, bạn bè hay kẻ thù nào, lại có thể chỉ cho bạn điều đó một cách chính xác. Chính mỗi nhà văn là người phải tự đặt ra câu hỏi và tự trả lời một cách trung thực. Và khi bạn đã định nghĩa được nó rồi, bạn không được phép bỏ qua. Lúc này, bạn chẳng có sự lựa chọn nào nữa, bạn phải sống với nó, phải sáng tác với sự phức tạp, sự đối lập, và những đòi hỏi của giới hạn đó. Mà điều này thì chẳng dễ tẹo nào. Những lời tán dương và những tràng pháo tay chẳng đảm bào được điều gì, và nó có thể đặt bạn vào trạng thái hoang tưởng. Trong khi đất nước bị đe dọa, liệu bạn có thể thờ ơ với thời cuộc để viết về chuyện con ong cái bướm, quan tâm đến cuộc sống bí mật của loài cá vàng trong bể kính, hay bực mình với tính khí trái khoáy của một bà già? Bạn không thể, một nhà văn đích thực không thể làm như vậy mặc dù đó cũng là những chủ đề của nghệ thuật. Một khi bạn đã hiểu rằng có một nguy cơ, bạn không thể và không được phép thờ ơ. Im lặng cũng là một hành vi chính trị chẳng khác gì chống đối. Bạn không thể là người vô tội đối với những gì xảy ra quanh mình.

Ngày nay, hơn bao giờ hết, xã hội dân sự và các thể chế công tại những nước lớn mạnh nhất thế giới đang đấu tranh hết mình vì quyền tự do ngôn luận của các nhà văn. Bất cứ ai có ý định khiến người khác phải im lặng hoặc bịt miệng người nghệ sĩ đều bị phản đối kịch liệt. Nhà văn được bảo vệ và được bênh vực, đó là điều thật tuyệt vời. Nhà văn, nhà viết kịch, nhạc sĩ, người làm phim đang giữ vị trí trung tâm của nền văn minh hiện đại. Theo tôi, nghệ sĩ ngày nay được tự do hơn bao giờ hết. Bởi vì chưa bao giờ có nhiều nhà văn hành nghề đến như thế (thời đại Internet mà), chưa bao giờ chúng ta, những người nghệ sĩ, lại có thể được coi trọng như bây giờ. Chúng ta sống, phát đạt ngay giữa thị trường thế giới. Nhưng tôi lại băn khoăn tự hỏi, không biết điều này sẽ dẫn ta đến đâu? Phải chăng chúng ta cố tình không hiểu một sự trơ ì vô nghĩa? Nghệ thuật của chúng ta có bị sở thích của một nhóm người lắm tiền ảnh hưởng? Liệu sở thích của độc giả-những người nhờ có họ mà chúng ta sống và viết – có ảnh hưởng đến cái nhìn của chúng ta về thế giới không? Điều đó tách chúng ta ra khỏi thực tại đến mức nào?

Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi, cuốn Chúa của những điều bé nhỏ. Hồi đầu, mọi người nói về tôi như tác giả của tác phẩm đầu tay “thành công một cách kì lạ”. Nhưng giờ đây, người ta lại mô tả chính tôi là một người kì lạ. Có vẻ như tôi là cái mà trong thế kỷ XXI, người ta gọi là một “tác giả có định kiến”. Tại sao người ta lại nói tôi như thế, và tại sao điều đó lại khiến tôi cảm thấy đáng khinh bỉ, ngay cả khi nó được nói ra với vẻ tán dương, ngưỡng mộ? Tôi là một “tác giả có định kiến” chỉ bởi vì sau cuốn Chúa của những điều bé nhỏ, tôi đã viết ba cuốn tiểu luận chính trị: Sự kết thúc của trí tưởng tượng, về vụ thử vũ khí hạt nhân ở ấn Độ; Tài sản chung quý giá, chống lại chính sách vật cản; và Sự hoá thân của Rumpelstiltskin, nói về quá trình tư hữu hoá hạ tầng cơ sở chính như điện, nước…

Bây giờ, tôi mới tự hỏi tại sao bản thân tôi, tác giả cuốn Chúa của những điều bé nhỏ,  lại là một nhà văn, và tại sao tôi, tác giả của những cuốn chính luận, lại là một nhà quân sự. Hoặc là cuốn trước, với vai trò là một tiểu thuyết, chỉ mô tả một thế giới viễn tưởng, nhưng đó là một tác phẩm cũng có định kiến như những cuốn luận chính trị của tôi;  hoặc là những cuốn luận chính trị kia thể hiện một thực tế, chứ không phải viễn tưởng, nhưng từ khi nào các nhà văn lại phải từ chối nói về thực tại?

Thời gian gần đây xuất hiện một mối đe doạ mới trên phạm vi toàn cầu, đè nặng cuộc sống của tất cả các quốc gia – dân tộc. Đây không phải là một cuộc chiến tranh, một cuộc tàn sát, một sự thanh lọc sắc tộc. Về bề ngoài, chỉ có giới thương gia là có liên quan. So với một cuộc diệt chủng hay một cuộc chiến tranh, thì mối đe doạ này vẫn chưa đến mức bi thương, gay gắt lắm, nó bình thường thôi nhưng lại có sức huỷ diệt lớn hơn nhiều bom đạn. Nó liên quan đến những vấn đề quen thuộc như thuế má, buôn bán, điện, nước, tưới tiêu… Nhưng nó lại nằm trong một quá trình tước đoạt quyền sở hữu một cách dã man chưa từng có. Chắc chắn các bạn đã đoán ra là tôi muốn nói đến toàn cầu hoá.

Toàn cầu hoá là gì? Nó liên quan đến ai? Nó gây ra những hậu quả gì đối với một đất nước như ấn Độ, nơi bất bình đẳng xã hội đã được thể chế hoá bằng hệ thống đẳng cấp từ nhiều thế kỷ nay, nơi mà hàng trăm triệu người sống ở nông thôn, 80% khai thác nông nghiệp ở dạng trang trại nhỏ, 1/2 dân số không biết đọc, không biết viết? Thương mại hoá và Toàn cầu hoá nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, toàn cầu hoá việc phân phối điện, nước và hàng tiêu dùng phải chăng sẽ giúp các nước đang phát triển thoát khỏi khủng hoảng, đói nghèo, thất học và sự sùng đạo thái quá? Hay là sẽ khiến các nước này bị tan rã và sau đó bị bán cho những ai trả giá cao nhất những cơ sở hạ tầng được xây dựng và phát triển nhờ vào vốn của nhà nước? Toàn cầu hoá các doanh nghiệp liệu có thu hẹp khoảng cách giữa các nền kinh tế phát triển và chậm phát triển, giữa người giầu và người nghèo, giữa người được giáo dục và người không được giáo dục hay chăng? Liệu toàn cầu hoá có quan tâm đến việc giải quyết nạn đói nghèo trên thế giới hay chỉ là một hình thức đô hộ kiểu mới, điều khiển từ xa bằng kỹ thuật số? Đây là những câu hỏi lớn gây nhiều tranh cãi… và các câu trả lời rất khác nhau tùy vào tình hình cụ thể của từng nước, từng vùng, từng thể chế xã hội.

Ấn Độ chưa bao giờ sản xuất ra được nhiều đường, sữa và ngũ cốc như ngày nay. 42 triệu tấn ngũ cốc thừa, tức là 1/4 sản lượng hàng năm đã được chất vào kho của Chính phủ. Người nông dân thất vọng vì bỗng dưng mình sản xuất quá nhiều! Trong những vùng chiến lược quan trọng, Chính phủ đã chi rất nhiều tiền để mua lương thực dự trữ. Tuy nhiên, theo hợp đồng với WTO, Chính phủ ấn Độ đã buộc phải xoá bỏ những hạn chế về nhập khẩu của 1.400 mặt hàng tiêu dùng như sữa, ngũ cốc, đường, vải, chè, cà fê, cao su và dầu chà là, mặc dù trên thị trường nước mình đang tràn ngập chúng. Trong khi ngũ cốc đang nằm trong kho của Chính phủ thì vẫn có hàng trăm triệu người dân ấn Độ sống dưới mức nghèo khổ, thậm chí không có gì ăn, và số người chết đói vẫn ngày một gia tăng.

Điều này hoàn toàn là sự thực. Chính phủ ấn Độ đã phải dỡ bỏ những rào cản nhập khẩu của mình vì đã tham gia vào Toàn cầu hóa, gia nhập WTO. Vậy là thị trường nội địa của chúng ta đã bị sụp đổ hoàn toàn vì hàng nhập khẩu. Trên lý thuyết, ấn Độ có thể tự do xuất khẩu các hàng nông sản, nhưng trên thực tế, lại không thể làm được điều đó, vì chất lượng hàng nông sản không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và bảo vệ môi trường.

Thông qua WTO, một số nước phát triển như Mỹ, những nước mà nền nông nghiệp nhận được trợ cấp rất lớn của chính phủ và chỉ có 2-3% dân số sống bằng nghề này, đã gây sức ép để các nước như ấn Độ phải ngừng trợ cấp cho nông dân, để thị trường “mang tính cạnh tranh” hơn. Các cơ sở sản xuất nông nghiệp lớn trên hàng nghìn hécta đất lại muốn cạnh tranh với những người nông dân chỉ trồng cấy trên mấy sào ruộng!

Nền kinh tế nông nghiệp của ấn Độ đã bị bóp nghẹt. Các chủ trang trại sản xuất quá nhiều cũng như những chủ sản xuất nhỏ đều bị đe doạ; còn công nhân nông nghiệp thì không có đất, họ lâm vào cảnh thất nghiệp, và như vậy là đói nghèo, nheo nhóc. Họ đổ về thành phố với hy vọng kiếm được việc làm.

Trong trường hợp này, tôi biết mình phải đứng vào hàng ngũ của những người nghệ sĩ dám đứng lên đấu tranh vì chân, thiện, mỹ. Chưa bao giờ tôi thấy cần phải đứng lên đấu tranh như bây giờ. Trong thời đại đôla hoá các quan hệ kinh tế, chính trị cũng như văn hoá – xã hội như hiện nay, giới nghệ sĩ phải là người đi đầu trong phong trào bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc. Nhà văn phải nói về sự thật, về những điều đang xảy ra quanh mình mà xã hội quan tâm. Tuy nhiên, những gì mà nhà văn thể hiện trên trang giấy không nên là một sự thật sống sượng phi nghệ thuật. Họ phải sáng tạo, phải “bịa”, nhưng sao cho người đọc vẫn cảm thấy đó là sự thật. Để làm được điều này, nhà văn phải khó tính, khó tính lắm, với chính bản thân mình. Nhà văn phải rèn cho mình tính chính xác, khả năng phân tích, lập luận và gạn lọc những gì tinh tuý nhất, đại diện nhất của cuộc sống thực tại để đưa lên trang viết. Nhà văn phải đi sâu vào cuộc sống, sống cùng cuộc sống khổ cực của người dân, họ vừa phải là một nhà chính trị, một nhà trí thức, một người công nhân, một người nông dân “nông dân” hơn ai hết. Sở dĩ tôi thấy nhà văn phải hiểu biết và sống nhiều cuộc sống như vậy là vì có như thế họ mới đề cập được chính xác và thuyết phục về những gì toàn xã hội quan tâm.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá về kinh tế và đồng nhất hoá về văn hoá như hiện nay, nhà văn phải dấn mình vào cuộc đấu tranh chống lại những biến động chính trị, kinh tế, xã hội không phải với tư cách một chiến binh chuyên nghiệp, mà là với tư cách một con người biết động lòng trắc ẩn vì chân, thiện, mỹ. Chiến đấu bằng ngòi bút là cách tốt nhất mà một nhà văn có thể làm. Phần lớn người dân còn chưa ý thức về những gì đang diễn ra đâu. Vì vậy chính nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, ca sĩ, và đạo diễn… phải là chiếc cầu nối người dân với các vấn đề xã hội nóng bỏng. Hiện nay, nhà văn đang phải đứng trước một thách thức lớn: sáng tạo ra một phong cách nghệ thuật biểu đạt mới. Một nghệ thuật có khả năng biến cái hữu hình thành cái vô hình, cái cụ thể thành cái trừu tượng, cái nhìn thấy được thành cái không nhìn thấy được. Một nghệ thuật có khả năng xác định được đối thủ vô hình để buộc chúng hiện nguyên hình rồi tiêu diệt tận gốc. Và chúng ta hãy cùng sáng tạo theo phong cách nghệ thuật này.

Ngô Vũ

(Theo Le courrier international)