Nói đến nhà văn Trung Trung Đỉnh, không khác được, độc giả lại nghĩ ngay đến nhà văn chuyên viết về đề tài chiến tranh. Không chỉ “Lạc rừng”, “Lính trận” mà cả những tác phẩm viết về đề tài hậu chiến của ông như: Ngõ lỗ thủng, Sống khó hơn là chết, Tiễn biệt những ngày buồn… những kỉ niệm về chiến tranh vẫn như là một vết cứa trong lòng của những người đang sống. Chiến trường, sự sống, cái chết, những mất mát và cả niềm hạnh phúc đã “tôi luyện” ngòi bút của ông. Viết như một sự thôi thúc, một sự trả nợ những tháng năm tuổi trẻ đã qua, và cũng có lúc viết là để “tiễn biệt ngày buồn”, văn của ông luôn trĩu nặng những trăn trở về cuộc đời, về phận người, và có sức ám ảnh kỳ lạ…
Nhà văn Trung Trung Đỉnh
– Thưa nhà văn Trung Trung Đỉnh, đọc các tác phẩm của ông, có thể thấy rõ một điều rằng, phần lớn các tác phẩm của ông đều viết về người lính trong chiến tranh hoặc trong thời bình. Ta có thể gọi chung đó là mảng đề tài chiến tranh. Và, nếu thiếu đi mảng đề tài đó liệu có đủ làm nên một cái tên Trung Trung Đỉnh không thưa ông?
Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Bạn hỏi vậy thì cũng giống như hỏi bác nông dân, bác ơi, nếu không trồng lúa trồng khoai thì bác có được gọi là nông dân không ạ. Hay, nếu nghề nông không trồng lúa trồng khoai thì có làm nên cái tên tuổi của ông nông dân không ạ?
Tóm lại là: Tôi không có ý định chọn đề tài mà đề tài nó chọn tôi. Cũng như nghề nông nó chọn bác nông dân, chứ bác ấy không chọn cái nghề đã “mặc định” vào thân phận bác ấy! Lỡ đã thế rồi. Cái số là thế, hay cái “nghiệp” cũng là thế.
– Trong tác phẩm của ông, hình ảnh người lính trong chiến tranh luôn rắn rỏi, mạnh mẽ không sợ gian khổ, hồn nhiên, nhưng người lính trở về với thời bình lại có gì đó mong manh trước những thử thách của cuộc sống. Họ có phải là những người lính đi lạc trong thời bình hay không thưa ông? Hay phải chăng đã có sự thay đổi chút gì đó trong sự thay đổi ý thức hệ của nhà văn?
Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Chính cuộc sống đã thay đổi “ý thức hệ” cho tôi. Cuộc chiến quá ác liệt, quá cam go, nhưng đó là cái ác liệt cái cam go mà thằng lính như tôi đều đã được rèn luyện, trải qua cả sống và chết nhưng nhất định…phải sống và chiến đấu để tồn tại. Còn hoà bình, người lính từ trong cuộc chiến ra, từ trong rừng ra, trăm anh mới có một vài anh tỉnh táo, nhưng “kỹ năng sống” nói như cách nói bây giờ, dù bản tính có lanh lẹn thì đa số đều vẫn thuộc dạng ngu ngơ. Tôi nhớ hồi mới giải phóng, ở Đà Nẵng, một hôm tôi được mấy anh bạn dân thành phố rủ đi uống cà phê, hẹn tới quán Trà Mi. Tôi xúng xính đi tới quán, vẻ khá sành điệu: cùng quần loe tóc hơi dài, dép sa-po cao cao, cũng đeo mắt kiếng tay cầm cuốn sách dày cộp vào quán ngồi đợi bạn. Cũng lặng lẽ chọn chỗ khuất, mở sách ra đọc như ai, thế mà bà chủ quán bảo với cô tiếp viên: “Mi đem cà phê ra cho chú bộ đội kia đi chớ, răng để chú ngồi chất ngất vậy”. Tôi hơi ngượng và cũng tạm nhận ra, dù có mặc gì, diễn vai gì thì cái “chú bộ đội” trong tôi nó cũng chìa ra trước mắt người ta, không giấu được. Thế rồi biết mình là ai để tôi cũng phải lao vào cuộc chiến đấu với cơm áo gạo tiền lương bổng. Và phải sống. Cũng phải dựng vợ gả chồng nuôi con thơ, xuôi ngược mới có cái ăn cái mặc… Quá trình ấy trui rèn anh ta và anh ta dần dần nhập cuộc, dù “sống khó hơn là chết” nhưng cũng phải “Tiễn biệt những ngày buồn” trong cái “Ngõ lỗ thủng” ấy thôi..
– Ông có thể đánh giá một cách khái quát về thân phận người lính trong tiểu thuyết của mình: từ Ngõ lổ thủng, Ngược chiều cái chết, Tiễn biệt những ngày buồn cho đến Lạc rừng, Lính trận?
Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Đã là lính thì thân phận tất nhiên là hẩm hiu rồi. Chả thấy có anh nào khơ khớ một tí. Trong chiến tranh thì lanh lợi giỏi giang, cứ tưởng hoà bình sẽ oách hơn, khớ hơn một tí, ai dè cuộc sống luôn luôn “chơi quả ác” với anh ta. Đi đâu làm gì cũng thấy anh ta lóng nga long ngóng vụng về “như bò đội nón”, nhưng lại cứ hay…tinh tướng. Thua là cái chắc.
– Có người bảo văn học thời chống Mỹ giống như một dàn đồng ca, ca ngợi cái ta mà thiếu đi cá tính của cái tôi trong sáng tạo nghệ thuật. Ông nghĩ sao về điều này?
Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Tôi nghĩ có lẽ nói như vậy cũng không sai, nhưng nếu chỉ có nói một vế như thế thì là nói lấy được. Hãy đọc “Sen trong đồng” của Nguyễn Thi đi. Hãy đọc thơ của Thanh Thảo hồi còn ở trong rừng “Những người lính nói về thế hệ mình” đi. Hãy đọc những cuốn sách viết về chiến tranh sau chiến tranh của thế hệ chống Mỹ như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. “Bến không chồng” của Dương Hướng đi. Đấy là ví dụ thôi, họ viết thoải mái tự nhiên trong “cái ta” đó cũng có khối “cái tôi” đấy ạ.
– Các cụ nhà ta vẫn có câu “văn là người”, theo ông điều này có đúng không? Văn chương của ông và con người ông có giống nhau không?
Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Đúng mà không đúng. Giống mà không giống. ấy là đúng và là giống vậy.
– Theo ông văn chương có chủ nghĩa không (hiện đại, hậu hiện đại, tân hình thức…)? Điều cốt tử của một nhà văn và của một tác phẩm văn học là gì?
Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Ồ, sao mà bắt bớ nhau vậy? Các cái chủ nghĩa là do các nhà lý sự chủ nghĩa họ lý sự ra nó chứ nhà văn thời nghĩ cắc cớ ngoằn ngoèo lôi thôi rắc rối ba cái con chữ làm gì chứ? Điều cốt tử của một nhà văn là viết văn, tức là sáng tác, tức là kể chuyện sao cho người ta tin đó là sự thật. Cũng như ứng xử ở đời, không thật thì có nói giời nói bể người ta cũng không tin.
– Theo nhận xét của cá nhân ông, thế hệ các nhà văn chống Mỹ và các nhà văn trẻ bây giờ có ưu điểm nhược điểm gì?
Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Tôi thấy ưu điểm của anh này không bù đắp được cho anh kia. Vì thế theo tôi, anh nọ muốn làm anh kia sẽ không đời nào làm được. Thế nên, cứ yên tâm đi, thế hệ nào cũng sẽ có nhân vật của riêng mình. Lo hết phận mình là lo cho cuộc sống chung. Đi hết cái tôi sẽ gặp nhân loại.
– Với người cầm bút, họ luôn luôn nói rằng cần phải làm mới mình, nhưng đọc tác phẩm của ông vẫn thấy một kiểu viết đó và nó đã làm nên thương hiệu của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Ông có nghĩ rằng mình đã tìm ra đúng lối đi cho mình hay sẽ phải làm mới mình trong các tác phẩm sắp tới?
Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Cha sinh mẹ đẻ ra tôi đã thế này rồi. Ông Trời đã sinh ra cái tính của tôi nó xiên xiên xẹo xẹo, không làm gì nghiêm chỉnh được rồi. Cái mới dứt khoát không phải ở trong đề tài, cũng không phải thay đổi áo xống, thay đổi giọng nói mà nguỵ trang được. Chuyện tôi thay đổi trang phục phong thái vẫn lộ ra nguyên hình cái “chú bộ đội” bên trong bản chất của tôi đã khiến bà chủ quán cà phê kia “gọi đúng” sự thật. Viết văn mà làm văn quá là… phản văn. Thế đấy!
(Văn nghệ số 26/2013)