Nhiều năm đã trôi qua rồi nhưng chúng tôi vẫn không thể quên được cái ấn tượng đã có ở buổi lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Cung Thiếu Nhi Hà Nội năm đó. Các nhà văn lớp tiền chiến như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Anh Thơ… hồi này vẫn còn cả. Nguyễn Đình Thi lúc ấy là Tổng Thư ký Hội. Vào đầu buổi lễ long trọng, Nguyễn Đình Thi lên phát biểu ý kiến. Khỏi phải nói, con người đa tài ấy, với vóc dáng rất trẻ trung và một gương mặt nam nhi đẹp phong trần nghệ sĩ ấy, nói năng vừa tình cảm vừa hùng biện hấp dẫn thế nào! Tuy nhiên điều chúng tôi nhớ nhất lại là một chi tiết ở đoạn cuối của bài nói vo của ông, trong đó ông vừa nghẹn ngào vừa rơm rớm nước mắt nói rằng, bốn mươi năm qua ông đã có được những tháng ngày vô cùng hạnh phúc vì được sống trong tình bạn cao quý của các bè bạn văn chương. Ông rất yêu quý các bạn văn và mọi người đều yêu quý ông.
Chúng tôi nghĩ là ông nói thật lòng. Và vì vậy, chúng tôi không khỏi không nghi ngờ tính xác thực của cái thành ngữ văn nhân tương khinh bấy lâu vẫn lưu truyền trong nhân gian, thậm chí đã bị phép phúng dụ đẩy lên thành câu chuyện tiếu lâm tai ác về một tòa nhà nhiều tầng mới xây rất kỳ quặc là không tầng nào có hố xí; vì trong khi ở tầng 1 trẻ con đi ngoài bằng bô, thì tầng các nhà văn ở cũng vậy, do đồng nghiệp của họ đã là chỗ để họ xả chất thải rồi (!)
Không! Nguyễn Đình Thi đã nói đúng sự thật! Các nhà văn Việt Nam chúng ta sống với nhau có tình nghĩa bạn bè bạn thân thiết lắm chứ! Xin lấy một vài sự việc cụ thể làm luận cứ.
Lúc này là những năm đầu thập kỷ bốn mươi thế kỷ trước. Một chiều mùa hạ. Quách Tấn, tác giả tập thơ Một tấm lòng và Mùa cổ điển nổi tiếng, đang ở số nhà 21 đường Bến Chợ Nha Trang thì nghe tiếng gõ cửa. Mở cửa, ông nhận ra Chế Lan Viên vừa tới, mặt đầy hân hoan, vai vắt tấm áo veston trắng, tay xách chiếc va ly nhỏ. ủa, có việc chi gấp mà Chế Lan Viên từ Bình Định xa xôi vô đây? Có việc gấp đó! Chế nói rồi từ từ ngồi xuống, thở một hơi thật thanh thoả và tiếp:
– Quách Tấn ơi! Số là thế này. Giờ đây, Hoan mới nhận thấy cái hay trong bài Qua Sơn của Tấn mà khi giúp Tấn làm tập Mùa cổ điển, Hoan đã chê là kém thi vị. Đó là vì, hôm ấy Hoan lên lầu Cửa Đông Bình Định. Trưa nắng. Bốn phía người qua lại rộn ràng. Một mình sống trong tịch mịch, Hoan mới cảm thấy vị đắng đời người. Và thế là bài Qua Sơn của Tấn liền xuất hiện trong tâm trí. Hoan rung cảm và bâng khuâng nhớ Nha Trang quá. Rồi chợt nghe còi tàu hoả xa huýt. Thế là Hoan vội về nhà, bỏ vội quần áo vào va ly và thưa cùng bà cụ: “Mẹ, con vào anh Tấn”. Còn bà mẹ thì vui vẻ cấp tiền lộ phí ngay. Tấn ơi! Thơ tuyệt cú của Tấn còn cao hơn bát cú một bậc! Qua Sơn hay lắm! Cảm động quá, Quách Tấn chỉ còn biết ôm lấy thi sĩ họ Chế, rưng rưng: – Trời! Cất công vượt cả trăm cây số đường trường tới bạn để khen bạn một câu! Chuyện này hy hữu từ cổ tới kim đó, Chế à!
Chắc hẳn nhiều người đã biết chuyện, được Hàn Mặc Tử khen ngợi, Bích Khê nổi hứng lao vào sáng tác, viết ào ạt vội vàng. Cuối năm ấy, hoàn thành một tập thơ, Bích Khê lập tức gửi ra cho bạn, nhờ đọc giùm. Thất vọng, Hàn Mặc Tử gửi trả Bích Khê tập thơ và một lá thư với những lời chê trách hết sức nặng nề. Nhận được thư của Hàn, sững sờ tê tái, đau khổ, Bích Khê bèn xé nát bản thảo tập thơ, và quyết tâm làm lại mình, trở thành một thi sĩ thật sự. Cuối năm 1931, Tinh huyết được xuất bản, gây nên một tiếng vang lớn trong dư luận, tạo nên một thành công lớn của Bích Khê. Có người nói: Lời chê của Hàn Mặc Tử đã làm bật nảy thiên tài tiềm ẩn ở trong Bích Khê!
Thú thật là nghe một vài nhà lý luận phê bình ngày nay chê văn Lê Văn Trương, chúng tôi cứ nghĩ ông nhà văn này sống chắc là cô độc với bạn bè cùng thời lắm. Hóa ra không phải! Qua hồi ức của các nhà văn đương thời thấy ông nhà văn chủ trương triết lý người hùng, lại thêm vóc người đô lực sĩ này thật sự là một con người rất khiêm nhường và quý trọng bạn bè. Căn nhà lá lợp ông thuê ở Ngã Tư Sở luôn quần tụ anh em văn hữu, được anh em gọi là Chiêu anh quán, hoặc Lương Sơn Bạc, và ông thường được tôn là Tống Công Minh có tấm lòng bao dung rộng rãi. Những ngày trong túi có món tiền bán sách là ông lập tức gọi các bạn văn đến nhà, cơm rượu suốt đêm ngày, cầm bằng như đốt bạc. Chuyện kể rằng, một buổi chiều cuối đông áp Tết, các nhà văn nghèo họp mặt nhau uống rượu suông ở nhà Thâm Tâm. Trần Huyền Trân nâng cốc rượu, nhìn Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Lê Văn Trương… cùng một lớp văn hữu nghèo kiết, rơm rớm lệ, mà ngâm mấy câu thơ ứng khẩu: Thôi thế anh về yên xóm cỏ/Xứ nghèo đã cỗi gốc yêu thương/ Nhớ nhau vẩy bút làm mưa gió/ Cho đống xương đời được nở hương. Nghe xong bốn câu thơ nọ, Lê Văn Trương tưởng sắt thép, gan góc, ngang tàng vậy mà cũng tràn nước mắt, cúi đầu, giấu một tiếng thở dài.
Cảm động làm sao khi biết rằng, Thế Lữ, vị tổ khởi đầu của Thơ Mới đã sẵn sàng lui lại một bước để trân trọng giới thiệu thi sỹ trẻ Xuân Diệu đăng quang vị trí chủ soái của văn đàn
Hồi ký sóng đôi, là cuốn hồi ký thể hiện tình bạn rất hiếm hoi của Huy Cận và Xuân Diệu. Huy Cận cho biết: Tính thời gian ra thì đúng lúc Xuân Diệu mất, 19 giờ 40 phút giờ Hà Nội ngày 18 tháng 12 năm 1985, tức 12 giờ 40 cùng ngày theo lịch nước Xênêgan, trên diễn đàn Hội nghị tổ chức Hợp tác văn hoá và kỹ thuật khối Pháp ngữ ở Đắcka, thủ đô Xênêgan, thì ông bỗng rùng mình, rồi sau đó máu cam từ hai bên mũi cứ thế đổ ra.
Gặp nhau năm 1954, sau cuộc kháng chiến chống Pháp, từ đó gắn bó với nhau thành bộ ba nhà thơ, chẳng có vườn đào mà kém chi đào viên kết nghĩa. Đó là ba nhà thơ Quang Dũng, Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện. Ba người ba cá tính. Trần Lê Văn hóm hỉnh. Quang Dũng lãng tử. Ngô Quân Miện cẩn trọng. Hợp lại, cả ba đều quý đức, trọng tài của nhau, suốt đời yêu thương giúp đỡ nhau. Hành trình một ngày rỗi rãi của họ thường là: Ngô Quân Miện từ 54 Bà Triệu, tạt sang Trần Lê Văn ở 47 Hàm Long, rồi kéo xuống 82 Bà Triệu thăm Quang Dũng. Và tan cuộc chia sẻ tâm tình, ứng tác thơ phú, bên chén rượu suông, bát nước chè xanh, củ khoai lang đạm bạc là hành trình ngược lại. Thú vị thay! Ngày 13-10-1987, Quang Dũng mất, Trần Lê Văn dù ốm yếu cũng bỏ sức gắng công sưu tầm, tuyển chọn giúp bạn in tuyển tập thơ dày 400 trang. Trần Lê Văn mất ngày 22. 4. 2005. Ngô Tiên sinh lúc này cũng đã 82 tuổi, mắt đã mờ, chân đã yếu. Nhớ hai bạn thơ đã mất, ông thường tâm sự: Rồi một ngày không xa lắm nữa, tôi sẽ đi gặp hai ông Văn và Dũng. Rồi ở dưới ấy chúng tôi lại trò chuyện, tâm sự, và làm thơ, viết bút ký in chung sách với nhau. Nghĩa là đi đâu cũng có nhau. Nghĩ thế mà thấy vui, chứ không buồn!
*
Ô tô quân sự cắm lá nguỵ trang đậu một dãy dài ở trên con đường mang tên Nam Bộ, trước Công viên Thống Nhất, đã bắt đầu nổ máy. Mấy hồi còi dài giục giã. Vài bóng lính áo quần xanh rêu vội vã bíu thành xe. Những cánh tay vẫy vẫy tiễn biệt. Lưu Quang Vũ không được ra trận đợt này. Lòng xôn xao sau tiễn biệt bạn, trở về căn nhà số 96 Phố Huế, Vũ gieo mình xuống chiếc giường nhỏ. Thì bỗng có tiếng gõ cửa. – Ai đó? – Tôi đây. Có phải anh là Vũ? – Vâng. Tôi là… Ló vào một gương mặt thầy giáo nghiêm ngắn và cởi mở, tay cầm một gói giấy báo nho nhỏ, vuông vức. – Bác là… – Anh không biết tôi đâu. Mà tôi thì cũng chỉ biết tên anh qua các tác phẩm kịch. Số là tôi đang đi ở Ngã Tư Vọng thì gặp một đoàn bộ đội hành quân. Và từ trong đoàn quân, một anh bộ đội tọt ra, như vồ lấy tôi, đưa cho tôi cái gói này, nói: “Nhờ bác đưa hộ cháu theo địa chỉ ghi ở ngoài bao giấy này.” Anh xem có phải là gửi cho anh không? Lưu Quang Vũ đón bọc giấy báo, bên ngoài đề vẻn vẹn mấy chữ: “Vũ, 96 phố Huế.” Hấp tấp mở bọc giấy ra rồi nhà thơ đứng lặng. Và để mặc hai hàng lệ từ mắt trào ra, tràn xuống má. Nguyễn Khắc Phục! Nguyễn Khắc Phục đã lên đường ra mặt trận. Được phát ít phong lương khô, thương Vũ ở nhà thiếu thốn, san sẻ ít phong gửi cho Vũ. Có cử chỉ yêu thương bạn bè nào sánh kịp sự kiện này!
Nguyễn Khắc Phục là thế! Thương yêu, chia sẻ với bạn bè là bản tính anh. Anh có một người bạn tên Lâm làm thơ rất hay. Đột ngột bạn anh mất vì tai biến mạch máu não. Quý trọng bạn, thương bạn, anh và một người nữa tận tình tận lực trong việc xin giấy phép, in ấn để đúng 49 ngày mất của bạn, tập thơ của bạn được đặt trên bàn vong thờ bạn. Phạm Tiến Duật mắc bệnh hiểm. Đích thân Nguyễn Khắc Phục cặm cụi sưu tầm, biên soạn các tác phẩm thơ văn của Phạm Tiến Duật, in thành tuyển tập dày cả nghìn trang, kịp thời trang trọng đặt lên ngực thi sĩ tài năng này, trước phút anh đi xa.
Lịch sử sẽ còn ghi dấu nhiều tình bạn cao quý của rất nhiều nhà văn với nhau. Bùi Ngọc Tấn và Nguyên Bình. Lê Bầu và Vũ Bão… Gần đây, sau khi Trần Hoài Dương mất, các bạn anh ở thành phố Hồ Chí Minh đã gom góp công sức và tiền của để in một cuốn sách tưởng niệm anh. Nhiều, nhiều lắm những tình bạn cao quý của nhà văn với nhau. Nhà văn không thương yêu nhà văn thì thương yêu ai!
*
Tuy nhiên, con người thì ở đâu cũng vậy thôi! Nó có đủ cả nết tốt và thói xấu. Người làm nghề văn không khác. Ai mà chẳng có niềm tự tôn về mình. Chẳng xấu gì nếu tám chín trăm nhà văn thì có lẽ cũng từng ấy cái ảo mộng vĩ cuồng. Mỗi kẻ mang danh hiệu cao quý này, nói không ngoa đâu, đều hình thành cho mình một khái niệm về bản thân và thường là tự ái kỷ, tâng nịnh mình. Mà người xưa đã nói, đức nhỏ mà muốn ngôi cao, tài nhỏ mà muốn làm việc lớn, chính là cái mầm của hoạ lục đục vậy.
Chưa kể, khác nhau trường phái, quan điểm học thuật. Chưa kể có lúc chịu sự chỉ huy, chi phối của chiếc gậy vương quyền, đến mức phân chia chiến tuyến đối lập nhau. Trong khi đó cái nghề bút mực nghe ra thì có vẻ loàng xoàng này, đâu có ngờ lại là nơi chốn mang lại cái danh vọng ngầy ngà ghê gớm cho con người. Lạ là thế đấy! Đâu có phải chỉ có ở nước Nga Sa hoàng mới có thêm một Sa hoàng nữa là ông Lev Tolstoy. Dân mình nghèo khổ đến mức cơm chẳng đủ ăn, áo chẳng đủ mặc mà coi trọng văn chương có kém gì người. Nguyễn Du, Nguyễn Trãi là niềm tự hào của cả dân tộc, kém gì các vua chúa anh hùng tiên liệt. Như nước Đại Việt ta từ trước vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Đất nước mình hào hùng và văn vẻ sóng đôi. Nhà văn là lương tâm thời đại, là kỹ sư tâm hồn, là niềm ngưỡng mộ của toàn dân. Một tài năng văn chương là một tên tuổi sáng giá, một nhà tư tưởng, một con người của công chúng. Hơn nữa, một phát ngôn nhân của xã hội, một một kỳ vọng của cuộc đời. Vinh dự là mỹ danh cho các đường phố, tổ chức xã hội từ lâu đã thuộc về Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… và gần đây là những Trần Mai Ninh, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng… Đại hội nhà văn các kỳ là mối quan tâm sôi nổi của toàn xã hội. Nhất cử nhất động của nhà văn xấu tốt đều có sức lan tỏa sâu rộng.
Cuộc tranh đua tài năng do vậy gần như là một thuộc tính tự nhiên của cái nghề nghiệp này, cái nghề nghiệp chẳng ai phân công bó buộc anh, cái nghề nghiệp tự do tự nguyện. Sinh thời, F. Dostoyeski (1821 – 1881) có rất nhiều địch thủ. Nước Pháp quý trọng cả hai, nhưng nhị vị kỳ tài là ông B. Pascal (1623 – 1662) và ông R. Descartes (1596 – 1650) đâu có ưa nhau. Còn ở bên Tàu, mọi người hẳn đều đã biết, Đỗ Phủ rất không thích thơ Đào Tiềm. Trong khi đó, Âu Dương Tu rõ ràng là không ưa thơ Đỗ Phủ. Là một thuộc tính tiên thiên, bẩm sinh còn là do đã tồn tại một sự thực rất khắc nghiệt sau đây nữa. Văn chương hơn ở đâu hết lại là nơi sự chọn lọc diễn ra thật vô cùng khắt khe khắc nghiệt. Một thế kỷ qua, lựa đi lọc lại còn được bao nhiêu văn tài? Thêm nữa, một tác phẩm xuất sắc một khi đã xuất hiện, là lập tức có khả năng gây ra ảo giác làm lu mờ ngay những tên tuổi đang sáng giá nhất đương thời. Nghiệt ngã thay, thành công của người này dễ gây hiệu ứng làm bộc lộ sự kém cỏi, làm tủi hổ người kia. Thành ra gọi đây là nơi trường văn trận bút cũng có ý muốn nói về sự đua tài cùng nhau. Đua tài! Cuộc tranh đua thú vị này sao lại né tránh và sợ hãi nhỉ? Không! Đua tài là một động lực của cuộc sống chứ sao! Chỉ tiếc, cùng với đua tài là thói đố kỵ đã nảy sinh và trở thành một trạng thái tâm lý cố hữu của người bạn cùng nghề viết lách. Xuân Diệu có lần đã tâm sự: “Hễ thấy hai nhà văn ngồi với nhau, chắc chắn sẽ nói xấu người thứ ba, tôi thường lảng tránh”. Trả lời câu hỏi của một bạn đọc: Tại sao ông cứ tự tâng bốc mình thế? Maiakovski, nhà thơ Nga Xô Viết đáp: Người bạn trung học của tôi là Wiliam Shakepear luôn luôn khuyên tôi: Chỉ nói tốt về mình, còn cái xấu của mình đã có bạn bè nói hộ rồi.
Bạn bè đến với nhau lúc bạn thành công còn quý hiếm hơn lúc bạn gặp hoạn nạn. Với Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã làm được một vĩ nghiệp của đời ông. Ông đã tổ thành dàn đại hợp xướng một thời đại mới trong thi ca, bằng tầm bao quát vũ trụ, bằng tấm lòng bè bạn rộng mở, bằng khả năng thẩm định tiên thiên, và bằng tài năng của chữ nghĩa. Chữ nghĩa! Một lần nữa cũng nên nhắc lại lời Lỗ Tấn: Từ khi loài người sinh ra chữ thì quỷ thần trong núi cũng phải than khóc. Chữ! Vâng! Nhà văn, người có nhiều chữ. Nhà văn, triệu phú chữ. Bằng chữ nhà văn làm nên tác phẩm của mình. Nhưng tiếc thay cái vũ khí lợi hại này đồng thời cũng là cái quỷ biện của con người. Thôi, nói làm gì nhiều nữa câu chuyện đã hơn một lần nói đến trên trang giấy về sự không công bằng trong cuộc tranh đua tài năng giữa các văn hữu với nhau. Không còn là những nhóm bạn bè văn chương theo các chuẩn mực đạo đức nữa mà nhiều khi là tình trạng cánh hẩu cùng phe nhóm cộng đồng lợi ích riêng tư vào hùa bảo vệ bênh vực nhau. Ai hợp cạ với mình, ai có lợi cho mình, ai có tiền có quyền thì không tiếc lời nuông nịnh bốc thơm. Còn không thì tìm mọi cách để dìm dập chê bai. Cuộc đua tài hóa ra cuộc ganh tài. Chữ nghĩa đã vào trận ganh ghét tị hiềm. Thế đó! Vẫn biết rằng một tài năng văn chương trụ lại được trong sự thông đồng bén giọt là khó lắm! Nhưng, nghĩ về những chuyện đã qua, những vụ án văn chương, nhớ tới số phận thê thảm của một số bạn văn, những cơ nghiệp bị tan hoang, những thanh danh bị bại liệt, mà chợt giật mình, ừ thì có cái nguyên nhân là sự hẹp hòi thiển cận, thậm chí dốt nát hạn chế của một thời, nhưng nếu cùng với chúng lại có cả sự đố kỵ tài năng cá nhân nữa thì thật sự kinh khủng quá!
*
Huy Cận và Xuân Diệu là hai hạt đậu trong cùng một quả đậu, là đôi bạn thân thiết với nhau suốt cả cuộc đời. Tình bạn thắm thiết của họ có khác gì ruột thịt, bắt đầu từ thuở học trò, tới khi từ giã cõi đời, tính ra phải hơn nửa thế kỷ. Một ngày nọ, có người bạn Huy Cận bảo ông rằng:
– Này, ông Cận, ông thân với Xuân Diệu thế sao ông không góp ý với Xuân Diệu nhỉ?
– Góp ý với Xuân Diệu cái gì?
Huy Cận hỏi lại. Người bạn ông nói:
– Dạo này thấy Xuân Diệu ăn mặc có chiều cẩu thả thế nào ấy. Cái cổ áo sơ mi thì quăn queo. Cái quần thì……
Nghe đến đấy, hiểu rồi, Huy Cận đưa bàn tay xua nhè nhẹ, đáp:
– Tôi nói để anh hiểu nhé. Tại sao tôi lại không biết cái mà anh gọi là cẩu thả trong ăn mặc ấy của bạn tôi? Tôi và Xuân Diệu chơi với nhau cả mấy chục năm, những cái gọi là thói tật của bạn, tôi biết cả và biết kỹ lắm chứ! Nhưng anh thật sai lầm khi định bảo tôi góp ý cho Xuân Diệu. Thế anh tưởng đã là bạn bè thân thiết thì có thể tha hồ, thả cửa nói với nhau tất tần tật à? Nhầm to! Có một ranh giới tế nhị ở tất cả các câu chuyện đó, anh bạn. Và chính vì biết tôn trọng cái ranh giới tế nhị ấy mà tôi và Diệu giữ được tình bạn keo sơn với nhau bao nhiêu năm nay. Người ta sống với nhau cần phải hết sức chân thành, nhưng có những đường biên tế nhị không thể vượt qua. Vì chính nhờ nó mà anh còn là anh, tôi còn là tôi, nghĩa là, chúng ta cảm thấy mình được tôn trọng, yêu mến và biết tôn trọng, yêu mến bạn bè. Tôi nghĩ, quan hệ vợ chồng, cha con cũng vậy, có một khoảng cách tinh tế cần được giữ gìn đó, anh.
Cái hay của văn chương Tô Hoài khác cái hay của văn chương Nam Cao. Huy Cận, Xuân Diệu là một trái quả mà hai mùi vị. Sự khác biệt về tài năng là một thực tế. Người nhiều chữ hiển nhiên đâu có phải là người sử dụng chữ bất cẩn. Người nhiều chữ là người có hiểu biết, trọng lẽ phải. Người nhiều chữ, triệu phú chữ là người biết tôn trọng những ranh giới, những đường biên tế nhị! Nhà văn Bùi Bình Thi kể: Tôi có mấy đứa cháu học ở Anh – Mỹ vừa rồi về nghỉ hè. Chúng hay có những cuộc tranh luận với nhau. Kết thúc cuộc tranh luận, chúng thường nói: Bạn chỉ đúng một nửa! Tôi cũng chỉ đúng một nửa thôi. Đúng một nửa! ở đây không có ai là thua cuộc hoàn toàn. Không ai bị ai lấn át (Dĩ nhiên, ở đây xin loại trừ những trường hợp qúa lố bịch mà ai có chút trí tuệ cũng nhận ra). Chúng tôi đồ rằng đó là một kiểu tư duy, một phương pháp luận khoa học hiện đại của những ngày đang sống đây. Đúng một nửa! Đâu có phải thế là nhị nguyên, là trung dung. Đúng một nửa là thái độ thực sự cầu thị, là biết chấp nhận dị biệt, là cách ứng xử có văn hóa trong cái thế giới phẳng của chúng ta hôm nay. Là tinh thần phản bác sự hẹp hòi thiển cận, là tách ta ra khỏi cái duy ngã độc tôn, tự kỷ trung tâm. Không có cái duy nhất đúng. Khu vườn Nhật Bản thấm nhuần triết lý không có sự tuyệt đối, thay vì để du khách nhìn được toàn bộ sự vật, chỉ xếp có 99 viên đá thôi. Cái đẹp luôn phong phú hơn cái xấu. Thẩm mỹ có một cái khuôn vô cùng rộng rãi đủ cho mọi sáng tạo thỏa sức phát huy. Tóc vàng đẹp mà tóc đen cũng đẹp. Trong danh sách 10 nhà văn lớn của văn học Trung Quốc hiện đại, do một trường đại học Bắc Kinh đề cử, cạnh Lỗ Tấn, Ba Kim, Lão Xá, có cả Kim Dung. Bên cạnh nhau, chẳng ai làm tổn hại đến ai, trái lại. Cuộc sống đã phát triển phong phú đến mức không ai có thể vỗ ngực tự cho mình cái quyền duy nhất đại diện cho chân lý. Sống chung là cả một nghệ thuật. Quan hệ nhà văn với nhau là quan hệ tế nhị. Cái áo gấm sặc sỡ quý phái bao giờ cũng được phủ ngoài bằng một lớp áo sa mỏng tang cho khỏi lộ liễu. Đó là phong cách thẩm mỹ của người Việt mình. Đừng để mình quá chói lói bên bạn bè. Sống có nghĩa là để những người khác cùng sống với mình. Sống còn có nghĩa là chia sẻ tình nghĩa với bạn bè, đồng loại, sống là cho đi!
Văn chương là khu vườn hoa muôn hồng ngàn tía, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Tình bạn cao đẹp của các nhà văn cũng sẽ là một di sản tinh thần quý báu của nền văn học chúng ta. Và mong mỏi thì vẫn cứ là mong mỏi, mà mong mỏi là đúng, vì nhà văn là người giàu có về chữ nghĩa, tấm lòng, vì chẳng đã có câu văn dĩ hội hữu – văn để họp bạn, vì chẳng đã có các tấm gương bè bạn văn chương vô cùng cảm động đó sao, dẫu vẫn biết rằng, thiên tài là người hàng xóm của ta nhưng luôn luôn là một số phận cô độc. Đạo diễn điện ảnh Trung Hoa Trương Nghệ Mưu, một tên tuổi lẫy lừng tầm cỡ quốc tế đã từng nói: Tôi lớn lên trong tiếng chửi rủa của mọi người. Còn Giả Bình Ao, nhà văn đương đại Trung Hoa thì bảo: Nhà văn hai lần chết. Một lần vì sự lãng quên của bạn đọc. Một lần chết nữa vì sự đố kỵ của bạn bè. Dẫu mọi người đều đã biết, Dostoievski bản chất yếu ớt, ốm đau bệnh bật triền miên và luôn nghĩ đến cái chết. Năm 1877, Niékrasov chết. Đứng trong nghĩa trang dự lễ an táng Niékrasov, Dos bảo vợ: Khi anh chết, em hãy chôn anh ở nơi nào cũng được, nhưng hãy nhớ, đừng chôn anh ở nghĩa trang Volkov, trong khu vực văn học. Anh không muốn nằm cùng các địch thủ của anh. Khi sống, anh chịu đựng họ thế là đủ lắm rồi. Hơn ba năm sau, tháng 2 năm 1881, Dos mất. Tang lễ diễn ra đúng lời Dos dặn, bà Anna vợ Dos chôn cất ông ở nghĩa trang tu viện Alexandre đường Nevski, cạnh Jukovski, nhà thơ Dos vô cùng yêu quý, mất cách ông ba mươi năm trước.
Nguồn: Vanvn.net